HERACLITUS (HÊRACLIT)

Đỗ Minh Hợp

Viện Triết học - Viện Hàn lâm KHXH

Hêraclit, (khoảng 540 – 480 TCN) – nhà triết học, nhà tư tưởng tôn giáo, đạo đức, nhà tiên tri người Hy Lạp cổ đại.

Ông sinh ra tại thành phố Ephes nằm ở trung tâm Ionia, thuộc dòng dõi hoàng tộc. Song, Hêraclit khước từ quyền lực và địa vị sang trọng để dành nó cho người em, còn bản thân ông dành toàn bộ cuộc đời cho nghiên cứu vũ trụ. Nhân cách Hêraclit được phản ánh trong quyết định này của ông: cố ý bác bỏ các con đường mà thế gian đi theo, không chấp nhận cuộc sống và suy nghĩ quen thuộc. Hêraclit hai biệt danh là: “Khó hiểu” và “Lè nhè”, vì tác phẩm triết học quá khó hiểu của ông và vì ông than khóc con người tự huỷ hoại bản thân bằng cuộc sống ngu xuẩn. Hêraclit để lại tác phẩm duy nhất gồm có ba phần: về thế giới, về nhà nước, về Thượng đế. 

Vấn đề tồn tại đích thực là trung tâm của tư tưởng Hêraclit. Cái gì ở trong cái hiện hữu là thực tại đích thực, còn cái gì chỉ là vẻ bề ngoài, có kỳ vọng được gọi là tồn tại? Tính thực tại đích thực của cái hiện hữu thể hiện ở đâu? Những sự vật, hiện tượng, con người thực tại ở chừng mực nào? Các vấn đề này luôn hiện diện trong tư duy, định hướng và quyết định toàn bộ tiến trình lập luận của Hêraclit. Đây hoàn toàn không phải là vấn đề bịa đặt, không có quan hệ với con người, vì chỉ khi biết tồn tại đích thực, con người nhận được chỗ dựa quan trọng nhất cho cuộc sống của mình.

Thế giới bao quanh nhấn chìm con người vào những sự vật và những cá nhân, những quá trình và những tình huống đa dạng khó bao quát hết. Khái niệm “đa” của Hêraclit bao chứa tất cả những cái hiện hữu đa dạng. “Đa” là thế giới hữu hình, cảm tính, đa dạng, có bản chất là “Nhất”. “Đa” chỉ là hình thức nhất thời, thường biến, không đích thực của tồn tại, có cơ sở của mình là “Nhất”. Hêraclit vạch trần vẻ bề ngoài hư ảo của tồn tại để phát hiện ra bộ mặt thực sự của nó. Đa hữu hình và Nhất vô hình. Hêraclit nói đến sự thống nhất tuyệt đối của “tồn tại thầm kín”, coi nó là Thượng đế. Theo ông, quan niệm đa thần giáo là sai lầm, chỉ có một Thượng đế duy nhất, đưa con người đến gần với Thượng đế là mục đích của triết học, vì đây là Thực thể thông thái – Trí tuệ điều khiển toàn bộ vũ trụ. Tương tự, tất cả các luật chi phối cuộc sống của con người có cội nguồn của mình là một luật – thần luật. Hêraclit không quan niệm cầm quyền tốt nhất là cầm quyền của một người (quân chủ), mà tin tưởng cái Tốt nhất cần phải cai quản, hành động như một ý chí thống nhất. Ông coi cái Tốt nhất ấy là luật công minh và sáng suốt, vì nó mà công dân được kêu gọi chiến đấu như vì quê hương thân yêu. Nhân cách riêng của mình là thần linh của con người. Song, tính chất sinh hoạt của con người cản trở số phận chân thực ấy hiện thực hóa. Hêraclit so sánh dòng chảy của cuộc sống với dòng chảy của con sông. Mỗi người đều bị nhấn chìm vào dòng chảy của cuộc sống, những loại nước khác nhau thường xuyên đổ vào đó. Câu cách ngôn nổi tiếng của Hêraclit “không thể hai lần tắm trên một khúc sông” đã trở thành biểu tượng về tính thường biến và không thể đảo ngược của tồn tại, trong khi sự thống nhất và tự đồng nhất của tồn tại là chân lý của tồn tại. “Tắm trên dòng sông” có nghĩa là “cái Ngã” của con người bị nhấn chìm xuống dòng chảy của những ấn tượng và những tình huống sống kéo theo và không ngừng để lại dấu vết của mình. Để tồn tại đích thực, sống theo chân lý, con người cần phải tự tách mình ra khỏi dòng chảy ấy, không cho phép nó chi phối, đồng hóa mình. Cần phải giữ lại sự đồng nhất với bản chất thực sự của mình trong tính đa dạng của tồn tại thế tục của mình.

Song, vấn đề số phận con người không dừng lại ở quyền lực của thế giới ngoại tâm đối với bản chất con người. Con người không nhận thấy chân lý của tồn tại, vì họ bị nhấn chìm vào những ý kiến của mình và làm tù nhân cho chúng. Ẩn dụ nổi tiếng của Hêraclit về thế giới như logos xuất hiện ở đây. “Logos” ở Hêraclit là “luật”. Toàn bộ vũ trụ được thâm nhập bởi một bản nguyên thống nhất (logos – luật). Con người không nắm bắt nó theo tồn tại chân thực của nó, mà một cách tuỳ tiện, từ đó là những sai lầm và trớ trêu của cuộc đời. Với tư cách “logos” được hiểu đúng, thế giới là “Nhất”, còn bị đọc và nghe sai là “Đa”. Do vậy, thông thái là hiểu vạn vật là Nhất. Hêraclit vạch rõ nội dung của tồn tại đích thực thống nhất này nhờ ẩn dụ triết học quan trọng – “Lửa”. Ông biểu thị “Nhất” bằng danh từ Lửa, song không phải là theo nghĩa đen, mà là “nhiệt huyết, nhiệt tâm, nghị lực”. Với ông, nó trở thành biểu tượng cho tồn tại thuần tuý, vĩnh cửu, tự đồng nhất, vô tận. “Lửa” này khác với lửa tự nhiên ở chỗ nó có ý thức và ý chí, đại diện cho công bằng tối cao và là Quan tòa hung dữ trừng trị những kẻ phạm tội ở ngày tận thế, do vậy Hêraclit dùng tên gọi của vị thần tối cao ở người Hy Lạp – Thần Zeus để đặt tên cho Lửa của mình. Logos là sự hiện thực hóa bản chất của Lửa như công bằng tối cao thâm nhập thế gian. Ông nói tới hai con đường của vũ trụ: “đi xuống” và “đi lên” như tách ra xa và tiến đến gần Thần linh của con người và vũ trụ, như sự thống trị hữu hình của “đa” và thống trị vô hình của “nhất” – Lửa, Tồn tại tối cao và đích thực thống nhất. 

Quan niệm vũ trụ luận này của Hêraclit chỉ ra đường đời của con người. Tâm thần của mỗi người đang sống thuộc về thế giới “lạnh” và “chết” hữu hình, do vậy “ẩm ướt”, bị lấp đầy bởi những ấn tượng. Nước xéo nát tâm thần, “làm cho các tâm thần bị diệt vong”. Khác với Thales, nước ở Hêraclit đe dọa, thủ tiêu hô hấp, do vậy biểu tượng cho sự chết. Lý giải này gắn liền với vấn đề giải phóng tâm thần. Sự ẩm ướt của tâm thần cho thấy nó bị thế giới “Đa” đồng hóa và do vậy bị chết. Cần phải khắc phục sự ẩm ướt bằng cách làm cho nó gần gũi với Lửa thiêng, vì tâm thần khô là tâm thần thông thái và tốt nhất, tức là sống theo quy luật của Nhất.

Hêraclit đề cập đến các vấn đề đạo đức và chính trị – xã hội nhiều hơn các vấn đề khoa học tự nhiên. Ông nói tới những vấn đề về chiến tranh, tự do và nô lệ, polis (thành bang) và luật của nó, v.v., song các luận điểm của ông mang cả sắc thái vũ trụ luận và bản thể luận. Ngôn ngữ rất kỳ quặc và mâu thuẫn của ông đưa ông đến gần với những lo âu cấp thiết của con người: sống để làm gì và nên sống như thế nào, chiến tranh và hòa bình là gì, có công lý hay không? Hêraclit nói về thế gian như “ngọn lửa sống vĩnh hằng”, qua đó nâng con người vượt lên trên cấp độ phàm tục và hướng nó lên cái vĩnh hằng. Nói cách khác, tồn tại tự chủ của con người là tồn tại trước tính vĩnh hằng, chứ không phải trước tính nhất thời. 

Tài liệu tham khảo

  1. Đặng Hữu Toàn, Học thuyết về nhận thức trong triết học Hêraclit, Tạp chí Triết học, số 7, 2003.
  2. Bernard Monrichère và Nhóm giáo sư Triết học các trường đại học Pháp, (Biên dịch: Phan Quang Định), Triết học phương Tây từ khởi thủy đến đương đại, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2010.
  3. Phạm Văn Đức, Vấn đề kế thừa và phát triển những tư tưởng về qui luật trong triết học cổ đại Hy Lạp, Tạp chí Triết học, số 3, 1992.
  4. Đặng Hữu Toàn, Khái niệm “logos” trong triết học Hêraclít, Tạp chí Triết học, số 4 (131), tháng 4-2002.
  5. Đặng Hữu Toàn, Triết học Hêraclít và phép biện chứng của ông dưới nhãn quan của các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tạp chí Triết học, số 2 (153), tháng 2 – 2004.
  6. Đặng Hữu Toàn, Lửa – Bản nguyên vật chất đầu tiên và duy nhất của vũ trụ trong triết họcHêraclít, Tạp chí Triết học, số 05 (168), 2005.
  7. Đỗ Minh Hợp, Lịch sử Triết học phương Tây, (Tập 1, 2),Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014.

Bài liên quan

Bài đăng mới