1. Mở đầu
Sự phát triển của xã hội bắt nguồn từ sự phát triển của gia đình, bởi gia đình là “tế bào của xã hội”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt” [10, tr.300]. Vì vậy muốn xây dựng xã hội trước hết phải chăm lo xây dựng gia đình. Gia đình là nơi mà trong đó các thành viên đối xử với nhau bằng nghĩa tình, trách nhiệm và lòng yêu thương. Gia đình có hệ thống quy tắc, chuẩn mực đạo đức để điều chỉnh hành vi ứng xử giữa các thành viên theo các mối quan hệ vợ – chồng, cha mẹ – con cái, anh chị – em…, những nguyên tắc chuẩn mực đó tạo thành hệ giá trị gia đình. Hệ giá trị gia đình được xây dựng để duy trì sự ổn định và phát triển của gia đình, đồng thời là cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của xã hội, là nền tảng xây dựng hệ giá trị xã hội. Vì vậy, từ trước đến nay, vấn đề gia đình, hệ giá trị gi đình rất được Đảng và nhà nước quan tâm, chăm lo xây dựng. Trong điều kiện hiện nay, việc nghiên cứu hệ giá trị gia đình và vai trò của nó với xã hội là hết sức cần thiết, nhằm xây dựng gia đình và xã hội ngày càng tốt đẹp, ấm no, giàu mạnh.
2. Nội dung
2.1. Gia đình và vai trò của gia đình đối với xã hội
Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức” Mác – Ăngghen cho rằng: “Hàng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi, nảy nở – đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình” [8, tr. 41]. Pháp luật của Việt Nam cũng xác định: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau” [7].
Đối với mỗi quốc gia thì gia đình được coi là “một tế bào xã hội có tính sản sinh”, sức mạnh trường tồn của quốc gia, dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào sự tồn tại và phát triển của gia đình. Nói về tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển của xã hội, Ăngghen viết: “Theo quan điểm duy vật, nhân tố quyết định trong lịch sử, quy đến cùng, là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trực tiếp. Nhưng bản thân sự sản xuất đó lại có hai loại. Một mặt là sản xuất ra tư liệu sinh hoạt: thực phẩm, quần áo, nhà ở và những công cụ cần thiết để sản xuất ra những thứ đó; mặt khác là sự sản xuất ra bản thân con người, là sự truyền nòi giống. Như vậy, trình độ phát triển của xã hội một mặt là do trình độ phát triển của lao động, mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình” [9, tr. 44].
Gia đình là một xã hội thu nhỏ, nơi đó chứa đựng những quan hệ hôn nhân và huyết thống, nơi mỗi người sống trong tình yêu thương ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi, nơi trú ẩn bình yên trước những giông bão của cuộc đời. Nơi lưu giữ những giá trị đạo đức tốt đẹp của các mối quan hệ thân thiết. Gia đình là một tế bào cơ bản và tự nhiên cấu thành nên cộng đồng xã hội, giáo dục gia đình là nền tảng cho sự hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân, là nền tảng xây dựng đạo đức xã hội.
Ở hầu hết các nền văn hoá, gia đình được coi là giá trị nền tảng. Những khuôn mẫu, chuẩn mực, phương thức ứng xử của các thành viên trong gia đình vừa tạo nên cái “trường văn hoá” trong gia đình, vừa chịu sự chi phối của môi trường văn hoá xã hội bao quanh nó. Con người không chỉ cần môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, mà còn cần môi trường văn hoá để phát triển. Môi trường văn hoá bao gồm: hệ thống giá trị, các truyền thống được tập trung trong các phong tục, tập quán của cộng đồng, nhằm phối hợp điều hoà kiểm soát cuộc sống, lối ứng xử của các thành viên gia đình, gia tộc và cộng đồng. Từ trong cái nôi, tổ ấm, trường học đầu tiên và suốt đời của mình là gia đình, con người được hình thành nhân cách và phát triển nhân cách, trở thành con người là trung tâm của sự phát triển, là chủ thể của lịch sử. Sự ổn định của gia đình là tiền đề của sự ổn định, phát triển, văn minh, giàu mạnh của xã hội.
Trong bài nói chuyện tại Hội nghị dự thảo Luật hôn nhân và gia đình ngày 10-10-1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng đinh “Hạt nhân của xã hội là gia đình; chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý đến hạt nhân cho tốt” [10, tr. 300]. Gia đình và xã hội có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại, nhưng trong quan hệ ấy gia đình là hạt nhân. Vì vậy cần quan tâm chăm lo xây dựng gia đình. Muốn xây dựng và phát triển xã hội phải bắt nguồn từ xây dựng và phát triển gia đình; xây dựng gia đình văn hóa, ấm no, hạnh phúc là cơ sở để xây dựng đất nước giàu mạnh. Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” trong đó khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước” [2]. Đảng ta luôn quan tâm công tác chăm lo xây dựng gia đình, xây dựng nền tảng của xã hội, coi gia đình là mục tiêu, động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Trong mỗi giai đoạn của lịch sử, cùng với sự vận động, biến đổi của đời sống xã hội, thì gia đình, hệ giá trị gia đình cũng có sự vận động biến đổi theo; có những giá trị, chuẩn mực cần có sự điều chỉnh để phù hợp, tránh lỗi thời, lạc hậu; có những giá trị chuẩn mực mới nảy sinh, cần phải xây dựng những giá trị chuẩn mực mới trên cơ sở kế thừa những giá trị truyền thống. Cần có sự tiếp nối giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại trong xây dựng gia đình hiện nay. Tuy nhiên, dù thực tiễn đời sống xã hội có nhiều đổi thay, nhưng vai trò quan trọng của gia đình đối với xã hội thì vẫn luôn không thay đổi: “Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước” [3, tr. 127].
2.2. Hệ giá trị gia đình và vai trò nền tảng của hệ giá trị gia đình đối với hệ giá trị xã hội
Nói tới giá trị là “muốn khẳng định mặt tích cực, mặt chính diện, nghĩa là bao hàm quan điểm coi giá trị gắn liền với cái đúng, cái tốt, cái hay, cái đẹp; là nói đến cái có khả năng thôi thúc con người hành động và nỗ lực vươn tới” [1, tr. 17]. Vì vậy, giá trị có vai trò rất quan trọng, giúp con người xác định mục đích, phương hướng cho hoạt động của mình, là mong ước, khát khao mà con người muốn vươn tới.
Theo GS Trần Ngọc Thêm: “Giá trị là những đánh giá của con người về các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái đó là cần, là tốt, là hay, là đẹp; hay đó chính là những cái được con người cho là chân, thiện, mỹ, giúp khẳng định và nâng cao bản chất người. Một khi những nhận thức giá trị ấy đã hình thành và định hình thì nó chi phối cách suy nghĩ, niềm tin, hành vi, tình cảm của con người” [12, tr. 38].
Trong gia đình, yếu tố vô cùng quan trọng, là sợi dây kết nối, là chỗ dựa tinh thần, chi phối cách suy nghĩ, niềm tin, hành vi, tình cảm giữa các thành viên để gia đình thực sự là tổ ấm, là cái nôi nuôi dưỡng cuộc đời của mỗi con người chính là hệ thống những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực đạo đức quy định trách nhiệm, bổn phận của các thành viên trong ứng xử hàng ngày, tạo thành hệ giá trị gia đình. Hệ giá trị gia đình là nền tảng thiết yếu, là mục tiêu quan trọng trong tổ chức xây dựng gia đình mà từ xưa đến nay luôn được coi trọng và đây cũng chính là cơ sở, nền tảng xây dựng hệ giá trị xã hội. Coi gia đình là một giá trị sống cơ bản, từ xưa gia đình Việt Nam đã đưa ra những quy định chặt chẽ có tính nguyên tắc quy định ứng xử trong các mối quan hệ của gia đình, như: cha mẹ nhân từ với con cái; con cái phải hiếu thảo với cha mẹ; vợ chồng tình nghĩa, thủy chung; anh chị em hòa thuận, nhường nhịn; em thì kính anh, anh thì nhường em. Các nguyên tắc, chuẩn mực này tạo thành hệ giá trị gia đình, hệ giá trị gia đình được thực hiện tốt là cơ sở để gia đình ổn định, phát triển và tạo nền tảng ổn định, phát triển cho cộng đồng xã hội.
Hệ giá trị gia đình không chỉ quan trọng, cần thiết với mỗi gia đình, mà còn “là nơi kết nối, gắn kết các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực, giá trị, tinh hoa văn hóa dân tộc”, góp phần duy trì sự ổn định, phát triển của xã hội. Góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy khát vọng sáng tạo, phát triển để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Vì vậy, hệ giá trị gia đình là nền tảng hình thành hệ giá trị xã hội. Nói về hệ giá trị gia đình Việt Nam, Đảng ta khẳng định: “Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước” [3, tr. 126 – 127]. Hệ giá trị gia đình, con người Việt Nam còn là đề cao truyền thống “uống nước nhớ nguồn” – một giá trị văn hóa tốt đẹp, bền vững của dân tộc. Đó là thái độ tôn trọng, hiếu kính, biết ơn, trân trọng đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Hệ giá trị này xuất phát từ đời sống xã hội, nền văn hóa bản địa của người Việt và sự tiếp biến văn hóa, hình thành nên một loại hình tín ngưỡng của người Việt “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên” hay còn gọi là “Đạo ông bà”.
Con người sinh ra từ gia đình, tiếp nhận sự giáo dục của gia đình trước khi bước ra xã hội. Môi trường gia đình ấm êm, hòa thuận, hạnh phúc; các giá trị chuẩn mực đạo đức nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa các thành viên được thực hiện tốt sẽ là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người, hướng con người đến giá trị nhân văn, nhân ái, giá trị chân – thiện – mỹ; hạn chế những xung đột, bất đồng, mâu thuẫn, đẩy lùi cái xấu, cái ác. Nền tảng gia đình vững chắc sẽ là cơ sở để hình thành những phẩm chất tốt đẹp cho con người khi họ trưởng thành; tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội. Hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc.
Trong điều kiện hiện nay, đứng trước sự biến đổi của tồn tại xã hội, ý thức xã hội cũng có những biến đổi theo. Cùng với sự phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, gia đình, chức năng của gia đình, hệ giá trị gia đình cũng có những biến đổi theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, nhiều gia đình vẫn duy trì, gìn giữ được các giá trị đạo đức tốt đẹp, gia đình vẫn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người. Gia đình vẫn là nơi mỗi thành viên sẽ tìm về khi có những buồn vui; nơi mà ở đó các thành viên luôn dành cho nhau sự kính trọng, yêu thương, chăm sóc, thấu hiểu và sẻ chia. Nhiều gia đình vẫn giữ gìn phát huy tốt các giá trị, chuẩn mực của đạo đức gia đình truyền thống; đồng thời hình thành, xây dựng những giá trị mới phù hợp với xã hội hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, dưới sự tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hóa, hệ giá trị gia đình cũng đang có những biểu hiện lung lay, đáng lo ngại. Nhiều giá trị gia đình truyền thống bị xem nhẹ, nhiều người vì lợi ích vật chất, chạy theo những đam mê, lợi ích cá nhân, vì tham vọng cá nhân mà đánh đổi danh dự, nhân phẩm của bản thân, gia đình, dòng họ. Có những gia đình không chú ý hoặc xa rời các giá trị đạo đức, mải mê làm ăn kinh tế, không quan tâm giáo dục con cái, phó mặc cho nhà trường và xã hội. Con cái lớn lên thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình, sự dạy bảo của ông bà cha mẹ dẫn đến lệch lạc về nhân cách, sa ngã, hư hỏng; điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, làm cho hệ giá trị gia đình lỏng lẻo, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đối với sự ổn định và phát triển của xã hội. Vì tranh dành lợi ích vật chất, một số gia đình anh em đã đẩy nhau vào cảnh lao lý, tù tội. Những hiện tượng con cái bất hiếu với cha mẹ, vợ chồng lừa dối nhau, anh em bất hòa đang xuất hiện không ít ở đâu đó… những điều này đang gióng lên hồi chuông báo động cho sự xuống cấp đạo đức xã hội nói chung, đạo đức gia đình nói riêng, làm cho hệ giá trị gia đình bị đe dọa.
Ở một số gia đình, quan hệ giữa các thành viên, các thế hệ trong gia đình đang có những khoảng cách, thậm chí có những xung đột. Thế giới ảo tác động nhiều vào các thành viên trong gia đình, không gian chung nhiều khi bị thu hẹp, thế giới riêng của mỗi cá nhân mở rộng, sự tương tác tiếp xúc trực tiếp theo kiểu truyền thống giữa các thành viên được thay thế bằng nhiều phương thức trên không gian mạng, qua điện thoại… dẫn đến sự gắn kết giữa các thành viên khó có thể thực hiện. Cha mẹ thiếu sự quan tâm đến con cái, con cái thiếu sự thấu hiểu cha mẹ, anh chị em thiếu sự quan tâm đến nhau, điều này đã dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng; cảm giác bị bỏ rơi của người già, cảm giác không được quan tâm của con trẻ, nhiều đứa trẻ rơi vào cạm bẫy, tội lỗi, phạm phải những hành động sai lầm không ngăn chặn kịp.
Mô hình gia đình truyền thống, “tam, tứ, ngũ đại đồng đường”, các thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, ứng xử với nhau có nề nếp, lễ nghi, phép tắc, có trên có dưới, kính trọng yêu thương theo các chuẩn mực đạo đức trong các mối quan hệ. Ngày nay, quy mô gia đình đang có sự biến đổi từ gia đình mở rộng theo kiểu truyền thống sang gia đình hạt nhân, gia đình khuyết thiếu,… điều này đã tác động đến việc giáo dục các giá trị gia đình cho thế hệ trẻ, tạo ra những thiếu hụt khó bù đắp.
Vì vậy, để không tạo ra những hệ lụy khôn lường cho đời sống xã hội, để tránh sự xuống cấp của đạo đức gia đình, đạo đức xã hội, để gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, để hệ giá trị gia đình phát huy được vai trò nền tảng trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, dân tộc; để tránh sự lệch lạc về hành vi ứng xử; tránh các tệ nạn xã hội, thì chúng ta cần phải nghiên cứu một cách toàn diện từ phương diện lý luận đến thực tiễn và tìm ra các giải pháp hữu hiệu để xây dựng hệ giá trị gia đình và phát huy vai trò của nó trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, dân tộc, làm cơ sở, nền tảng cho sự phát triển đất nước.
2.3. Yêu cầu xây dựng hệ giá trị gia đình hiện nay
Khẳng định tầm quan trọng của gia đình, hệ giá trị gia đình, Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” [4, tr. 223]. Xây dựng gia đình, hệ giá trị gia đình trong điều kiện hiện nay, cần phải có sự kế thừa biện chứng, tiếp nối truyền thống và hiện đại và cần: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình “ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, giúp đỡ người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa” [4, tr. 244].
Nhấn mạnh vai trò của gia đình, hệ giá trị gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống, duy trì các chuẩn mực xã hội. Văn kiện Đại hội XII xác định “Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và mỗi gia đình, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” [5, tr. 127]. Xây dựng môi trường văn hóa gia đình, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc là cơ sở, nền tảng để xây dựng xã hội giàu mạnh, văn minh.
Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng. Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên. Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hoá Việt Nam” [6, tr. 142]. Cần “thực hiện các chuẩn mực văn hoá gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ” [6, tr. 143].
Như vậy, qua thực tiễn phát triển của đất nước, qua quan điểm chỉ đạo của Đảng chúng ta có thể thấy rõ vai trò nền tảng của gia đình, hệ giá trị gia đình đối với sự phát triển của xã hội. Từ ý thức trách nhiệm đối với gia đình mà nâng lên thành trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, với Tổ quốc, với dân tộc. Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay cần vừa kế thừa những yếu tố tốt đẹp của truyền thống, bên cạnh đó, vừa phải tăng cường, bổ sung những nội dung giá trị đạo đức mới, đồng thời phải loại bỏ những nội dung không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội. Giáo dục về uống nước nhớ nguồn, nhân, nghĩa, trung, hiếu, lòng chung thuỷ, sự thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, trên kính, dưới nhường vẫn là nội dung cơ bản trong xây dựng hệ giá trị gia đình. Cần “Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” [6, tr. 262].
Nhấn mạnh về vai trò của gia đình trong sự phát triển xã hội và sự cần thiết xây dựng hệ giá trị gia đình trong bối cảnh mới, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc” [11, tr. 170-171].
Để xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong điều kiện hiện nay, cần nâng cao nhận thức cho mỗi người thấy rõ tầm quan trọng của gia đình đối với xã hội, nhận thức được xu hướng vận động biến đổi của gia đình trong điều kiện mới để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời.
3. Kết luận
Gia đình là hạt nhân, là tế bào cấu thành xã hội, gắn bó suốt cuộc đời của mỗi con người. Cùng với sự vận động biến đổi của đời sống xã hội gia đình cũng có sự biến đổi về quy mô, chức năng, hệ giá trị… nhưng ở thời đại nào thì hệ giá trị gia đình cũng là cơ sở, nền tảng của việc hình thành đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Việc nhận thức hệ giá trị gia đình và vai trò của nó trong xây dựng hệ giá trị quốc gia là hết sức cần thiết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng Sản Việt Nam luôn khẳng định vai trò, tầm quan trọng của gia đình trong sự phát triển nhân cách của mỗi cá nhân và sự phát triển của quốc gia, dân tộc, luôn quan tâm đến việc xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đảng ta luôn khẳng định sự ấm êm, hòa thuận, ổn định và phát triển của gia đình là một trong những nhân tố quan trọng cho sự ổn định và phát triển của đất nước. Hệ giá trị gia đình, hệ giá trị quốc gia, dân tộc có sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Muốn đất nước phát triển, muốn xây dựng hệ giá trị quốc gia tốt đẹp thì phải chú xây dựng nền móng vững chắc – hệ giá trị gia đình.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
- Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn Văn Huyên (đồng chủ biên), (2002) : Giá trị truyền thống trước thách thức của toàn cầu hóa, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Ban chấp hành Trung ương, Số 06-CT/TW, Chỉ thị của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”, Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2021.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 64, Nxb. Chính trị Quốc gia.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2011): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2016): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia.
- Đảng Cộng sản Việt Nam(2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật.
- Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2014): Luật hôn nhân và gia đình, được Quốc hội ban hành ngày 19/6/2014.
- C. Mác và Ph.Ăngghen (1995): Toàn tập, Tập 3. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- C. Mác và Ph.Ăngghen (1995): Toàn tập, Tập 21, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Nguyễn Phú Trọng (2022): Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Trần Ngọc Thêm (2016): Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.