– Thưa GS.TS. Trần Văn Phòng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh đến vai trò của phát triển con người toàn diện. Những chính sách cụ thể nào đã được triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển về tri thức, phẩm chất đạo đức và năng lực sáng tạo của người dân?
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển con người toàn diện, Nhà nước đã cụ thể hóa bằng những chính sách cụ thể để phát triển con người về tri thức, phẩm chất đạo đức và năng lực sáng tạo.
Cụ thể như: Quốc hội đã thông qua nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Thủ tướng dã ra các quyết định, nghị định, chiến lược như: Nghị định Số: 141/2020/NĐ-CP của Thủ tưởng Chính phủ ngày 8/12/2020 về cử tuyển đói với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; Quyết định số 569/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030”; Quyết định số 1909/QĐ-TTgngày 12/11/2021 Chính phủ ban hành phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, để thực hiện Chiến lược là phải xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Quyết định 177/QĐ-TTg ngày 14/2/2024 thành lập Hội đồng Quốc gia về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Quyết định 50/2007/QĐ-BGDĐT quy định về công tác giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên trong các Đại học; Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề. Chương trình 134 (Quyết định 134/2004); Quyết định 1672008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người nghèo; Quyết định số 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 của Thủ tướng chính phủ về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo. Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Quyết định Số: 569/QĐ-TTg, ngày 11 tháng 5 năm 2022 của Thủ tưởng Chính phủ về Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030,v.v..
– Theo quan điểm của GS.TS. Trần Văn Phòng, làm thế nào để cân bằng giữa việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và sự phát triển hiện đại hóa xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII?
Đây là vấn đề khó đối với mọi quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng để cân bằng giữa việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và sự phát triển hiện đại hóa xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xác định, nhận diễn rõ bản sắc văn hóa dân tộc là gì? Hiện đại hóa xã hội là gì? Trên cơ sở đó mới có cơ sở giải quyết mối quan hệ cân bằng này.
Thứ hai, phát huy vai trò của các chủ thể, nhất là nhân dân trong giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như hiện đại hóa xã hội.
Thứ ba, học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhất là kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc trong cân bằng giữa việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và sự phát triển hiện đại hóa xã hội.
Thứ tư, cụ thể hóa bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước để cân bằng giữa việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và sự phát triển hiện đại hóa xã hội.
– Vậy vai trò của hệ giá trị gia đình Việt Nam trong việc củng cố và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII là gì?
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24/11/2021, cũng xác định rõ những giá trị cốt lõi của gia đình Việt Nam: “Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”[1]. Các giá trị “Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” có mối quan hệ nhân quả nội tại với nhau.
Với những giá trị này thì hệ giá trị gia đình có vai trò là bệ đỡ cho việc củng cố và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bởi lẽ, gia đình cũng chính là dân tộc nhưng là dân tộc thu nhỏ. Các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc trước hết được tinh cất, lưu truyền, phát huy qua giáo dục gia đình.
Con người trước khi tiếp xúc với xã hội, dân tộc thì được nuôi dưỡng bởi các hệ giá trị văn hóa gia đình. Ngay cả khi con người đã trưởng thành thì gia đình vẫn là chỗ dựa, điểm tựa văn hóa, tinh thần cho con người phát triển.
Chính vì vậy, chỉ một gia đình “Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh” mới có thể là cái nôi củng cố và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc được.
– GS.TS. Trần Văn Phòng có thể cho biết, tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII có ảnh hưởng như thế nào đến việc định hình hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ hiện đại?
Chúng ta đều rõ, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”[2].
Nghĩa là Đại hội XIII lần đầu tiên xác định nhiệm vụ trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Trên cơ sở chủ trương, đường lối này, Nhà nước sẽ cụ thể hóa thành chính sách, pháp luật, chương trình nghiên cứu, xác định và xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam.
Điều này nói lên rằng Đại hội XIII đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc định hình hệ giá trị gia đình Việt Nam.
– Sự tương hỗ giữa hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị gia đình được thể hiện ra sao trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển bền vững đất nước?
Mặc dù còn phải nghiên cứu, thống nhất nhưng cơ bản có thể nhất trí Hệ giá trị quốc gia Việt Nam sẽ bao gồm các yếu tố “Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”[3]. Những thành tố này thì quốc gia, dân tộc nào cũng cần, cho nên nó vừa mang tính dân tộc vừa mang tính nhân loại. Ở đây chúng ta muốn nhấn mạnh các thành tố “Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”mang đậm bản sắc Việt Nam, là sự kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại.
Còn hệ giá trị gia đình gồm “Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”. Như vậy, giữa hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị gia đình có mối liên hệ với nhau và liên hệ với việc giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển bền vững đất nước. Bởi lẽ, hệ giá trị quốc gia như là đích đến phấn đấu của cả dân tộc, hệ giá trị gia đình là bệ đỡ cho việc xây dựng, bồi đắp giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển bền vững đất nước.
Vì gia đình là tế bào của xã hội cho nên bản sắc văn hóa của một dân tộc trước hết phải được lưu giữ, phát huy từ trong gia đình trên cơ sở định hướng của hệ giá trị quốc gia. Hơn nữa, gia đình có bền vững thì mới phát triển bền vững của một dân tộc, một cộng đồng xã hội.
– Sắp tới, chiến dịch truyền thông “Mẹ Việt Nam – Gia đình Việt Nam” do các đơn vị truyền thông phối hợp tổ chức với mục đích bảo tồn và phát triển văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó lấy việc phát huy giá trị văn hoá gia đình làm nòng cốt. GS đánh giá thế nào về ý nghĩa của chương trình trong thời điểm hiện tại?
Cá nhân tôi cho rằng đây là sự kiện rất quan trọng có ý nghĩa to lớn trong việc tôn vinh các giá trị văn hóa gia đình, trên cơ sở đó bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Bởi như chúng ta đã rõ bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy thông qua nhiều phương thức khác nhau nhưng thông qua tôn vinh, phát huy các giá trị gia đình là phương thức quan trọng nhất.
Bởi lẽ, các giá trị văn hóa gia đình là nơi hội đủ đầy đủ các giá trị văn hóa dân tộc, là nơi nuôi dưỡng, hun đúc lên hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị chuẩn mực con người. Không những vậy, thông qua giáo dục gia đình các giá trị văn hóa dân tộc mới được bảo tồn, gìn giữ, phát huy.
– Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của GS.TS. Trần Văn Phòng!
[1] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NxbCTQGST, H.2022; tr.170.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, NxbCTQGST,H.2021; tập I, tr.143.
[3] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, NxbCTQGST, H.2022; tr.171.