GS.TS. NGUYỄN NGỌC LONG: HÀNH TRÌNH TỪ MỘT GIÁO VIÊN TIỂU HỌC ĐẾN GIÁO SƯ, TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

Lương Hiền

Tậpđoàn Truyền thông Halotimes

1. Học và tự học

GS.TS. Nguyễn Ngọc Long sinh năm 1937 tại một làng quê đồng bằng Bắc Bộ, nay là thôn Nhân Vũ, xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên (sách Giáo sư Việt Nam xuất bản năm 2004, trang 695 in sai thành Quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ông sinh ra và lớn lên dưới mái ấm một gia đình nông dân lao động mang đậm tinh thần hiếu học của truyền thống dân tộc. Bố đẻ được gia đình gắng sức cho đi học “trường tỉnh” rồi làm nghề dạy học ở tỉnh Hà Nam, nhưng chẳng may mất sớm. Chính hoàn cảnh gia đình đã góp phần hun đúc trong ông từ thuở nhỏ những phẩm chất quý báu như lòng ham học, tinh thần tự học kiên trì và ước mơ trở thành thầy giáo nối nghiệp cha.

Những ước mơ, hi vọng ấy tưởng chừng bị dập tắt bởi tai họa chiến tranh, khi quân Pháp đánh chiếm miền Nam Hưng Yên. Ông nhớ lại: “Đó là vào đầu năm 1950, khi tôi mới 13 tuổi, chưa xong chương trình đệ nhất trung học. Trường học đóng cửa hết, một số bạn bè được đi học tiếp do gia đình có điều kiện cho đi sơ tán ra vùng tự do hoặc đi trọ học trong vùng địch. Tôi phải nghỉ học, tham gia lao động cùng gia đình. Hơn một năm sau đó, khi quê tôi trở thành vùng chiến tranh du kích, tôi được trưng dụng làm cán bộ văn phòng Ủy ban Kháng chiến – Hành chính xã Nguyễn Trãi. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi chỉ có thể thực hiện hành trình kiếm tìm tri thức cho mình bằng sự cố gắng và kiên trì tự học qua sách vở mượn được từ bạn bè và người thân”. 

Đầu năm 1953, để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của vùng mới giải phóng, Ty Giáo dục tỉnh Hưng Yên (nay là Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên) mở khóa Sư phạm cấp tốc, đào tạo giáo viên dạy lớp 3-4 phổ thông cấp 1 để tuyển sinh tiêu chuẩn học lực hết đệ nhị trung học (hệ thống giáo dục cũ, gồm 4 lớp từ đệ nhất đến đệ tứ hoặc tương đương). 

“Với nỗ lực học tập, rèn luyện tôi hoàn thành khóa học đạt kết quả xuất sắc với danh hiệu ‘học sinh gương mẫu’ và sung sướng hơn cả là khi nhận tờ Quyết định tuyển dụng làm giáo viên quốc lập từ ngày 15/7/1953,đồng thời với Quyết định bổ nhiệm làm Hiệu trưởng và dạy lớp 4 Trường Phổ thông cấp 1 xã Hồng Quang – một trường phổ thông cấp 1 lớn trong huyện quê nhà”, GS.TS Nguyễn Ngọc Long chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Ngọc Long – Nguyên Trưởng khoa Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

2. Dạy và học

Theo GS.TS. Nguyễn Ngọc Long, nếu như học và tự học đã tạo hành trang tri thức cho ông vào đời thành một thầy giáo trẻ thì cũng chính dạy học gắn bó với tự học là nguồn năng lượng cho hành trình từ một giáo viên trẻ đến một giáo sư, tiến sĩ triết học.

Qua những chặng đường, từ giáo viên cấp 1 thành giáo viên cấp 2 phổ thông, giáo viên phổ thông thành một giảng viên đại học, rồi một GS.TS Triết  học. Đó là hành trình học suốt đời cả khi đã nghỉ hưu ở tuổi thất tuần. 

Vào nghề khi còn rất trẻ, lại phải dạy lớp cuối cấp 1, ông luôn tự nhủ: “Phải ‘học nữa’ để dạy tốt. Chỉ có như vậy mới có được sự kính trọng của học trò và sự tin yêu của đồng nghiệp. Nhưng một kết quả khác đến ngoài mong đợi, đó là chất lượng dạy tốt với tỉ lệ vượt trội học sinh thi đỗ vào cấp 2 trường huyện, lại làm thành tiền đề cho bước tiến lên làm giáo viên phổ thông cấp 2”. 

GS.TS. Nguyễn Ngọc Long nhớ lại, năm học 1959-1960, để đưa miền Bắc bước sang giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngành giáo dục có bước phát triển mới. Trường Sư phạm cấp 2 Hưng Yên được thành lập để đào tạo giáo viên phổ thông cấp 2. Nhà trường tổ chức một khóa đặc biệt gồm một lớp khoa học tự nhiên (KHTN) và một lớp khoa học xã hội (KHXH). Học viên là những giáo viên cấp 1 có thành tích giảng dạy xuất sắc được cử tuyển bởi Ty Giáo dục tỉnh Hưng Yên. Thời gian đào tạo là 1 năm học, ra trường dạy cấp 2, sau đó sẽ học tiếp chương trình hoàn chỉnh vào 2 tháng hè 1961. 

“Tôi được vào học lớp KHTN và hoàn thành khóa học với kết quả là một trong hai học sinh có điểm tổng kết tất cả các môn học đều là điểm 5 (thang điểm Liên Xô), thi đỗ tốt nghiệp, rồi ra trường nhận nhiệm vụ mới”, ông cho biết. 

Tháng 8/1960, ông tham gia đoàn giáo viên cấp 2 tỉnh Hưng Yên đi phát triển giáo dục miền núi tại tỉnh Yên Bái được Ty Giáo dục Yên Bái cử làm Hiệu trưởng và đi mở một trường mới là Trường phổ thông cấp 2 xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên. Qua 5 năm xây dựng và phát triển trong phong trào thi đua “Hai Tốt”, năm học 1964 – 1965 Trường Cấp 2 Báo Đáp là đơn vị đầu tiên của ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái đạt danh hiệu Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa, ông được kết nạp vào Đảng và được cử đi học đại học. 

“Năm 1965 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp công tác giáo dục đào tạo của tôi, do sự thay đổi chuyên ngành đào tạo từ Sư phạm Toán – Lý tại Đại học Sư phạm Hà Nội, sang chuyên ngành Giáo viên Chính trị cho trường cấp 3, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp tại Trường Chính trị Bộ Giáo dục.

Thời gian đào tạo cũng là 2 năm như đa số các trường đại học thời ấy, nhưng chỉ tuyển sinh là đảng viên. Tỉnh Yên Bái được 2 chỉ tiêu, số được cử đi học đại  học năm ấy cũng chỉ có 2 đảng viên, trong đó có tôi đang là đảng viên dự bị. Lúc đó, tôi nhập học với tâm trạng khá buồn, không phải vì đó là khóa học đầu tiên trường phải sơ tán lên Bắc Giang, mà vì sẽ không còn được dạy các môn học mà tôi yêu thích là KHTN. Chương trình học có Triết học, nhưng rồi Triết học lại là môn học được hầu hết học viên chúng tôi thích học hơn cả. Bất ngờ hơn, tôi được Trường Chính trị giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Khoa Triết học, từ tháng 10/1967”, GS.TS. Nguyễn Ngọc Long kể lại. 

3. Nghiên cứu và giảng dạy Triết học

Gần 6 năm ở Khoa Triết học Trường Chính trị Bộ Giáo dục, ông được Khoa cho đi học lớp Nghiên cứu sinh Triết học khóa III tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung Ương. Sau 3 năm học, ông được giữ lại làm giảng viên của Khoa Triết học. 

Với việc bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Triết học tại Viện Hàn lâm KHXH thuộc Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Cộng sản Liên Xô cuối năm 1982, ông đã có thể vững bước hơn trên hành trình sự nghiệp giáo dục của một Giảng viên cao cấp. Ông trở thành Phó Giáo sư từ 1988, rồi Giáo sư Triết học năm 1996, đồng thời đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng khoa từ năm 1983, rồi Trưởng khoa Triết học (1987-1999) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thành viên nhiều nhiệm kỳ Hội đồng Chức danh GS, PGS chuyên ngành Triết học – Chính trị học – Xã hội học và Hội đồng Lý luận Trung Ương nhiệm kỳ 2001-2005.

Là một giảng viên, GS.TS Nguyễn Ngọc Long đã hướng dẫn thành công 17 luận án Tiến sĩ và một số luận văn Thạc sĩ, là chủ biên và đồng chủ biên một số giáo trình Triết học đã được sử dụng chính thức và rộng rãi cả trong và ngoài Học viện như: Giáo trình Triết học Mác-Lênin, Chương trình cao cấp; Giáo trình Triết học Mác-Lênin, dùng cho các trường Đại học và Cao đẳng (Đồng chủ biên); Triết học (Gồm 3 tập), dùng cho học viên Cao học không chuyên ngành Triết học (Đồng chủ biên)… Trong đó, bộ Triết học Mác-Lênin, Chương trình cao cấp, gồm 3 tập do ông là chủ biên, xuất bản lần đầu năm 1992, sau đó tái bản nhiều lần do được sử dụng rộng rãi cả trong và ngoài Học viện.

Những kết quả nghiên cứu khoa học, trong đó có những đề tài cấp Nhà nước do ông làm chủ nhiệm đã đóng góp bổ ích để nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đồng thời đóng góp vào công tác lý luận của Đảng, thực hiện đổi mới tư duy lý luận để nhận thức con đường quá độ lên CNXH ở nước ta.

Một số luận điểm về đổi mới thể chế chính trị trong bài “Mâu thuẫn giữa cơ sở kinh tế và thể chế chính trị – cái mắt xích chủ yếu của quá trình đổi mới hiện nay ở nước ta” của GS.TS. Nguyễn Ngọc Long đăng trên Tạp chí Cộng sản số 3-1989, được sự quan tâm rộng rãi, thậm chí cả sự phản ứng mạnh mẽ của một số nhà khoa học nơi ông đang làm việc. Thậm chí, một nhà nghiên cứu người Australia đã đề nghị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho làm việc với ông. 

Tuy nhiên, đến Đại hội VII quan điểm của GS.TS. Nguyễn Ngọc Long qua bài báo được xác nhận khi cho rằng: “Đồng thời với đổi mới kinh tế phải từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị…”. 

Một số luận điểm, ý kiến ở đề tài cấp Nhà nước KX.05-04 (1991-1995) của GS.TS Nguyễn Ngọc Long về hệ thống chính trị thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta cũng đã nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu. Ông từng đưa ra luận điểm rằng “Thực chất vấn đề quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN ở nước ta lại là phát triển tư bản với tính cách là khâu trung gian để đi lên CNXH” (Tạp chí Nghiên cứu lý luận, số 4-1992) hoặc kiến nghị  “Cần nhận thức sự khác biệt giữa sự quá độ lên CNXH ở nước ta với lý luận về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH trong học thuyết Mác-Lênin để tránh sai lầm giáo điều”, từ đó kiến nghị, thay cho thuật ngữ thời kỳ quá độ nên dùng thuật ngữ giai đoạn quá độ lên CNXH ở nước ta… 

Đảng Cộng sản cầm quyền và Nhà nước pháp quyền XHCN là những vấn đề to lớn của CNXHKH được sự quan tâm đặc biệt trong việc nghiên cứu triết học của GS. Nguyễn Ngọc Long. Từ quan điểm lịch sử, ông đi tới nhận định:  “Trong di sản học thuyết Mác-Lênin, vấn đề Đảng Cộng sản cầm quyền và Nhà nước pháp quyền XHCN đã được đặt ra nhưng chưa được làm sáng tỏ về lý luận và kiểm nghiệm trong thực tiễn. Vì vậy yêu cầu đặt ra ngày nay không chỉ là vận dụng sáng tạo mà phải tổng kết thực tiễn để xây dựng nên lý luận Đảng Cộng sản cầm quyền và Nhà nước pháp quyền XHCN”. 

Đề tài KX.08-09 do GS.TS Nguyễn Ngọc Long làm Chủ nhiệm, cùng Tỉnh Ủy Đồng Nai đồng tổ chức Hội thảo Khoa học-Thực tiễn tại tỉnh Đồng Nai

Nói về việc giảng dạy Triết học hiện nay, GS.TS Nguyễn Ngọc Long cho hay, thực tiễn đòi hỏi phải đổi mới hơn nữa việc giảng dạy và nghiên cứu triết học ở nước ta.

Một điều kiện đảm bảo thành công của quá trình đổi mới trong nghiên cứu và giảng dạy triết học là đứng vững trên lập trường thế giới quan duy vật khoa học, phát huy tinh thần cách mạng của phép biện chứng duy vật của triết học Mác, với tính cách là giá trị của thành quả tư duy triết học của nhân loại, đạt một mốc phát triển lịch sử bởi triết học Mác, chứ không phải đó là đỉnh cao tuyệt đối cuối cùng.

Hiện nay, đối với người giảng dạy, nghiên cứu triết học hay những người trẻ quan tâm đến Triết học, họ có những khó khăn riêng, nhưng cũng có những thuận lợi riêng. Người trẻ có một trong những lợi thế đó là trở nên cao hơn và có thể nhìn xa hơn khi “đứng trên vai” của thế hệ trước. Vấn đề là phải phát huy hơn nữa bầu không khí dân chủ cho sự tranh luận sôi nổi, mà người Hy Lạp cổ đại gọi tranh luận là “bố đẻ” của chân lý, như quá trình đổi mới tư duy lý luận được khơi lên như ĐH VI của Đảng đã làm. 

Bài liên quan

Bài đăng mới