GIÁO DỤC TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN QUÂN SỰ VIỆT NAM –  GIÁ TRỊ TRONG ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG CHO THẾ HỆ TRẺ HIỆN NAY

PGS. TS. Dương Quang Hiển & ThS. Nguyễn Văn Hùng

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.

1. Tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam là một trong những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc

Tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam thể hiện thông qua các tác phẩm, trước tác đối với tổ chức quân sự và hoạt động quân sự. Nghiên cứu tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam để tiếp tục khẳng định đó là một trong những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và có ý nghĩa đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩahiện nay. Tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam là những quan điểm, tư tưởng của giai cấp, chính đảng, nhà nước của danh nhân, danh tướng về bản chất, tính chất nhân văn trong tổ chức và hoạt động quân sự. Tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam gồm một số nội dung cơ bản đó là:

Thứ nhất, vì dân, vì con người, vì nước, vì dân tộc và vì giai cấp

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, trong tổ chức và hoạt động quân sự tất cả các cuộc khởi nghĩa đều nhằm giành lại quyền và lợi ích của nhân dân, trước hết là giai cấp nông dân cùng cực và đói nghèo trong một xã hội đầy biến động bởi chiến tranh và sự tranh giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến, sự áp bức, bóc lột của bọn địa chủ, cường hào. Nhiều danh nhân, danh tướng, đã đem quân giao chiến với quân thù, chiêu tập hào kiệt, dân chúng bốn phương, lập bản doanh, tìm lập con của vua lên ngôi, khởi dựng triều chính, đảm trách mọi việc quân binh của triều đình. Do tính chất chính nghĩa, tự vệ chính đáng của sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, nên lợi ích của nhân dân, của dân tộc và giai cấp có sự thống nhất với nhau đó là đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc, bảo vệ lợi ích của nhân nhân, lợi ích của dân tộc.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, nhiều danh nhân, danh tướng, giai cấp cầm quyền đã cần tập hợp mọi lực lượng tiến bộ, cách mạng thành một mặt trận rộng rãi, thực hiện thống nhất hành động dưới nhiều hình thức để chống kẻ thù chung, tuỳ tình hình cụ thể mà có hình thức đấu tranh phù hợp, kết hợp các hình thức đấu tranh đúng và khéo (đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị) để giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền, giành thắng lợi cho cách mạng. Điều đó cho thấy, danh nhân, danh tướng, giai cấp cầm quyền đã bằng nhiều cách khác nhau để bảo vệ lợi ích của nhân nhân, lợi ích của dân tộc.

Thực tiễn lịch sử cho thấy, nhiều danh nhân, danh tướng đã chiêu tập hào kiệt, dân chúng bốn phương, thành lập đội quân, quân đội để giao chiến với quân thù, hỗ trợ và bảo vệ quần chúng nổi dậy giành chính quyền bảo vệ lợi ích của nhân nhân, lợi ích của dân tộc mục tiêu luôn vì dân, vì con người, vì nước, vì dân tộc và vì giai cấp đó là một thành tố trong đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định con đường cách mạng bạo lực là con đường duy nhất phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đất nước Việt Nam lúc bấy giờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền” [12, tr. 391]. Đây là quan điểm, tư tưởng đúng đắn về cách mạng và đấu tranh cách mạng, phải dùng bạo lực để lật đổ giai cấp thống trị, giành chính quyền về tay nhân dân, đó là tư tưởng, hành động vì dân, vì con người, vì nước, vì dân tộc và vì giai cấp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như vậy, tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam luôn vì dân, vì con người, vì nước, vì dân tộc và vì giai cấp đó là một trong những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, quý báu của dân tộc ta.

Thứ hai, tự vệ chính nghĩa, nhân ái và nhân nghĩa

Tự vệ chính nghĩa, nhân ái và nhân nghĩa, đây là một nét nhân văn quân sự ở các thời kỳ lịch sử được biểu hiện ở quan điểm và lập trường của giai cấp, nhà nước thống trị, cùng lợi ích của nhân dân và đất nước. Triều đại, nhà nước nào trị vì trong tổ chức và hoạt động quân sự đều khẳng định rõ quyền tự vệ chính đáng, chính nghĩa, nhân ái và nhân nghĩa đáp ứng được tính chất và xu thế tiến bộ của thời đại, không chấp nhận những giá trị bảo thủ, lạc hậu và phản động. Nhiều triều đại, nhà nước, danh nhân, danh tướng, giai cấp cầm quyền đã bằng nhiều cách khác nhau luôn có lòng nhân ái và nhân nghĩa, yêu thương con người, tôn trọng, giúp đỡ, chăm sóc, bao dung con người, nhất là khi con người gặp hoạn nạn, khó khăn, mang đến cho con người một sự ấm áp, yêu thương ngập tràn trong cuộc sống.

Thực tiễn lịch sử cho thấy, Nguyễn Huệ (1753 – 1792),khi Ônglên ngôi Hoàng đế đã khẳng định rõ tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống quân Mãn Thanh xâm lược: “Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam phương Bắc chia nhau mà cai trị…Từ đời Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi” [13, tr.359]. Hay trước cảnh quân Thanh kéo quân xâm lược nước ta, vua Quang Trung đã phải đích thân kéo quân ra đánh đuổi chúng và giành được đại thắng lợi. Ngay cả khi đã giành được độc lập vẫn luôn phải tìm cách đối phó với các cuộc chiến tranh xâm lược hòng thôn tính nước ta đều nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, dân tộc và giai cấp. Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của nước Việt Nam. Dẫu có phải hy sinh đến nửa số dân tộc, ta cũng quyết hy sinh. Cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa của dân tộc Viêt Nam phải toàn thắng” [9, tr.90]. Điều này được khẳng định ở nhân tố chính trị, tinh thần trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ xuất phát từ niềm tin thắng lợi của quân và dân ta về cuộc chiến tranh tự vệ chính nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, chủ trương chiến lược, sách lược trong đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) đều thể hiện tính chất chiến tranh tự vệ chính nghĩa ở: Mục đích cuộc kháng chiến của ta là tự vệ chính nghĩa; Nội dung của đường lối kháng chiến và Quyết tâm kháng chiến của toàn thể dân tộc ta của Đảng ta. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975) là cuộc chiến tranh tự vệ chính nghĩa, do toàn dân tiến hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chống lại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Đồng thời, chúng ta thấy rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là một người cách mạng có ý chí và quyết tâm cao độ trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, mà Người còn có lòng nhân ái bao la, muôn vàn tình thương yêu với bộ đội, chiến sĩ, đồng bào, thương bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, những người đang từng giờ, từng phút chịu nhiều đau khổ và hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Như vậy, tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam luôn tự vệ chính nghĩa, nhân ái và nhân nghĩa đó là một trong những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, quý báu của dân tộc Việt Nam.

Thứ ba, dựa vào dân, gắn bó với nhân dân

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm các triều đại phong kiến, nhà nước ở nước ta đều dựa vào dân, gắn bó với nhân dân trong tổ chức và hoạt động của mình. Bởi vì, chỉ có dựa vào dân, gắn bó với nhân dân mới có đủ số quân và tạo dựng được điều kiện cần thiết của mỗi loại quân theo yêu cầu xây dựng quân đội. Các triều đình phong kiến đã tuyển quân từ những vùng đông dân, những xứ mà các triều đình kiểm soát được trong quyền lực của mình và dân chúng đã tin tưởng, ủng hộ chính quyền. Với tư tưởng lấy dân làm gốc, giữ nước là sự nghiệp của toàn dân, toàn dân đánh giặc đã làm cho tổ chức và hoạt động quân sự luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ, đồng thuận và giúp đỡ của nhân dân cả về nhân lực và vật lực, cả về vật chất và tinh thần. Nhất là khi đất nước có chiến tranh, có giặc ngoại xâm thì mọi người dân đều là lính, “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, nhân dân tham gia và gia nhập quân đội, cung cấp lương thực cho quân đội, phối hợp với quân đội để đánh giặc, tạo lên sức mạnh chính trị – tinh thần to lớn của cả dân tộc anh hùng.

Trong hoàn cảnh, dù khó khăn đến mấy nhiều triều đại, nhà nước, danh nhân, danh tướng, giai cấp cầm quyền đã dựa vào dân, gắn bó với nhân dân, biết đi sát dân, mọi việc đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân, dựa vào dân và bàn bạc với dân nhờ đó mà đã đạt được những kết quả tốt về sản xuất và chiến đấu, nhất là trong thời đại Hồ Chí Minh đã tạo thành các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước, mang lại sức mạnh to lớn để nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó” [9, tr. 19] và Người nhấn mạnh cán bộ, chiến sĩ: “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được” [11, tr. 260]. Đó là tư tưởng và hành động luôn dựa vào dân, gắn bó với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kế thừa truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và quán triệt những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, từ thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” [3, tr. 27 -28]. Như vậy, dựa vào dân, gắn bó với nhân dân đã trở thành bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình phát triển, đó cũng là một trong những nội dung cơ bản, chiến lược của biện pháp vận động quần chúng: Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử; hoạt động của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đồng thời, là điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Vì vậy, tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam luôn dựa vào dân, gắn bó với nhân dân đó là một thành tố trong đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Thứ tư, quý trọng và giảm thiểu tổn thất xương máu, công sức của tướng sĩ, của nhân dân

Trong lịch sử của dân tộc ta cho thấy, mặc dù bị các thế lực ngoại bang đô hộ, xâm lược, nhưng các triều đại, nhà nước đều nhất quán thực hành tư tưởng xây dựng quân đội mạnh phục vụ mục đích chính trị của mình. Tuy đậm nhạt khác nhau, song trong tổ chức xây dựng và thực hiện hành động quân sự ở các triều đại, nhà nước đều thể hiện lấy hiệu quả làm trọng, quý trọng tướng sĩ, binh lính, giảm thiếu ngân khố, công sức và xương máu của binh sĩ. Vì thế, khi đất nước bị đô hộ, hay có giặc ngoại xâm thì ý chí quyết tâm đánh đuổi quân thù, giành lại độc lập đã hun đúc tinh thần cả dân tộc tạo ra động lực vô cùng to lớn nhấn chìm mọi lũ cướp nước, bán nước và kẻ thù xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” [10, tr.38]. Đây là lý tưởng thiêng liêng, lẽ sống cao đẹp, là tình cảm chủ đạo và định hướng giá trị cho hành động và cách ứng xử của con người Việt Nam ở mọi thời đại.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, nhiều tấm gương sẵn sàng hy sinh để giảm thiểu xương máu, công sức của tướng sĩ, nhân dân vì đất nước, vì dân tộc. Nhiều tấm gương sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu giảm thiểu hy sinh xương máu, công sức của tướng sĩ và nhân dân. Như Lê Lai (1335 – 1418), vì nghiệp lớn chiến đấu chống giặc Minh xâm lược, giải phóng đất nước mà “liều mình cứu chúa”, Ông đãhy sinh anh dũng để cứu sống Lê Lợi cùng Bộ chỉ huy Lam Sơn và các nghĩa sĩ bị bao vây ở núi Chí Linh, góp phần tạo ra bước ngoặt mới của cuộc khởi nghĩa. Ngày 15 tháng 3 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi đăng quang chính thức lấy niên hiệu là Thuận Thiên Hoàng Đế [1, tr. 332]. Đó là một hành động nhân văn hết sức lẫm liệt, cao cả hy sinh vì dân tộc, đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết; là biểu tượng của lòng trung nghĩa, ngời sáng, là một giá trị đạo đức cao đẹp.

Vì vậy, tư tưởng và hành động quý trọng và giảm thiểu hy sinh xương máu, công sức của tướng sĩ, nhân dân đó là một thành tố trong đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Thứ năm, nhân đạo, hòa hiếu trong sự nghiệp giữ nước

Nhân dân ta phải chịu ách đô hộ của các triều đại phong kiến hàng nghìn năm, chịu sự đàn áp, xâm lược của thực dân, đế quốc hết sức tàn khốc dã man. Với mục tiêu chính trị – quân sự xuyên suốt là tổ chức, xây dựng, củng cố lực lượng quân sự hùng mạnh nhằm tạo công cụ bạo lực sắc bén, đè bẹp các thế lực đối lập, giành quyền kiểm soát, mở rộng lãnh thổ và bảo vệ chủ quyền quốc gia, nên hầu hết các nhà nước, chế độ phong kiến, nhà nước, đặc biệt, là các phong trào khởi nghĩa của nông dân đã thể hiện được tính nhân đạo trong các hoạt động quân sự của mình.

Mặc dù, nhân dân ta phải gồng mình để đấu tranh chống lại các thế lực đó của kẻ thù để giành độc lập, tự do cho dân tộc bằng sức mạnh của mình. Nhưng, nhân dân ta vẫn nhân đạo trong sự nghiệp giữ nước. Nhân đạo, hòa hiếu trong tư tưởng nhân văn quân sự của dân tộc được nhân dân ta và các lực lượng vũ trang, quân đội nhận thức sâu sắc và hiện thực hóa trong sự nghiệp giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trở thành một trong những truyền thống quý báu của dân tộc đó là một thành tố trong đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Lịch sử của dân tộc ta đã chứng minh, trong cuộc kháng chiến chống quân Minh (thế kỷ XV), sau khi đánh tan quân Minh xâm lược, nhiều người khuyên nhà vua hãy giết hết số quân Minh đã đầu hàng, vua Lê Thái Tổ đã khẳng định tính nhân đạo và hòa hiếu, Người chỉ rõ: “Hãy cho sống ức vạn mạng người để dứt mối chiến tranh đến muôn thuở, công việc sẽ chép vào sử xanh, tiếng thơm sẽ truyền mãi tới ngàn thu, há chẳng lớn ư!” [4, tr.70]. Hay sau khi chiến thắng giặc Thanh xâm lược, vua Quang Trung đã sai thu nhặt xác quân Thanh trên các chiến trường chôn cất và lập đàn cúng tế. Bài văn tế của nhà vua đã biểu thị tấm lòng khoan dung, độ lượng của người chiến thắng [5, tr.52]. Cách mạng tháng Tám thành công (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh mời vua Bảo Đại thoái vị làm cố vấn tối cao, cùng nhiều bậc quan của triều đình cũng được mời cùng chung gánh việc nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nhà nước và nhân dân Việt nam đều có những chính sách nhân đạo với tù binh [14, tr. 162 – 163].

Vì vậy, tư tưởng và hành động nhân đạo, hòa hiếu trong tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam đã trở thành đạo đức truyền thống của dân tộc.

2. Nội dung, biện pháp giáo dục tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam cho thế hệ trẻ hiện nay

Nhận thức rõ về vị trí, vai trò, ý nghĩa sâu sắc của tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, đây là một trong những nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong nhân dân nói chung, thế hệ trẻ nói riêng nhằm khơi dậy, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước của họ. Đúng như Đảng ta xác định: Phải “giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ” [3, tr. 136]. Trong đó, cần thực hiện những nội dung, biện pháp sau đây:

Thứ nhất, giáo dục thế hệ trẻ về tính chất và mục đích chính nghĩa của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay

Xuất phát từ nội dung, ý nghĩa tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam, cần phải giáo dục đối với thế hệ trẻ về tính chất và mục đích chính nghĩa của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Tính chất chính nghĩacủa sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đó là sự nghiệp mangtính nhân dân hoàn toàn chính nghĩa, đượcthể hiện ở hoạt động tự vệ, chống lại mọi âm mưu phá hoại và xâm lược của các thế lực thù địch; bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ độc lập dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa – một chế độ vì tự do, hạnh phúc của nhân dân và vì lợi ích toàn dân tộc. Tính chất chính nghĩa của sự nghiệp giải phóng, bảo vệ đất nước do các lực lượng tiến bộ, cùng nhân dân tiến hành chống lại cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa.

Mục đích chính nghĩa của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay được thể hiện ở mục tiêu đó là khát vọng của nhân dân ta và phù hợp với tiến trình của lịch sử. Đúng như Đảng ta khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử” [2, tr. 70]. Vì thế, bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân là hành động hoàn toàn chính nghĩa. Nội dung bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay là bảo vệ Tổ quốc cả về mặt lịch sử – tự nhiên và cả về mặt chính trị – xã hội, đồng thời, phải gắn chặt chẽ hai mặt đó với nhau. Đảng ta xác định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia – dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch” [3, tr.156]. Bảo vệ Tổ quốc về mặt lịch sử – tự nhiên, là bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, vùng trời, vùng biển, đảo, thềm lục địa, đặc quyền kinh tế trên biển theo UNCLOS 1982, bảo vệ tài nguyên môi trường. Bảo vệ Tổ quốc về mặt chính trị – xã hội là bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cuộc sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

 Thứ hai, giáo dục cho thế hệ trẻ lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân

Lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân của thế hệ trẻ xuất phát từ tính chất và mục đích chính nghĩa của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Trong đường lối quân sự, quốc phòng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định rõ,xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân mang tính nhân dân sâu sắc đó là sự kết hợp giữa tư tưởng, lý luận quân sự của chủ nghĩa Mác – Lênin với tinh hoa văn hoá quân sự của thế giới và truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, là sự phát triển rực rỡ của văn hóa dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Nội dung giáo dục cho thế hệ trẻ lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân cần toàn diện, trong đó, trọng tâm: Giáo dục mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng; bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng nhằm khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc để “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” [3, tr. 111]. Lòng trung thành của thế hệ trẻ với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân trên cơ sở thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để họ tăng thêm niềm tự hào dân tộc, có niềm tin khoa học vững chắc vào mục tiêu, lý tưởng đó.

Giáo dục cho thế hệ trẻ mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, trước hết, là kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được xem là điểm xuất phát của một thời kỳ cách mạng mới đấu tranh cho độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội,  mục tiêu đó xuyên suốt đến hiện nay. Do đó, thế hệ trẻ là những người viết tiếp những trang sử vàng truyền thống đó để thực hiện thành công độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thế hệ trẻ phải trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, phục vụ suốt đời vì Tổ quốc, vì lợi ích dân tộc, lợi ích của nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; truyền thống xung kích cách mạng, xung phong tình nguyện, không ngại hy sinh, gian khổ, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Giáo dục cho thế hệ trẻ có bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng để noi gương các thế hệ cha anh đi trước, qua đó, khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng kế tục sự nghiệp cách mạng của mình. Đúng như V.I.Lênin đã khẳng định: “Không có một lập trường chính trị đúng thì một giai cấp nhất định nào đó, không thể nào giữ vững được sự thống trị của mình” [6, tr.350]. Chỉ khi có bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng, thế hệ trẻ mới hăng hái trong hoạt động thực tiễn, phấn đấu vươn lên, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xung kích trong phát triển kinh tế – xã hội, ra sức đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ ba, giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng, khơi dậy thế hệ trẻ tinh thần phấn đấu, học tập, tu dưỡng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới

Truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng được hội tụ và kết tinh trong tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam. Truyền thống đó là: Yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, bất khuất, ý thức độc lập và tự cường của dân tộc; tương thân, tương ái, nhân đạo; hiếu học, ham hiểu biết; ý chí vượt khó, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có hoài bão lớn. Thông qua giáo dục truyền thống đó, nhằm khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ. Họ cần nhận thức sâu sắc về sự hy sinh, mất mát to lớn không gì so sánh được của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ trong đấu tranh cách mạng; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp, tạo ra những giá trị bất diệt, là nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước.

Khơi dậy thế hệ trẻ tinh thần phấn đấu, học tập, tu dưỡng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới là yêu cầu tất yếu. Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học, thì không thể không có tư duy lý luận” [7, tr. 489]. Hơn nữa, trong điều kiện mới, những tác động tích cực của hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đồng thời với điều kiện thuận lợi đó là sự chống phá của các thế lực thù địch thông qua âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, đòi hỏi thế hệ trẻ phải bảo vệ thành quả cách mạng của dân tộc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” [9, tr.3]; và “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [3, tr. 112].

Trong tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam, tinh thần phấn đấu, học tập, tu dưỡng của danh nhân quân sự, tướng lĩnh và của các tầng lớp lãnh đạo đã được khẳng định rõ. Tinh thần ấy đã giúp họ khắc phục khó khăn, sáng tạo, đồng tâm hiệp lực cùng với nhân dân đứng lên đấu tranh giành thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” [9, tr.7]. Cho nên, thế hệ trẻ cần phải ra sức phấn đấu, học tập, tu dưỡng để có trình độ tri thức, phương pháp tư duy khoa học, có phẩm chất đạo đức tốt góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Thứ tư, giáo dục thế hệ trẻ tinh thần đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Tinh thần đoàn kết trong tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam đã trở thành giá trị đạo đức của danh nhân quân sự, tướng lĩnh và của các tầng lớp lãnh đạo. Vì thế, cần phải giáo dục cho thế hệ trẻ có đạo đức cách mạng trong sáng, có lòng tự trọng, xây dựng nếp sống kỷ cương, tình thương, trách nhiệm với tổ chức, với đồng chí, đồng đội; xây dựng tinh thần đoàn kết để thế hệ trẻ phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đó là sự tiếp nối “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” trong tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” [8, tr.15]. Do đó, đã quy tụ được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đấu tranh vì thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Giáo dục tinh thần đoàn kết của thế hệ trẻ, phải kết hợp, giải quyết hài hòa các mối quan hệ về lợi ích, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Đồng thời, phải đi đôi với đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; chống mọi biểu hiện độc đoán, gia trưởng, quy chụp, trù dập, thiếu trung thực, không dám đấu tranh với những nhận thức và hành động sai trái. Kết hợp với tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm pháp luật.

Thứ năm, giáo dục cho thế hệ trẻ lòng nhân đạo, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam

Lòng nhân đạo, hòa hiếu là điểm son sáng chói, đặc sắc trong tư tưởng nhân văn quân sự, trở thành giá trị đạo đức, là bản chất của dân tộc Việt Nam. Lòng nhân đạo, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, giúp cho thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc công lao trời biển, sự hy sinh xương máu của biết bao chiến sĩ, đồng bào ta để đổi lấy nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Giáo dục cho thế hệ trẻ lòng nhân đạo, hòa hiếu của dân tộc Việt Nam là giáo dục lòng yêu thương, quan tâm và tôn trọng đối với con người, sự thấu cảm, đồng cảm, hỗ trợ, giúp đỡ nhau nhằm thúc đẩy một xã hội hòa bình, công bằng, tiến bộ và phát triển bền vững, đồng thời, lên án các hành vi và thế lực bất công, độc ác, phản tiến bộ trong xã hội. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, một dân tộc trải qua nhiều đau thương, mất mát trong các cuộc chiến tranh, thế nhưng bản chất nhân đạo, hòa hiếu đã ăn sâu vào tâm hồn và tính cách của dân tộc Việt Nam. Sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, các triều đại, nhà nước không chỉ ban hành những chính sách để ổn định, hợp lòng dân, hòa hợp dân tộc, mà còn có những chính sách bao dung, hòa hiếu với cả kẻ thù. Điều đó, càng làm cho thế hệ trẻ hôm nay, nhất là trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế trong khi bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia – dân tộc, cần ứng xử, giải quyết hài hòa các mối quan hệ với các nước và cộng đồng quốc tế, tăng cường tạo dựng lòng tin, không ngừng nâng cao hình ảnh, uy tín, vị thế của Việt Nam nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đúng như Đảng ta đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [3, tr. 25].

3. Kết luận

Tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam là một giá trị trong đạo đức truyền thống của dân tộc ta. Nghiên cứu tư tưởng nhân văn quân sự Việt Nam có giá trị và ý nghĩa đối với thế hệ trẻ hiện nay. Nội dung, biện pháp giáo dục tư tưởng nhân văn quân sự được tiến hành đồng bộ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng lớp đối tượng trẻ. Qua đó, sẽ khơi dậy niềm tự hào, thôi thúc thế hệ trẻ viết tiếp truyền thống và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Phan Huy Chú (1992): Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  4. Lê Quý Đôn (1978): Đại Việt Thông sử, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  5. Phan Huy Lê (1989): Đại thắng Thăng Long xuân Kỷ Dậu – 1789, Văn hóa Việt Nam, Ban văn hóa văn nghệ Trung ương, Hà Nội.
  6. V.I.Lênin (2006): Toàn tập, tập 42, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  7. C.Mác và Ph.Ănghen (1994): Toàn tập, tập 20, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  8. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.1 , Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  9. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  10. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.7, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  11. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.10, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  12. Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.15, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  13. Ngô Gia Văn Phái (1964): Hoàng Lê Nhất thống chí, Nxb. Văn học, Hà Nội.
  14. Nguyễn Hữu Thái (2013): Chuyện ít biết về ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975, Nxb. Lao động, Hà Nội.

Bài liên quan

Bài đăng mới