GIÁ TRỊ YÊU NƯỚC TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ ANH HÙNG DÂN TỘC CỦA NGƯỜI VIỆT

ThS. Hồ Thị Xuân Thanh

Khoa LLCT - ĐH Lao động – Xã hội

1. Mở đầu

Từ bao đời nay, giá trị yêu nước của người Việt Nam đã trở thành một giá trị cốt lõi được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua nhiều hình thức trên nhiều phương diện khác nhau như: tín ngưỡng tôn giáo, đạo đức lối sống, văn học nghệ thuật, giáo dục, … Một trong những loại hình tín ngưỡng thể hiện sâu sắc giá trị cốt lõi ấy phải kể đến tín ngưỡng thờ Anh hùng dân tộc (TN TAHDT). TN TAHDT không chỉ là những hoạt động tâm linh đơn thuần mà còn chứa đựng những giá trị sâu sắc về lòng yêu nước. Các vị Anh hùng dân tộc là những nhân vật lịch sử tiêu biểu được nhân dân tôn thờ, như: các Vua Hùng – vị tổ của dân tộc Việt Nam, Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị), Bà Triệu (Triệu Thị Trinh), Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, … đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, lòng dũng cảm và khát vọng tự do.

TN TAHDT là thờ các nhân vật lịch sử, những người có công dựng nước và giữ nước. Giáo sư Trần Văn Giàu từng đưa ra khái niệm anh hùng dân tộc như sau: “Anh hùng là khái niệm đạo đức chỉ hành động dũng cảm, xuất sắc theo chính nghĩa và có lý tưởng được mọi người khâm phục. Luận về anh hùng là đứng trên cơ sở hành động, việc làm” [5, tr. 198]. Như vậy, họ đã được suy tôn thành các vị thần để cả nước tôn thờ. Các vị Anh hùng dân tộc là những nhân vật lịch sử tiêu biểu được nhân dân tôn thờ: những bậc tiên hiền trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, chống kẻ thù giữ bình yên cho quê hương mình, hay chống lại thiên tai lũ lụt, bảo vệ cuộc sống cho nhân dân. Họ là những người tài cao đức trọng, là những danh y, nhà văn hóa, nhà giáo, những đại thần, những tướng lĩnh…

Theo tác giả Phạm Quỳnh Phương thì các nhân vật lịch sử được dân gian hóa và tôn thần thường là một trong 4 loại: (1) Các bậc đế vương, danh tướng, danh nhân được sử sách chính thống lưu truyền; (2) Những nhân vật tuy không được sử sách lưu ý nhiều lắm nhưng cũng là những anh hùng có thật trong lịch sử từng vùng đất; (3) Các bậc tiền hiền, khai hoang lập ấp; (4) Một số nhân vật đóng vai trò cứu giúp dân nghèo ở địa phương [8, tr. 71].

2. Nội dung

Bài viết này đề cập đến một số vị anh hùng dân tộc được thờ tự như: các Vua Hùng – vị tổ của dân tộc Việt Nam được thờ tại Đền Hùng (Phú Thọ); Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị) được thờ tại Đền Hai Bà Trưng – Mê Linh, Hà Nội, ở Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Nội), ở Đồng Nhân (Hai Bà Trưng, Hà Nội), ở Nghệ An, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh; Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) được thờ ở Đền thờ Bà Triệu – Thanh Hóa ngoài ra còn có ở Hà Nội, Nghệ An, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh; Ngô Quyền được thờ ở Đền thờ Ngô Quyền ở Đường Lâm, Sơn Tây (Hà Nội), ở Bạch Đằng (Quảng Ninh, Hải Phòng), ở Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh; Lý Thường Kiệt được thờ ở Thanh Hóa, Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh; Trần Hưng Đạo được thờ ở Đền Kiếp Bạc – Hải Dương, Đền Trần – Nam Định, Đền Đức Thánh Trần – TP. Hồ Chí Minh; Lê Lợi được thờ ở Đền thờ Lê Lợi tại Lam Kinh (Thanh Hóa), Đền thờ Lê Lợi tại Hà Nội, Nghệ An, Huế; Nguyễn Huệ được thờ ở Đền thờ Hoàng đế Quang Trung ở Bình Định, Đền thờ Quang Trung tại Hà Nội – Gò Đống Đa, Đền thờ Quang Trung tại Nghệ An, Huế,..

TN TAHDT là một nét đặc trưng quan trọng trong đời sống văn hóa – tinh thần của người Việt Nam. Và “Tín ngưỡng này không chỉ là một tập tục mà còn là một giá trị, là bản sắc văn hóa Việt Nam, … hàm chứa trong đó giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, nổi bật là giá trị giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ. Quá trình hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ cúng anh hùng dân tộc cũng phản ánh tiến trình lịch sử của dân tộc [4, tr. 45]. Qua đó không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết và bảo tồn bản sắc văn hóa Việt Nam.

2.1. Thể hiện sự biết ơn sâu sắc của người Việt đối với các vị anh hùng dân tộc

TN TAHDT gắn liền với sự tôn trọng và biết ơn đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ đất nước, bảo vệ nhân dân. Những vị anh hùng như Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ (Quang Trung) … không chỉ được tôn vinh vì tài năng, trí tuệ, mà còn vì lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất.

Việc thờ cúng các vị anh hùng dân tộc không chỉ là một hình thức tôn vinh quá khứ, mà còn thể hiện ý thức cộng đồng quốc gia dân tộc. Những đền thờ, miếu mạo, tượng đài (Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, Quang Trung…) không chỉ là nơi cầu khấn, mà còn là những không gian để người dân nhắc nhở nhau về lịch sử hào hùng của dân tộc. Các đền thờ anh hùng dân tộc ở Việt Nam thường mang phong cách kiến trúc truyền thống với bố cục trang nghiêm, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa dân tộc. Mỗi ngôi đền có những đặc điểm riêng biệt nhưng thường tuân theo những quy chuẩn chung trong cách bài trí.

Đền thờ Trần Hưng Đạo ở Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, TP. Hồ Chí Minh, … được xây dựng theo phong cách đền thờ truyền thống với mái cong, cột gỗ, chạm khắc rồng phượng, cổng tam quan, sân rộng, hồ nước, vườn cây tạo không gian linh thiêng. Bên trong thường có tượng Trần Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong tư thế uy nghi. Gian chính thờ Trần Hưng Đạo, hai bên có thể thờ các tướng lĩnh trung thành như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng; có trang trí kiếm lệnh, bài vị, lư hương, hoành phi câu đối thể hiện sự tôn kính. Ở một số đền có khoảng sân để diễn xướng hịch tướng sĩ, nhắc nhở về tinh thần yêu nước [2]. Đền thờ Lê Lợi ở Thanh Hóa, Hà Nội (đền thờ ở khu vực Hồ Gươm), Nghệ An, … được xây dựng theo kiểu đình – đền cổ, có mái chồng diêm, đầu đao cong vút, có sân rộng, cổng lớn, vườn cây xanh. Một số nơi có tượng rùa đội gươm để gợi nhớ truyền thuyết trả gươm của vua Lê. Ở gian chính thờ Lê Thái Tổ (Lê Lợi), xung quanh có tượng hoặc bài vị của các công thần như Nguyễn Trãi, Lê Lai, có bày trí thêm kiếm lệnh, lư hương, hoành phi ghi công đức của vua Lê. Một số đền có trống đồng, mô hình chiến thuyền, tượng trưng cho các trận đánh chống quân Minh. Đền thờ Hai Bà Trưng được xây dựng ở nhiều nơi như Hà Nội (Mê Linh), Hưng Yên, TP. Hồ Chí Minh… Đền có bố cục theo kiểu truyền thống, cổng tam quan, mái chồng diêm, điêu khắc rồng phượng, sân đền rộng, có tượng voi chiến, gợi nhớ hình ảnh Hai Bà cưỡi voi ra trận. Cách bày trí thể hiện sự uy nghiêm: gian chính thờ Hai Bà Trưng trong trang phục chiến binh, hai bên có thể thờ các nữ tướng như Bát Nàn, Lê Chân. Hoành phi, câu đối ca ngợi tinh thần bất khuất của nữ anh hung, có mô hình trống đồng, kiếm lệnh, tượng trưng cho thời kỳ chống quân Hán [9]. Mỗi đền thờ anh hùng dân tộc đều mang những nét đặc trưng riêng, phản ánh công lao và tinh thần chiến đấu của người được thờ. Việc xây dựng và bài trí đền thờ không chỉ thể hiện lòng biết ơn mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau.

Bên cạnh đó hàng năm, các địa phương có đền thờ anh hùng dân tộc thường tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của họ như lễ hội lễ hội đền Hùng, Bạch Đằng Giang, Gò Đống Đa, đền Côn Sơn – Kiếp Bạc, lễ hội đền Trần, …

Lễ hội Đền Hùng, diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, là một trong những lễ hội lớn nhất và mang ý nghĩa sâu sắc nhất trong việc tưởng niệm các Vua Hùng – những người có công dựng nước. Đây là lễ hội quốc gia, không chỉ thu hút người dân Phú Thọ mà còn đông đảo khách thập phương từ khắp mọi miền Tổ quốc. Lễ hội không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao của các Vua Hùng mà còn là dịp để các cộng đồng từ các vùng miền khác nhau tụ họp, giao lưu và thể hiện sự đoàn kết. Các hoạt động trong lễ hội như lễ dâng hương, rước kiệu, múa sư tử, thi đấu thể thao, và các trò chơi dân gian, tạo không khí vui tươi và gắn kết cộng đồng. Cộng đồng địa phương cũng tổ chức các hoạt động văn hóa, các cuộc thi, các buổi diễn thuyết nâng cao ý thức cộng đồng và bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc. Lễ hội chiến thắng Bạch Đằng Giang được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hằng năm tại tỉnh Quảng Ninh để tưởng niệm chiến thắng vang dội của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và quân dân Đại Việt trước quân xâm lược Nguyên-Mông vào năm 1288. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng không chỉ đối với tỉnh Quảng Ninh mà còn đối với đất nước. Trong lễ hội này, ngoài các nghi thức thờ cúng, dâng hương để tưởng nhớ Trần Hưng Đạo và các tướng lĩnh, người dân còn tham gia vào các hoạt động tái hiện chiến thắng lịch sử. Các cuộc diễu hành, các buổi lễ, và các trò chơi dân gian là những dịp để người dân cùng nhau tham gia, giao lưu và củng cố tình làng nghĩa xóm. Các sự kiện thể thao, như bơi thuyền rồng trên sông Bạch Đằng, không chỉ làm sống lại những hình ảnh hào hùng của quân và dân trong chiến đấu mà còn là cơ hội để người dân và du khách giao lưu, tạo dựng nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng.

Như vậy, thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ Anh hùng dân tộc thể hiện sâu sắc sự biết ơn đối với thể hệ đi trước là biểu hiện rõ nét nhất của giá trị yêu nước. Việc thực hành nghi lễ trên được thể hiện qua nhiều hoạt động khác nhau, từ xây dựng đền thờ, tổ chức lễ hội cho đến các nghi thức dâng hương, tưởng niệm, …

2.2. Khơi dậy tinh thần đoàn kết cộng đồng

Tín ngưỡng thờ Anh hùng dân tộc là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt, không chỉ thể hiện lòng biết ơn đối với những người có công với đất nước mà còn góp phần tạo ra một không gian cộng đồng gắn bó, nơi mọi người cùng nhau tưởng nhớ và gìn giữ những giá trị truyền thống. Các đền thờ, miếu thờ các vị anh hùng không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng mà còn trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nơi thế hệ sau có thể tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Những dịp giỗ tổ, lễ hội tưởng niệm không chỉ là sự kiện mang tính tôn giáo mà còn là cơ hội để người dân cùng nhau giao lưu, kết nối, chia sẻ những giá trị tinh thần, từ đó thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng. Các nghi thức tế lễ, rước kiệu, diễn xướng lịch sử giúp tái hiện lại những chiến công oai hùng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền cảm hứng về tinh thần yêu nước và trách nhiệm với quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc còn góp phần duy trì và phát huy các phong tục, lễ nghi truyền thống, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của từng vùng miền. Nhờ có không gian tín ngưỡng này, người dân không chỉ có nơi để tưởng nhớ công lao của tiền nhân mà còn có dịp thể hiện sự đoàn kết, cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ Anh hùng dân tộc không chỉ là một nét đẹp tâm linh mà còn là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, của tinh thần yêu nước bền vững trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam.

Thông qua các lễ hội và nghi thức thờ cúng, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng và tình yêu nước lại được khơi dậy. Những câu chuyện anh hùng, những giai thoại về các vị anh hùng dân tộc trong tín ngưỡng thờ cúng không chỉ là những bài học lịch sử mà còn là nguồn động lực để con cháu nối tiếp truyền thống yêu nước. Ví dụ dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) – Phú Thọ là dịp mỗi người dân Việt Nam tưởng nhớ các Vua Hùng, những người có công dựng nước Văn Lang. Người dân từ khắp mọi miền đất nước về dâng hương tại Đền Hùng, thể hiện sự gắn kết dân tộc. Các hoạt động như lễ rước kiệu, dâng hương, hội trống đồng, thi hát xoan giúp cộng đồng cùng nhau gìn giữ văn hóa truyền thống. Đây còn là dịp nhắc nhở con cháu về tinh thần Uống nước nhớ nguồn, đoàn kết để phát triển đất nước [1]. Hay vào lễ hội Hai Bà Trưng (mùng 6 tháng Giêng âm lịch) ở Hà Nội, Hưng Yên, người dân khắp nơi cùng tham gia lễ rước kiệu, tế lễ, biểu diễn võ thuật thể hiện khí phách hào hùng. Lễ hội khuyến khích phụ nữ tham gia diễn xướng, tái hiện hình ảnh Hai Bà cưỡi voi ra trận, nhắc nhở về vai trò của phụ nữ trong lịch sử. Đoàn người rước kiệu từ nhiều địa phương đổ về, tạo nên không khí đoàn kết và tự hào dân tộc. Lễ hội Đền Trần (15/1 âm lịch) ở Nam Định là dịp để hàng vạn người dân cùng tham gia lễ hội khai ấn Đền Trần, cầu mong quốc thái dân an, phát triển thịnh vượng. Lễ hội có các nghi thức truyền thống như rước kiệu, tế lễ, đấu vật, múa rồng thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Lễ khai ấn không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn gắn kết cộng đồng doanh nhân, quan chức, người dân trong việc cầu mong một năm làm ăn phát đạt, đất nước hưng thịnh.

Các lễ hội tưởng nhớ anh hùng dân tộc không chỉ có ý nghĩa tri ân mà còn giúp người dân gắn bó với nhau, tạo nên sự đoàn kết vững mạnh trong cộng đồng. Những hoạt động như rước kiệu, diễn xướng lịch sử, hội võ, trò chơi dân gian là minh chứng rõ ràng cho tinh thần đoàn kết, cùng nhau gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là thể hiện một sự kết nối sâu sắc giữa quá khứ và hiện tại, và tương lai cùng đoàn kết một long đưa đất nước bước vào kỉ nguyên mới tươi đẹp.

2.3. Giá trị giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước và truyền thống bảo vệ đất nước

TN TAHDT cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần bảo vệ đất nước. Những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của các anh hùng dân tộc, đặc biệt là những chiến công hiển hách trong các cuộc kháng chiến, luôn là nguồn cảm hứng lớn lao đối với thế hệ hôm nay. Qua đó, các giá trị như lòng dũng cảm, sự hy sinh, sự kiên trì và tinh thần bất khuất trong đấu tranh bảo vệ tổ quốc được truyền tải một cách sống động.

Hai Bà Trưng (Trưng Trắc và Trưng Nhị) sinh vào khoảng cuối thế kỷ I, quê ở Mê Linh (nay thuộc Hà Nội). Trưng Trắc là vợ của Thi Sách, một hào trưởng yêu nước, nhưng bị quân Hán giết hại vì chống lại ách đô hộ. Năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, kêu gọi nhân dân đứng lên chống lại chính quyền đô hộ của nhà Hán và chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân đã giành lại 65 thành trì, đánh đuổi quân Hán ra khỏi bờ cõi. Hai Bà Trưng lên ngôi, xưng vương, cai quản đất nước suốt ba năm (40 – 43). Năm 43, quân Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện kéo quân đàn áp. Dù chiến đấu kiên cường, nhưng do lực lượng chênh lệch, Hai Bà Trưng thất trận và tuẫn tiết trên dòng sông Hát Giang. Có thể nói cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là biểu tượng mạnh mẽ cho tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của phụ nữ Việt Nam và khát vọng độc lập dân tộc. 

Trần Hưng Đạo (1228 – 1300), tên thật là Trần Quốc Tuấn, là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu họ vua Trần Thái Tông. Ông nổi tiếng là người tài giỏi, thông minh và có lòng yêu nước sâu sắc. Trong ba lần quân Nguyên – Mông xâm lược Đại Việt (1258, 1285, 1287), Trần Hưng Đạo được triều đình giao trọng trách thống lĩnh quân đội. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288: Với chiến thuật lợi dụng thủy triều, ông đã chỉ huy trận đánh khiến quân Nguyên thảm bại, chấm dứt âm mưu xâm lược nước ta. Ông đã soạn thảo Hịch tướng sĩ, kêu gọi tinh thần yêu nước và đoàn kết của quân dân. Sau khi đất nước thái bình, ông từ chối ngôi vua mà chuyên tâm viết binh thư, đóng góp cho sự nghiệp quân sự nước nhà. Trần Hưng Đạo được tôn vinh là vị Thánh của dân tộc. Ông để lại những bài học sâu sắc về lòng trung quân ái quốc, sự mưu lược và tinh thần đoàn kết dân tộc. 

Lê Lợi – Anh Hùng Giải Phóng Dân Tộc Thế Kỷ XV sinh ra tại Lam Sơn, Thanh Hóa, xuất thân trong một gia đình hào trưởng. Ông là người có chí lớn, yêu nước và luôn nung nấu ý định giành lại độc lập cho dân tộc. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại Lam Sơn, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh, nghĩa quân trải qua nhiều khó khăn nhưng nhờ chiến lược khéo léo, Lê Lợi từng bước đẩy lùi quân Minh. Năm 1427, quân Minh thất bại thảm hại trong trận Chi Lăng – Xương Giang, buộc phải đầu hàng và rút khỏi Đại Việt. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi, lập nên nhà Hậu Lê, mở ra thời kỳ phát triển lâu dài của đất nước. Lê Lợi là tấm gương về lòng kiên trì, mưu trí và tinh thần yêu nước mãnh liệt. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm [7].

Các vị anh hùng dân tộc không chỉ để lại những chiến công hiển hách mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí kiên cường. Những câu chuyện về họ mãi là nguồn động lực mạnh mẽ để thế hệ trẻ tiếp nối và phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc. Ngoài ra, cũng là cách để nhắc nhở thế hệ trẻ về sự cần thiết phải gìn giữ nền độc lập, tự do của dân tộc trong bối cảnh thế giới ngày càng thay đổi. Trong một thời đại toàn cầu hóa và phát triển mạnh mẽ, những giá trị truyền thống này vẫn có sức sống mạnh mẽ, là nền tảng vững chắc để đối diện với những thử thách mới.

2.4. Khẳng định, bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc

TN TAHDT không chỉ là một hành động tâm linh mà còn là một yếu tố tạo nên sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Những di sản vật chất như các đền đài, di tích lịch sử, những lễ hội truyền thống gắn liền với các anh hùng dân tộc đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của du lịch văn hóa và giáo dục lịch sử. Đây là những không gian sống động để truyền tải giá trị lịch sử, văn hóa cho các thế hệ mai sau và cả du khách quốc tế.

Bên cạnh đó, việc thờ cúng anh hùng dân tộc cũng giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, từ các điệu hát, điệu múa, những nghi lễ truyền thống, cho đến các nghề thủ công truyền thống. Chính nhờ vào những hoạt động này, nền văn hóa dân tộc Việt Nam được duy trì và phát triển bền vững qua các thế hệ.

TN TAHDT không chỉ tồn tại ở quy mô quốc gia mà còn mang những nét đặc trưng riêng tại từng địa phương có sự đa dạng về hình thức thờ cúng tạo nên sự phong phú cho văn hóa Việt Nam. Những vị anh hùng có công lao to lớn thường được nhân dân lập đền thờ trên khắp cả nước để tưởng nhớ. Những đền thờ này mang ý nghĩa lịch sử quan trọng và trở thành điểm sinh hoạt tâm linh, văn hóa của người dân. Một số đền thờ tiêu biểu trên quy mô quốc gia: Đền Hùng (Phú Thọ) – Thờ các Vua Hùng, tổ tiên của dân tộc Việt Nam, là nơi thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”; Đền Trần (Nam Định, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh,…) – Thờ các vị vua Trần và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, gắn với các chiến thắng chống quân Nguyên – Mông; Đền Lam Kinh (Thanh Hóa) – Khu di tích thờ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) nơi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; Đền thờ Quang Trung (Bình Định, Nghệ An, Huế, Hà Nội) – Tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung và những chiến công vĩ đại của ông. Những ngôi đền này mang tầm vóc quốc gia, thu hút đông đảo người dân từ khắp các vùng miền đến chiêm bái, bày tỏ lòng tôn kính. Bên cạnh những đền thờ mang tầm vóc quốc gia, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc còn có những nét đặc trưng riêng tại từng vùng miền. Điều này phản ánh sự gắn kết giữa lịch sử, truyền thống địa phương với lòng tự hào dân tộc: Đền Hai Bà Trưng (Hà Nội, Nghệ An, TP. Hồ Chí Minh): Hà Nội là quê hương của Hai Bà Trưng nên có nhiều di tích gắn với họ, trong khi Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh cũng có các đền thờ để tôn vinh tinh thần bất khuất của hai nữ anh hung; Đền Bà Triệu (Thanh Hóa): Là nơi thờ nữ tướng Triệu Thị Trinh, người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Ngô. Lễ hội Bà Triệu diễn ra hằng năm vào ngày 21-23 tháng Ba âm lịch; Đền Trần Thương (Hà Nam): Ngoài đền Trần nổi tiếng ở Nam Định, tỉnh Hà Nam cũng có một đền thờ Trần Hưng Đạo, nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử của ông tại khu vực này; Đền Vua Đinh – Vua Lê (Ninh Bình): Gắn với thời kỳ Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước và lập nhà nước Đại Cồ Việt. Những đền thờ này không chỉ là nơi thờ phụng mà còn phản ánh sự tôn kính của người dân địa phương đối với những vị anh hùng có liên quan đến vùng đất của họ. Mỗi địa phương có những phong tục, nghi lễ thờ cúng khác nhau, phản ánh đặc trưng văn hóa của từng vùng miền: nếu miền Bắc gắn với lễ hội có quy mô lớn, mang tính chất trang nghiêm, với các nghi lễ rước kiệu, dâng hương, diễn xướng dân gian thì miền Trung có sự kết hợp nghi lễ thờ cúng với diễn võ, hát tuồng, hát chầu văn để tôn vinh công lao các anh hùng dân tộc; còn miền Nam các lễ hội thường mang tính cộng đồng cao, gắn với sinh hoạt văn hóa dân gian như đua thuyền, thả hoa đăng, hát bội. Sự đa dạng trong cách tổ chức lễ hội góp phần bảo tồn nét đặc sắc của từng vùng miền, đồng thời tạo ra một bức tranh văn hóa phong phú của Việt Nam.

Bên cạnh đó các lễ hội truyền thống của tín ngưỡng thờ Anh hùng dân tộc – Nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của người Việt. Đây không chỉ là hoạt động tâm linh mà mang nhiều ý nghĩa sâu sắc: bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã có công lao to lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước; thông qua lễ hội, những câu chuyện lịch sử được truyền tải một cách sinh động, giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về cội nguồn dân tộc; các lễ hội thường thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo nên không khí đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng và nhiều lễ hội trở thành điểm thu hút du khách, góp phần bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế địa phương. Phải kể đến một số lễ hội tiêu biểu: Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ) – Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào mùng 10 tháng 3 âm lịch diễn ra tại khu di tích Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ với nghi lễ rước kiệu, dâng hương tại Đền Thượng, các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Lễ hội Đền Trần (Nam Định) – Lễ Khai Ấn Đền Trần diễn ra từ đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng âm lịch tại Đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định gắn với lễ khai ấn, phát ấn cầu may, rước kiệu, đấu vật, múa lân, hát chầu văn nhằm cầu mong một năm mới bình an, may mắn, đồng thời tôn vinh triều đại nhà Trần – một trong những triều đại hưng thịnh nhất lịch sử Việt Nam. Lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội) – Tưởng nhớ chiến thắng của vua Quang Trung diễn ra vào mùng 5 Tết Nguyên đán với nhiều hoạt động như rước kiệu, tái hiện trận chiến Ngọc Hồi – Đống Đa, diễn võ Tây Sơn, các trò chơi dân gian nhằm ghi nhớ chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung và khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân. Lễ hội Đền Lam Kinh (Thanh Hóa) – Tưởng nhớ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) diễn ra ngày ngày 22 tháng 8 âm lịch với nhiều hoạt động nghi lễ như lễ rước, dâng hương, tái hiện những trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn, biểu diễn trống hội, hát ca trù nhằm khẳng định công lao to lớn của vua Lê Lợi trong sự nghiệp giành lại độc lập cho dân tộc,… Mặc dù mỗi lễ hội có những đặc điểm riêng, nhưng chúng đều có những nét chung: Phần lễ: gồm các nghi thức rước kiệu, dâng hương, tế lễ trang trọng để tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân; Phần hội: Các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như đấu vật, múa rồng, diễn võ, tái hiện chiến tích lịch sử; Tinh thần đoàn kết: Lễ hội là dịp để cộng đồng gặp gỡ, cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử, thắt chặt tình cảm quê hương. Lễ hội truyền thống trong tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Việt. Đây không chỉ là dịp để tưởng nhớ những nhân vật lịch sử có công với đất nước mà còn góp phần duy trì tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Những lễ hội này chính là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp thế hệ sau tiếp tục kế thừa và phát huy lòng tự hào dân tộc.

Mặt khác thông qua hệ thống đền thờ, lễ hội truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được gìn giữ, tạo nền tảng cho việc giáo dục lịch sử, duy trì bản sắc dân tộc và phát triển du lịch văn hóa. Hệ thống đền thờ, lăng mộ, bia ký, tượng đài của các anh hùng dân tộc là những di sản văn hóa vật thể quan trọng, có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao. Nhiều công trình trong số này đã trở thành di tích lịch sử quốc gia hoặc di sản thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc: Đền Hùng (Phú Thọ) – Thờ các Vua Hùng, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại; Khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) – Nơi thờ vua Lê Lợi, mang giá trị kiến trúc và lịch sử to lớn; Đền Trần (Nam Định, Quảng Ninh, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh) – Thờ các vua Trần và Trần Hưng Đạo, với những nghi lễ truyền thống như Lễ Khai Ấn mang đậm bản sắc dân tộc. Bên cạnh các di sản vật thể, tín ngưỡng thờ cúng Anh hùng dân tộc còn giúp duy trì nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, bao gồm lễ hội, phong tục, nghi lễ, nghệ thuật dân gian: Lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội) tái hiện chiến thắng lịch sử của vua Quang Trung, kết hợp với diễn võ Tây Sơn, múa rồng, hát chèo; Lễ hội Bà Triệu (Thanh Hóa) với nghi lễ tế nữ tướng, múa trống đồng, hát chầu văn. Các nghi thức, phong tục trong lễ hội không chỉ giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về lịch sử mà còn tạo cơ hội để bảo tồn những hình thức nghệ thuật dân gian có nguy cơ mai một.

Các di tích và lễ hội thờ anh hùng dân tộc là những điểm đến quan trọng trong du lịch văn hóa – lịch sử. Việc phát triển du lịch gắn với tín ngưỡng thờ cúng anh hùng dân tộc vừa giúp bảo tồn các giá trị văn hóa, vừa mang lại lợi ích kinh tế bền vững. Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam thì hàng năm lượng khách tham quan và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ 6-8 triệu lượt mỗi năm, lượng khách du lịch đến tham quan, tham dự lễ hội tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng chiếm khoảng 85-90% tổng lượt khách đến tỉnh… là cơ hội để Khu Di tích lịch sử Đền Hùng khai thác hiệu quả các hoạt động dịch vụ, du lịch [6]. Lễ hội Khai Ấn Đền Trần là một trong những lễ hội mùa xuân tiêu biểu của Nam Định, thu hút hàng vạn du khách mỗi năm [3].

3. Kết luận

Tín ngưỡng thờ cúng các vị anh hùng dân tộc không chỉ là một phần trong văn hóa tâm linh mà còn là biểu hiện rõ nét giá trị cốt lõi của người Việt – Giá trị yêu nước. Thông qua các nghi lễ, lễ hội thờ cúng, người dân không chỉ tôn vinh các anh hùng dân tộc mà còn khơi dậy và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, bảo vệ đất nước. Lòng yêu nước này không chỉ được thể hiện trong quá khứ mà còn tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong xã hội hiện đại, tạo dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển và thịnh vượng của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó còn đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Việt Nam; không chỉ giúp gìn giữ các công trình lịch sử, lễ hội truyền thống, mà còn tạo cơ hội để duy trì và phát triển văn hóa phi vật thể, nghệ thuật dân gian và phát triển du lịch văn hóa. Bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ cúng Anh hùng dân tộc chính là bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, giúp thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục kế thừa những giá trị tốt đẹp của cha ông, đồng thời khẳng định vị thế văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Ban Thời sự (2024), Dấu ấn văn hóa Việt đậm nét trong Giỗ Tổ Hùng Vương, tại trang https://vtv.vn/van-hoa-giai-tri, số ra ngày 18/04/2024.
  2. Thu Cúc (2023), Đền Kiếp Bạc – Di tích tâm linh nổi tiếng của Hải Dương, tại tranghttps://vov4.vov.vn, số ra ngày 22/12/2023.
  3. Mai Đỉnh, (2025), Linh thiêng, tôn nghiêm Lễ Khai ấn Đền Trần Nam Định Xuân Ất Tỵ, tại trang https://congly.vn/, số ra ngày 12/02/2025.
  4. Nguyễn Thị Đức (2014), Tín ngưỡng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Luận án Tiến sĩ Văn hóa học.
  5. Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, Tr.198.
  6. Chi Hương (2024), Đền Hùng – Phú Thọ: Khai thác hiệu quả các hoạt động dịch vụ, du lịch, đăng tại Báo Phú Thọ số ra ngày 17/09/2024.
  7. Mai Ngọc- Văn Tráng (2023), Anh hùng dân tộc Lê Lợi – Linh hồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, tại trang https://truyenhinhthanhhoa.vn/, số ra ngày 03/10/2023.
  8. Phạm Quỳnh Phương (1998), Tìm hiểu hiện tượng tín ngưỡng Đức Thánh Trần, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa dân gian, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Hà Nội
  9. Nguyễn Tin (2022), Đền Hai Bà Trưng – Di tích Quốc gia đặc biệt, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội điểm đến hấp dẫn du lịch văn hóa tâm linh đối với du khách thập phương, tại trang https://melinh.hanoi.gov.vn, số ra ngày 12/02/2022.

Bài liên quan

Bài đăng mới