GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM HIỆN NAY

Trần Thị Quỳnh Diễn

Trường Đại học Y Hà Nội

1. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VAI TRÒ CỦA HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

Hành trình tìm đường giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trình học tập và tự học bền bỉ của Người. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho tại mảnh đất miền Trung có truyền thống hiếu học, từ nhỏ Người đã luôn ý thức việc học tập và vai trò của việc giáo dục đối với con người. Trên hành trình cứu nước, Người càng nhận rõ vai trò của việc học tập, tiếp thu giá trị của các nền giáo dục trên thế giới để thực hiện thành công sứ mệnh con đường cách mạng. Những tư tưởng về học tập suốt đời của Người thể hiện toàn diện sâu sắc và phù hợp với từng điều kiện hoàn cảnh và tình hình của đất nước, xã hội.

Hồ Chí Minh xác định rõ vai trò, mục tiêu của việc học tập. Trả lời cho câu hỏi “học để làm gì?”, Người khẳng định tầm quan trọng của học tập trong cuộc đời của mỗi con người và trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Một là, học để “sửa chữa tư tưởng” vì “tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lầm và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 6: 360). Hình thành tư tưởng đúng đắn cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng để cách mạng nhanh đi đến thắng lợi, nhiệm vụ cách mạng được hoàn thành. Tư tưởng đúng thì hành động đúng, kiên định với mục tiêu, con đường đã lựa chọn. Những tư tưởng đúng được hình thành khi con người có hiểu biết, có nhận thức, có tri thức khoa học, phân biệt phải, trái; đúng, sai; tiến bộ, lạc hậu… có góc nhìn sự vật hiện tượng toàn diện, sâu sắc. Ngược lại, thiếu kiến thức khoa học, thiếu hiểu biết đúng đắn dẫn đến việc hình thành những tư tưởng lệch lạc, nguy cơ xuất hiện chủ nghĩa cá nhân, giao động trước những mục tiêu, nhiệm vụ khó khăn của cách mạng.

Hồ Chí Minh nhận rõ sự khó khăn, gian khổ và lâu dài của con đường con đường cách mạng Việt Nam. Con đường giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội đầy khó khăn, chông gai và gian khổ. Ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp người đã nhấn mạnh với nhân dân về một cuộc “kháng chiến rất lâu dài và đau khổ” của dân tộc ta, một cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Vì vậy mỗi người cách mạng cần “phải hiểu và phải cho dân hiểu rằng: Cuộc kháng chiến sẽ rất gay go cực khổ” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 4: 484). Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Người cũng khẳng định sự gian khó, hy sinh của nhân dân ta: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hi sinh nhiều của nhiều người” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 15: 612), phải kinh qua nhiều gian khổ hy sinh. Vì vậy, muốn giành thắng lợi trước hết phải xây dựng tư tưởng đúng đắn, thống nhất cho toàn thể nhân dân, đồng bào. Mục tiêu, nhiệm vụ của giáo dục, của học tập trước hết là hình thành tư tưởng đúng đắn, xác định rõ ràng sự khó khăn của cách mạng để mỗi người cách mạng tự sửa chữa những tư tưởng sai lầm, lệch lạc, chùn bước trước những khó khăn, thử thách. Xây dựng nhận thức tư tưởng đúng đắn về sự khó khăn, lâu dài, gian khổ của sự nghiệp cách mạng là yêu cầu cấp thiết của Đảng, Chính phủ và dân tộc. Để định hướng, thay đổi tư tưởng, nhận thức và thức tỉnh mỗi người về nhiệm vụ của bản thân đối với sư nghiệp cách mạng của đất nước, phương thức hiệu quả nhất chính là thông qua giáo dục, bằng việc học tập của mỗi người.

Bên cạnh việc xác định sự gian khổ hy sinh của con đường cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng tư tưởng đúng đắn là yếu tố quan trọng để củng cố tình yêu của mỗi con người với đất nước, với dân tộc, từ đó tạo sức mạnh to lớn để giành thắng lợi. Với Hồ Chí Minh, học không phải chỉ để sửa chữa tư tưởng, cao hơn nữa là học để “yêu tổ quốc”, “yêu nhân dân”, “yêu lao động”, “yêu khoa học” và “yêu đạo đức”.

Học tập có kiến thức đúng, tư tưởng, nhận thức đúng củng cố tình yêu quê hương, đất nước. Tình yêu không đơn thuần là tình cảm cá nhân, theo Hồ Chí Minh (2011, tập 9: 178) học để hiểu để biết “cái gì trái với quyền lợi của Tổ quốc, chúng ta kiên quyết chống lại. Thông qua học tập mỗi người nhận thức được quyền lợi đúng đắn của Tổ quốc, của dân tộc, từ đấu tranh giành quyền lợi chính đáng cho đất nước, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các dân tộc khác trên thế giới. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh (2011, tập 9: 178-179), học còn để “Yêu nhân dân: việc gì hay người nào phạm đến lợi ích chung của nhân dân chúng ta kiên quyết chống lại”. Học tập cho con người nhận thức, hiểu biết đúng về lợi ích của quần chúng nhân dân, nhận diện những cá thể, những hành động xâm phạm đến quyền lợi chung của nhân dân, từ đó đấu tranh, phòng chống và bảo vệ quyền lợi cho nhân dân. Không dừng ở tư tưởng, tình cảm tình yêu dân tộc, nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh (2011, tập 9: 178-179) khẳng định học để: “Yêu lao động: ai khinh rẻ lao động, chúng ta kiên quyết chống lại”. “Yêu khoa học: cái gì trái với khoa học chúng ta kiên quyết chống lại”.

Hai là, Hồ Chí Minh chỉ rõ “học để tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Người nêu cao vai trò giáo dục, tu dưỡng đạo đức cách mạng, đạo đức là tiêu chí, nền tảng của mỗi con người.

Đạo đức cách mạng giúp con người vững vàng trước mọi thử thách, gian khổ, là sức manh trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng đất nước. Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức cách mạng không “từ trên trời rơi xuống”, không tự nhiên hình thành. Đó là quá trình rèn luyện tu dưỡng lâu dài, bền bỉ thông qua hoạt động thực tiễn. Việc học tập giúp mỗi người nhận thức được giá trị của các chuẩn mực đạo đức truyền thống, đồng thời nhận thức sự tiến bộ, phát triển, thay đổi của thời đại để tiếp thu những nội dung đạo đức cách mạng mới phù hợp, khoa học. Hồ Chí Minh (2011, tập 6: 360-361) khẳng định: học để “yêu đạo đức: chúng ta phải thực hiện đức tính trong sạch, chất phác, hăng hái, cần kiệm; xóa bỏ hết những vết tích nô lệ trong tư tưởng và hành động”. Học tập là quá trình con người tìm kiếm những kiến thức đúng đắn, khoa học về lý thuyết và thực hành, áp dụng vào hoạt động thực tiễn nhằm hình thành những chuẩn mực, giá trị đạo đức đúng đắn, khoa học, tiến bộ và phù hợp điều kiện hoàn cảnh. Mục đích “học để yêu đạo đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết thực, cụ thể, “yêu đạo đức” không đơn thuần học những lý thuyết suông trong sách vở, “học để yêu đạo đức” là thực hành rèn luyện đạo đức, là áp dụng những lý thuyết về đao đức vào thực tiễn, xóa bỏ những tư tưởng, quan điểm lạc hậu, cổ hủ, mị dân trong tư duy và thể hiện thiết thực cụ thể trong các hoạt động cách mạng. 

Ba là, “học để tin tưởng” để kiên định mục tiêu của cách mạng, tin tưởng con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh (2011, tập 6: 360-361) khẳng định: “Học để tin tưởng: Tin tưởng vào đoàn thể. Tin tưởng vào nhân dân. Tin tưởng vào tương lai của dân tộc. Tin tưởng vào tương lai của cách mạng”.

Học tập giúp con người xây dựng niềm tin, củng cố niềm tin bởi con người được trau dồi, bổ sung kiến thức, tiếp thu những giá trị kinh nghiệm, tổng hợp các nguồn thông tin, thúc đẩy sự thay đổi về nhận thức, tư tưởng. Từ đó, hình thành, xây dựng, tác động và củng cố niềm tin của mỗi con người. Quá trình học tập nâng cao tri thức, khả năng tư duy còn giúp con người có góc nhìn toàn diện, phương pháp tư duy biện chứng, nâng cao năng lực tư duy phản biện. Từ đó, mỗi người có hướng tiếp cận tích cực, đúng đắn về mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng, khẳng định niềm tin đối với sự lựa chọn của bản thân, đối với nhân dân và đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Niềm tin là yếu tố quan trọng trong cuộc đời mỗi con người bởi “có tin tưởng thì lúc ra thực hành mới vững chắc, hăng hái, lúc gặp khó khăn mới kiên quyết, hi sinh” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 6: 360-361). Học tập là chìa khóa củng cố niềm tin của mỗi người, thông qua học tập, con người có hiểu biết về thế giới, về cuộc sống chính mình, về thời đại và hoàn cảnh thực tiễn xung quanh. Con người không thể tách mình ra khỏi thế giới chung, hoàn cảnh chung của quốc gia, dân tộc, cộng đồng mình đang sống. Vì vậy, muốn tồn tại con người phải hiểu biết về thế giới xung quanh, về hoàn cảnh xung quanh, từng bước hòa nhập, phát triển. Việc học tập cung cấp tri thức để con người hiểu biết, có nhận thức đúng đắn về vai trò nhiệm vụ của bản thân đối với xã hội, từ đó tin tưởng vào con đường vào lựa chọn của bản thân. Minh chứng cho điều này, Hồ Chí Minh (2011, tập 5: 115) giải thích nguyên nhân phải học tập đường lối của Đảng: “Vì có nắm vững đường lối cách mạng mới thấy rõ phương hướng tiến lên của cách mang, mới hiểu rõ mình phải làm gì và đi theo phương hướng nào để thực hiện mục đích của Đảng trong giai đoạn cách mạng hiện nay”. Đồng thời, thông qua việc học, có tri thức, có hiểu biết con người không bị tác động tiêu cực của những thay đổi của thế giới xung quanh, không bị tác động bởi những tư tưởng xấu, những quan điểm lệch lạc đi ngược lại những giá trị tốt đẹp của cộng đồng xã hội. Có tri thức, hiểu biết con người sẵn sàng xả thân trước những mục tiêu, lý tưởng đúng đắn và cao đẹp, đồng thời sẵn sàng hi sinh trước những nhiệm vụ khó khăn, những khó khăn thử thách.

Bốn là, Hồ Chí Minh (2011, tập 6: 361) khẳng định “học để hành: học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích”.

Mục đích thiết thực, sâu xa của việc học là phục vụ thực hành, công việc chuyên môn. Kiến thức, hiểu biết thu nhận thông qua việc học tập để áp dụng nâng cao hiệu quả chất lượng thực hành, từ đó tạo ra những giá trị hữu ích, thiết thực trong đời sống, cho bản thân và xã hội. Kết quả của học tập được đánh giá, minh chứng thông qua thực hành, áp dụng vào chuyên ngành, giải quyết các vấn đề thực tiễn công việc đặt ra. Học tập chỉ nắm lý thuyết không vận dụng, sử dụng vào công việc thì việc học tập trở nên vô ích, tốn thời gian tiền của và công sức. Hồ Chí Minh đặc biệt phê phán lối học tập lý thuyết suông, “lý luận suông” bởi mục đích của lý luận và học tập lý luận cốt lõi nhằm áp dụng vào thực tế, phục vụ giải quyết các vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra. Vì vậy, hậu quả của lối học tập “lý luận suông” gây ra lãng phí, vô ích, ảnh hưởng đến nhiệm vụ cách mạng và sự nghiệp xây dựng đất nước. Đặc biệt, Người thường xuyên nhắc nhở việc “học đi đôi với hành”, đối với các cháu thanh thiếu niên, học sinh. Người chỉ rõ học đi đôi với hành cụ thể, thiết thực đối với con trẻ: ở nhà thì “phải thương yêu cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ về mặt công việc, giúp đỡ về tinh thần”; ở trường thì “phải đoàn kết, giúp đỡ anh chị em, thi đua học tập”; ở xã hội thì có thể làm nhiều việc có ích như “tuyên truyền vệ sinh, giúp đỡ các em nhi đồng, xung phong dạy bình dân học vụ” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 9: 719).

Với tư duy khoa học và biện chứng, Hồ Chí Minh khẳng định tầm quan trọng của học đối với thực hành: “hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Hồ Chí Minh nhìn thấy, thực tiễn mà không có lý luận soi đường thì đó là “thực tiễn mù quáng”: “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 6: 357). Tư duy biện chứng thể hiện ở cả học lý thuyết lẫn học thực tế. Học lý thuyết để được trang bị hệ thống lý luận quan điểm, giúp mỗi người tự tin khi thực hành, nhưng chỉ lý thuyết suông không áp dụng vào thực hành thì việc học không có giá trị ý nghĩa.

2. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG VAI TRÒ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, giá trị của học tập suốt đời không chỉ thể hiện trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc mà đặc biệt trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước. Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước những tư tưởng của Người về vai trò giá trị của việc học tập suốt đời trờ thành cơ sở cho việc xây dựng và phát triển giáo dục đào tạo, chiến lược phát triển con người. Nhận thức rõ vai trò của giáo dục đào tạo và việc học tập suốt đời đối với sự phát triển của đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục, phát huy sức mạnh nhân tố con người nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng đề ra, xây dựng đất nước giàu mạnh.

Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của học tập suốt đời trong giáo dục đào tạo thời kỳ xây dựng đất nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội, nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2011: 77). Đại hội XI của Đảng đã đề cập và đánh giá đúng giá trị của việc xây dựng xã hội học tập, khẳng định vai trò học tập suốt đời đối với sự phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực. Đảng cũng khẳng định việc tạo điều kiện, cơ hội cho mỗi công dân mỗi con người được học tập suốt đời là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Có thể nói, từ Đại hội XI của Đảng, các nội dung về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đã được đề cập và quan tâm. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã chỉ rõ các quan điểm chỉ đạo trong đó chỉ ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp đổi mới giáo dục: “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” (Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 2013: 115). Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định việc thực hiện xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của đất nước.

Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò của xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong phát triển hệ thống giáo dục. Đảng đã nắm bắt được xu hướng, sự phát triển của thời đại và nhận rõ vai trò xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ cơ bản lâu dài của đất nước, đây cũng là nhiệm vụ cấp bách đảm bảo sự thành công công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa dân tộc, đưa nền kinh tế của đất nước trở thành nền kinh tế tri thức, xã hội Việt Nam hiện đại và hội nhập với thế giới. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII khẳng định: “Hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016: 177) để nhằm nâng cao chất lượng, phát triển toàn diện giáo dục đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của đất nước.

Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh dấu mốc mới về chuyển biến sâu sắc trên phương diện lý luận. Đại hội đã đánh giá 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011); 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011-2020; 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991. Đại hội khẳng định: “… lý luận về đường lối đổi mới, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện từng bước được hiện thực hóa… Đất nước đã đạt được những thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước Đổi mới. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tập 1: 25). Những thành tựu của đất nước trở thành nguồn động lực to lớn cho dân tộc vượt qua những khó khăn thử thách, tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc Đổi mới. Những thành công đó một phần xuất phát từ việc phát triển hệ thống giáo dục, đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục và đào tạo của nước ta. Đảng tiếp tục nhấn mạnh vai trò và thúc đẩy việc thực hiện xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời để củng cố nâng cao chất lượng giáo dục.

Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09 tháng 5 năm 2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới cũng đã chỉ rõ một trong những chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là: “gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời” Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 2024). Học tập suốt đời trở thành một tiêu chí đánh giá về chuẩn mực đạo đức trong giai đoạn mới của cán bộ đảng viên.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp thu những giá trị tư tưởng học tập suốt đời, “còn sống còn phải học” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng học tập suốt đời của Người trở thành kim chỉ nam trong xây dựng chính sách giáo dục đào tạo, phát triển nền giáo dục quốc dân, góp phần đưa Việt Nam “”sánh vai với các cường quốc năm châu”. Để củng cố tăng cường nhận thức về giá trị và vai trò của xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường giáo dục, khơi dậy truyền thống hiếu học của dân tộc. Giáo dục cho thế hê trẻ những giá trí của truyền thống hiếu học của cha ông ta. Tuyên truyền giáo dục toàn dân nhận thức sâu sắc về giá trị, vai trò của việc học tập suốt đời trong việc phát triển sự nghiệp của mỗi con người, góp phần vào xây dựng đất nước, thực hiện thành công sự nghiệp Đổi mới. Tiếp tục thực hiện “tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm với đất nước, với xã hội…” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tập I: 168) đặc biệt trong hoàn cảnh hiện nay nhiệm vụ học tập là đặc biệt quan trọng để đưa “Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu”. Ngoài ra, cần làm cho tư tưởng về vai trò của học tập suốt đời thẩm thấu trong trong mọi lĩnh vực đời sống của xã hội, trong nhân dân. Từ đó huy động tối đa sức mạnh trí tuệ, nguồn nhân lực chất lượng cao thực hiện thành công công cuộc Đổi mới của đất nước.

Thứ hai, xây dựng xã hội học tập trong đó tất cả mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội đều phải tham gia quá trình giáo dục, và phải nhận thức rõ vai trò của việc xây dựng xã hội học tập gắn bó chặt chẽ với việc học tập suốt đời của mỗi con người và của toàn xã hội. Để đảm bảo việc học tập suốt đời của mỗi con người cần nhận thức đúng tầm quan trọng của xây dựng xã hội học tập, thấy được mối liên hệ biện chứng giữa hai nhiệm vụ này, từ đó giúp cho mỗi con người tận dụng được các cơ hội do xã hội học tập cung cấp để phát triển bản thân, phát triển đất nước.

Thứ ba, xây dựng thói quen, chuẩn mực đạo đức mới cho công dân, đưa học tập suốt đời trở thành tiêu chí đánh giá chuẩn mực đạo đức xã hội trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Từ đó mỗi cá nhân ý thức được sự cần thiết phải hình thành, rèn luyện thói quen học tập suốt đời. Xây dựng các phong trào tự rèn luyện trong các ngành nghề, đơn vị, cơ quan… từ đó hình thành các phong trào tự học rộng rãi ở nhiều địa phương, nhiều lứa tuổi, nâng cao tri thức, hiểu biết năng lực của mỗi người.

Thứ tư, khắc phục những hạn chế, những căn bệnh của giáo dục như bệnh thành tích, bệnh trọng bằng cấp… đấu tranh chống lại nhưng tư tưởng cổ hủ lạc hậu trong giáo dục và đào tạo. Từ đó góp phần hình thành ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân với việc tự học tập suốt đời, thông qua đó mỗi người có trình độ, hiểu biết nhận thức đúng đắn trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, chủ động cảnh giác với những âm mưu, nhưng tư tưởng chống phá của các thế lực bên ngoài. q

3. KẾT LUẬN

Tư tưởng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn sâu rộng của người về vai trò, giá trị của giáo dục đào tạo trong sự phát triển cá nhân và xã hội. Để con người có đủ năng lực, phẩm phất đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng và xây dựng phát triển đất nước mỗi con người cần kiên trì theo đuổi, không ngừng hoàn thiện bản thân thông qua quá trình tự học tập, tự rèn luyện, cả về tri thức và đạo đức. Vận dụng tư tưởng học tập suốt đời của Hồ Chí Minh vào thực tiễn đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong thực tiễn lãnh đạo phát triển giáo dục đào tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng đã chủ động triển khai nhiều chương trình, phong trào nâng cao nhận thức về giá trị học tập suốt đời, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân không ngừng học tập, rèn luyện để trở thành công dân có ích, đóng góp tích cực cho xã hội. Đảng đang không ngừng phát triển hệ thống giáo dục toàn diện, thúc đẩy phong trào tự học, tự rèn luyện, nâng cao trình độ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân khắp mọi miền của đất nước là những minh chứng cụ thể cho việc vận dụng tư tưởng học tập suốt đời của Người. Vì vậy, Việt Nam hiện nay đã có những bước tiến lớn trong xây dựng một nền giáo dục mở, hiện đại và toàn diện, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tư tưởng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản quý báu của dân tộc Việt Nam đồng thời là kim chỉ nam cho những nỗ lực giáo dục, đào tạo, phát triển con người trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2013): Văn kiện Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Hà Nội.

2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2024): Quyết định số 144-QĐ/TW Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam. 2011. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam. 2016. Văn kiện Đại hôị đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam. 2021. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII – Tập I. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật.

6. Hồ Chí Minh. 2011. Toàn tập – Tập 4. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật.

7. Hồ Chí Minh. 2011. Toàn tập – Tập 5. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật.

8. Hồ Chí Minh. 2011. Toàn tập – Tập 6. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật.

9. Hồ Chí Minh. 2011. Toàn tập – Tập 9. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật.

10. Hồ Chí Minh. 2011. Toàn tập – Tập 15. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật.

Bài liên quan

Bài đăng mới