1. Một số nét tiêu biểu về lối sống truyền thống Việt Nam
Lối sống là khái niệm dùng để chỉ tổng hợp các yếu tố đặc trưng cơ bản trong cách suy nghĩ, ứng xử và hành vi của con người đối với thế giới xung quanh, trong một cộng đồng xã hội nhất định, được thể hiện trên các lĩnh vực lao động sản xuất, hoạt động chính trị – xã hội, tư tưởng, văn hóa và trong ứng xử giao tiếp. Xét đến cùng, lối sống chịu sự quy định của phương thức sản xuất vật chất và toàn bộ những điều kiện sinh hoạt vật chất của con người. Mặc dù vậy, lối sống có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực tới toàn bộ đời sống xã hội.
Lối sống của một dân tộc trong mỗi giai đoạn lịch sử luôn chịu sự quy định của hoàn cảnh địa lý – tự nhiên và điều kiện kinh tế – xã hội. Dân tộc Việt Nam nằm trên bán đảo Đông Dương với phương thức sản xuất, hoàn cảnh địa lý – tự nhiên vô cùng đa dạng và phức tạp. Nằm trong phương thức sản xuất châu Á, với đặt trước là chế độ công xã nông thôn tồn tại lâu dài, dai dẳng, sự phân chia giai cấp không hiện hình và sâu sắc. Cùng với đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, chiến tranh, sự đan xen phong phú của văn hóa tộc người… đã hình thành nên lối sống với những đặc trưng riêng biệt của dân tộc Việt Nam.
Có thể khẳng định, lối sống truyền thống dân tộc Việt Nam là tổng hợp các giá trị, quan niệm, phong tục và tập quán phản ánh những đặc trưng cơ bản trong cách suy nghĩ, ứng xử và hành vi của con người Việt Nam trong mối quan hệ với gia đình, cộng đồng và môi trường xung quanh, được hình thành trong suốt chiều dài hàng nghìn năm của lịch sử dân tộc, được thể hiện trên các lĩnh vực lao động sản xuất, hoạt động chính trị – xã hội, tư tưởng, văn hóa và trong ứng xử giao tiếp, như chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết, lòng nhân nghĩa, yêu chuộng hòa bình…
Giá trị lối sống truyền thống dân tộc Việt Nam là một bộ phận cấu thành hệ thống các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, góp phần tạo nên cốt cách, lối sống của cộng đồng dân tộc Việt Nam, điều chỉnh hành vi của cá nhân, cộng đồng xã hội trong các hoạt động sản xuất, các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, con người với con người… Điều này được thể hiện trong nhiều công trình nghiên cứu như: Việt Nam phong tục (viết năm 1913-1914) của Phan Kế Bính (1875-1921), Việt Nam văn hóa sử cương (viết năm 1938) của Đào Duy Anh (1904-1988), Văn minh Việt Nam (viết năm 1939 bằng tiếng Pháp, được in tại Hà Nội năm 1944 và đến tận 1996 mới được dịch ra tiếng Việt) của Nguyễn Văn Huyên (1905-1975)… Trong tác phẩm Văn minh Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên cũng có những quan điểm tương tự như Đào Duy Anh khi nói tới những mặt tính cách tích cực nổi bật của người Việt Nam (mà ta có thể xem như những giá trị truyền thống của con người Việt Nam), đó là: cần cù, thực tế, thông minh, hiền lành, dũng cảm [2]. Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương cho rằng, thông minh, ham học, thực tiễn, cần cù, chuộng hòa bình, dũng cảm, khả năng thích ứng, dung hóa, trọng lễ giáo [1, tr.20] vừa là đặc điểm, vừa là lối sống của người Việt Nam. Trong công trình Tìm hiểu tính cách dân tộc (xuất bản năm 1963) của Nguyễn Hồng Phong. Tác giả cho rằng dân tộc Việt Nam có các đặc tính mà cũng có thể xem là những giá trị truyền thống bởi chúng là những phẩm chất tốt đẹp, được xây dựng và vun đắp lâu dài trong lịch sử và cần thiết cho cả ngày nay: tập thể – cộng đồng, trọng đạo đức, cần, kiệm, giản dị, thực tiễn, có tinh thần yêu nước bất khuất và lòng yêu chuộng hòa bình, nhân đạo, lạc quan.
Khi nói về các giá trị truyền thống, trong đó có giá trị lối sống truyền thống dân tộc của con người Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lời một học giả người Pháp là Đơ Puphuốcvin đánh giá về văn hóa, lối sống của người An Nam khi ông cho rằng, ở An Nam đã có một nền văn minh từ lâu được xây dựng từ rất sớm. Nghệ thuật, khoa học, kể cả khoa học quản lý nhà nước đều đã phát triển rất mạnh mẽ. Luật pháp, cổ phong, tôn giáo, văn học đều đã hoàn chỉnh và hòa hợp với nhau một cách hoàn hảo. Dân tộc này đã sống trong một xã hội thuần thục có tổ chức. Yêu mến quê hương, quyến luyến gia đình, tôn kính tổ tiên, yêu chuộng công lý, tôn trọng chính nghĩa, ham thích khoa học coi trọng lời nói thánh hiền thương yêu loài giống, tôn kính lẽ phải, ghét xa hoa, không ham tiền tài, khinh ghét vũ lực, không sợ gian khổ hy sinh là những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam đã trở thành những lời răn dạy trong sách thánh hiền, lưu lại trong cổ phong và ghi thành pháp luật. Trải qua bao thế hệ những con người An Nam đều như thế [7, tr.450- 451]. Nhận xét đó thể hiện sự nhận thức khá sâu sắc, toàn diện về giá trị văn hóa, lối sống của con người Việt Nam vừa mang bản sắc dân tộc Việt Nam, vừa thể hiện trình độ phát triển của người An Nam và dân tộc Việt.
Khi bàn về bản sắc cội nguồn của văn hóa dân tộc, công trình “Sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa: một góc nhìn từ Việt Nam”, khẳng định: “Hệ giá trị tinh thần cốt lõi là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, đạo lý “thương người như thể thương thân”, đức tính cần cù, thiết thực, linh hoạt, sáng tạo trong lao động sản xuất, tổ chức cuộc sống, xây dựng và bảo vệ đất nước” [11, tr.148]. “Lối sống truyền thống của người Việt được kết tinh từ các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc: yêu nước, đoàn kết, nhân ái, khoan dung, cần cù, hiếu học, thông minh, sáng tạo, nhẹ nhàng, tế nhị, kín đáo, linh hoạt, dễ thích nghi…Các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc này đã góp phần tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam” [12, tr. 31].
Đảng ta, khi nói về các giá trị đã tạo nên bản sắc của dân tộc Việt Nam, đã khẳng định: “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…” [3, tr. 56].
2. Những giá trị cốt lõi của lối sống truyền thống dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế
Thứ nhất, tinh thần yêu nước nồng nàn là giá trị căn bản của lối sống truyền thống Việt Nam – cơ sở để khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh hạnh phúc trong hội nhập quốc tế.
Đối với dân tộc Việt Nam, lòng yêu nước là giá trị cốt lõi, giá trị hàng đầu trong bảng giá trị cao đẹp của dân tộc; là “sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại” [4, tr.100], trở thành “tiêu điểm của các tiêu điểm, giá trị của các giá trị”, là “động lực tình cảm lớn nhất của đời sống dân tộc, đồng thời là bậc thang cao nhất trong hệ thống các giá trị đạo đức của dân tộc ta” [4, tr.94, là “dòng chủ lưu của đời sống Việt Nam, trở thành một dạng triết lý xã hội và nhân sinh trong tâm hồn Việt Nam” [6, tr.63].
Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v.. Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng” [9, tr. 38].
Vì vậy, có thể khẳng định lòng yêu nước là yếu tố chi phối suy nghĩ, tình cảm, lối sống của con người Việt Nam. Từ các cụ già đến các cháu nhi đồng, trẻ thơ, từ miền ngược, miền xuôi đến kiều bào ở nước ngoài, từ chiến sĩ ngoài mặt trận đến phụ nữ ở hậu phương đều hết lòng hết sức phát huy tinh thần yêu nước, không quản ngại khó khăn, xung phong tham gia cách mạng, lao động, sản xuất.
Các phong trào thi đua yêu nước từ thời kỳ phong ba lửa đạn đến thời kỳ hòa bình đang phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước ấy. Phong trào thi đua yêu nước đang khơi dậy, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường trong mỗi người dân trước vận mệnh của đất nước. Mỗi người đều có ý thức trách nhiệm cao tham gia phong trào thi đua yêu nước, phát huy mọi nguồn lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách; đem hết tài năng, trí tuệ, sức lực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phong trào thi đua yêu nước đã góp phần cổ vũ, thổi bùng phong trào tự giác cách mạng, phát huy tài năng, sáng tạo, trí tuệ, sức mạnh của quần chúng; phát huy nhân tố con người để tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng và phát triển đất nước.
Phát huy cao độ tinh thần yêu nước, mỗi người dân Việt Nam đều ra sức học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giầu thêm cho quê hương đất nước, qua đó lan tỏa những giá trị đẹp đẽ của văn hóa, con người Việt Nam trên thế giới. Trong thời kỳ hiện đại, tinh thần yêu nước, kiên cường của dân tộc ta tiếp tục được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân ta đã và đang nỗ lực xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tinh thần yêu nước, là một di sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Nó là nguồn sức mạnh to lớn, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi người Việt Nam đều cần phải ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và phát huy tinh thần này, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.
Thứ hai, lối sống nhân nghĩa, yêu hòa bình,khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý là cơ sở để Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
Nhân nghĩa là một giá trị cơ bản trong lối sống truyền thống của dân tộc ta. Nó thấm sâu vào các quan hệ từ trong gia đình đến làng xóm, cộng đồng xã hội; từ sinh hoạt đời thường đến sản xuất, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, là cơ sở quan trọng để thiết lập mối quan hệ giữa người với người.
Lối sống nhân nghĩa của người Việt Nam được thể hiện trong suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động. Đó là sự thương yêu, sự quan tâm sẻ chia, giúp đỡ mọi người nhất là những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn. Đó còn là lòng vị tha, thương người như thể thương thân, tinh thần trách nhiệm, lòng biết ơn, sự tri ân, lòng chung thủy, trân trọng… Lối sống nhân nghĩa của người Việt Nam đã được đúc rút, thể hiện trong nhiều câu ca dao, tục ngữ, trở thành triết lý sống, đạo lý sống của con người. Thương người như thể thương thân; lá lành đùm lá rách; Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; Khôn ngoan thì đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau; Một giọt máu đào hơn ao nước lã…
Có thể coi nhân nghĩa là một giá trị văn hoá lớn của dân tộc ta. Nó đã tạo nên một nét độc đáo trong chủ nghĩa nhân văn truyền thống Việt Nam. Đây cũng là cơ sở của lòng yêu chuộng hòa bình của người dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam luôn cố gắng hết sức mình để tránh xảy ra những cuộc chiến tranh, đổ máu. Trước kẻ thù xâm lược, nhân dân ta đấu tranh không khoan nhượng, nhưng khi chiến tranh kết thúc nhân dân ta cũng rất bao dung, nhân đạo, luôn thể hiện tinh thần nhân nghĩa, khoan dung. Nguyễn Trãi đã từng quan niệm “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo” và “Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” (Bình Ngô đại cáo). Hồ Chí Minh cho rằng: “Nhân dân Việt Nam yêu hòa bình nhưng quyết không bao giờ lùi bước trước bất kỳ một sự đe dọa nào của bọn đế quốc” [10, tr. 520].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái” [8, tr. 160]. Tinh thần bác ái, độ lượng, khoan dung, nhân nghĩa đã trở thành biểu trưng cơ bản của giá trị lối sống truyền thống Việt Nam. Hồ Chí Minh cũng là người đã lan tỏa, nâng tầm những giá trị ấy, để giá trị lối sống Việt Nam trở thành những biểu trưng trong phẩm chất của con người hiện đại, con người xã hội chủ nghĩa.
Bằng việc kết hợp chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, chủ nghĩa nhân văn cộng sản của chủ nghĩa Mác-Lênin với giá trị lối sống truyền thống Việt Nam, Hồ Chí Minh đã tạo nên những tư tưởng đặc sắc về giá trị lối sống của con người thời đại mới, tương lai mới.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, lối sống nhân nghĩa, yêu hòa bình, khoan dung, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý của người Việt Nam không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, mà còn là nền tảng văn hóa vững chắc để dân tộc ta hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại, vừa giữ được bản sắc dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Hiện nay, những giá trị này càng tỏa sáng, góp phần định hình bản sắc văn hóa dân tộc và tạo nên sức mạnh mềm cho đất nước trên trường quốc tế.
Thứ ba, lối sống hài hòa, linh hoạtvới tự nhiên và xã hội tạo cơ sở cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ngay từ thời cổ đại, nơi cư trú chủ yếu của người Việt là lưu vực các con sông lớn, với nhiều vùng đất mới được bồi lấp. Điều này vừa tạo điều kiện cho ngành sản xuất nông nghiệp lúa nước phát triển, vừa góp phần hình thành nên những nét độc đáo trong tư duy và lối sống của người Việt Nam. Với cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, hòa nhập với thiên nhiên, với môi trường sông nước, người Việt từ xa xưa đã coi trọng sự cân bằng âm dương, đất trời và con người, luôn đề cao sự hài hòa, mềm dẻo, sống giản dị, chất phác nhưng luôn có sự tinh tế trong ứng xử. Những yếu tố này đã góp phần quan trọng trong việc dung dưỡng tâm hồn và tình cảm của người dân Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia có vị trí nằm ở khu vực ngã ba Đông Nam Á, đây là môi trường để người Việt Nam giao lưu, tiếp cận với những luồng tư tưởng và những nền văn hóa lớn trên thế giới. Vì thế, trong tiến trình phát triển tư duy của dân tộc, Việt Nam đã nhiều lần tiếp nhận các học thuyết triết học, chính trị và tôn giáo từ bên ngoài vào. Điều này cũng làm cho tư duy của người Việt phải hết sức linh hoạt và mềm dẻo. Thực tế đã chứng minh rằng, bất kỳ một học thuyết triết học, chính trị, tôn giáo nào khác khi du nhập vào nước ta cũng được nhân dân ta cải biến, kết hợp với những yếu tố nội sinh, những phong tục tập quán và truyền thống vốn có của dân tộc để biến đổi làm cho nó phù hợp với tư duy của người Việt. Cách xử lý đúng đắn đó đã khiến cho tư duy của người Việt luôn được bổ sung, đổi mới và ngày càng trở nên phong phú, đa dạng hơn.
Nhờ có sự hài hòa, linh hoạt, mềm dẻo mà người Việt Nam có thể tiếp biến, vận dụng những tư tưởng, cách làm mới, để tạo ra những giá trị, nâng tầm lối sống truyền thống Việt Nam. Lối sống hài hòa, linh hoạt, mềm dẻo, uyển chuyển của người Việt Nam đã góp phần khắc phục được những khác biệt, đối lập trong quan điểm, cách tiếp cận của người Việt Nam đối với văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của các quốc gia khác. Tư tưởng tam giáo đồng nguyên tồn tại lâu dài trong lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều ấy. Trong quá trình ấy, người Việt Nam luôn biết cách lọc bỏ những điều không phù hợp, giữ lại những hạt nhân tư tưởng tích cực, tiến bộ, tạo nên những nhân tố mới của nền văn hóa, mới. Chính vì vậy, nên năn hoá Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, hài hòa và phong phú.
Lối sống hài hòa, linh hoạtvới tự nhiên và xã hội tạo nên sự thân thiện, mến khách, lòng hiếu khách của người Việt luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Những giá trị văn hóa truyền thống như nghệ thuật ẩm thực, trang phục truyền thống, lễ hội dân gian… đã và đang thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế, góp phần phát triển ngành du lịch của Việt Nam. Thông qua việc quảng bá lối sống truyền thống, Việt Nam có thể nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Lối sống truyền thống chính là nền tảng tinh thần vững chắc, giúp con người Việt Nam giữ vững bản sắc văn hóa, không bị hòa tan, đánh mất mình trong dòng chảy văn hóa toàn cầu. Trong bối cảnh giao lưu văn hóa quốc tế ngày càng mạnh mẽ, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc càng trở nên quan trọng. Lối sống truyền thống chính là “hệ miễn dịch” giúp người Việt Nam tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa tiến bộ của nhân loại, đồng thời loại bỏ những yếu tố tiêu cực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Đồng thời, là sức mạnh nội sinh quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Thứ tư, lối tư duy thiết thực, hành động cơ sở để định hình giá trị dân tộc Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Người Việt luôn có xu hướng tư duy, suy nghĩ để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, không chú trọng bàn đến những vấn đề cao siêu, trừu tượng. Nhờ lối tư duy thiết thực, hành động vận dụng vào thực tiễn cuộc sống và đất nước nên người Việt luôn uyển chuyển, linh hoạt, mềm dẻo, thiên biến vạn hóa (ở bầu thì tròn, ở ống thì dài; nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc…). Người Việt cũng biết vận dụng những lý thuyết trừu tượng tiếp thu từ bên ngoài để giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống nhân sinh cũng như vận mệnh dân tộc, làm cho những lý thuyết trừu tượng và khó hiểu trở nên gần gũi, đơn giản, dễ hiểu hơn dễ thực hành hơn. Lối tư duy thiết thực, hành động của người Việt Nam từ xưa đến nay là một nét đặc trưng nổi bật trong văn hóa và tâm lý dân tộc. Nó thể hiện qua nhiều khía cạnh của đời sống, từ cách ứng xử, giao tiếp, đến lao động, sản xuất và sáng tạo tập trung vào những vấn đề cụ thể, gần gũi với đời sống hàng ngày “Trăm nghe không bằng một thấy”; “Học thầy không tày học bạn”; “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”…
Dân tộc Việt Nam với những giá trị lối sống truyền thống tốt đẹp hoàn toàn có khả năng hội nhập quốc tế để tiếp thu và vận dụng sáng tạo những thành tựu của nền văn minh nhân loại, nhất là thành tựu của cách mạng khoa học – công nghệ tiên tiến cũng như tri thức hiện đại trên thế giới vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất cho sự phát triển còn hạn hẹp, trong khi nguồn lực con người lại vô cùng phong phú, nếu biết phát huy sẽ là nguồn sức mạnh to lớn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ. Vì thế, việc nghiên cứu giá trị lối sống truyền thống dân tộc Việt Nam là cơ sở để thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, tạo tiền đề phát triển đất nước nhanh và bền vững, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa hiện đại, tiến bộ, văn minh.
Với lối tư duy thực tiễn, linh hoạt, luôn biết cách thích ứng với hoàn cảnh, “lấy nhu thắng cương”, “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, điều này thể hiện qua việc Việt Nam luôn chủ động, linh hoạt trong việc điều chỉnh chính sách đối ngoại cho phù hợp với tình hình thực tế trong nước và quốc tế, vừa kiên định nguyên tắc, vừa mềm dẻo trong ứng xử, tìm kiếm giải pháp tối ưu cho các vấn đề quốc tế. Lối tư duy thiết thực, hành động của người Việt Nam từ xưa đến nay đã hun đúc nên những giá trị cốt lõi trong đường lối đối ngoại của Việt Nam: độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Những giá trị này là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế, khẳng định vị thế và đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của thế giới.
Với chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam đã trở thành địa điểm gặp gỡ, giao lưu văn hóa, kinh tế, đối thoại an ninh chính trị an toàn của tất cả các nước và các tổ chức quốc tế lớn trên thế giới.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, bao gồm quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 quốc gia, đặc biệt, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 05 nước Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và nhiều nước G20, thể hiện vai trò và vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Không chỉ dừng lại ở quan hệ giữa các quốc gia, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, thúc đẩy hợp tác quốc tế. Hiện nay, Đảng ta đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng Cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính. Điều này góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác và xây dựng lòng tin giữa các đảng phái, vì hòa bình, ổn định và phát triển chung [13]. Đồng thời Việt Nam là thành viên tích cực của hơn 70 các tổ chức quốc tế và khu vực, có quan hệ với 224 thị trường tại các châu lục [13].
Trên trường quốc tế, Việt Nam đã chủ động tham gia và có những đóng góp tích cực vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng, để lại dấu ấn đậm nét trên trường quốc tế như: Nước chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã tổ chức thành công Năm APEC 2017, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Chủ tịch ASEAN 2020, trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và tầm vóc trong việc lãnh đạo ASEAN vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19, duy trì đoàn kết và thúc đẩy hợp tác ASEAN; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế và khẳng định vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong việc góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77, Việt Nam tích cực tham gia vào các hoạt động của Đại hội đồng, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu; Chủ trì các hội nghị quốc tế quan trọng, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2, khẳng định vai trò là cầu nối trong quan hệ quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Năm 2022, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc lần thứ hai, nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm quan trọng của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới. Với vị thế và uy tín của mình, năm 2023, Việt Nam đã chủ động đề xuất và soạn thảo Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA). Nghị quyết đã được thông qua với sự đồng thuận cao, có sự đồng bảo trợ của 98 nước (bao gồm 14 nước đồng tác giả: Việt Nam, Áo, Bangladesh, Bỉ, Bolivia, Brazil, Chile, Costa Rica, Fiji, Ấn Độ, Panama, Rumani, Nam Phi và Tây Ban Nha), thể hiện sự quan tâm và ưu tiên chung của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề nhân quyền. Việc Nghị quyết được thông qua với sự ủng hộ rộng rãi đã tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín ngày càng lớn của Việt Nam trên trường quốc tế, là một quốc gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong việc tham gia giải quyết các vấn đề quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đến nay, Việt Nam đã cử 799 [13] lượt cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại nhiều phái bộ và Trụ sở Liên hợp quốc. Hình ảnh “mũ nồi xanh” Việt Nam đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân văn và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Gần đây nhất, Việt Nam đã cử đội cứu hộ, cứu nạn tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng chia sẻ với bạn bè quốc tế trong hoạn nạn.
Việt Nam còn tham gia lực lượng gin giữ hòa bình của Liên hợp quốc, như: Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Nam Sudan và Khu vực Abyei và đội tham gia tìm kiếm, cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng quốc tế mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và lan tỏa những giá trị lối sống tốt đẹp của người Việt Nam.
3. Những thách thức và giải pháp giữ gìn và phát huy giá trị lối sống truyền thống dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, bên cạnh những cơ hội giao lưu, học hỏi, Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức từ sự xâm nhập của các trào lưu văn hóa ngoại lai, lối sống thực dụng, ích kỷ… có thể làm mai một các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Sự du nhập ồ ạt của văn hóa nước ngoài, đặc biệt là thông qua internet và mạng xã hội, khiến một bộ phận giới trẻ dễ bị cuốn theo những trào lưu, phong cách sống mới lạ, xa rời các giá trị truyền thống. Lối sống thực dụng, đề cao vật chất, cá nhân chủ nghĩa, coi trọng thành công bằng mọi giá đang dần len lỏi vào xã hội, làm phai mờ những giá trị đạo đức truyền thống như tình làng nghĩa xóm, tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái.
Bên cạnh đó, sự pha trộn, biến tướng các giá trị văn hóa truyền thống cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp bị thương mại hóa, méo mó, thậm chí bị lợi dụng cho các mục đích ích kỷ. Điều này không chỉ làm mất đi bản sắc văn hóa mà còn ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống của người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Để giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống trong bối cảnh hiện nay, cần có sự nỗ lực từ nhiều phía. Gia đình và nhà trường cần tăng cường giáo dục truyền thống, đạo đức cho thế hệ trẻ. Cần có các chính sách phù hợp để quản lý văn hóa, ngăn chặn sự xâm nhập của các trào lưu văn hóa tiêu cực. Quan trọng hơn, mỗi người cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc giữ gìn và phát huy các giá trị lối sống truyền thống của dân tộc Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Bài viết gợi ý một số giải pháp cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này như: 1/ Tăng cường giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống vào chương trình giáo dục từ bậc mầm non đến đại học, thông qua các môn học như lịch sử, văn học, đạo đức, giáo dục công dân…Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế để giúp học sinh, sinh viên hiểu và yêu hơn các giá trị truyền thống. Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử dân tộc. Phát huy vai trò của gia đình trong việc giáo dục truyền thống cho con em. 2/ Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể như nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ và truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức các hoạt động biểu diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể trong nước và quốc tế; hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa phi vật thể. 3/ Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, chống lại các tác động tiêu cực của văn hóa ngoại lai; quản lý chặt chẽ các hoạt động văn hóa, giải trí, ngăn chặn sự phổ biến các sản phẩm văn hóa độc hại, phản cảm; khuyến khích sáng tác, phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc, giá trị nhân văn. 4/ Gắn kết chặt chẽ giữa giữ gìn bản sắc dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa tiên tiến, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Kết hợp giữa bảo tồn bản sắc dân tộc với phát triển văn hóa hiện đại, hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tăng cường giao lưu văn hóa quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Việc giữ gìn và phát huy các giá trị lối sống truyền thống là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Bằng sự nỗ lực chung tay góp sức của toàn xã hội, chúng ta tin tưởng rằng các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ được bảo tồn và phát huy, góp phần xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, văn minh và hội nhập thành công.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
- Đào Duy Anh (2014): Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
- Phan Kế Bính (2014): Việt Nam phong tục, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (1998): Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Trần Văn Giàu (1980): Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Trần Văn Giàu (1980): Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Tương Lai (1983): Chủ động và tích cực xây dựng đạo đức mới, Nxb Sự thật, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t.14, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Trần Ngọc Thêm (2016): Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai, Nxb. VH-VN, Tp Hồ Chí Minh.
- Võ Văn Thắng (2007): “Xây dựng lối sống dân tộc – hiện đại – nhân văn ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Khoa học chính trị, (5).
- https://dangcongsan.vn/tieu-diem/dat-nuoc-ta-chua-bao-gio-co-duoc-co-do-tiem-luc-vi-the-va-uy-tin-quoc-te-nhu-ngay-nay-673603.html
- https://dangcongsan.vn/thoi-su/thuc-day-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-hoa-ky-678687.html
- https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-tich-nuoc-cu-4-si-quan-di-gin-giu-hoa-binh-o-chau-phi-0240222192724663.htm