GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC CỦA TÔN GIÁO VÀ KINH NGHIỆM PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA ĐẠO ĐỨC TÔN GIÁO TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

TS. Đỗ Thị Thanh Hương

Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

1. Mở đầu

Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, ngay từ đầu công nguyên đã có sự xuất hiện của tam giáo gồm: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo cùng song song tồn tại. Trong quá trình tìm chỗ đứng trong đời sống xã hội Việt Nam, bản thân các tôn giáo đều trải qua quá trình biến đổi, giữa các yếu tố như triết lý, đạo đức, lễ nghi của tam giáo và giữa các yếu tố của tam giáo với các yếu tố tín ngưỡng dân gian có sự kết hợp, pha trộn, vay mượn, hòa đồng, thống nhất, ràng buộc và chấp nhận lẫn nhau. Dù mỗi tôn giáo có nội dung, vai trò, vị trí khác nhau trong đời sống xã hội nhưng đều thể hiện giá trị của riêng mình nhằm đáp ứng yêu cầu, điều kiện của thực tiễn lịch sử.

Giá trị đạo đức luôn là một trong những giá trị nổi bật nhất của mỗi tôn giáo, trở thành những nhân tố tinh thần tiêu biểu, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần xã hội, thật sự đi vào xã hội Đại Việt, xây dựng nếp sống đạo đức, giúp người dân khai mở nguồn sáng, đảm bảo an sinh và ảnh hưởng đến hệ tư tưởng trị quốc của từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Mỗi vương triều trong lịch sử đều có cách thức ứng xử tương ứng, phù hợp để phát huy giá trị của đạo đức tôn giáo trong xây dựng quốc gia dân tộc và tùy vào điều kiện lịch sử cụ thể để lựa chọn tôn giáo giữ vai trò chủ lưu cho sự phát triển của mình. Giá trị đạo đức của tôn giáo luôn được các triều đại tiếp thu, chọn lọc, phát huy, trở thành nội lực của dân tộc, đóng góp vào xây dựng đạo đức xã hội giữ gìn độc lập và chủ quyền lãnh thổ, phù hợp với yêu cầu đặt ra của xã hội đương thời. Nhận diện giá trị đạo đức và kinh nghiệm phát huy giá trị đạo đức của tôn giáo trong lịch sử Việt Nam, những kinh nghiệm đó đồng thời cũng là những gợi ý có giá trị tham khảo để phát huy giá trị của đạo đức tôn giáo trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo cho xây dựng và phát triển đất nước.

2. Giá trị đạo đức của các tôn giáo

Như đã nêu trên, trong lịch sử Việt Nam ở thời kỳ phong kiến có sự hiện diện của Tam giáo gồm Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, mỗi tôn giáo đều xây dựng những giá trị chuẩn mực đạo đức riêng, trong nhiều trường hợp biểu hiện của đạo đức ở mỗi tôn giáo là khác nhau ví như trung quân là nét đặc thù riêng của Khổng giáo mà không tìm thấy trong các tôn giáo khác, nó là bộ phận đạo đức cao nhất của Khổng giáo [xem 3]. Nhưng đồng thời, giữa đạo đức của các tôn giáo cũng có những điểm cốt lõi chung, đó là đều vì con người, hướng con người đến các giá trị chân, thiện, mỹ, tạo nên những nét đặc trưng cơ bản cho đạo đức tôn giáo. Đạo đức tôn giáo chính là sức mạnh nội tại, điều kiện tiên quyết cho đời sống tôn giáo, thúc đẩy hành vi, soi sáng hướng đi cho cá nhân, cộng đồng tôn giáo, hơn thế một bộ phận đạo đức tôn giáo có thể là những chỉ dẫn hoặc chuyển thành những quy tắc cho đạo đức xã hội. Ở các tôn giáo Phật, Đạo, Nho đề cao sự giải thoát và giác ngộ thì mỗi tín đồ để đạt những cảnh giới trên phải có nền tảng đạo đức vững chắc, đạo đức chính là điểm khởi đầu, là mục đích, là đường đi hướng tín đồ hoàn thiện bản thân để đạt đến mục tiêu tối hậu một cách rốt ráo.

Phật giáo, tôn giáo ra đời ở Ấn Độ là một tôn giáo ra đời bởi chính kết quả của quá trình đấu tranh phản kháng của đạo đức tôn giáo, đó là phản kháng lại sự phân biệt đẳng cấp hà khắc của xã hội Ấn Độ cổ đại. Phật giáo du nhập vào Việt Nam với các hệ phái khác nhau, nhưng đều có điểm chung là thừa nhận hệ thống giáo lý tư tưởng như Tứ Diệu đế, Bát chính đạo, luân hồi, nghiệp báo, nhân quả… chứa đựng trong đó là tư tưởng nhân văn, tiến bộ, tư tưởng canh tân về đạo đức, từ bi bác ái, hướng thiện, làm lành lánh dữ, trọng lương tâm… tựu chung lại, giá trị đạo đức của Phật giáo nhấn mạnh đến hai hạnh: Từ (metta) và Bi (karuna), hướng dẫn tín đồ thực hiện việc tu tâm “Phật tại tâm/tâm tức Phật”, giữ gìn giới luật, nhằm mục tiêu đem lại hạnh phúc, an lạc cho bản thân và tha nhân, đồng thời nâng cao trách nhiệm và thúc đẩy mỗi cá nhân điều chỉnh hành vi ứng xử của mình đối với cộng đồng xã hội.

Theo dòng lịch sử, Đạo giáo có mặt ở Việt Nam từ sớm, dần phổ biến và được coi trọng, có nhiều nghiên cứu cho rằng ảnh hưởng của Đạo giáo ở Việt Nam tuy có kém hơn so với Nho giáo và Phật giáo, nhưng nó vẫn là một trong những bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng nhất định trong tầng lớp dân cư. Giá trị đạo đức của Đạo giáo được thể hiện trong phạm trù “Đạo” và “Đức”, trong đó Đạo là bản thể trường tồn của vũ trụ, là cơ sở của Đức còn Đức là nội dung của Đạo. Trong đó Đạo giáo chú trọng đến Đức của cá nhân con người, mỗi người thực hiện tu thân để đạt được Đức, làm cho con người trở thành “chân nhân”, trở về với căn nguyên bản tính của mình, khi con người có nhận thức về Đạo, nắm được Đức thì con người không phạm sai lầm [xem 12, tr. 40-44]. Đạo giáo kêu gọi gìn giữ cái chất phác, tự nhiên vốn có của trời đất vạn vật theo chủ trương muôn loài phải nương tựa vào nhau, cùng tồn tại chứ không loài nào được chèn ép loài nào. Con người cũng như các loài khác phải tôn trọng thiên nhiên, như Thượng đế đã an bài. Do đó, cái thiên nhiên sinh tồn phải là thiên nhiên Đạo (giáo) [xem 6, tr. 598].

Còn hạt nhân đạo đức của Nho giáo chính là các yếu tố Nhân, Nghĩa, Lễ và Trung Thứ, trên nền tảng đó, đã phát triển thành một hệ thống triết học về chính danh và đức trị và để thực hiện hai nội dung này thì đạo đức chính là công cụ, là phương tiện, là tiền đề. Nho giáo đưa ra các chuẩn mực đạo đức, lấy đạo đức làm động cơ thúc đẩy nhân dân hành thiện, để xây dựng các mối quan hệ của con người trong đời sống xã hội, định rõ trách nhiệm của mỗi người ở từng vị trí của mình, đồng thời củng cố duy trì trật tự kỷ cương, ổn định trong xã hội. Đạo đức của Nho giáo được xây dựng từ nhiều phương diện, như: từ phương diện đạo đức, Nho giáo đề cập phạm trù đối lập giữa người quân tử với kẻ tiểu nhân, người quân tử là người có tài, đức, có địa vị, nhân cách thì phải có những chuẩn mực cơ bản là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín (Ngũ thường), trong đó Nhân là chuẩn mực trung tâm, các chuẩn mực khác các chuẩn mực này có sự thống nhất, quan hệ, bổ sung cho nhau. Còn tiểu nhân là người nhỏ mọn, tầm thường, không đủ các yếu tố đạo đức nêu trên. Về phương diện chính trị, Nho giáo đề cấp đến mối mối quan hệ Vua – Tôi, trong đó đề cao chữ Trung. Từ phương diện thiết chế xã hội, Nho giáo đưa ra các quan điểm về đạo đức xoay quanh các mối quan hệ gia đình, xã hội, như là mối quan hệ Chồng – Vợ, Cha – Con, Anh – Em, Bằng – hữu… trong mối quan hệ Chồng – Vợ, Nho giáo đề cao Nghĩa, mối quan hệ Cha – Con đề cao Từ và Hiếu… Như vậy, ứng với từng mối quan hệ xã hội, Nho giáo đặt ra những quy phạm, chuẩn mực đạo đức tương ứng, tất cả những quy phạm, chuẩn mực đó chính là đạo làm người.

 Các tôn giáo Phật, Đạo, Nho đều bàn đến đạo đức ở các khía cạnh khác nhau, nhưng tựu chung lại đều thâu hóa vào con người và chủ trương giáo hóa con người bằng đạo đức hướng họ đến những giá trị của chân, thiện, mỹ.

3. Kinh nghiệm phát huy giá trị đạo đức của tôn giáo trong lịch sử Việt Nam

Năm 938 với sự kiện Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên Bạch Đằng Giang đã mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, chấm dứt một ngàn năm Bắc thuộc, bước vào thời kỳ quân chủ phong kiến trung ương tập quyền độc lập. Trải qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn… đất nước đã từng bước được xây dựng và phát triển. Các tôn giáo trong xã hội đương thời đều có vai trò nhất định, chính quyền phong kiến cũng có những phương thức phù hợp để phát huy giá trị đạo đức của các tôn giáo, nhằm đề cao khí thế của quốc gia, vận nước được dài lâu và dân chúng được hưởng cảnh thái bình thịnh trị.

Một là, thực hành chính sách đa dạng, khoan dung, bình đẳng tôn giáo nhằm phát huy giá trị của đạo đức tôn giáo trong xây dựng đất nước.

Trong thời kỳ phong kiến, các triều đại đều thực hiện chính sách đa dạng tôn giáo, thời Lý, Trần với sự hiện diện của ba tôn giáo lớn là Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo, sang đến thời Lê có thêm sự hiện diện của Công giáo. Hầu hết các triều đại phong kiến đều thực hiện tư tưởng tam giáo đồng tôn (coi trọng ba tôn giáo như nhau), tam giáo đồng nguyên (ba tôn giáo cùng chung một gốc), tam giáo đồng hành (ba tôn giáo cùng song hành tồn tại) được khởi đầu từ thời kỳ dân tộc Việt Nam đấu tranh chống giặc ngoại xâm phương Bắc hơn một ngàn năm, được nhìn nhận quan phương bước đầu dưới triều đại Đinh và Tiền Lê đến thời Lý được định hình [1, tr. 3-24]. Tư tưởng tam giáo đồng tôn hay tam giáo đồng nguyên đó đã thể hiện sự đa dạng, khoan dung, bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo nếu tôn giáo đó không làm bại hoại phong hóa, không làm xói mòn những giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc. Dưới thời Lý, Trần, giá trị đạo đức của cả tam giáo được phát huy, trong đó tinh thần bồ tát cứu thế, tinh thần nhập thế hòa quang đồng trần của Phật giáo và tinh thần bình trị thiên hạ của Nho giáo gặp nhau tạo nên thế dung hợp, khoan dung, bình đẳng.

Mặc dù có sự đa dạng về tôn giáo, nhưng giữa các tôn giáo không có sự xung đột mà có sự dung hòa với nhau, thể hiện sự liên kết, pha trộn, hòa đồng, thống nhất không tách bạch các yếu tố triết học, tôn giáo, đạo đức, chính trị – xã hội của Tam giáo, trên nền tảng của văn hóa truyền thống bản địa và sự chi phối của điều kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, để hình thành một tổ hợp các yếu tố Tam giáo và ở mỗi thời kỳ lịch sử sự dung hòa này có sự khác nhau. Nếu như thời kỳ Bắc thuộc, sự dung hợp tam giáo mang tính sơ khai, vừa cạnh tranh vừa đồng hành cùng nhau để khẳng định vị thế của mình, nhưng cũng trong thời kỳ này sự dung hòa đó góp phần định hình và bảo lưu văn hóa Việt trước sự xâm lăng của văn hóa Hán. Đến thời kỳ Lý, Trần hình thức tam giáo đồng nguyên định hình lấy Phật giáo làm trung tâm nhằm xây dựng và khẳng định một quốc gia Đại Việt độc lập, thống nhất, hùng mạnh về mọi mặt, không chịu ảnh hưởng của phương Bắc. Đến thời Lê, Nguyễn, vẫn là hình thức tam giáo đồng nguyên nhưng lấy Nho giáo làm hạt nhân, nhằm quản lý xã hội và xây dựng nhà nước trung ương tập quyền quy củ, chặt chẽ [xem 9].

Dù dung hợp dưới hình thức nào, có thể lấy Phật giáo hay Nho giáo làm hạt nhân nhưng các tôn giáo khác đều không bị cấm đoán, hạn chế, kìm hãm, không bị mất vai trò, vị trí trong đời sống tinh thần của nhân dân, mà mỗi tôn giáo với thế mạnh riêng của mình đều tạo được chỗ đứng trong đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, hơn nữa bản thân các tôn giáo khi du nhập vào Việt Nam đều không tự tôn thái quá để gạt bỏ đi những giá trị của các tôn giáo khác. Sự dung hòa đó chính là biểu hiện của khoan dung, bình đẳng tôn giáo, là nền tảng cho đa dạng tôn giáo. Nhờ có sự đa dạng, khoan dung, bình đẳng tôn giáo đã góp phần hoàn thiện đạo đức cá nhân, lành mạnh hóa mối quan hệ xã hội, hình thành phong cách, lối sống thuần hậu, chất phác của người dân Việt Nam, đồng thời không để xảy ra xung đột tôn giáo.

Hai là, Xây dựng mối quan hệ liên kết hài hòa giữa chính trị và tôn giáo nhằm phát huy giá trị của đạo đức tôn giáo trong xây dựng đất nước

Các triều đại phong kiến đều xây dựng mối liên kết hài hòa giữa chính trị và tôn giáo, dựa vào Phật giáo, Nho giáo làm cơ sở tư tưởng của vương triều và vận hành xã hội, tôn giáo trở thành yếu tố cốt lõi chống sự xâm lăng, đồng hóa về văn hóa của các thế lực ngoại bang và là hạt nhân của khối đoàn kết toàn dân. Dưới thời kỳ Lý, Trần, quan hệ giữa triều đình và Phật giáo trở thành xu hướng chủ đạo trong đời sống chính trị – xã hội, tạo nên nền tảng văn hóa chính trị chịu ảnh hưởng của Phật giáo sâu sắc. Phật giáo đóng vai trò là dòng chủ lưu cung cấp hệ tư tưởng trị nước, các vị thiền sư Phật giáo giữ vai trò cố vấn của triều đình nhưng không tham dự sâu vào bộ máy quyền lực, nên đường lối trị quốc thời kỳ này mang đậm tinh thần khoan dung của Phật giáo. Tư tưởng của Phật giáo được tiếp thu cả từ hệ thống thế giới quan, nhân sinh quan, những giá trị về đạo đức như bình đẳng, nhân ái, vị tha, cứu khổ, cứu nạn, lá lành đùm lá rách…, phát huy giá trị đạo đức của tam giáo, các vị vua thời Lý, Trần đã dùng chính sách trị dân có tính khoan hồng, kết hợp giữa pháp trị với đức trị, góp phần quan trọng trong việc xây dựng khối đại đoàn kết, nhằm đáp ứng yêu cầu lịch sử của giai đoạn này là chống giặc ngoại xâm, khẳng định độc lập chủ quyền của quốc gia dân tộc.

Đến thời nhà Lê, Nguyễn, Nho giáo trở thành tôn giáo chủ đạo trong đời sống chính trị – xã hội. Nho giáo chủ trương lấy đạo đức gồm: “nhân”, “nghĩa”, “lễ”, “trí”, “dũng”, “hiếu”, “kính”, “đễ” … làm giá trị nền tảng, căn cốt để giáo hóa, cải biến con người. Theo đó thì người cầm quyền phải dùng đức hạnh của bản thân, lấy lễ nghĩa để giáo hóa dân chúng chứ không nên lạm dụng luật pháp, hình phạt để ép dân đi vào tôn ti trật tự. Nho giáo chủ trương con người phải có năm đức tính (ngũ thường) đó là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín để có thể xử lý tốt năm mối quan hệ phổ biến trong xã hội là quan hệ vua – tôi, cha – con, chồng – vợ, anh – em và bạn bè kết giao. Trong đó, Nho giáo đặt lên hàng đầu đức nhân, tất cả các đức khác cũng nhằm thực hiện đức nhân. Giá trị của đạo đức Nho giáo hướng đến xây dựng một thiên hạ bình trị, một xã hội có trật tự, hòa mục và thái bình.

Cũng trong thời kỳ này Công giáo du nhập vào Việt Nam, Công giáo vốn là tôn giáo độc thần hàm chứa trong mình những giá trị khác biệt với những giá trị của các tôn giáo truyền thống nên khó có thể dung hòa, đồng hành cùng tam giáo, hơn nữa còn thể hiện sự đối lập với hệ giá trị tư tưởng Nho giáo của nhà Lê, Nguyễn. Sự khác biệt về hệ tư tưởng giữa hai nền văn minh Đông – Tây đã phá vỡ thế độc tôn của Nho giáo, làm xáo trộn giá trị đạo đức của người dân thông qua việc cấm thờ cúng tiên, hơn nữa tôn giáo này còn gắn bó với thực dân, do đó tôn giáo này được xem là tà đạo và triều đình nhà Nguyễn thực hiện chính sách cấm đạo với mục đích bảo vệ chủ quyền của đất nước. Tuy nhiên, sự chỉ đạo thực hiện chính sách không chặt chẽ, việc thực hành các biện pháp cấm đạo ở các địa phương không rốt ráo, điều này cũng đã giảm thiểu tối đa những bất đồng giữa lương và giáo. Dẫu vậy, đây cũng vấn là mảng mầu xám trong việc xây dựng mối quan hệ liên kết hài hòa giữa chính trị và tôn giáo, mặt khác nhà Nguyễn đã nhìn Công giáo dưới nhãn quan chính trị nên khó thể thấy được những giá trị tích của đạo đức Công giáo để có thể phát huy trong xây dựng đất nước.

Mối liên hệ của tôn giáo cụ thể là Phật giáo với chính trị thời kỳ Lý, Trần hay mối liên hệ giữa Nho giáo thời kỳ Lê, Nguyễn là mối liên hệ hài hòa, tôn giáo không lấn át chính trị mà tôn giáo dung hòa, hợp tác với chính quyền để xây dựng ý thức dân tộc, tinh thần đoàn kết cộng đồng. Mặc dù mỗi triều đại lấy hệ tư tưởng Phật giáo hay Nho giáo làm chủ lưu nhưng không vì thế mà các tôn giáo không có địa vị chủ lưu bị coi nhẹ. Dưới thời Lý, Trần, tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo vẫn được áp dụng không chỉ để xây dựng thể chế chính trị, chế định triều nghi, thi hành chính sự mà còn sử dụng những điển chế, nghi thức, nghi lễ tạo nên tôn ti, lớp lang trong đối nội cũng như đối ngoại. Nhà Lý cho xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử “người thầy của muôn đời” (Vạn thế sư biểu) cùng bốn học trò nổi tiếng (tứ phối). Năm 1075, nhà Lý cho mở khoa thi tam giáo (Phật, Nho, Đạo) đầu tiên, chỉ những người đỗ tam giáo mới được làm quan [xem 1, tr. 3-24]. Sang thời Lê, Nguyễn tư tưởng Nho giáo là hạt nhân nhưng Nho giáo giữ vai trò chủ đạo ở tầng lớp bên trên – vĩ mô – với thể chế, điển lễ… còn Phật giáo, Đạo giáo giữ vai trò chủ đạo ở làng xã. Những tư tưởng “Từ bi”, “Hỷ xả” “Vô ngã, vị tha” của Phật giáo vẫn là những tư tưởng căn cốt của người dân làng xã vốn đôn hậu, thật thà, chất phác. Giá trị của đạo đức Đạo giáo, Phật giáo vẫn lan tỏa trong đời sống xã hội, chi phối nhiều lĩnh vực của đất nước, nhiều vị vua quan của triều đình được xem là những người “cư Nho, mộ Thích”. Mối quan hệ giữa chính trị và tôn giáo diễn ra hài hòa, đã phát huy được nguồn lực của tôn giáo góp phần xây dựng quốc gia dân tộc hùng mạnh, khẳng định vị thế của một quốc gia có độc lập chủ quyền.

Ba là, Quan tâm, tạo điều kiện để các tôn giáo khẳng định vị trí, vai trò, tiềm năng và giá trị đạo đức của mình đóng góp cho xây dựng, phát triển đất nước

          Như đã nêu trên, trong thời kỳ phong kiến, mỗi thời kỳ lựa chọn một tôn giáo làm hệ tư tưởng chủ lưu là Phật giáo và Nho giáo, đều quan tâm tạo điều kiện cho các tôn giáo này khẳng định vị trí, vai trò, tiềm năng của mình đóng góp cho xây dựng và phát triển đất nước. Dưới thời Lý, Trần, Phật giáo được triều đình quan tâm, tạo điều kiện thông qua việc cho đúc chuông, tạc tượng, xây nhiều chùa tháp trong nước, làm nhà chứa Kinh. Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại: Ngay từ khi dời đô về Thăng Long, năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã xuống chiếu “phát tiền kho 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức 8 sở, đều dựng bia ghi công” [2, tr. 260]. Cùng năm này, nhà vua còn xuống chiếu “hạ lệnh cho các hương ấp, nơi nào có chùa quán bị đổ nát đều phải sửa chữa lại” [2, tr. 261]. Sư sãi và tín đồ đạo Phật ở thời Lý chiếm tỷ lệ khá lớn, đến mức Lê Văn Hưu phải thốt lên rằng, vào thời kỳ này “dân chúng quá nửa làm sãi, trong nước chỗ nào cũng có chùa” [2, tr. 261], nhà Vua còn cấp độ điệp cho hơn 1000 ở kinh sư làm tăng đạo [2, tr. 261] do đó số lượng tăng sư trong các chùa cũng rất lớn. Sách Thiền Uyển Tập Anh cho biết, chùa Trùng Minh ở núi Thiên Phúc (Tiên Du) “học trò đến theo học đông có tới hơn nghìn người. Chùa Trùng Minh trở thành một thiền viện sầm uất chốn tùng lâm [xem 4, tr. 51]. Các nhà sư được vua và triều đình trọng dụng, nhiều vị sư với những công trạng của mình đã được vua ban quốc tính (ban họ vua), phong làm Quốc sư, cắt đặt giữ chức vụ tăng thống, tăng lục để xây dựng hàng giáo phẩm, chế định phẩm trật cho tăng sĩ.

Không chỉ thế, các vua nhà Lý, Trần còn quan tâm đến việc ban cấp ruộng đất cho nhà chùa để cày cấy và nuôi sống họ. Vua Lý Nhân Tông (năm 1088) đã chia các loại chùa trong cả nước ra làm ba hạng: Đại, Trung và Tiểu danh lam. Mỗi chùa như vậy đều được Nhà nước cấp cho ruộng đất và điền nô để cày cấy. Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại rằng: “Định các chùa trong nước làm ba hạng đại, trung và tiểu danh lam cho quan văn chức cao kiêm làm đề cử là vì bấy giờ chùa có điền nô và khố vật” [2, tr. 335].

Với sự quan tâm, tạo điều kiện của triều đình nhà Lý, Trần, Phật giáo giai đoạn này phát triển cực thịnh, cũng đã có nhiều vị danh tăng, tăng tài với những cống hiến to lớn cho đất nước trên các lĩnh vực, Phật giáo đã có điều kiện hòa nhập trọng vẹn với đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến đường lối trị quốc và chăm lo cho xã tắc, cho nhân dân ổn định và phát triển kinh tế.

Dưới thời Lý, Trần, không chỉ Phật giáo, mà Đạo giáo, Nho giáo cũng đều được triều đình quan tâm tạo điều kiện phát triển. Đối với Đạo giáo triều đình cũng cho xây dựng Đạo quán, cũng có những vị đạo sĩ tham gia chính sự và được nhà vua trọng vọng như Pháp sư Đặng Huyền Quang được phong làm Sùng Chân Uy Nghi. Nho giáo cũng được triều đình quan tâm tạo điều kiện thông qua việc năm 1070 vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu, Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: “Mùa thu tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học” [2, tr. 323]. Thời Trần ngoài “Trường đại học” Văn Miếu Quốc Tử Giám ở kinh thành Thăng Long, ở các lộ còn có trường đào tạo Nho sĩ. Ngoài trường công do nhà nước mở còn có trương tư do các đại Nho thần thành lập. Người thầy Chu Văn An là một ví dụ điển hình cho việc mở trường tư [xem 1, tr. 3-24]. Năm 1075, nhà Lý cho mở khoa thi tam giáo (Phật, Nho, Đạo) đầu tiên, tiếp theo đó là vào các năm 1195, 1227, 1247 và chỉ những người đỗ tam giáo mới được làm quan, chế độ thi cư theo Nho giáo và tam giáo để tìm nhân tài đã được khẳng định. Những minh chứng này đã cho thấy sự quan tâm, tạo điều kiện của triều đình với Nho giáo và Đạo giáo, cho thấy hai tôn giáo này không bị bài xích trong bối cảnh Phật giáo được trọng dụng mà vẫn thịnh hành trong xã hội đương thời, từ đó hai tôn giáo này có cơ hội phát triển trong mối tương quan tam giáo đồng nguyên và có điều kiện khẳng định vị trí, vai trò, khẳng định nguồn lực để đóng góp vào công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt.

Đến thời nhà Lê, Nguyễn, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống, năm 1428, Lê Lợi đã cho dựng lại Quốc Tử Giám ở kinh đô, mở các trường học ở các lộ, giáo dục theo Nho giáo được mở rộng tới mọi tầng lớp nhân dân. Năm 1429, khoa thi Minh kinh được tổ chức tại Thăng Long. Năm 1442, tổ chức khoa thi hội đầu tiên tại kinh đô. Việc tu bổ Văn Miếu – Quốc Tử Giám được các triều vua Lê thực hiện đều đặn. Dưới thời Lê, Nguyễn việc chú trọng khoa cử Nho giáo nhằm tuyển chọn nhân tài cho đất nước cùng với việc ban bố các quy định về lễ giáo của nhà nước đã khiến cho Nho giáo chiếm ưu thế hơn so với Phật giáo. Các nghi lễ triều đình theo nghi thức Nho giáo thường xuyên được tổ chức như: Tế Tôn miếu, tế Giao, tế Xã Tắc, tế Danh sơn đại xuyên, tế Khổng Tử…  Với sự trọng dụng của triều đình những Nho sĩ giai đoạn này luôn thể hiện tinh thần sống và hành động, ứng xử với phương cách Nho giáo là “Trung quân, ái quốc”, dấn thân mọi lúc, mọi nơi và trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đặt tinh thần “ái quốc” lên hàng đầu, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

Mặc dù Nho giáo chiếm ưu thế là nền tảng tư tưởng của giai cấp thống trị nhưng Phật giáo và Đạo giáo không vì thế mà bị bài xích, mà vẫn được triều đình quan tâm, tạo điều kiện và vẫn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Năm 1424 vua Lê Thái Tổ mở kỳ thi khảo hạch tăng đạo, người nào trúng tuyển thì được ở chùa tu hành, ai hỏng thì phải hoàn tục nhằm mục đích xây dựng một Phật giáo Việt Nam phát triển với những vị tăng tài ưu tú. Dưới thời Lê, Nguyễn các bà hoàng hậu, phi tần lại là những người chăm lo Phật giáo, Đạo giáo, hàng loạt ngôi chùa do hoàng hậu, các bà phi công quả xây dựng mà không bị ngăn trở bởi bất kỳ một vị vua nào. Đồng thời, để làm thanh sạch đời sống Phật giáo, tránh việc lợi dụng Phật giáo, trong Điều 49 Quốc triều hình luật quy định: “Trong hạt nào có người giả xưng làm bồ tát, bà đồng mà các quan phủ, trấn, huyện hay xã không bắt trình lên trên để trị tội thì đều xử tội biếm. Những bồ tát và bà đồng ấy đều xử tội đồ, tội nặng thì tăng thêm một bậc” [xem 8] hay Điều 119 cũng quy định: “Những người đem sách Phật, Lão khắc in để bán lấy tiền của dân, làm rối loạn lòng dân thì bị tội đồ, các quan sở tại thấy mà không bắt và tâu lên thì xử tội biếm…” [xem 8]. Mặc dù Phật giáo và Đạo giáo không còn được đề cao, không nổi bật, bề thế như thời Lý, Trần, nhưng cũng không kém phần phát triển so với Nho giáo giai đoạn này.

4. Kết luận

Như vậy, ở mỗi thời kỳ lịch sử các tôn giáo có sự hoán đổi vị trí bởi nhu cầu của các triều đình phong kiến, nếu giai đoạn Lý, Trần Phật giáo là chủ lưu, các quy tắc chuẩn mực đạo đức của Phật giáo chi phối đời sống xã hội thì đến thời Lê, Nguyễn, Nho giáo lại chiếm thế chủ lưu, những giá trị đạo đức của Khổng giáo lại chi phối đời sống xã hội, nhưng tam giáo đều trên tinh thần lấy đạo đức làm nền tảng, củng cố sức mạnh tinh thần, thúc đẩy mỗi người hoàn thiện đạo đức cá nhân, phù hợp với đạo đức xã hội đương thời. Tuy nhiên, cùng tùy vào từng bối cảnh, điều kiện lịch sử khác nhau mà phương thức phát huy giá trị đạo đức của tôn giáo của các chính quyền trong lịch sử cũng có sự khác nhau, nhưng tam giáo luôn là một thành tố giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, có nhiều đóng góp trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập dân tộc./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Nguyễn Hồng Dương (2019), “Bình đẳng tôn giáo – diễn trình và khái niệm”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 6.
  2. Đại Việt Sử ký toàn thư, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004, tập 1.
  3. Nguyễn Quang Hưng, Đạo đức tôn giáo, biến đổi văn hóa và tâm lý tộc người. đăng trên: https://frs.ussh.vnu.edu.vn/vi/news/tac-gia-tac-pham/dao-duc-ton-giao-bien-doi-van-hoa-va-tam-ly-toc-nguoi-81.html
  4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thiền Uyển Tập Anh (Anh tú vườn thiền), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013.
  5. Trần Trọng Kim, Nho giáo, Nxb. Văn hoc, 2003.
  6. Kỷ yếu hội thảo khoa học: 1000 năm vương triều Lý và kinh đô Thăng Long, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2009, tr. 598
  7. Phan Ngọc (2000), “Đạo giáo”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3/2000.
  8. Quốc Triều hình luật (Luật hình triều Lê), Nxb. Pháp lý Hà Nội, 1991.
  9. Vũ Thị Thanh Thảo (2020), Những hình thức dung hợp tma giáo trong quá trinh phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam, Luận án tiến sĩ Triết học, tài liệu lưu trữ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
  10. Vũ Hồng Vận (2018), “Đạo giáo thời Lý-Trần”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5.
  11. Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2022), Tài liệu Một số giá trị cơ bản của tôn giáo ở Việt Nam (thuộc Đề án hỗ trợ thong tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, theo quyết định só o219-QĐ/TTg ngày 21/2/2019), tài liệu lưu trữ tại thư viện của Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
  12. Trần Nguyên Việt (2005), Về phạm trù “Đức” trong học thuyết của Đạo gia, Tạp chí Triết học số 2.

Bài liên quan

Bài đăng mới