1. Bối cảnh xuất hiện các điện thờ tư gia trên địa bàn Hà Nội
Thứ nhất, người Việt Nam, qua nhiều thế hệ, nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều giai tầng xã hội khác nhau nhưng có chung một nhu cầu, tâm thức, phong tục cúng bái trong không gian thiêng của gia đình/ dòng họ, cộng đồng làng xã, quốc gia/ đất nước. Gần như 100% gia đình người Việt đều có một “không gian riêng” để thờ cúng (thờ Phật, Chúa, gia tiên, thần thánh,…) để cầu xin sự phù hộ độ trì. Song, sự thờ cúng tại gia, với người dân, vẫn là chưa đủ. Họ còn có nhu cầu cúng bái tại các không gian thiêng khác (đình, đền, miếu, phủ, nhà thờ, chùa,…). Các không gian thiêng này mang yếu tố “chung”, “tập thể/ cộng đồng”, “nhà nước” và thực hiện chức năng như một “thiết chế văn hóa”, một không gian sinh hoạt văn hóa công cộng nhằm tôn vinh những người có công với làng xã, đất nước, hoặc để bảo vệ bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử, kiến trúc nên phần nào chưa thỏa mãn nhu cầu có một không gian độc lập, kín đáo để người dân lễ bái, cầu xin. Điện thờ tư gia xuất hiện, nó trở nên thuyết phục hơn, đáp ứng hơn đối với một nhóm người trong việc cầu cúng, lễ lạt, lại đảm bảo tính riêng tư, kín đáo nhất định.
Thứ hai, người Việt khi có nhu cầu cúng bái, lễ lạt, cầu xin gì họ sẽ tìm đến “đối tượng thiêng” và “không gian thiêng” tương ứng, không phân biệt cơ sở thờ cúng của cộng đồng hay tư nhân. Ví như, họ đến chùa lễ Phật để xám hối, để cầu an, tìm sự bình yên, thanh thản trong tâm hay để hành thiền nâng cao sức khỏe, để nhờ cậy nhà sư xem ngày lành, tháng tốt cho các việc đại sự của gia đình (làm nhà, cưới hỏi, ma chay,…). Họ đến đình, đền, miếu, phủ để kêu cầu sự phù hộ độ trì cho tai qua nạn khỏi, may mắn trong làm ăn, buôn bán, tình duyên, hôn nhân, gia đình, con cái, công danh sự nghiệp… Họ đến các điện thờ tư gia để xem bói về vận hạn tương lai, để hầu thánh xin lộc, để cúng lễ giải hạn, tai ách, để hầu đồng …. Nhìn chung, các điện thờ tư gia được thiết lập có chức năng “trợ giúp” họ giải quyết “tức thì” những khúc mắc về tâm linh, những khốn khó thường nhật, những uẩn ức của cuộc đời mà năng lực tự thân họ không thể tìm giải pháp và giải quyết được.
Thứ ba, năm 1990, Hà Nội chỉ có 4 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng) và 5 huyện ngoại thành (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm, Sóc Sơn). Sau năm 1995, nhiều quận mới được thành lập . Tính đến năm 2023, Hà Nội là thành phố có 12 quận và 1 thị xã. Như vậy, tiến trình đô thị hóa của Hà Nội trong gần 3 thập niên đã mở rộng địa giới và cư dân, nhiều phong tục, tập quán cúng bái thôn quê nhập vào với đời sống tâm linh tinh thần của người Hà Nội, góp phần tạo nên sự phong phú, hỗn độn trong nhu cầu cúng bái, lễ lạt của người Hà Nội.
Thứ tư, với mục tiêu xây dựng Thủ đô phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di sản văn hóa và di tích lịch sử khiến cho những “không gian tín ngưỡng, tôn giáo” (cả tư nhân và cộng đồng) cũng nằm trong đối tượng được “ưu tiên” bảo tồn, sửa chữa, xây dựng và tái hoạt động. Thời kỳ trước Đổi mới (năm 1986), trong không khí bài trừ tín dị đoan và các phong tục cúng bái lạc hậu, nhiều không gian thờ cúng của cộng đồng đã đóng cửa hoặc để hoang tích, ít người đến cúng bái công khai, người dân âm thầm tìm đến các điện thờ tư gia để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mình một cách kín đáo. Sau năm 1986, trong không khí tự do tín ngưỡng, tôn giáo được mở rộng, điều kiện kinh tế của người dân được cải thiện, nhu cầu cúng bái gia tăng trong khi các không gian tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng chưa có nguồn kinh phí để trùng tu, cải tạo thì các điện thờ tư gia có điều kiện xây dựng một cách quy mô sẽ thu hút và đáp ứng nhu cầu cúng bái của người dân.
Thứ năm, điện thờ tư gia ra đời trong bối cảnh của sự khủng hoảng về lý tưởng và con đường mà nhân loại sẽ tiến tới; sự thiếu hụt tôn giáo sau một thời gian dài (tới hàng chục thế kỷ) không xuất hiện các tôn giáo mới thay thế các tôn giáo truyền thống (có phần đã trở nên hạn hẹp và có dấu hiệu rạn nứt, sa sút về đức tin); khi xuất hiện nhu cầu muốn làm mới mẻ hình ảnh các thánh thần cũ để thỏa mãn các nhu cầu tâm linh tôn giáo đa phương nhiều chiều của người dân; Khi không khí dân chủ, tự do cá nhân trong việc lựa chọn đức tin, tôn giáo được đẩy lên tới cao trào.
Trước những biến động của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, năm 1990, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TƯ về Công tác tôn giáo trong tình hình mới. Tại thời điểm đó, Nghị quyết số 24-NQ/TƯ được coi là một bước “đột phá” trong đổi mới tư duy và nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo và vị trí vai trò của nó trong xã hội. 13 năm sau (năm 2003), những quan điểm “đột phá” của Đảng về tôn giáo được thể hiện trong Nghị quyết số 25-NQ/TW, trong đó thừa nhận “Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình”. Đây chính là căn cứ pháp lý để điện thờ tư gia được thiết lập, tái thiết lập, hoạt động công khai thay vì phải hoạt động lén lút, âm thầm như trước. Số lượng các điện thờ tư gia trên địa bàn Hà Nội “mọc lên như nấm sau cơn mưa” vì nó đã có một cơ sở pháp lý hợp thức hóa sự tồn tại của mình và cũng là để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo đa dạng của người dân.
Tựu chung, các điện thờ tư gia bám theo nhu cầu xã hội, sự lựa chọn có chủ đích của người dân cùng sự bảo hộ của luật pháp đã hình thành ồ ạt, công khai và ngày càng gia tăng về số lượng, quy mô, chức năng trên phạm vi cả nước và đặc biệt là địa bàn Hà Nội.
2. Đặc điểm chung các điện thờ tư gia trên địa bàn Hà Nội
* Về chủ điện và người tham gia hành lễ
Trong số các điện thờ tư gia trên địa bàn Hà Nội mà chúng tôi đã từng khảo sát, quan sát, tham dự, chủ điện đa phần là nữ giới và ở độ tuổi trung cao niên (từ 40 tuổi cho đến 70 tuổi). Các chủ điện đa phần đều có trình độ học vấn thấp (ngoại trừ một số ít chủ điện có trình độ học vấn cao đẳng, đại học). Phỏng vấn một chủ điện được người dân “đồn thổi” là “có tiếng”(2), chủ điện mới học hết lớp 3, nói ngọng, viết tên người đăng ký làm lễ sai lỗi chính tả nhưng lại có khả năng viết chữ Nho thuần thục, khá đẹp và chính xác. Theo chủ điện, năng lực đó là do được linh ứng, giáng bút từ thánh thần, nhưng theo chúng tôi, chủ điện “học lỏm” từ người cha của mình, cha chủ điện trước đây là thầy giáo làng dạy chữ Nho cho người dân trong thôn xã.
Nghề nghiệp của các chủ điện (trước khi họ lập điện và hành nghề) qua khảo sát thống kê của chúng tôi là khá đa dạng: đa phần là nông dân hoặc buôn bán nhỏ, có trường hợp đã từng là cán bộ, giáo viên, cựu quân nhân, công an nhưng không nhiều.
Các chủ điện đều có một số đặc điểm chung:
(1) Có “vấn đề” về sức khỏe (tâm-sinh lý) hoặc gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống bản thân và gia đình(3);
(2) Họ tự cho rằng, họ là người bị “bắt sát” có căn số, bị dính ‘cơ”, nếu không lập điện thì sẽ bị “Ngài” hành cho ốm đau, bệnh tật, làm ăn thất bát, nợ nần, đầu óc lúc mê lúc tỉnh không học hành, lao động được…
(3) Có khả năng diễn thuyết lưu loát, có hiểu biết nhất định về hệ thống thần điện, “luật lệ” của thế giới tâm linh, biết thao túng, đoán định tâm lý người nghe để khiến họ từ chỗ chưa tin, đến chỗ tin, lo lắng, sợ hãi
(4) Sau khi lập điện, các chủ điện đều cho rằng họ có khả năng giao thiệp được với thánh, thần, coi số, đoán mệnh, chữa bệnh không cần dùng thuốc vì bệnh tật của con người đều do họa âm. Cách thức chữa bệnh phổ biến là lễ bái xin thần, thánh, tụng niệm, nếu “ngài” đồng ý phù hộ thì bệnh sẽ khỏi, không cần đi bệnh viện chữa chạy, “ngài” không đồng ý là bệnh không khỏi.
(5) Một số chủ điện tự nhận mình là giáo chủ sáng lập ra một tôn giáo mới, tu hành theo lối mới, lấy tên gọi là “đạo” như đạo Ngọc Phật Hồ Chí Minh, đạo Đền Ơn Đáp Nghĩa, Đạo Bác Hồ, Đạo Tâm Linh Hồ Chí Minh, Đạo Quốc tổ Lạc Hồng, Đạo Trần Hưng Đạo, Đạo 18 đoàn Hùng Vương,…
(6) Mối quan hệ giữa chủ điện và người đến cúng bái là quan hệ tự nguyện, không rằng buộc và khá tự do, dân chủ không như quan hệ giáo chủ – tín đồ trong các tôn giáo truyền thống.
(7) Người dân đến cúng lễ tại các điện thờ tư gia khi họ có nhu cầu giải tỏa những khúc mắc về tâm linh, không bắt buộc và nhất thiết phải thường xuyên có mặt tại điện thờ vào các ngày lễ chính của điện như quy định của các tôn giáo đối với tín đồ.
(8) Trong số những người thường xuyên tới lễ bái tại các điện thờ tư gia có không ít người thuộc giới trí thức, công chức, đảng viên, cán bộ và cả học sinh, sinh viên nhưng phần lớn đều là khách thập phương, từ các tỉnh, thành, quận, huyện, xã khác, người dân sở tại không mấy ai lại lui tới vì họ biết quá rõ về lai lịch, tài cán của “chủ điện” là hàng xóm của mình và phần nào e ngại chính quyền địa phương khi họ tham gia vào các hoạt động của điện thờ tư gia khi chưa được chính quyền công nhận và cho phép hoạt động.
(9) Một số điện thờ tư gia, chủ điện cho một vài người lưu trú ăn ở và sinh hoạt thường xuyên tại điện thờ để giúp chủ điện làm vàng mã phục vụ khách hàng và bày biện đồ lễ. Những người này tự xem mình là “con nhang, đệ tử” đã từng được chủ điện cúng bái giải hạn cho mình và gia đình, họ cũng chính là “nhân chứng sống” lan truyền, quảng cáo cho sự thần thiêng của chủ điện. Lòng tin của họ đối với năng lực thần thánh của chủ điện là tuyệt đối và tín thác mọi “việc âm” của mình và gia đình cho chủ điện. Một vài điện thờ có số tín đồ “ruột/ thân tín” là bạn bè hoặc người thường xuyên đến nhờ cậy, cầu xin chủ điện khi bản thân hoặc gia đình có vấn đề bất an. Những người này sẵn sàng tham gia những cuộc lễ lớn cùng chủ điện hoặc sẵn sàng đầu tư cho chủ điện để nâng cấp điện thờ hoặc những yêu cầu khác của chủ điện.
* Về quy mô và quy cách bài trí điện thờ
Các điện thờ tư gia đều được bố trí trong không gian riêng, trang trọng của gia chủ.Quy cách bài trí các đồ thờ, vật thờ ở các điện thờ tư gia phần lớn đều mô phỏng theo cách bài trí điện thờ ở cơ sở thờ tự của cộng đồng. Một số điện không thờ tượng chỉ treo tranh, ảnh, bài vị, bát nhang vì chủ điện cho rằng thờ tượng pháp khó “hóa” nếu đời sau con cháu không nối tiếp thờ cúng. Thờ tượng nếu không biết làm lễ “khai quang điểm nhãn, hô thần nhập tượng” thì tượng không thiêng. Chỉ cần bài vị, bát nhang tôn “nhà Ngài” lên thì các “bóng” các “gió” sẽ về.
Đa phần điện thờ tư gia quy mô thờ tự nhỏ, đơn giản trong một diện tích chật hẹp khiêm tốn của gia chủ thì không đặt tên riêng cho điện thờ. Một số điện thờ có tên riêng như điện Phúc Ninh Từ, Quang Minh Điện, Thiên Ninh Điện (Chương Dương, Hà Nội), Điện Hoàng Thiên Long (Ứng Hòa, Hà Nội), Linh Quang điện (Từ Liêm, Hà Nội),… Những điện thờ có tên gọi riêng thường được xây dựng quy mô, hoành tráng trong một không gian rộng rãi và có chuỗi điện thờ của cùng một chủ điện trên nhiều địa phương khác nhau. Sự đầu tư về quy mô của điện thờ cũng là một hình thức “quảng cáo” về tính thiêng và thu hút tín đồ thập phương, vì người dân tin rằng thần thánh ở các điện thờ đó được chủ điện đối xử trang trọng thì càng linh thiêng, chủ điện càng được thánh thần cho ăn lộc, người dân đến lễ tại các điện đó cũng sẽ được phù hộ độ trì nhiều hơn.
Các điện thờ tư gia thực hiện các lễ nghi cúng tế không chỉ trong phạm vi gia đình, huyết thống mà bao gồm cả những người xa lạ, nên điện thờ dù trong khuôn viên tư gia, của tư nhân nhưng người dân lại xem như các không gian thiêng chung, “sở hữu” chung về tâm linh, nhưng lại không có yếu tố “nhà nước”, nên người dân sẵn sàng đóng góp, ủng hộ khi các chủ điện kêu gọi phát tâm. Do đó, các điện thờ tư gia có thể kêu gọi được nguồn kinh phí xã hội hóa lớn để đầu tư xây dựng, chỉnh trang, tu bổ cho “không gian thiêng” của chủ điện hoặc có kinh phí tham gia các hoạt động từ thiện – xã hội của làng, xã, tổ dân phố khi chính quyền phát động.
Qua khảo sát của chúng tôi, đối tượng thờ tự của hầu hết các điện thờ tư gia là sự hỗn độn nhiều loại thần thánh. Đối tượng thờ tự chính của các điện thờ tư gia có thể là chia theo một số nhóm sau: (1) Thần chủ là Phật và phối thờ nhiều vị thần linh khác; (2) Thần chủ là Mẫu và cũng phối thờ nhiều vị thần linh khác. Các điện thờ Mẫu, có thể nói, là một “liên hợp thần thánh” hỗn độn nhất, thờ rất nhiều vị thần khác ngoài Mẫu, thậm chí phối thờ cả Hùng Vương, Lạc Long Quân, những vị anh hùng dân tộc từ trong lịch sử các đời Lý – Trần – Lê – Nguyễn và các lãnh tụ hiện tại như Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh; (3) Thần chủ hỗn hợp, là sự phối trộn nhiều loại thần thánh không rõ vị nào là thần chủ chính (4); (4) Thần chủ là bác Hồ(5) nhưng cũng phối thờ nhiều vị thần linh khác, phối thờ Mẫu Âu Cơ, mẫu Hoàng Thị Loan (mẹ Bác Hồ) cùng gia tộc họ Nguyễn Sinh, Lạc Long Quân, những vị anh hùng dân tộc (cả huyền thoại lẫn sự thật lịch sử).
Nhìn chung, các điện thờ tư gia, có thể nói, là một “liên hợp thần thánh” có phần hơi lộn xộn và hỗn độn(6). Đối tượng thờ tự khá đa dạng, từ nhân vật lịch sử đến nhân vật huyền thoại, đặc biệt, có điện thờ bài trừ thần ngoại lai, tôn thờ thần bản địa, bài trừ chữ Nho, chữ Nôm, chỉ sử dụng chữ quốc ngữ.
* Về tôn chỉ và thực hành nghi lễ
Nhìn chung, các điện thờ tư gia chủ trương không bàn nhiều đến các vấn đề thần học hay giáo lý cao siêu trừu tượng, mục đích và tôn chỉ hoạt động là giải quyết trực tiếp, tức thì các vấn đề khúc mắc của con người ở cuộc đời này như bệnh tật, ốm đau, thất nghiệp, nghèo đói, cô đơn,… và giải quyết các vấn nạn của nhân loại như thiên tai, dịch bệnh.
Tôn chỉ và thực hành đức tin trên nguyên tắc đề cao tính tự do, tính phi hệ thống, phi thể chế, tổ chức lỏng lẻo (7) (khác so với các tôn giáo truyền thống). Nghi lễ, giáo lý thường đơn giản, gọn nhẹ, dễ hiểu. Hoặc là sự rút gọn, sự pha trộn các giáo lý của các tôn giáo truyền thống nhưng phủ nhận một số tín điều, lễ nghi của các tôn giáo truyền thống. Không gian thực hành tâm linh có thể là nhà riêng của tín đồ hay trưởng nhóm hoặc văn phòng, trụ sở kinh doanh. Số lượng tín đồ không nhiều, hầu hết chỉ có vài chục hoặc vài trăm thành viên, số rất ít có hơn một triệu thành viên.
Các điện thờ tư gia chủ yếu sử dụng công cụ truyền giáo là “mạng xã hội”, “truyền miệng”, “rỉ tai”. Một số điện thờ tư gia có biểu hiện tiêu cực, phủ nhận và chống lại các tôn giáo truyền thống, chống đối chính quyền, tôn chỉ và phương châm hành đạo đi ngược lại các chuẩn mực văn hóa, văn minh nhân loại, gây chết người,… Nhóm này sẽ bị xếp vào nhóm “tà giáo bất hợp pháp,..”.
Việc thực hành nghi lễ tại các điện thờ tư gia vô cùng phong phú, có thể nói, các điện thờ tư gia đáp ứng mọi nhu cầu cúng bái đa dạng của người dân. Bình thường các buổi sinh hoạt nghi lễ cúng tế tại điện thờ tư gia cũng theo lịch truyền thống vào các ngày lễ tết, rằm, mùng một (âm lịch). Tuy nhiên, nếu người dân có nhu cầu cúng lễ riêng thì đều được các chủ điện tư gia đáp ứng như lễ cúng giải tai ách, cắt duyên âm, cúng siêu thoát cho thai nhi, giải trùng tang, giải vong nhập, cúng chữa bệnh âm, chữa điên loạn, xem ngày lành tháng tốt để dựng vợ gả chồng, xây nhà mới, cúng nhập trạch, vv…
Thực hành nghi lễ của một số điện thờ tư gia thường khá đơn giản và chi phí khiêm tốn, tiết kiệm. Đồ lễ có thể là đồ chay (hoặc đồ mặn). Có điện thờ không dùng đồ lễ (kể cả đồ mặn hay chay) cũng không sử dụng tiền mặt làm đồ lễ. Khi thực hành nghi lễ, một số điện thờ quy định không dùng vàng mã, không dùng chữ ngoại quốc, kể cả chữ Hán trong việc tấu sớ, viết bài vị.
Phần lớn các điện thờ tư gia, chủ điện đều muốn khẳng định tính bản sắc riêng về triết lý, về mục đích lập điện của mình. Tuy nhiên, đa số các điện thờ không có giáo lý, kinh sách riêng, đức tin và thực hành nghi lễ của điện thờ tư gia thường là vay mượn, “xào xáo” các triết lý, kinh sách của các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống, ứng khẩu thành thơ, châm ngôn, tiên tri. Một số điện tư gia, chủ điện khi thuyết giảng thể hiện tư tưởng bất mãn chế độ, phủ nhận thành tựu phát triển của đất nước, mô tả đời sống chính trị – xã hội một cách ảm đạm, nói xấu, hạ thấp uy tín của cán bộ Đảng và Nhà nước, bài xích các tôn giáo truyền thống.
Một số điện thờ thực hành nghi lễ mang tính ma mị, phù thủy, lợi dụng những nỗi bất hạnh của người dân, cúng lễ giải vong nhập, ma nhập bằng hình thức đánh đập vào thân thể, gây tổn thương về thể xác và tinh thần cho người hành lễ.
3. Tác động của điện thờ tư gia đối với đời sống của người dân và cộng đồng
Sự ra đời và tồn tại của điện thờ tư gia là một tất yếu vì nó đáp ứng, thỏa mãn phần nào đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của người dân. Tuy nhiên, điện thờ tư gia tồn tại đều có tính hợp lý – phi lý, hay – dở, tốt – xấu, được – chưa được. Chỉ ra cái vô lý, cái tiêu cực trong hoạt động ở các điện thờ tư gia, thường là góc nhìn của nhà khoa học và quản lý, còn người dân không mấy quan tâm, họ sẵn sàng bỏ công sức, tiền bạc, thời gian (không hề ít) cho các hoạt động tâm linh tại các điện thờ tư gia miễn là họ tự cảm thấy được an ủi, được chia sẻ, được đồng cảm, được vỗ về, bù đắp, và được chữa lành (thể xác và tâm hồn)(8). Đến với các điện thờ tư gia, nhiều người không đặt mục tiêu cầu cúng, xin xỏ lên hàng đầu. Những nỗi niềm, tâm tư thầm kín, sự cô đơn trống trải, sự lo lắng về bệnh tật, sự buồn thương về mất người thân, về công ăn việc làm, về hạnh phúc gia đình, con cái… không dễ dàng chia sẻ rộng rãi với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, họ tìm đến điện thờ tư gia như để được chia sẻ với thần thánh, với những người đồng cảnh ngộ, tìm một lời giải, tìm một “điểm tựa” tâm linh an định tinh thần cho họ.
Điện thờ tư gia còn đáp ứng phần nào nhu cầu được kết nối, giao thiệp với thánh thần. Khi người dân đến với điện thờ tư gia để thực hiện nghi lễ cúng tế, họ xem “điện thờ tư gia” là “nơi” mà thánh thần “giáng trần” để gặp mặt, giao tiếp với họ, mách bảo cho họ những hoạn nạn sắp xảy ra để họ tìm cách khắc phục. Sự kết nối, giao tiếp với thánh thần không chỉ nhằm mục đích cầu xin sự phù hộ, độ trì mà trong một số trường hợp, sự giao tiếp ấy thỏa mãn tâm lý được thánh thần quan tâm, phù trợ cho họ tai qua nạn khỏi, cho làm ăn buôn bán phát tài, phát lộc, cho gia đạo bình an,…. Việc giao tiếp với thánh thần thông qua chủ điện hoặc thông qua người tham dự, đôi khi, người được cho là “thánh nhập” nói những sự việc mà chỉ trong gia đình, người thân mới biết rõ khiến người tham dự hoang mang, kể cả người có học vấn cao, có tri thức cũng khó lý giải từ góc nhìn của khoa học duy vật và vô thần. Đây chính là một lực “hấp dẫn” thu hút sự tò mò, hiếu kỳ, muốn được trải nghiệm của người dân (kể cả người có học, cán bộ, đảng viên) đến với điện thờ tư gia. Tuy nhiên, một số điện thờ tư gia, chủ điện đã lạm dụng lòng tin (chưa được kiểm chứng lại có chút mê muội) của người dân, thao túng tâm lý họ, khiến họ lo sợ trước những hoạn nạn của mình trong quá khứ và cả tương lai là do bị thánh thần quở phạt, vì chưa cúng lễ chu đáo với thế giới tâm linh.
Hưởng lợi từ hoạt động của điện thờ tư gia cũng đã được ghi nhận. Theo khảo sát của chúng tôi, hơn 50% người được hỏi trả lời, việc lập điện và “hành nghề” của các chủ điện thờ tư gia là cơ hội để làm giàu. Các điện thờ tư gia mà chúng tôi khảo sát(9), sau 5-7 năm hoạt động, chủ điện đã có thể mua được đất, xây được nhà khang trang, trả hết nợ nần trước đó. Bản thân các chủ điện khi được phỏng vấn cũng thừa nhận được “hưởng lộc” từ việc mở điện của họ. Các điện thờ tư gia được “đồn thổi” “rỉ tai” về sự “linh nghiệm”, sự “bất thường” về lai lịch, nhân thân của chủ điện, về quy mô của điện thờ thì sẽ có rất đông người dân đến hành lễ, cúng bái quanh năm. Dòng tiền dồi dào và ổn định mà chủ điện thu về dưới hình thức “đặt lễ”, “công đức cho điện thờ”, tiền công cúng lễ của chủ điện, tiền đồ lễ, phí dịch vụ bốc bát hương, phí cầu cúng chữa bệnh, v.v… … Một số điện thờ tư gia là nơi cung cấp dịch vụ cầu cúng có thu phí công khai, có bảng giá. Việc cúng lễ còn được xem như một nghề kiếm sống, bất kể ngày hay đêm, các chủ điện sẽ sẵn sàng phục vụ khách hàng tại nhà của gia chủ. Chủ điện càng được cho là “thầy cúng giỏi, cao tay” thì càng có đông khách hàng, đồng nghĩa với việc có thu nhập cao. Do đó, phần lớn kinh phí đầu tư cho việc xây điện thờ, nâng cấp điện thờ, kế sinh nhai của gia đình chủ điện đều do đóng góp của cộng đồng.
Tuy nhiên, cũng có một số điện thờ tư gia có biểu hiện trục lợi, lợi dụng lòng tin của người dân, thu lợi bất chính trên nỗi bất hạnh của họ. Một số điện thờ thu nhập kinh tế chủ yếu thông qua hình thức cúng giải hạn cho người dân với số tiền thu khá lớn. Một số điện thờ đe dọa làm phép cho bị điên dại, bị tai nạn giao thông, ốm đau bệnh tật, gia đình ly tán, con cái hư hỏng nếu không tin theo, không làm lễ cúng giải, lễ tạ.
4. Nhìn nhận, ứng xử đối với hoạt động của điện thờ tư gia
Nhìn chung, các điện thờ tư gia đáp ứng và phù hợp với: (i) xu thế cá thể hóa đức tin; (ii) dân chủ hóa, tự do hóa trong lựa chọn và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo; (ii) nhu cầu viện nhờ thánh thần giải quyết “tức thì” những “lợi lộc và hoạn nạn trần thế”.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động của các điện thờ tư gia trên địa bàn Hà Nội bắt đầu được cảnh báo của giới truyền thông và các nhà khoa học về nguy cơ gây xáo trộn đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng. Không ít người sau khi theo hầu cúng lễ tại các điện thờ tư gia, họ bỏ bê công việc, bỏ bê gia đình vợ chồng con cái, bị lừa đảo, tiền mất, tật mang, thậm chí trả giá bằng cái chết của mình. Điện thờ tư gia cũng là nơi tụ tập đông người, tuyên truyền mê tín dị đoan, tuyên truyền chống đối Đảng và Nhà nước,… Do đó, việc quản lý hoạt động của điện thờ tư gia đã được đặt ra.
Hiện tại, tất cả các điện thờ tư gia trên địa bàn Hà Nội hoạt động không chịu sự quản lý của nhà nước vì cơ sở thờ tự chủ yếu nằm trong khuôn viên nhà riêng của chủ điện hoặc một phần diện tích của ngôi nhà đang ở được tách riêng để xây nơi thờ tự.
Nhìn nhận từ giới nghiên cứu
Trên một diễn đàn khoa học, Đỗ Quang Hưng có ý kiến cho rằng, việc nhiều điện thờ tư gia, đặc biệt là điện thờ Hồ Chí Minh, thờ các vị anh hùng dân tộc, thờ Võ Nguyên Giáp, điện thờ Âu Cơ – Lạc Long Quân, Hùng Vương, …viện dẫn, nương tựa, sử dụng hình tượng dân tộc, hình tượng bác Hồ, triết lí nhân sinh và tinh thần dân tộc nhằm đối phó với chính quyền địa phương, tập hợp và đoàn kết quần chúng, đây gần như một con đường chung, một chỗ trú ẩn, một giải pháp khôn ngoan cho nhiều điện thờ tư gia mới hình thành ở nước ta thời gian qua [4]. Đây là một sự “đối phó” tình thế và “cơ sở tâm linh” thuận lợi cho sự tồn tại của các điện thờ tư gia vì chủ nghĩa dân tộc vẫn còn vai trò và giá trị ở Việt Nam.
Việc xuất hiện các điện thờ tư gia là một tất yếu khách quan, một nhu cầu chính đáng của người dân và tín đồ nên chúng ta phải ứng xử với nó trên tinh thần dung nạp, tôn trọng chứ không phải là loại bỏ, cấm đoán. Đa phần các học giả hạn chế sử dụng từ “tà đạo” để chỉ các nhóm tâm linh nhỏ, nhóm hội đoàn tu gia, thờ cúng tư gia. Thậm chí từ “mê tín” cũng hạn chế sử dụng vì lo ngại là đang phán xét, xúc phạm tới đức tin của nhiều người. Họ thường dùng thuật ngữ “hiện tượng tôn giáo mới”, “tôn giáo nhóm nhỏ”, “Đạo lạ” hoặc “hội đoàn tu gia” để gọi nhóm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại các điện thờ tư gia.
Không nên lấy tiêu chí của tôn giáo truyền thống (cũ) để nhìn nhận, đánh giá về các nhóm “tu gia”, chúng cũng có những ưu điểm nhất định: đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo đa phương nhiều chiều của quần chúng; với đặc tính “mới, lạ”, các điện thờ tư gia tạo cho tín đồ cảm giác thăng hoa mới; một số điện thờ sử dụng “ma thuật” khi hành lễ, ở một chừng mực nào đó, “ma thuật” khiến con người đạt đến trạng thái “thị phạm” giúp họ có thể tự giải quyết những bế tắc trong cuộc sống mà khi ở trạng thái tâm lý bình thường họ không thể tự giải quyết được.
Trong đời sống tâm linh tinh thần, người dân có quyền tiếp cận với mọi hệ tư tưởng, mọi hệ giá trị (đúng-sai; tốt-xấu), họ chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật mọi hành vi và những sai lầm do họ lựa chọn. Chính quyền chỉ định hướng, tuyên truyền, thuyết phục, không nên can thiệp thô bạo vào quyền riêng tư trong đời sống tinh thần của cá nhân.
“Hội đồng tư vấn tôn giáo” có chức năng hỗ trợ điều tra và xác nhận các điểm nhóm sinh hoạt tư gia nào đáp ứng đủ điều kiện của pháp luật thì tham mưu các cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký sinh hoạt, cái nào không đáp ứng đủ điều kiện sẽ không được phép sinh hoạt, nhưng phải nêu rõ lý do vì sao không cấp đăng ký sinh hoạt và không được thành lập tổ chức với những tiêu chí rõ ràng, minh bạch, công khai và thuyết phục. Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để định hướng niềm tin công chúng khi lựa chọn tham gia vào các nhóm tư gia.
Các điện thờ tư gia khi sinh hoạt có đề cập và khai thác các “vấn đề nóng” của đời sống chính trị – xã hội, đó chính là dư luận xã hội, phản biện xã hội để chính quyền phải cải thiện tình trạng chính trị – xã hội hiện tại. Hoặc nói khác đi, điện thờ tư gia xuất hiện cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc mới về động lực của sự phân cực tôn giáo, cũng có thể mở ra những con đường mới để ứng phó với sự phân cực chính trị. Nguyên nhân sâu xa đằng sau việc xuất hiện các điện thờ tư gia là sự nghèo đói, lạc hậu, dân trí thấp, bất bình đẳng, vi phạm nhân quyền, an sinh và bảo hiểm xã hội thấp kém, khủng hoảng tinh thần, thách thức từ môi trường tự nhiên, xã hội,… Để giải quyết tận gốc các các hoạt động tiêu cực xuất hiện tại các nhóm tư gia, Chính quyền không thể “bỏ qua” các nguyên nhân này. Do vậy, cần có một chiến lược cho các vấn đề như giảm đói nghèo, nâng cao dân trí, giải quyết việc làm, bình đẳng xã hội. Giải quyết tận gốc rễ các vấn đề dân chủ, nhân quyền, an sinh xã hội, môi trường…. để loại bỏ “cơ sở trần tục” mà trên đó “hoạt động tiêu cực” có thể nảy sinh ở các điện thờ tư gia.
Nhìn nhận từ nhà quản lý
Ý kiến của người lãnh đạo, quản lý tại địa bàn có nhiều điện thờ tư gia mà chúng tôi khảo sát (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội), đều cho rằng, mặc dù trên địa bàn có nhiều điện thờ tư gia và hoạt động chủ yếu là coi số, xem bói, bói quẻ, xem ngày giờ tốt, cúng giải, hầu đồng,… nhưng hoạt động khá ổn định, không gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân và xáo trộn về an ninh trật tự. Thậm chí, việc mở điện cũng là một “nghề phụ” giúp tăng thu nhập cho chủ điện ngoài thu nhập từ làm nông, phụ hồ, buôn bán nhỏ. Chủ điện được hưởng lợi từ việc mở điện, được chính quyền “bỏ qua” như “cho phép” nên cũng biết ứng xử khi xã/ phường kêu gọi ủng hộ, đóng góp vì công việc chung, họ sẵn sàng hỗ trợ về kinh phí (thường là nhiều hơn so với các hộ gia đình khác). Các chủ điện, đa phần đều là người địa phương, gắn bó lâu đời với làng xã, rất ít chủ điện từ nơi khác đến lập điện, nên họ cũng biết ăn ở cho phải phép, đúng lề thói, hương ước của làng xóm. Nhiều chủ lập điện cũng vì truyền thống gia đình, cha ông họ đã từng mở điện, nên điện thờ tư gia cũng là cách thức lưu giữ bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng truyền thống lâu đời của quê hương bản quán.
Khi chúng tôi đặt vấn đề, thời gian tới, điện thờ tư gia cũng sẽ là “đối tượng” chịu sự quản lý như các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cộng đồng để định hướng hoạt động của điện thờ tuân thủ pháp luật, ngăn chặn những tác động xấu của nó đối với đời sống xã hội và người dân, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến từ phía chính quyền các địa phương đều nhất trí cần phải quản lý hoạt động của điện thờ tư gia bằng hình thức đăng ký điểm nhóm sinh hoạt tín ngưỡng tập trung (đối với những điện thờ có từ 20 người trở lên tham dự trong một khóa lễ), cam kết không vi phạm pháp luật; số lượng người đến hành lễ hàng năm phải có sổ sách ghi chép; công khai kinh phí, thu nhập từ hoạt động của điện thờ.
Hiện tại, có rất nhiều điện thờ tư gia đang hoạt động nhưng chưa được cấp đăng ký sinh hoạt hoặc chưa được công nhận tổ chức vì chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu quy định của pháp luật, hoặc bị từ chối cấp đăng ký sinh hoạt vì không được xem là một loại hình tôn giáo hay tín ngưỡng. Do đó, các điện thờ tư gia tồn tại một cách không chính danh, nằm ngoài đối tượng được sự bảo hộ và cho phép của luật pháp về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Vấn đề Pháp nhân cho các điện thờ tư gia cũng được đặt ra, nhưng có nhiều ý kiến trái chiều. Cho phép họ đăng ký sinh hoạt và thừa nhận để: đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và một địa vị pháp lý cho nhóm này; rằng buộc họ trong cam kết hoạt động tuân thủ pháp luật; để quản lý. Ý kiến khác (đa phần từ phía các cơ quan chức năng và nhà quản lý) thì: Việc kiểm tra tính xác thực, tính hợp pháp của các nhóm tư gia với các tiêu chí, quy chuẩn của pháp luật là chưa đáp ứng, nên không thể cấp đăng ký sinh hoạt và công nhận điện thờ tư gia là cơ sở tín ngưỡng.
Quan điểm từ phía chủ điện và người tham gia
Các chủ điện khi được hỏi về việc sẽ quản lý, họ băn khoăn cho rằng, chính quyền rất khó quản lý điện thờ tư gia nếu như chủ điện không tự giác khai báo về những thông tin như số lượng tín đồ, con nhang và người hành lễ hàng năm; kinh phí, thu nhập từ hoạt động của điện thờ. Còn việc yêu cầu họ cam kết không vi phạm pháp luật, không hành nghê mê tín dị đoan thì họ sẵn sàng cam kết nhưng có thực hiện không là điều nan giải vì theo chủ điện, đa phần người dân đến với điện thờ đều có những trắc trở về đời tư, những khúc mắc về tâm linh mà họ không tìm được lời giải từ các vấn đề thế tục nên họ mới phải tìm đến điện thờ, nếu điện thờ không thực hiện các hoạt động có mầu sắc mê tín, hứa hẹn về việc cúng giải, chữa bệnh âm, bệnh trần thì chẳng có khách nào lui tới cả. Và với số lượng điện thờ nhiều như hiện nay trên địa bàn Hà Nội(10) thì các cơ quan chức năng không thể lúc nào cũng kiểm tra, kiểm soát được. Kinh phí yêu cầu công khai là không khả thi vì họ sẽ không bao giờ khai đúng số tiền thu nhập từ cúng bái. Một chủ điện ở thôn Nhuận Trạch, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội còn rất trẻ (sinh năm 1980) cho biết, ủng hộ việc chính quyền quản lý hoạt động của điện thờ tư gia vì theo chủ điện này, những người hành nghề (gọi là thầy hay cô đồng) được “thánh chọn” thường là người rất tử tế, có tâm, tiền bạc với họ không quan trọng, chủ yếu là thấy người hoạn nạn thì cứu giúp, nên chủ điện không thấy phiền hà hay trở ngại gì khi chính quyền quản lý hoặc yêu cầu đăng ký, họ sẵn sàng thực hiện vì đã đăng ký tức là được chính quyền bảo hộ, cấp giấy phép hành nghề, hoạt động của họ chính danh, người dân đến lễ sẽ tin tưởng hơn. Theo ý kiến một chủ điện khác, việc quản lý sẽ rất khó khăn vì chắc chắn các chủ điện sẽ không bao giờ trình báo đúng, giả dụ, có một trăm người đến điện, chủ điện thu được 100 triệu nhưng chỉ báo với chính quyền là 10 triệu thì chính quyền cũng khó kiểm soát được. Tuy nhiên, hành nghề “tâm linh” cũng có “Thiên luật” của nó, ai trục lợi, lừa đảo, giàu nhanh thường sẽ phải “trả giá” bị “cơ đầy”, gia đình không hạnh phúc, vợ chồng tan đàn xẻ nghé, cha mẹ kiếm được tiền nhưng con cái hư hỏng, tù đày, ông bà cha mẹ ốm đau bệnh tật,… Cũng theo chủ điện này, “luật thánh” bất thành văn nhưng hiệu lực hơn cả luật pháp của xã hội thế tục, chủ điện gian dối, chính quyền có thể chưa biết nhưng “Ngài” biết, “Ngài thấy” nên mới nói “lộc thánh có gai”, các chủ điện đã vào “sân chơi” này phải thực hiện cho đúng “luật thánh” thì lộc bền mãi mãi, gia đạo bình yên, nếu không sẽ bị “Ngài phạt”, lộc vào cửa trước sẽ bước ra cửa sau. Chính quyền nếu quản lý cũng chỉ là hình thức thôi. Các chủ điện chính đáng thường tự giác, hành nghề có tâm, cứu giúp người hoạn nạn là chính, không nghĩ đến lợi ích vật chất, tiền bạc, không tuyên truyền chống đối chính quyền.
5. Kết luận
Cần thừa nhận sự tồn tại tất yếu của các điện thờ tư gia, nhiệm vụ của các cấp chính quyền là làm thế nào để quản lý hoạt động của các điện thờ tư gia vừa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vừa tuân thủ pháp luật, ngăn chặn trước các nguy cơ, tác động xấu đến đời sống xã hội và người dân. Để công tác quản lý có hiệu quả dài lâu, đi liền với đó phải là các giải pháp đồng bộ như: nâng cao trình độ dân trí để người dân hiểu được nhu cầu cần phải có tôn giáo của chính mình; giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội (việc làm, thu nhập, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm xã hội, thu hẹp khoảng cách giầu – nghèo, đảm bảo các quyền con người, dân chủ và công bằng xã hội,…). Nói chung, phải cải biến xã hội, tạo nên một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh để con người thoát ra khỏi những rằng buộc luôn tự trói mình vào những ảo tưởng, hy vọng, trông cậy ở thánh thần. Nguồn gốc sâu xa nhất của sự mê muội tôn giáo chính là sự cùng khổ và dốt nát, chính cái tệ ấy mới là cái chúng ta cần đấu tranh, cần quản trị tốt chứ không phải là cấm đoán, dẹp bỏ hay dùng mọi biện pháp hành chính để kiểm soát hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.
Chú thích:
- Tây Hồ (1995), Thanh Xuân (1996), Cầu Giấy (1996), Long Biên (2003), Hoàng Mai (2003), cùng các vùng ngoại ô của Hà Nội được đô thị hóa một cách nhanh chóng. Năm 2008, Quốc hội thông qua đề xuất điều chỉnh địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội, theo đó, toàn tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc, 4 xã thuộc huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình được sát nhập vào Hà Nội. Năm 2009, thêm quận Hà Đông được thành lập. Đến 2013, cùng với hai quận mới là Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, Hà Nội là thành phố với 12 quận và 1 thị xã.
- Thôn Nhuận Trạch, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, Hà Nội (được cho là địa phương xuất hiện nhiều điện thờ tư gia).
- Phỏng vấn trực tiếp 1 số chủ điện và ý kiến từ người dân xung quanh, Bà N.T.H (tự gọi cô đồng H), ở thôn Nhuận Trạch, xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Nội, bị bệnh điên loạn, nhảy xuống giếng tự tự, thắt cổ, ăn phân trâu, phân bò, gia đình chạy chữa nhiều nơi không khỏi, lập điện khỏi bệnh. Trường hợp bà N.T.Q (tự nhận cô đồng Q) bị bệnh từ nhỏ chạy chữa không khỏi, tóc bị kết rối không gỡ ra được (có ảnh tư liệu), lập điện khỏi bệnh…
- Điện “Thiên Địa Quân Thần Sư” phối tự Chư Thiên Thần Thánh (Phật, Di Lặc, Nam Hải cổ Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngũ Giáo Thánh Nhân (Lão Tử, Khổng Tử, Thích Ca Mâu Ni, Giêsu Kitô, Mohammet), Hoạt Phật Sư Tôn, Nguyệt Tuệ Bồ Tát, Trường Sinh Đại Đế (Nam Cực Tiên Ông), Táo Quân, Kim Công Tổ Sư, Trung Hoa Thánh Mẫu (Tôn Huệ Minh), v.v…
- Điện Đạo Luật Ơn Nghĩa Và Nhân Nghĩa
- Phỏng vấn một chủ điện tên là Ph.T.D, điện Thiên Phúc, thờ Hồ Chí Minh cùng 117 vị anh hùng dân tộc, nhưng chủ điện không nhớ rõ và không giải thích được đó là những vị nào, lớp lang thứ tự thờ ra sao và được xắp sếp theo nguyên tắc nào.
- Phỏng vấn một chủ điện N.T.T.N, điện Phúc Linh, thờ Hồ Chí Minh, chủ điện không nắm được số tín đồ, con nhang, không nhớ và nắm rõ các trưởng nhóm, các nhóm phái khác thờ Hồ Chí Minh trên phạm vi cả nước.
- Theo điều tra khảo sát của chúng tôi về mục đích người dân tìm đến các điện thờ tư gia, kết quả cho thấy, hơn 30% người được hỏi, họ đến điện thờ tư gia để tìm một không gian tâm linh riêng tư, yên tĩnh, để tìm kiếm lại sự cân bằng tâm lý sau những căng thẳng hay xáo trộn trong đời sống cá nhân, gia đình. Đến đó họ tìm được những lời khuyên để lấy lại bình tĩnh, sáng suốt trong những quyết định hệ trọng của cá nhân và gia đình. Nơi đó, họ tìm được “điểm tựa” an định tinh thần hoặc chuẩn bị về mặt tâm lý để đón nhận một cách thanh thản những bất hạnh, rủi ro mà họ đang và sẽ phải gánh chịu.
- Địa bàn khảo sát là quận Hoàn Kiếm và huyện Ba Vì. Theo Báo cáo của Ban Tôn giáo Hà Nội phục vụ Đoàn kiểm tra tình hình thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn thành phố Hà Nội từ tháng 9/2020-9/2021, quận Hoàn Kiếm và huyện Ba Vì là hai trong số các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội có nhiều điện thờ tư gia.
- Theo con số thống kê của Phòng Nội vụ, ban Tôn giáo Hà Nội, tính đến năm 2023, số lượng điện thờ tư gia trên địa bàn Hà Nội là khoảng 1182 điện tư gia.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2003): Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo
- Nguyễn Kim Hiền (2000): Từ những điều tra xã hội học 1995-1998 suy nghĩ về sự vận động của các tôn giáo Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1/2000
- Đỗ Quang Hưng (2010): Đời sống tôn giáo tín ngưỡng Thăng Long-Hà Nội Nxb. Hà Nội.
- Đỗ Quang Hưng (2011): Mối quan hệ giữa tín ngưỡng và hiện tượng tôn giáo mới: mấy vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3 và số 4.
- Ngô Đức Thịnh (2014): Lên đồng – hành trình của thần linh và thân phận, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
- Ngô Hữu Thảo và Đào Văn Bình (đồng chủ biên), (2014): Đạo lạ ở Hà Nội hiện nay và những vấn đề đặt ra. Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.
- Hoàng Văn Chung (chủ biên), (2022): Đánh thức thần linh trong xã hội hiện đại – Nghiên cứu quá trình tái tạo không gian thiêng ở đồng bằng sông Hồng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.