Đêmôcrít (khoảng 470/460 – 360 TCN), nhà triết học Hy Lạp cổ đại, người sáng lập nguyên tử luận.
Đêmôcrít xuất thân từ một gia đình giàu có. Ông sinh ra tại một thành phố nhỏ – Abdera nằm trên bờ bắc biển Egiê. Sau cái chết của người cha, Ông và hai em của ông được thừa kến một khối tài sản lớn, song khi chia tài sản, ông chỉ nhận một phần nhỏ bằng tiền mặt, rồi chu du gần hết cả cuộc đời, đến nhiều nước có nền văn hóa cổ, tiếp xúc với các pháp sư, các nhà tư tế Ai Cập, thậm chí với cả các nhà sư Ấn Độ. Đêmôcrít muốn chiêm ngưỡng toàn bộ sự muôn màu muôn vẻ của thế giới, thâm nhập vào nó nhờ sự uyên bác của mình, có khát vọng đi đến căn nguyên của những điều đã biết, nắm bắt vạn vật, thâm nhập vào các cơ sở sâu kín của tồn tại hữu hình. Ông trở về quê hương là một người nghèo, sống giản dị, hoàn toàn tập trung vào những tìm tòi khoa học. Cấu tạo của đại vũ trụ là tác phẩm chính của Đêmôcrít, ngoài ra ông còn sở hữu hơn 70 tác phẩm khác. Với nguyên tử luận, Đêmôcrít cho thấy rõ bước chuyển từ một thời đại triết học này sang một thời đại triết học khác, làm thay đổi căn bản cách tiếp cận truyền thống đối với tiến trình lịch sử triết học, đem giải pháp của mình ở mỗi khâu quan trọng về mặt thế giới quan đối lập với giải pháp của các nhà triết học tiền Socrates, chứng tỏ ông thuộc về một thời đại triết học mới. Đêmôcrít được mệnh danh là “nhà triết học cười” vì ông phản ứng đối với sự gàn dở của con người, tâm hồn trống rỗng và giả dối của họ. Tiếng cười chỉ có ở người đã không còn thuộc về thế gian này, mà thuộc về tồn tại khởi thuỷ, về chân lý vĩnh cửu của nó. Đêmôcrít nhà khoa học bách khoa thư đầu tiên.
Nguyên tử và khoảng không là các khái niệm cơ bản của học thuyết Đêmôcrít, song không nên hiểu “nguyên tử” theo nghĩa vật lý học là hạt vật chất. Học thuyết Đêmôcrít hoàn toàn không giải quyết vấn đề khoa học tự nhiên, mà giải quyết vấn đề bản thể luận triết học, theo đó thì khái niệm “nguyên tử” (tiếng Hy Lạp: atome – không phân chia được) đóng một vai trò hoàn toàn khác. Trước hết, nó không phải là chủ từ mà là vị từ, không phải là chủ ngữ mà là vị ngữ. Từ “nguyên tử” có nghĩa là “hình thức” của tồn tại. Những hình thức vô cùng đa dạng của tồn tại luôn biến đổi và tiêu vong. Tính thường biến, nhất thời này của mọi tồn tại được biểu thị thông qua khái niệm “phân chia được” (tome). Nhưng nếu dừng lại trong tính thường biến và nhất thời của vạn vật, thì tồn tại sẽ biến mất. Nếu không có gì bất biến, tức là không có gì cả: tất cả biến thành không tồn tại. Do vậy, trong vô vàn hình thức nhất thời của tồn tại, Đêmôcrít cố gắng tìm kiếm các hình thức bất biến, tức là đạt tới tồn tại. Vì có tồn tại, nên cơ sở của nó là một số hình thức đơn giản nhất, mang tính khởi thuỷ, luôn tự đồng nhất với bản thân và bất biến. Chúng là giới hạn của vạn vật. Ở bên ngoài chúng là không tồn tại, hư vô. Hai bản chất đầu tiên này – tồn tại ban đầu không phân chia được (không có khả năng biến thành hư vô = nguyên tử) và không tồn tại – cấu thành cơ sở của vũ trụ. Đêmôcrít gọi chúng bằng các khái niệm các hình thức bất biến (nguyên tử) và khoảng không. Vạn vật đều bắt nguồn từ chúng và chúng hiện diện trong vạn vật. Tính nguyên tử (không phân chia được) của các hình thức khởi thuỷ của tồn tại trở thành đặc điểm chung của chúng. Như vậy, các hình thức không phân chia được và khoảng không không hẳn là các đặc điểm vật lý, mà chủ yếu là các giới hạn xác định của cái có thể tư duy. Đây là những nội dung đơn giản nhất mà tư duy không thể đi xa hơn và cần phải coi chúng là cơ sở của quan niệm về tồn tại. Không nên nói các hình thức phát sinh này của tồn tại do ai sáng tạo ra hay bắt nguồn từ đâu. Thậm chí không thể đặt vấn đề về cội nguồn và nguồn gốc của chúng.
Từ quan niệm bản thể luận như vậy, Đêmôcrít xây dựng vũ trụ luận. Các bản nguyên của vũ trụ, theo Đêmôcrít, thực chất là các nguyên tử và khoảng không, mọi cái còn lại chỉ là những cái hiện hữu. Các thế giới vô hạn, luôn xuất hiện và biến mất. Không có cái gì xuất hiện từ hư vô, và không có cái gì bị phá huỷ thành hư vô. Các nguyên tử vô hạn về đại lượng và số lượng, chúng tạo thành cơn lốc trong vũ trụ và qua đó sinh ra những cái phức tạp – lửa, nước, đất, vì tất cả chúng đều thực chất là những liên kết của các nguyên tử bất biến. Vạn vật xuất hiện do có tính tất yếu, nguyên nhân của mọi sự xuất hiện là cơn lốc, và chính cơn lốc này là tính tất yếu. Toàn bộ vũ trụ hữu hình, có trật tự, có mối liên hệ nội tại, được tuyên bố là không hiện thực, vì chỉ các hình thức bất biến vĩnh hằng và khoảng không là tồn tại đích thực. Vũ trụ không xuất hiện, ở đây vắng mặt sự phát sinh của vũ trụ.
Quan điểm vũ trụ luận đưa Đêmôcrít đến nguyên tắc nhận thức luận quan trọng là giải thích nhân quả. Để giải thích sự hình thành vũ trụ và tất cả những gì diễn ra ở trong nó, Đêmôcrít sử dụng khái niệm nguyên nhân. Theo ông, không gì diễn ra mà không có căn cứ, và ông gọi các căn cứ ấy là nguyên nhân. Vì căn cứ của toàn bộ tồn tại là các nguyên tử, nên sự kết hợp và tương tác giữa chúng là căn cứ đều tiên của vạn vật. Một sự chuyển biến triệt để đã diễn ra trong tư duy về tồn tại: vấn đề về mục đích được thay thế bằng vấn đề về nguyên nhân – tác động trực tiếp dẫn tới tình trạng hiện có của các sự vật. Sự giải thích như vậy về các sự vật lấy khái niệm nguyên nhân làm cơ sở, được gọi là quyết định luận. Nguyên tử luận đưa con người ra khỏi cuộc đấu tranh hỗn loạn giữa các lực lượng, các nguyên tố, các ý chí vũ trụ, thủ tiêu nguồn gốc sinh ra mọi lo âu của con người cổ đại – sức mạnh vô địch và chi phối vạn vật của Định mệnh, vì nếu chỉ có các nguyên tử và khoảng không, còn vạn vật trong vũ trụ là hệ quả đơn thuần của sự kết hợp và tương tác giữa chúng, thì sẽ không còn chỗ cho bất kỳ một lực lượng mờ ám, đen tối và không thể nắm bắt, trong vũ trụ không có cái gì lo âu và gây ra sợ hãi.
Đêmôcrít tiếp nối học thuyết về tồn tại bằng học thuyết về tồn tại người. Con người có nguồn gốc tự nhiên và lúc đầu có lối sống giống như mọi động vật. Những mối nguy hiểm chung bắt con người phải cố kết lại và hình thành bầy đàn. Dần dần họ học được cách tổ chức nơi cư trú trong các hang động, dự trữ được thức ăn và làm ra quần áo. Khi con người biết cách kiếm lửa, các nghề thủ công xuất hiện. Việc bắt chước động vật đóng một vai trò quan trọng trong phát triển các nghề thủ công, các kỹ năng nói chung của con người. Toàn bộ nếp sống chung (ngôn ngữ, nhà nước, luật pháp) đều được tạo ra theo thoả thuận chung của mọi người, thông qua quyết định tập thể của họ. Từ đó suy ra rằng việc thay đổi các chuẩn tắc và nếp sống hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của con người. Đêmôcrít không phủ định thần linh, song ông quan niệm chúng cấu thành từ những nguyên tử có hình cầu đặc biệt. Theo ông, con người xây dựng hình ảnh thần linh như nhân cách hóa sợ hãi họ trải qua khi đối mặt với các lực lượng tự nhiên và xã hội thống trị họ. Linh hồn cấu thành từ những nguyên tử lửa. Cảm giác là dòng chảy của những sao chép tinh tế nhất. Tình cảm chủ yếu dẫn dắt con người trong cuộc sống. Chúng ta đề cao những gì giống với chúng ta, né tránh những gì xa lạ, đem lại bất tiện và đau khổ. Mục đích và cái phúc tối cao đối với con người là tâm trạng thoải mái, không bị dục vọng quấy rầy, “thanh thản”.
Tài liệu tham khảo
1. Đặng Hữu Toàn, Học thuyết về nhận thức trong triết học Đêmôcrít, Tc Triết học, số 01 (164), 2005.
2. Đặng Hữu Toàn, Lôgíc học trong triết học Đêmôcrít, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Tạp chí Khoa học Xã hội, Số 7, 2005.
3. Vương Thị Bích Thủy, Tất yếu và tự do trong triết học Đêmôcrít và Êpiquya, Tạp chí Triết học, số 11 (162), 2004.
4. Mai Sơn (biên soạn), 101 triết gia, Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2007.
5. Forrest E. Baird, Tuyển tập danh tác triết học từ Plato đến Derrida, Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy dịch, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2006.
6. Samuel Enoch Stumpf (Biên dịch: Đỗ Văn Thuấn, Lưu Văn Hy), Lịch sử Triết học và các luận đề,Nxb. Lao động, Hà Nội, 2004.