Sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, không ít những kẻ chống phá Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã tung ra rất nhiều luận điệu, nào là “Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, là đi theo vết xe đổ của Liên Xô”; nào là “chủ nghĩa Mác – Lênin đã lỗi thời trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho nên nếu cứ dựa vào đó thì không thể nào đưa đất nước Việt Nam phát triển”; đặc biệt, họ còn rêu rao rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công”.
Rất nhiều bài viết đã phản bác một cách thuyết phục những luận điệu này. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại và chỉ ra cho các tác giả của những luận điệu ấy nhớ lại và biết rằng, nối tiếp thành công vĩ đại trong công cuộc chống các cường quốc đế quốc dù chúng đến từ đâu, chính là nhờ sự nhận thức đúng đắn, kiên định và sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin phù hợp với điều kiện của đất nước, mà nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã rất thành công trong công cuộc đổi mới toàn diện nên đất nướcViệt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Đảng Cộng sản Việt Nam 2021, tập I: 25). Tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam duy trì liên tục nhiều năm liền ở mức cao và được cả thế giới thừa nhận. Với tốc độ phát triển cao ấy nhất định Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, có thu nhập trung bình cao vào năm 2045.
Phải chăng từ tất cả những thành tựu và thành công ấy suốt gần một thế kỷ qua cũng như từ những công việc mà Đảng và nhân dân ta đang làm chưa đủ để phản bác lại luận điệu cho rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công” hay sao? Có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để khẳng định mạnh mẽ rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam nhất định sẽ thành công trong công cuộc chống tham nhũng và sự suy thoái trong Đảng.
Lần lại lịch sử nhân loại chúng ta thấy rõ, tham nhũng là hiện tượng vốn có trong các chế độ xã hội khác nhau. Tham nhũng thường có hai loại phổ biến là tham nhũng vật chất và tham nhũng quyền lực. Tham nhũng quyền lực là con đường ngắn nhất dẫn đến tham nhũng vật chất. Hai loại tham nhũng này tồn tại khá phổ biến cả trong quá khứ lẫn trong thế giới đương đại, kể cả ở các nước có trình độ phát triển cao, nếu như luật pháp không được thực thi nghiêm ngặt.
Lịch sử cho thấy, vấn nạn tham nhũng đã từng tồn tại trong xã hội cổ đại. Cụ thể là nạn tham nhũng đã được người xưa ghi lại trong nhiều ấn phẩm và vẫn còn được lưu truyền cho đến tận hôm nay. Chẳng hạn, ở chương Mười điều quấy (Thập quá) trong Hàn Phi Tử, Hàn Phi (280 – 233 TCN) nói rằng, “ham lợi nhỏ tức là hại đến lợi lớn” (Hàn Phi, 2001: 83). Hàn Phi dẫn ra trường hợp vua Ngu Công nước Ngu đã làm mất đất nước của tổ tiên mình. Do không chịu nghe lời can gián của Cung Chi Kỳ, lại tham lam của đút lót là cỗ xe ngựa quý Khuất Sản và ngọc bích Thùy Cức của vua nước Tấn, nên vua nước Ngu là Ngu Công đã cho nước Tấn mượn đất nước mình làm đường qua đánh nước Quắc để rồi cuối cùng không chỉ nước Quắc bị chinh phục mà chính nước Ngu của Ngu Công cũng bị nước Tấn thôn tính. Đồng thời, đáng nói hơn nữa là ngay cả ngựa quý Khuất Sản lẫn ngọc bích Thùy Cức do vua Tấn đút lót vua Ngu Công trước đó về sau cũng đều đã lần lượt quay trở về với chủ cũ của chúng là vua Hiến Công nước Tấn. “Vậy tại sao quân Ngu Công lại thua và đất lại bị cướp?”, Hàn Phi tự đặt ra câu hỏi đó và cũng tự mình trả lời rằng, “vì ông ta ham cái lợi nhỏ mà không nghĩ đến cái hại lớn. Cho nên nói: ham cái lợi nhỏ là hại đến cái lợi lớn vậy” (Hàn Phi, 2001: 86).
Tham nhũng còn là “hành vi của những người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn để sách nhiễu, tham ô, nhận hối lộ hoặc cố ý làm trái chính sách, chế độ, thể lệ về kinh tế – tài chính vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội” (Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, 2005, tập 4: 137). Tuy nhiên, tham nhũng không chỉ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan công quyền. Thực tiễn nước nhà hiện nay cho thấy, trong nền kinh tế thị trường, nạn tham nhũng cũng tồn tại cả trong các tổng công ty, các xí nghiệp, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân có số vốn lớn và có nhiều cổ đông tham gia, v.v.. Bởi vậy, Đảng và Nhà nước Việt Nam từng đã bước hoàn thiện chính sách và pháp luật về phòng, chống tham nhũng, mở rộng việc phòng, chống tham nhũng sang cả khu vực kinh tế tư nhân.
Như vậy, tham nhũng không thể liên quan đến những người dân lao động bình thường, bởi vì họ không nắm quyền lực, không có quyền lực, không liên quan đến quyền lực, đến công vụ; nghĩa là họ không có điều kiện, không có cơ hội để vụ lợi cho cá nhân mình hoặc gia đình của mình. Nói cách khác, tham nhũng chỉ giới hạn trong phạm vi những người gánh vác một trách nhiệm công quyền hoặc dân sự nào đó thuộc các lĩnh vực khác nhau của nhà nước, của các tổ chức dân sự hay tổ chức nghề nghiệp, từ vị thế ở cấp thấp nhất cho đến vị thế ở cấp cao nhất.
Trong thời đại chúng ta, các loại tham nhũng đều bắt nguồn từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống là con đường gần nhất dẫn những cán bộ, công chức đang nắm quyền lực đến tham nhũng. Nhận thức rõ điều này, Đảng và Nhà nước đã kiên quyết, kiên trì giáo dục cán bộ, đảng viên, toàn quân và toàn dân nâng cao ý thức chính trị, rèn luyện đạo đức và lối sống lành mạnh, trong sạch; đồng thời, kiên quyết chống lại nạn tham nhũng và đã thu nhận được những thành công trong việc trừng trị nghiêm khắc loại tội danh này. Mọi người đều đã biết về trường hợp của viên Đại tá, nguyên Giám đốc Nha quân nhu Trần Dụ Châu, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đã bị xét xử và bị kết án tử hình vào ngày 05/9/1950. Có lẽ đây là bản án tử hình về tội tham nhũng đầu tiên dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bài học này mang tính răn đe nghiêm khắc và mang tính giáo dục rất cao đối với cán bộ, đảng viên trong cả hai cuộc kháng chiến khốc liệt và lâu dài, nhờ đó đã không xảy ra một trường hợp nào tương tự nữa.
Tuy nhiên, khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tình trạng tham nhũng đã và đang diễn ra hết sức phức tạp. Trước tình trạng đó, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (tháng 10/2016) đã kịp thời chỉ ra rất trúng 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Đó là những biểu hiện “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc trước những đòi hỏi chính đáng của nhân dân”; đó là việc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn… để trục lợi; để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”; để “thao túng trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội”; “sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016: 31-32).
Đáng nói nhất là việc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, quyền lực bị tha hóa, tham nhũng quyền lực để thực hiện “túm tóc lôi lên”, “bế đặt vào ghế”, “quy trình o bế” trong một bộ phận cán bộ trung và cao cấp ở không ít cơ quan và địa phương suốt một thời gian tương đối dài đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng về nhiều mặt. Tất cả những biểu hiện của sự suy thoái đó đang bào mòn dần và làm giảm sút nặng nề niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, cũng vì vậy mà uy tín của Đảng trong nhân dân đã có lúc có phần bị giảm sút; sự đồng lòng, sự đồng thuận trong xã hội và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc bị đe dọa. Tai hại hơn cả đối với một đất nước là sự tham nhũng quyền lực sẽ dẫn đến việc tạo vây cánh bằng cách đưa những kẻ bất tài, những người thân, những con em không đủ phẩm chất và năng lực vào nắm các vị trí chủ chốt trong bộ máy công quyền hoặc các lĩnh vực kinh tế trọng yếu. Nạn tham nhũng thực tế đã dẫn đến chỗ làm cho niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút. Nhận ra nhược điểm này, Đảng đã kiên quyết khắc phục bằng cách thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu. Với sự ra đời của Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng Trung ương theo Quy định số 211-QĐ/TW ngày 25/12/2019 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thật sự làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đánh giá: “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, được tiến hành quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tập I: 77). Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam không hề che giấu những thiếu sót, những khuyết điểm của mình, bởi vì “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 5: 301).
Có thể dẫn ra kết quả bước đầu của nhiệm vụ chống tham nhũng cho đến trước Đại hội XIII như sau: “Cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng; trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tập II: 208-209). Trong số những người bị thi hành kỷ luật đó có “3 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên Ủy viên Bộ chính trị; 7 Ủy viên Trung ương Đảng; 16 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 1 bộ trưởng và 4 nguyên bộ trưởng; 22 thứ trưởng và nguyên thứ trưởng; 12 bí thư và nguyên bí thư tỉnh, thành ủy; 3 phó bí thư và nguyên phó bí thư tỉnh ủy; 15 chủ tịch và nguyên chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành ủy; 26 sĩ quan cấp tướng Quân đội và Công an” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tập II: 209).
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII cho đến trước Đại hội XIII, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Trung ương cũng đã chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử 126 vụ án, 637 bị cáo có nhiều án tù với thời hạn khác nhau cho đến cả án tử hình. Cụ thể, có 3 án tử hình, 13 án tù chung thân, 8 án tù 30 năm; 20 án tù từ 20 năm đến dưới 30 năm. Dư luận xã hội rộng rãi đã rất quan tâm và đồng tình với những án mà các phiên tòa xét xử công minh và nghiêm khắc đưa ra đó. Nếu tính đến thời điểm này (tháng 7/2023), con số can phạm đó đã tăng hơn nhiều do nhiều vụ tham nhũng lớn đã bị phanh phui, nhiều cán bộ các cấp đã bị bắt tạm giam chờ các phiên tòa xét xử. Điển hình là các vụ án tham nhũng lớn như FLC, Tân Hoàng Minh, Việt Á sắp được xét xử; đặc biệt là vụ án các “chuyến bay giải cứu” đang được xét xử tại Hà Nội đưa ra truy tố 54 bị cáo về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong số 54 bị cáo ấy có tới 18 bị cáo bị truy tố và đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ theo điểm a khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 có khung hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Danh sách 18 bị cáo nêu trên với cáo buộc nhận tiền hối lộ bao gồm: (1) Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, từ tháng 9/2020 đến tháng 01/2022 đã nhận hối lộ 253 lần, tổng số 42.689.559.000 đồng; (2) Bị cáo Vũ Anh Tuấn, cựu Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an, từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022, đã nhận hối lộ 49 lần, tổng số 27,3 tỷ đồng; (3) Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, từ tháng 12/2020 đến tháng 01/2022 đã nhận hối lộ 32 lần, tổng số 25 tỷ đồng; (4) Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, từ tháng 12/2020 đến tháng 01/2022 đã nhận hối lộ 37 lần, tổng số 21,5 tỷ đồng; (5) Bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, từ tháng 11/2020 đến tháng 12/2021 đã nhận hối lộ 38 lần, tổng số 12,2 tỷ đồng; (6) Bị cáo Vũ Sỹ Cường, cựu cán bộ Phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2021 đã nhận hối lộ 7 lần, tổng số 9,3 tỷ đồng; (7) Bị cáo Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an đã nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng; (8) Bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, từ ngày 20/5/2021 đến 31/12/2021 đã nhận hối lộ 9 lần, tổng cộng 5 tỷ đồng; (9) Bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 3/2021 đến tháng 4/2021 đã nhận hối lộ 5 lần, số tiền 4,2 tỷ đồng; (10) Bị cáo Nguyễn Tiến Thân, cựu Chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ, từ tháng 11/2020 đến tháng 4/2021 đã nhận hối lộ 8 lần, số tiền 3,6 tỷ đồng; (11) Bị cáo Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ, từ tháng 11/2020 đến tháng 4/2021 đã nhận hối lộ 8 lần, số tiền 3,6 tỷ đồng; (12) Bị cáo Nguyễn Mai Anh, cựu Chuyên viên, Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ, từ tháng 29/3/2021 đến tháng 4/2021 đã nhận hối lộ 3 lần, số tiền 3 tỷ đồng; (13) Bị cáo Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2021, đã nhận hối lộ 2 lần, số tiền 2 tỷ đồng; (14) Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, từ 16/6/2021 đến tháng 10/2021 đã nhận hối lộ 7 lần, tổng cộng 2 tỷ đồng; (15) Bị cáo Vũ Hồng Quang, cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải, từ 30/8/2021 đến tháng 12/2021, đã nhận hối lộ 9 lần, số tiền 1,9 tỷ đồng; (16) Bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, từ tháng 01/2021 đến tháng 11/2021 đã nhận hối lộ 2 lần, tổng cộng 1,8 tỷ đồng; (17) Bị cáo Lê Tuấn Anh, cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, từ tháng 7/2021 đến tháng 12/2021 đã nhận hối lộ 19 lần, tổng số 1,7 tỷ đồng; (18) Bị cáo Ngô Quang Tuấn, cựu Chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Giao thông Vận tải, từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2021 đã nhận hối lộ 7 lần, số tiền 1,8 tỷ đồng.
Những kết quả nhìn thấy được trong công cuộc phòng, chống tham nhũng đã được nhân dân cả nước hết sức đồng tình, đánh giá cao, nhất là được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đồng thời, những kết quả ấy cũng là sự phản bác mạnh mẽ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực chống đối, thù địch cả ở trong và ngoài nước rằng, “chế độ cộng sản Việt Nam dung túng và là chỗ dựa cho cán bộ, đảng viên tham nhũng trên nỗi cơ cực của người dân”; rằng “đó là cuộc đấu tranh nội bộ thanh trừng lẫn nhau của các phe phái trong Đảng Cộng sản”, v.v…
Chúng ta thừa nhận rằng, “tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, tập I: 92-93), và mặc dù chưa đo đếm thật đầy đủ được những thành công cũng như những việc cần tiếp tục của công cuộc phòng, chống tham nhũng, song không thể coi nhẹ hoặc phủ nhận sự thành công và sự nghiêm khắc của nó; đặc biệt, phải nhấn mạnh rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng này đã củng cố được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và vào pháp luật nghiêm minh của chính quyền Nhà nước. Dù cho công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, một số bộ, ngành chưa có chuyển biến thật rõ rệt; ở một số nơi còn nặng về hình thức; việc xử lý vẫn còn những hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một số đơn vị, khu vực hành chính, nhất là dịch vụ công chưa được đẩy lùi, song không vì thế mà nói rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ không thể thành công như những kẻ chống đối rêu rao.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 14: 141); “là một thứ “giặc ở trong lòng”” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 7: 362), là “giặc nội xâm”; nó phá ta từ trong phá ra. Bởi vậy, “các cấp ủy cùng với cán bộ cần tìm cho ra gốc rễ tham ô, lãng phí và xử trí đúng mức” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 9: 519). Gốc rễ của bệnh tham nhũng, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra là bắt nguồn từ sự thoái hóa, biến chất, từ bệnh quan liêu. “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô”. Vì vậy, “muốn chống tham ô, lãng phí, phải chống bệnh quan liêu” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 7: 297, 345, 357), chống mọi biểu hiện của sự thoái hóa về đạo đức, về bản lĩnh chính trị, về lòng tham vô độ.
Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Để đi đến thành công, Đảng và Nhà nước chủ trương phải “kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực, xử lý đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật hình sự đối với những người vi phạm, bất kể đó là ai” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: 137). Đảng và Nhà nước đã và đang kiên quyết loại bỏ những phần tử hư hỏng, thoái hóa, biến chất về chính trị, suy thoái về đạo đức và lối sống, đồng thời loại bỏ những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi các cơ quan Đảng và các cấp chính quyền nhà nước. Điều không kém phần quan trọng là không ngừng hoàn thiện các chính sách, pháp luật và cơ chế để làm sao cho mọi người “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói. Chúng ta không được phép lãng quên một chân lý vô cùng quan trọng, rằng một khi đánh mất niềm tin của dân tức là sẽ mất tất cả, bởi vì “chở thuyền là dân, mà lật thuyền cũng là dân”, cho nên “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng” (Hồ Chí Minh, 2011, tập 5: 290).
Nhờ niềm tin tuyệt đối vào tính đúng đắn của đường lối cách mạng, vào các chính sách của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam mà cả dân tộc ta đã đồng lòng để vượt qua mọi khó khăn, làm nên những chiến công vang dội trong thế kỷ XX và trong công cuộc đổi mới đang từng ngày làm thay đổi bộ mặt của đất nước. Sẽ không thể có được những thành tựu vĩ đại mà nhân dân ta giành được vừa qua nếu Đảng không “giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng” (V.I.Lênin, 1979, tập 44: 608), nếu thiếu niềm tin của nhân dân vào đường lối của Đảng, vào các chính sách và pháp luật của Nhà nước, vào chủ trương phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Việc cả hệ thống chính trị, các tổ chức đảng và mỗi đảng viên dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng lòng và kiên quyết chống tham nhũng, loại bỏ những kẻ sâu mọt, những người thoái hóa, biến chất càng làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng thêm bền chặt và cũng là sự đóng góp thiết thực củng cố thêm vững mạnh của Đảng trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những việc đã làm được trong thời gian qua và việc Đảng, Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị kiên quyết, đồng lòng trong cuộc chiến chống tham nhũng là câu trả lời đanh thép cho những ai hoài nghi hoặc phủ nhận khả năng thành công của chúng ta trong cuộc chiến khó khăn này. Với sự quyết tâm cao độ, với đường lối và quyết sách chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống không có vùng cấm, không có ngoại lệ nhất định chúng ta sẽ thành công trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nhằm mục tiêu tự do, dân chủ, công bằng, nhân văn, dân giàu, nước mạnh để đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. q
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. 2016. Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Văn phòng Trung ương Đảng. Lưu hành nội bộ.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. 2021. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII – Tập I, II. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật.
3. Hàn Phi. 2001. Hàn Phi tử (Phan Ngọc dịch). Hà Nội: Nxb. Văn học.
4. Hồ Chí Minh. 2011. Toàn tập – Tập 5, 7, 9 14. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.
5. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. 2005. Từ điển Bách khoa Việt Nam – Tập 4. Hà Nội: Nxb. Từ điển Bách khoa.
6. Lênin, V.I. 1979. Toàn tập – Tập 44. Mátxcơva: Nxb. Tiến bộ.
7. Nguyễn Phú Trọng. 2022. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia.