1. Mở đầu
Dân chủ và đồng thuận xã hội là hai khái niệm quan trọng của triết học xã hội, được hình thành từ lâu trong lịch sử tư tưởng nhân loại, nhất là khái niệm dân chủ. Trải qua mỗi giai đoạn, hai khái niệm này có sự biến đổi, phát triển, mang dấu ấn của thời đại, của bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa và đặc trưng khu vực, vùng miền, quốc gia, dân tộc… đồng thời, luôn có tính phổ biến, tính thống nhất trong những nội hàm căn bản nhất. Ở Việt Nam, hai khái niệm này xuất hiện muộn hơn nhiều, khái niệm dân chủ có lẽ gắn liền với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam thời gian gần đây, ở một số chỗ hai khái niệm này được sử dụng đồng thời với nhau. Ví dụ, trong văn kiện Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội” [1, tr.38]. “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam” [1, tr. 47]; “nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội” [2, tr. 229]; “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội” [1, tr.172], v.v.. Điều này cho thấy, dân chủ và đồng thuận xã hội có sự gắn bó, đi liền với nhau, có những điểm tương đồng và tác động qua lại với nhau.
Ở Việt Nam đã có nhiều bài viết về dân chủ và đồng thuận xã hội. Hầu hết các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu về vấn đề này đều thống nhất quan điểm cho rằng dân chủ và đồng thuận là những giá trị cơ bản của một xã hội phát triển bền vững; dân chủ là cơ sở, điều kiện để có đồng thuận xã hội [3, tr. 83]. Mặc dù mối quan hệ giữa dân chủ và đồng thuận xã hội đã được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu, nhưng liên quan đến hai khái niệm này vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được làm sáng tỏ hơn. Việc làm sáng rõ những vấn đề lý luận về dân chủ và đồng thuận xã hội không chỉ là yêu cầu của công tác nghiên cứu lý luận, mà còn giúp cho việc phát huy dân chủ và tăng cường đồng thuận xã hội ở Việt Nam hiện nay.
2. Khái niệm dân chủ
Dân chủ trong tiếng Hy Lạp là được tạo thành bởi hai thành tố là nhân dân (demos) và chính quyền (kratos), theo đó dân chủ là chính quyền của nhân dân hay là thể chế chính trị mà ở đó chính quyền là của nhân dân, quyền lực nhà nước là của nhân dân, chính quyền do nhân dân bầu ra để phục vụ nhân dân. Montesquieu định nghĩa rằng: “Chính thể dân chủ là chính thể mà dân chúng hay một bộ phận dân chúng có quyền lực tối cao” [8, tr. 45]; “Nói đến dân chủ trước hết chúng ta hiểu rằng, đấy là quyền của con người trong việc tham gia quản lý nhà nước thông qua các cơ chế khác nhau, quyền làm một thành viên bình đẳng trong một tập thể nào đó, quyền có điều kiện thể hiện quan điểm của mình và được lắng nghe”; “Đặc điểm quan trọng nhất, bản chất của dân chủ là quyền tự do cá nhân, là sự tôn trọng cá nhân con người” [9, tr.18]. V.I.Lênin định nghĩa rằng: “Chế độ dân chủ, đó là một nhà nước thừa nhận việc thiểu số phục tùng đa số” [11, tr.101].
Theo các định nghĩa trên, dân chủ là một thể chế chính trị hay là một hình thức nhà nước. Thể chế chính trị dân chủ đối lập với thể chế chính trị quân chủ. Khi chưa có nhà nước thì chưa có thể chế chính trị dân chủ. Khi nhà nước tiêu vong thì thể chế chính trị dân chủ tiêu vong. Ngoài nghĩa nói trên, khái niệm dân chủ còn nhiều nghĩa khác. Ví dụ, dân chủ có thể được hiểu là một nguyên tắc hoạt động (trong cụm từ “nguyên tắc tập trung dân chủ”), hoặc là một kiểu văn hóa (trong cụm từ “văn hóa dân chủ”), hoặc là một tác phong (trong cụm từ “tác phong dân chủ”). Trong các nghĩa của khái niệm dân chủ, nghĩa cơ bản và xuất phát là nghĩa thứ nhất, theo đó dân chủ là một hình thức nhà nước đối lập với quân chủ.
Nội dung cơ bản của thể chế chính trị dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân, tất cả mọi người dân không phân biệt tuổi tác, địa vị, nghề nghiệp, thu nhập, dân tộc, tôn giáo… đều đảm bảo quyền của mình và sự cam kết của chính quyền trong việc thực hiện nguyên tắc đó. Nhà nước dân chủ tuy do nhóm cử tri đa số bầu ra nhưng không chỉ đại diện cho lợi ích của nhóm cử tri đa số, mà còn phải đại diện cho cả nhóm cử tri thiểu số không bầu cho mình. Nếu không thực hiện như vậy thì nhóm cử tri thiểu số có thể từ chối thực hiện nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số và xã hội sẽ không có dân chủ.
Thể chế chính trị dân chủ tiến bộ hơn so với thể chế quân chủ. Bởi vì, thể chế chính trị dân chủ là thể chế thừa nhận quyền tự do, quyền con người của mọi cá nhân; chính quyền dân chủ đảm bảo quyền tự do và quyền con người; trong thể chế chính trị dân chủ mọi quyền lực của nhà nước đều thuộc về nhân dân; nhân dân trao quyền lực ấy cho các nhân viên nhà nước theo nhiêm kỳ thông qua hệ thống bầu cử tự do và công bằng với nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số [9, tr. 20]. Thể chế chính trị dân chủ là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài của những người ủng hộ thể chế dân chủ chống lại những lực lượng ủng hộ thể chế quân chủ. Trong lịch sử nhà nước hàng ngàn năm, thời gian tồn tại của thể chế chính trị dân chủ ít hơn so với thời gian tồn tại của thể chế chính trị quân chủ. Ví dụ, ở Việt Nam lịch sử nhà nước đã có hơn 4.000 năm tính từ thời các vua Hùng, nhưng thể chế chính trị dân chủ chỉ tồn tại từ năm 1946. Để có thể chế chính trị dân chủ thì phải có những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội nhất định. Vì thế, hiện nay cũng có những nước chưa áp dụng thể chế chính trị dân chủ.
Ở Việt Nam, khái niệm dân chủ đã có những bước phát triển trên cả ba phương diện: nhận thức chính trị, thực hành dân chủ và nhận thức của người dân. Do đó, khái niệm dân chủ ngày càng được nhận thức đầy đủ, nội hàm được bổ sung, ngày càng phong phú, việc thực hành dân chủ đạt được nhiều tiến bộ, người dân ý thức ngày càng cao về quyền dân chủ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhiều lần nhấn mạnh đến dân chủ, thực hành dân chủ. Trong đó, đáng lưu ý là quan điểm: “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ cơ sở. Chống các biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan” [1, tr.51]. Dân chủ mà chúng ta xây dựng là dân chủ xã hội chủ nghĩa với định hướng quyền làm chủ thực sự thuộc về nhân dân, tất cả vì con người, người dân là trung tâm, là chủ thể theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
3. Khái niệm đồng thuận xã hội
Đồng thuận xã hội là sự đồng tình của mọi người về một điều gì đó. Ở một quốc gia, đồng thuận xã hội thường được hiểu là sự đồng tình của mọi người đối với các chính sách phát triển của quốc gia. Có tác giả định nghĩa rằng: “Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí một cách rõ ràng hay ngầm định của đa số các thành viên trong xã hội về một vấn đề nào đó trên cơ sở những điểm tương đồng, trong lúc vẫn thừa nhận những điểm khác biệt với điều kiện không làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung” [4, tr. 171].
Theo định nghĩa trên, đồng thuận xã hội chính là sự thỏa thuận, thỏa ước chứ không phải là sự áp đặt, cưỡng ép nhằm hướng đến mục tiêu chung; đồng thuận xã hội là đồng thuận tự giác, chứ không phải là đồng thuận tự phát. Đồng thuận xã hội có thể là tích cực hoặc là tiêu cực tùy theo nội dung của sự đồng thuận là tích cực hay là tiêu cực. Nếu mọi người đồng thuận để đạt mục tiêu tích cực thì đồng thuận xã hội là tích cực. Nếu mọi người đồng thuận để đạt mục tiêu tiêu cực thì đồng thuận xã hội là tiêu cực. Sau đây đồng thuận xã hội được hiểu theo nghĩa tích cực.
Đồng thuận xã hội hướng đến cái chung của xã hội nhưng không phủ nhận cái riêng của các cá nhân nếu các cái riêng ấy không trái ngược với cái chung của xã hội. Đồng thuận xã hội bắt nguồn từ sự tương đồng của các cá nhân nhưng không loại trừ sự khác biệt giữa các cá nhân. Đồng thuận xã hội thì trái ngược với mâu thuẫn xã hội. Vì, đồng thuận xã hội là sự thống nhất về mục đích giữa người với người, còn mâu thuẫn xã hội là mâu thuẫn nhau về mục đích giữa người với người.
Khi hai người đồng thuận với nhau về mục đích thì họ đoàn kết nhau, giúp đỡ nhau. Khi hai người mâu thuẫn với nhau về mục đích thì họ chống đối lẫn nhau, không đoàn kết nhau, không giúp đỡ nhau. Đồng thuận xã hội sẽ làm cho sức mạnh của mọi người được tăng lên. Mâu thuẫn xã hội sẽ làm cho sức mạnh của mọi người bị giảm đi. Đồng thuận xã hội và đoàn kết xã hội là hai góc nhìn về cùng một hiện tượng. Có đồng thuận xã hội thì sẽ có đoàn kết xã hội. Sở dĩ có đoàn kết xã hội là vì có đồng thuận xã hội. Đồng thuận xã hội và đoàn kết xã hội là sức mạnh và là điều kiện của sự thành công. Vì thế, Hồ Chí Minh viết: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng” [5, tr. 234]; “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Quân dân đoàn kết là đường thành công” [5, tr.337]; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công” [6, tr. 120].
Đoàn kết xã hội có thể là tích cực hoặc là tiêu cực tùy theo nội dung của sự đoàn kết. Nếu mọi người đoàn kết để đạt mục tiêu tích cực thì đoàn kết xã hội là tích cực. Nếu mọi người đoàn kết để đạt mục tiêu tiêu cực thì đoàn kết xã hội là tiêu cực. Khái niệm đoàn kết mà Hồ Chí Minh nói ở trên được hiểu theo nghĩa là đoàn kết tích cực. Đồng thuận xã hội, mâu thuẫn xã hội, đoàn kết xã hội là ba khái niệm khác nhau nhưng đều phản ánh quan hệ lợi ích của các cá nhân trong xã hội. Đồng thuận xã hội càng cao thì đoàn kết xã hội sẽ càng cao và mâu thuẫn xã hội sẽ càng ít.
4. Quan hệ giữa dân chủ và đồng thuận xã hội
Dân chủ và đồng thuận xã hội có mối quan hệ biện chứng với nhau. Mối quan hệ biện chứng giữa dân chủ và đồng thuận xã hội thể hiện ở những nội dung như sau:
Thứ nhất, dân chủ và đồng thuận xã hội đều là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội. Về điều này, có quan điểm cho rằng, dân chủ, đoàn kết và đồng thuận là những giá trị cơ bản của xã hội, là động lực chủ yếu của sự phát triển, đồng thời là những tiêu chí quan trọng của sự phát triển xã hội [7, tr. 29].
Dân chủ và đồng thuận xã hội là mục tiêu của sự phát triển xã hội, vì đó là hai giá trị mà sự phát triển xã hội cần phải đạt được. Xã hội dân chủ thì tốt đẹp hơn xã hội không dân chủ. Xã hội có đồng thuận thì tốt đẹp hơn xã hội không có đồng thuận, tức là tốt đẹp hơn xã hội có mâu thuẫn. Dân chủ, đồng thuận xã hội được xem như là những giá trị cốt lõi, đồng thời, là hiện thực xã hội mà các quốc gia cần phải xây dựng. Nói cách khác, các nước đều hướng đến mục tiêu dân chủ, đồng thuận xã hội trên hai phương diện: tư tưởng/định hướng/giá trị và dân chủ, đồng thuận thực tế trong đời sống xã hội. Với tính cách là mục tiêu của sự phát triển xã hội, dân chủ và đồng thuận xã hội cũng đóng vai trò như là những tiêu chí đánh giá sự phát triển xã hội.
Dân chủ và đồng thuận xã hội là động lực của sự phát triển xã hội vì đó là hai sức mạnh giúp cho xã hội đạt được các mục tiêu của mình. Nếu có dân chủ và đồng thuận xã hội thì mọi người sẽ càng tích cực phấn đấu cho sự phát triển của xã hội. Nếu không có dân chủ và không đồng thuận xã hội thì mọi người sẽ càng không tích cực phấn đấu cho sự phát triển của xã hội. Khi dân chủ được thực hành trong xã hội sẽ góp phần giải phóng các khả năng, năng lực, các tiềm năng … mà trước hết là năng lực, khả năng của con người, qua đó phát huy được sức mạnh con người phục vụ phát triển xã hội, phục vụ phát triển đất nước. Khi đồng thuận xã hội được tăng cường, sẽ góp phần tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh đoàn kết, sức mạnh của cộng đồng, của quốc gia, dân tộc qua đó góp phần phát triển đất nước. Như vậy, dân chủ, đồng thuận xã hội một khi được thực hiện đầy đủ sẽ khai mở được sức mạnh, tập hợp được sức mạnh, phát huy được các tiềm năng, qua đó làm động lực thúc đẩy các lĩnh vực, phương diện khác, nguồn lực khác góp phần phát triển xã hội.
Thứ hai, dân chủ và đồng thuận xã hội thúc đẩy lẫn nhau; theo đó dân chủ là điều kiện của đồng thuận xã hội, ngược lại, đồng thuận xã hội cũng là điều kiện của dân chủ. Nếu dân chủ càng mở rộng thì đồng thuận xã hội sẽ càng được tăng cường. Nếu đồng thuận xã hội càng được tăng cường thì dân chủ sẽ càng mở rộng. Phát huy dân chủ là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tức là phát huy quyền được biết, được bàn, được kiểm tra, được quyết của nhân dân đối với các chính sách của nhà nước. Phát huy dân chủ sẽ hạn chế các bệnh quan liêu và tham nhũng của các nhân viên nhà nước; và qua đó sẽ tăng cường sự đồng thuận xã hội. Ở đâu mà cán bộ nhà nước vi phạm quyền làm chủ của dân thì ở đó có mâu thuẫn giữa nhân dân với cán bộ nhà nước. Ở cơ quan nhà nước nào mà lãnh đạo cơ quan vi phạm quyền làm chủ của thành viên của cơ quan thì ở đó có mâu thuẫn giữa lãnh đạo cơ quan với thành viên cơ quan, và cơ quan đó sẽ không có sự phát triển nhanh và bền vững.
Tăng cường sự đồng thuận xã hội là tăng cường sự đoàn kết giữa các các nhân với nhau, trong đó có đoàn kết giữa các công dân chính phủ, đoàn kết giữa người lao động làm thuê và người thuê lao động, đoàn kết giữa người giàu và người nghèo. Sự đoàn kết đó không chỉ là kết quả của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mà còn là điều kiện để nhân dân tiếp tục phát huy quyền làm chủ của mình. Ví dụ, trong một cơ quan nếu mọi thành viên đều đồng thuận với quyết định đúng đắn của lãnh đạo cơ quan thì cơ quan đó sẽ đoàn kết và mọi người trong cơ quan sẽ tích cực và phát huy quyền làm chủ của mình để xây dựng cơ quan. Trong một nước nếu mọi công dân đều đồng thuận với quyết định đúng đắn của chính phủ thì nước đó sẽ đoàn kết và mọi người sẽ tích cực và phát huy quyền làm chủ của mình để xây dựng đất nước.
Về quan hệ giữa dân chủ và đồng thuận xã hội, có một số quan điểm như sau: “Xét trên nội dung căn bản, đồng thuận và đồng tình không có khác biệt cơ bản nào – đều là cùng nhau thỏa thuận, nên chúng đều là kết quả của dân chủ” [10, tr.35]; “Đồng ý mà không đồng tình, đồng thuận là một biểu hiện của tình trạng thiếu dân chủ, có tác động tiêu cực tới đoàn kết” [10, tr.37]; “Dân chủ là cơ sở, là điều kiện và tiền đề của đoàn kết và đồng thuận xã hội” [7, tr.36]; “Mức độ đồng thuận sẽ lớn dần lên khi dân chủ và đoàn kết phát triển” [7, tr.30]; “Có dân chủ và đoàn kết thì sẽ có đồng thuận xã hội” [7, tr. 37]; “Các điều kiện quan trọng nhất của chế độ dân chủ là: khả năng thỏa hiệp, lòng khoan dung; tôn trọng cá nhân con người, giải quyết xung đột bằng phương pháp hòa bình” [9, tr.54]; “Khả năng thỏa hiệp hay sự thỏa thuận chính là sự đồng thuận của công dân được ghi trong Hiến pháp” [9, tr. 53]. Các ý kiến trên đây đều khẳng định rằng dân chủ và đồng thuận xã hội có mối quan hệ biện chứng thúc đẩy lẫn nhau.
Thứ ba, dân chủ và đồng thuận xã hội có thể là tương đối hoặc là tuyệt đối. Đối với một chính sách nào đó của nhà nước có thể có hoặc không có sự đồng thuận 100% ý kiến của mọi người. Nếu có sự đồng thuận 100% thì đồng thuận sẽ là tuyệt đối và sẽ có dân chủ tuyệt đối. Nếu có sự đồng thuận trên 50% và ít hơn 100% thì đồng thuận sẽ là tương đối. Trong trường hợp này nếu mọi người cam kết thực hiện nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số thì sẽ có dân chủ tương đối. Thông thường dân chủ và đồng thuận trong xã hội là tương đối vì thông thường đối với các chính sách của một nhà nước nào đó không có sự đồng thuận 100% của mọi người ở nước đó.
Ngoài ra, tính tương đối và tuyệt đối của dân chủ và đồng thuận xã hội còn thể hiện ở phạm vi các lĩnh vực của đời sống xã hội mà dân chủ và đồng thuận xã hội có thể bao quát. Có thể, có những trường hợp dân chủ và đồng thuận xã hội chỉ được biểu hiện rõ nét ở một số lĩnh vực này của đời sống xã hội nhưng lại mờ nhạt ở một số lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Xã hội bao gồm rất nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, dân tộc, tôn giáo, v.v., do đó có thể, trong mỗi một lĩnh vực của đời sống xã hội, dân chủ, đồng thuận xã hội lại có những biểu hiện, mức độ, phạm vi khác nhau. Sở dĩ có thể có hiện tượng nêu trên chũng tôi cho rằng đó là vấn đề thực hành dân chủ trong thực tế cũng như nhiều yếu tố tác động, liên quan khác.
Thứ tư, điều kiện để thực hiện dân chủ và đồng thuận xã hội là phải bảo đảm lợi ích chính đáng của các cá nhân. Sở dĩ như vậy là vì nếu lợi ích chính đáng của một số cá nhân nào đó không được bảo đảm thì các cá nhân ấy sẽ không có sự đồng thuận với số người còn lại. Sự không đồng thuận đó là nguồn gốc của sự mất đoàn kết. Sự mất đoàn kết đó sẽ dẫn đến mất ổn định xã hội nếu lợi ích chính đáng không được đảm bảo là lợi ích cơ bản và sống còn. Ví dụ, nếu giai cấp này bóc lột giai cấp kia thì giai cấp bị bóc lột sẽ không có đồng thuận với giai cấp bóc lột, sự không đồng thuận này sẽ không có dân chủ thực sự. Ở một số nước có truyền thống dân chủ hiện nay vẫn có sự đảo chính đối với chính phủ do dân bầu. Sự đảo chính là biểu hiện của sự không đồng thuận ở mức độ cao của một bộ phận công dân đối với chính phủ. Sự đảo chính cũng là biểu hiện của tình trạng mất dân chủ vì nhóm thiểu số vi phạm nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Ở một số nước tuy có truyền thống dân chủ nhưng vẫn có những cuộc biểu tình của một bộ phận nhân dân phản đối một chính sách nào đó của chính phủ do dân bầu. Sự biểu tình dù có hòa bình nhưng ở nhiều trường hợp cũng vẫn gây thiệt hại lớn cho toàn xã hội. Sự biểu tình đó là biểu hiện của tình trạng mất dân chủ và sự không đồng thuận xã hội.
5. Kết luận
Dân chủ và đồng thuận xã hội là hai khái niệm quan trọng của triết học xã hội và đang được sử dụng rộng rãi trong sách báo chính trị trên thế giới và ở Việt Nam. Dân chủ và đồng thuận xã hội là mục tiêu và động lực, giá trị, tiêu chí của sự phát triển xã hội. Bởi vì, dân chủ và đồng thuận xã hội sẽ góp phần duy trì sự ổn định xã hội, tạo động lực cho sự phát triển xã hội. Phát huy dân chủ và đồng thuận xã hội là nội dung quan trọng trong việc hoạch định chính sách phát triển xã hội của các quốc gia. Việt Nam hiện nay là một xã hội dân chủ và đồng thuận, đó là thành tựu to lớn của Việt Nam trong thời gian qua mà không phải nước nào cũng có được, đồng thời đang là động lực to lớn để Việt Nam phát triển nhanh hơn nữa trong thời gian tới.
Tài liệu trích dẫn:
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Đỗ Lan Hiền (2011): Khoan dung tôn giáo với dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội – trường hợp Việt Nam, Nxb. Chính trị – Hành chính, Hà Nội.
- Võ Khánh Vinh, Chu Văn Tuấn (2013): Xung đột xã hội và đồng thuận xã hội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2010): Toàn tập, t.7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2010): Toàn tập, t. 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Hoàng Chí Bảo (2008): Dân chủ, đoàn kết và đồng thuận xã hội trong phát triển bền vững. Tạp chí Triết học, số 7.
- Montesquieu (2010): Tinh thần pháp luật (Hoàng Thanh Đạm dịch), Nxb. Đà Nẵng.
- N.M. Voskresenskaia, N.B. Bavletshina (2009): Chế độ dân chủ – Nhà nước và xã hội (Phạm Nguyên Trường dịch), Nxb. Tri thức, Hà Nội.
- Phạm Ngọc Quang (2011): Đồng tình, đồng ý, đồng thuận và tác động của chúng tới đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tạp chí Triết học, số 4.
- V.I.Lênin. 1981. Toàn tập, tập 33, Nxb. Tiến bộ Mátxcơva.