1. Tính thực tiễn, tính công bằng và hoàn thiện của Chủ nghĩa Xã hội
Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, khi bàn về các biện pháp cách mạng của giai cấp vô sản sau khi giành được chính quyền, C. Mác và Ph. Ăngghen đã viết: “Trong những nước khác nhau, những biện pháp ấy dĩ nhiên khác nhau rất nhiều” [1, tr. 111]. Vì vậy, mười biện pháp mà các ông đưa ra chỉ là những biện pháp mà các ông cho rằng sẽ có thể áp dụng được ở những nước tiên tiến nhất. Các ông viết tiếp: “Nhưng đối với những nước tiên tiến nhất thì những biện pháp sau đây sẽ có thể được áp dụng khá phổ biến” [1, tr. 111]. Hai mệnh đề trên trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã chỉ rõ tính thực tiễn của Chủ nghĩa Xã hội. Không có các biện pháp hay mô hình cứng nhắc nào cả. Điều kiện tiên quyết duy nhất là giai cấp vô sản phải giành được dân chủ. Trước đó, các ông đã viết: “Bước thứ nhất trong cuộc cách mạng công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ” [1, tr. 110]. Do đó, sau khi giành được chính quyền, giai cấp công nhân phải tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể trong nước mình cũng như tình hình thực tế trên thế giới mà định ra các biện pháp cách mạng trên cơ sở thực hành một nền dân chủ do giai cấp công nhân kiểm soát nhằm thúc đẩy hiệu quả tiến trình cách mạng Xã hội Chủ nghĩa. Các biện pháp này cũng phải thay đổi linh hoạt để tính đến các điều kiện thay đổi trong nước cũng như trên thế giới. Tính bất biến duy nhất của cách mạng Xã hội Chủ nghĩa là giai cấp công nhân giữ vững nền dân chủ trong tay mình.
Trong thời đại của Mác và Ăngghen, giai cấp tư sản ở các nước tiên tiến nhất bóc lột giai cấp công nhân vô cùng thậm tệ, các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân bị đàn áp cực kỳ dã man và tàn bạo. Họ không có tiếng nói trong các cơ quan lập pháp, chính quyền hoàn toàn thuộc về giai cấp tư sản. Các nước tư bản chủ nghĩa này còn tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược các quốc gia khác để biến chúng thành thuộc địa và tiến hành bóc lột các dân tộc thuộc địa. Họ cũng sẵn sàng liên kết với nhau để đàn áp các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trên thế giới và các cuộc nổi dậy đấu tranh giành lại độc lập của các dân tộc thuộc địa. Trong những điều kiện như vậy, mười biện pháp mà các ông đưa ra cho chính quyền của giai cấp công nhân ở các nước tiên tiến nhất là xác đáng.
Giai cấp công nhân Nga và các nước khác trong Liên bang Xô viết trước đây đã giành được chính quyền trong các điều kiện không khác gì so với các điều kiện ở thời đại mà Mác và Ăngghen sống. Do đó, Liên Xô đã là quốc gia thi hành triệt để nhất mười biện pháp cách mạng Xã hội Chủ nghĩa mà các ông đã đề ra. Với việc thi hành triết để mười biện pháp đó và bằng tinh thần cách mạng cao cả của nhân dân, trong vòng nửa thế kỷ, Liên Xô đã có những bước phát triển nhanh nhất thế giới và giành được những thành tựu rực rỡ chưa từng có. Nhưng từ giữa những năm sáu mươi của thế kỷ trước trở đi, các điều kiện ở trong nước và trên thế giới đã thay đổi. Ở trong nước, người dân Liên Xô đã có những nhu cầu mới cả về hoàn thiện nền dân chủ lẫn hoàn thiện nền kinh tế Xã hội Chủ nghĩa. Trên thế giới, các quốc gia có các xu hướng chính trị khác nhau đã cùng nhau cam kết tôn trọng các quyền con người và quyền tự quyết của các dân tộc; các nước tư bản tiên tiến nhất đã lần lượt trao trả độc lập cho các nước thuộc địa; địa vị chính trị của người công nhân ở các nước tư bản tiên tiến đã được nâng cao; một số chính sách về an sinh xã hội đối với người lao động ở các nước đó cũng đã được thiết lập và ngày càng được cải thiện; các lĩnh vực khoa học và công nghệ phát triển nhanh như vũ bão; sự trao đổi nghiên cứu khoa học và công nghệ, việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài trở nên thiết yếu đối với sự phát triển của bất cứ quốc gia nào. Trong quá trình hội nhập toàn cầu đó, mọi quốc gia tham gia đều phải hoàn thiện nền dân chủ và nền kinh tế của mình và hưởng lợi từ hội nhập do có thị trường cho những lĩnh vực sản xuất mà mình có thế manh, nhập khẩu những sản phẩm và công nghệ mà mình thiếu, có điều kiện tiếp thu các thành tựu tiến bộ chung của nhân loại và phát huy mọi thế mạnh riêng của mình. Tiếc rằng, Liên Xô đã chậm trễ trong việc hoàn thiện nền dân chủ và nền kinh tế để đáp ứng những điều kiện mới đó. Đó là bài học quý giá về tính thực tiễn của Chủ nghĩa Xã hội. Cách mạng Xã Hội Chủ nghĩa đòi hỏi phải không ngừng hoàn thiện nền dân chủ và nền kinh tế trong quá trình phát triển của mình để đáp ứng mọi điều kiện thực tiễn thay đổi trong nước cũng như trên thế giới.
Như ở trên đã phân tích, tính bất biến duy nhất của cách mạng Xã hội Chủ nghĩa là giai cấp công nhân giữ vững nền dân chủ trong tay mình. Vậy, giai cấp công nhân giữ vững nền dân chủ trong tay mình với mục đích gì và làm gì bằng các phương pháp nào để đạt được mục đích đó? Mác và Ăngghen chưa có nhiều thời gian để thực sự bàn về những vấn đề đó, vì các ông phải tập trung bàn về bước thứ nhất của cuộc cách mạng của giai cấp công nhân là giành lấy dân chủ.
Như vậy, giai cấp công nhân cần phải làm sáng tỏ, mục đích của Chủ nghĩa Xã hội là gì và các phương pháp nào có thể áp dụng được trong tiến trình cách mạng để đạt được mục đích đó? Cần phải nhận thức rõ rằng, biện pháp không phải là mục đích. Điều đó có nghĩa là mười biện pháp mà Mác và Ăngghen đưa ra không phải là mục đích của Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa.
Người công nhân, cũng như bất cứ ai đã được sinh ra trên trái đất này, đều mong muốn có cuộc sống hạnh phúc. Nhưng mọi người có những khái niệm rất khác nhau về hạnh phúc, thậm chí nhiều người mơ hồ về khái niệm này. Mặc dù vậy, tất cả mọi người đều có một mong muốn giống nhau là mình được đối xử công bằng. Nhưng những người công nhân đã không được đối xử công bằng trong thời gian rất dài, vì dân chủ đã không nằm trong tay họ. Vì vậy, họ phải vùng lên đấu tranh để giành lấy dân chủ về tay mình với mục đích thiết lập sự công bằng cho mình và tất cả mọi người trong xã hội. Công bằng chỉ có thể được thiết lập khi nó giành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho một nhóm người nào trong xã hội. Như vậy, mục đích quan trọng hàng đầu của Chủ nghĩa Xã hội là xây dựng một xã hội công bằng cho tất cả mọi người trong xã hội. Xã hội công bằng cho tất cả mọi người là xã hội mà tất cả mọi người chân chính trên thế giới đều mong muốn, chứ không chỉ giai cấp công nhân. Nhưng giai cấp công nhân ở vị trí yếu thế nhất và thiệt thòi nhất trong hệ thống phân phối của cải của nền kinh tế thị trường, nếu họ không nắm dân chủ trong tay mình.
Để xây dựng xã hội công bằng cho tất cả mọi người, trước hết, người ta phải nghiên cứu xem đối xử với con người như thế nào là công bằng trong các lĩnh vực hoạt động rất đa dạng của con người. Vấn đề này đòi hỏi phải được quan tâm nghiên cứu trong tất cả các lĩnh vực khoa học xã hội. Tại sao vậy? Vì công bằng phải gắn liền với sự phát triển tiến bộ về mọi mặt của toàn thể xã hội để đem lai cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Hơn nữa, để nhận biết những điều bất công và tìm ra các giải pháp công bằng là việc rất khó, đòi hỏi phải nghiên cứu công phu trong từng lĩnh vực, vì công bằng phải tuân theo những quy luật tự nhiên của phát triển. Như vậy, tính công bằng của Chủ nghĩa Xã hội đòi hỏi phải được nghiên cứu ở tất cả các lĩnh vực khoa học xã hội để làm cơ sở khoa học cho tiến trình Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa.
Để thấy được những khó khăn trong việc nhận biết những điều bất công và tìm ra các giải pháp công bằng, chúng ta xem xét thí dụ sau đây. Như đã biết, để phát triển kinh tế, nước nào cũng phải phát triển kết cấu hạ tầng. Nhưng thu nhập quốc dân của nước nào cũng có giới hạn. Do đó, ngân sách giành cho phát triển kết cấu hạ tầng là có hạn. Việc chỉ có thể phân bổ ngân sách để ưu tiên xây dựng một số kết cấu hạ tầng mang đến lợi ích nhiều hơn cho một số địa phương và một số ngành kinh tế. Trong khi đó, các địa phương khác và các lĩnh vực kinh tế khác được hưởng lợi ít hơn và thậm chí có thể không nhận được lợi ích gì. Các địa phương ở các vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn, các ngành thủ công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, v.v. thường được hưởng ít lợi ích hơn cả. Các vùng thành thị, các ngành công nghiệp hiện đại, các ngành sử dụng nhiều năng lượng và các phương tiện vận tải, v.v., thường được hưởng nhiều lợi ích hơn. Đó là sự bất công tự nhiên xuất hiện do các điều kiện thực tế của quá trình phát triển xã hội. Vì vậy, để sự phát triển của xã hội đem lại sự công bằng cho mọi thành phần trong xã hội, các chính sách “bù đắp” cho những địa phương và các ngành chịu thiệt thòi phải được nghiên cứu. Tương tự, như trên đã nói, giai cấp công nhân ở vị trí yếu thế nhất và thiệt thòi nhất trong hệ thống phân phối của cải trong nền kinh tế thị trường. Do đó, các chính sách an sinh xã hội phải được nghiên cứu để “bù đắp” cho những người chịu sự bất công tự nhiên do các điều kiện thưc tế của quá trình phát triển nền kinh tế thị trường gây ra. Nhưng ngân sách có hạn và thậm chí nhà nước phải vay nợ để xây dựng các kết cấu hạ tầng và thực hiện các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên dù có muốn đưa ra các chính sách bù đắp hợp lý cũng không dễ dàng gì và cũng chỉ có thể bù đắp được phần nào thôi dựa trên các khả năng thực tế. Do đó, các biện pháp về công bằng xã hội chỉ có thể ngày càng hoàn thiện trong quá trình phát triển hoàn thiện xã hội. Nói cách khác, công bằng xã hội cũng là mục tiêu phát triển hoàn thiện của Chủ nghĩa Xã hội.
Như đã thấy ở trên, không thể có công bằng lý tưởng trong xã hội loài người do các yếu tố thực tế về của cải vật chất và kiến thức về công bằng mà loài người có được. Vì vậy, loài người chỉ có thể tiến ngày càng gần tới công bằng lý tưởng bằng cách theo đuổi mục đích công bằng xã hội trong suốt quá trình phát triển hoàn thiện xã hội. Đó chính là tính hoàn thiện của Chủ nghĩa Xã hội. Nói cách khác, không thể có Chủ nghĩa Xã hội lý tưởng hay hoàn hảo, mà chỉ có Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện. Vì công bằng xã hội là mong muốn của tất cả mọi người trong xã hội, nó là chân lý khách quan của xã hội loài người. Các quy luật về công bằng xã hội cũng phải là các quy luật về sự phát triển hoàn thiện của xã hội loài người. Để tiến nhanh hơn về phía Chủ nghĩa Xã hội lý tưởng, sự phát triển của Chủ nghĩa Xã hội phải tuân theo các quy luật phát triển hoàn thiện của xã hội loài người, trong đó có các quy luật về công bằng xã hội.
2. Kinh tế thị trường phát triển hoàn thiện
Kinh tế là lĩnh vực hoạt động trọng tâm của xã hội loài người. Các quy luật về sự phát triển hoàn thiện kinh tế được phát biểu và chứng minh trong Hoàn thiện học [2] là các quy luật tự nhiên của kinh tế thị trường phát triển hoàn thiện. Các quy luật này là các chân lý phổ quát của xã hội loài người, nên chúng cũng bao gồm cả những quy luật về công bằng xã hội.
Như vậy, kinh tế thị trường phát triển hoàn thiện tuân theo các chân lý phổ quát của xã hội loài người và thoả mãn tính thực tiễn, tính công bằng và tính hoàn thiện của Chủ nghĩa xã hội. Để hiểu bản chất của của các chân lý phổ quát đó, chúng tôi xin tóm tắt lại nội dung cốt lõi của Hoàn thiện học.
Bằng việc xây dựng và vận dụng các phương pháp quy nạp các quan sát được và các kiến thức đã biết về xã hội loài người và xuất phát từ các thuộc tính phát triển hoàn thiện của con người, tức các thuộc tính tích cực phổ biến và vĩnh hằng của con người, Hoàn thiện học đã tìm ra các đặc trưng trạng thái phát triển hoàn thiện kinh tế, tức các đặc trưng trạng thái thể hiện sự phát triển tiến bộ về kinh tế của xã hội loài người từ thời kỳ sơ khai cho đến ngày nay. Hoàn thiện học đã chứng minh rằng, hai cơ chế cơ bản làm thay đổi trạng thái phát triển hoàn thiện kinh tế của xã hội loài người là cơ chế trao đổi của cải và cơ chế dân chủ phát triển tiện ích chung. Các tính chất của hai cơ chế này cùng với các đặc trưng trạng thái phát triển hoàn thiện kinh tế được nghiên cứu tỉ mỉ và chứng minh chặt chẽ là các chân lý phổ quát.
Cơ chế trao đổi của cải bắt nguồn từ việc trao đổi trực tiếp sản phẩm lấy sản phẩm của con người từ thời kỳ sơ khai. Cơ chế này được hoàn thiện dần dần qua các giai đoạn sử dụng các vật phẩm trung gian như ngũ cốc, muối, đồ trang sức, kim loại, bạc, vàng, đến các giai đoạn sử dụng tiền giấy và các phương thức trao đổi vô cùng phong phú của xã hội ngày nay như dùng tài khoản điện tử và trao đổi tiền không chỉ lấy vật phẩm mà còn lấy lao động, dự án, thương hiệu, bí quyết công nghệ, bằng phát minh sáng chế, hình ảnh, tiền, trái phiếu, cổ phần, bảo hiểm, quảng cáo, các loại dịch vụ, v.v.. Cơ chế trao đổi của cải càng phát triển, nó càng làm thay đổi trạng thái phát triển hoàn thiện kinh tế của xã hội loài người mạnh hơn về phía ngày càng tiến bộ hơn. Vì vậy, cơ chế trao đổi của cải là cơ chế phát triển hoàn thiện.
Cơ chế dân chủ phát triển tiện ích chung bắt nguồn từ cơ chế phát triển này ở thời kỳ sơ khai khi con người tự nguyện cùng nhau xây dựng các tiện ích chung như đường sá, mương dẫn nước, nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng, nơi thờ cúng, v.v.. Cơ chế này được hoàn thiện dần dần qua các giai đoạn phát triển và mở rộng các kết cấu hạ tầng của quốc gia như các đường quốc lộ, các kênh dẫn nước, các con sông đào, các đê điều, các bến cảng, các công trình hạ tầng đô thị, các thiết chế hạ tầng văn hoá và giáo dục, v.v., đến giai đoạn phát triển kết cấu hạ tầng vô cùng đa dạng và dày đặc như ngày nay. Bất cứ hoạt động nào của xã hội hiện nay đều có kết cấu hạ tầng được xây dựng ngày càng mở rộng và hoàn thiện. Do đó, cơ chế dân chủ phát triển tiện ích chung càng phát triển nó càng làm cho cơ chế trao đổi của cải thuận lợi hơn và hoàn thiện hơn, và cùng với cơ chế trao đổi của cải nó làm thay đổi trạng thái phát triển hoàn thiện kinh tế của xã hội loài người càng mạnh hơn về phía ngày càng tiến bộ nhanh hơn. Cơ chế dân chủ phát triển tiện ích chung đóng vai trò quản lý và điều tiết toàn bộ nền kinh tế thị trường phát triển hoàn thiện.
Đương nhiên, trong xã hội loài người, ngoài hai cơ chế phát triển hoàn thiện trên, còn có rất nhiều các cơ chế khác tác động đến sự phát triển của loài người như chế độ nô lệ, chế độ nông nô, chế độ phân biệt giai cấp, đẳng cấp và chủng tộc, chế độ chuyên chế, chiến tranh xâm lược, các luật lệ áp bức và bóc lột của các giai cấp thống trị, v.v.. Nhưng các cơ chế này chỉ là nhất thời, chúng không phổ quát và là các cơ chế kìm hãm sự phát triển hoàn thiện của xã hội loài người. Các phương pháp quy nạp trong Hoàn thiện học cho phép gác lại các cơ chế này trong khi nghiên cứu xã hội loài người để sàng lọc và khám phá các chân lý phổ quát về sự phát triển hoàn thiện xã hội loài người.
Một trong những đặc điểm của cơ chế dân chủ phát triển tiện ích chung là nó có chức năng bảo đảm tính công bằng xã hội cho mọi người trong quá trình phát triển hoàn thiện xã hội. Đó là, công bằng giữa những người trao đổi của cải, giữa các doanh nghiệp trong cạnh tranh, giữa người làm thuê vởi chủ thuê, giữa người dân với nhà nước, giữa doanh nghiệp với nhà nước, giữa những người thất nghiệp với các doanh nghiệp, giữa những người dân về cơ hội học tập, việc làm, thu nhập, phát triển tài năng, v.v..
Như vậy, các quy luật về các trạng thái phát triển hoàn thiện, về cơ chế trao đổi của cải và về cơ chế dân chủ phát triển tiện ích chung của kinh tế thị trường phát triển hoàn thiện là các chân lý phổ quát, tức phổ biến và vĩnh hằng.
Việc cụ thể hoá cơ chế dân chủ phát triển tiện ích chung phụ thuộc vào nền dân chủ của mỗi quốc gia thực hiện cơ chế đó. Vì vậy, cơ chế dân chủ phát triển tiện ích chung có các con đường phát triển khác nhau ở các nền dân chủ khác nhau. Mỗi nền dân chủ có thể ưu tiên phát triển theo các quy luật này, nhưng xem nhẹ các quy luật khác, tuỳ thuộc vào những đặc điểm của nền dân chủ đó. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển bền vững, về lâu dài mọi nền dân chủ đều phải hoàn thiện, vì, như đã chứng minh trong Hoàn thiện học: “Xã hội loài người nói chung và từng quốc gia nói riêng về lâu dài là xã hội ngày càng hoàn thiện” [2, tr. 90]. Vì vậy, các nền dân chủ khác nhau, về lâu dài, sẽ xích lại gần nhau trong việc sử dụng các quy luật phát triển hoàn thiện kinh tế thị trường của xã hội loài người. Đó cũng là cơ sở để khẳng định rằng, hội nhập kinh tế thị trường toàn cầu là xu hướng tất yếu và quy luật của xã hội loài người.
3. Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện
Như đã thảo luận ở mục 1, để tiến hành cách mạng Xã hội Chủ nghĩa, giai cấp công nhân phải giành được chính quyền để định ra các biện pháp cách mạng trên cơ sở thực hành một nền dân chủ do giai cấp công nhân kiểm soát nhằm thúc đẩy hiệu quả tiến trình cách mạng Xã hội Chủ nghĩa.
Vì mục đích quan trọng hàng đầu của Chủ nghĩa Xã hội là xây dựng một xã hội công bằng cho tất cả mọi người, giai cấp công nhân sau khi đã giành được dân chủ về tay mình phải ưu tiên sử dụng các quy luật về công bằng xã hội. Hiển nhiên là, theo tính chất hoàn thiện của Chủ nghĩa Xã hội, công bằng xã hội chỉ có ý nghĩa nếu xã hội không ngừng phát triển hoàn thiện. Vì vậy, giai cấp công nhân phải vận dụng hiệu quả tất cả các quy luật kinh tế thị trường phát triển hoàn thiện. Nhưng, vì tính thực tiễn của Chủ nghĩa xã hội, việc vận dụng các quy luật đó như thế nào còn phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế, trạng thái và tiềm lực của xã hội tại mỗi giai đoạn phát triển. Vì tiềm lực của xã hội dù có phát triển đến đâu cũng có giới hạn tại mỗi giai đoạn phát triển, nên cơ chế dân chủ phát triển tiện ích chung của giai cấp công nhân phải phân phối nguồn lực đó một các hợp lý cho mọi lĩnh vực phát triển. Nhưng, vì tính công bằng của Chủ nghĩa Xã hội, ở bất cứ giai đoạn phát triển nào, các quy luật về công bằng xã hội cũng phải được ưu tiên vận dụng.
Nhiều quy luật kinh tế thị trường phát triển hoàn thiện có các tính chất cơ bản để cơ chế dân chủ phát triển tiện ích chung xây dựng các chính sách về công bằng xã hội. Để thấy được việc thực hiện các quy luật đó mang tính hoàn thiện, chúng ta xem xét một trong các quy luật đó.
Như đã biết, giai cấp công nhân là giai cấp yếu thế và chịu thiệt thòi nhất trong hệ thống phân phối của cải trong nền kinh tế thị trường. Hiển nhiên là, trong giai cấp công nhân, những người thất nghiệp là những người yếu thế và chịu thiệt thòi hơn cả. Vì vậy, việc nghiên cứu và chứng minh quy luật công bằng đối với đội quân thất nghiệp này có tầm quan trọng hàng đầu trong việc đem lại công bằng cho toàn thể giai cấp công nhân trong nền kinh tế thị trường. Để giải quyết vấn đề đó, Hoàn thiện học đã chứng minh quy luật sau đây.
Quy luật về lực lượng lao động dự trữ: Sự phát triển hoàn thiện phân công lao động trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi mỗi con người trong xã hội nhất thiết phải được học tập và đào tạo để sở hữu các phương tiện sản xuất cá thể đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động của nền kinh tế, những người trẻ tuổi cần gia nhập thị trường lao động nhưng chưa có việc làm phải được tạo điều kiện để hoàn thiện các kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp của họ, những người thất nghiệp do hệ quả của các quá trình xúc tiến cân bằng tự nhiên các hàng hóa phải được tạo điều kiện để cập nhật các kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp mới nhất mà các thành tựu phát triển khoa học và công nghệ đã tạo ra, và những người trong lực lượng lao động dự trữ kể trên tham gia vào các chương trình hoàn thiện và cập nhật các kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp phải nhận được thu nhập tối thiểu để bảo đảm cuộc sống của họ [2, tr. 379].
Thuật ngữ “phương tiện sản xuất cá thể” được nói trong quy luật trên ngụ ý các kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Cụm từ “xúc tiến cân bằng tự nhiên các hàng hóa” ngụ ý quá trình giảm cung để đưa về trạng thái cân bằng cung – cầu đối với các hàng hoá bị dư thừa trên thị trường.
Rõ ràng, việc thực hiện quy luật về lực lượng lao động dự trữ mang lại sự công bằng về cơ hội học tập, cơ hội việc làm và phân phối của cải cho toàn thể mọi người trong xã hội, đặc biệt là những người công nhân. Tuy nhiên, việc thực hiện quy luật này đòi hỏi nguồn lực vật chất rất lớn của xã hội để phát triển giáo dục, đào tạo chuyên môn nghề nghiệp và tổ chức các chương trình hoàn thiện và cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, chứ không chỉ bảo đảm thu nhập tối thiểu cho những người thất nghiệp. Do đó, việc thực hiện quy luật về lực lượng lao động dự trữ chỉ có thể hoàn thiện dần theo sự tăng trưởng dần của nền kinh tế quốc dân. Nhưng, vì tính chất công bằng của Chủ nghĩa Xã hội, cơ chế dân chủ phát triển tiện ích chung do giai cấp công nhân thiết lập và kiểm soát phải giành sự ưu tiên cho việc thực hiện quy luật về lực lượng lao động dự trữ.
Vì tính thực tiễn của Chủ nghĩa Xã hội và hội nhập toàn cầu là xu hướng tất yếu và quy luật của xã hội loài người, như đã khẳng định ở trên, nền kinh tế thị trường phát triển hoàn thiện của Chủ nghĩa Xã hội do giai cấp công nhân thiết lập cũng phải tuân theo quy luật hội nhập kinh tế toàn cầu.
Các cơ sở khoa học ở trên là nội dung của khái niệm về Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện. Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện là xã hội phát triển theo các quy luật phát triển hoàn thiện với mục đích ngày càng hoàn thiện việc bảo đảm sự công bằng về quyền lợi và các điều kiện phát triển cho tất cả mọi người trong xã hội, có nền kinh tế thị trường phát triển hoàn thiện và hội nhập quốc tế sâu rộng với cơ chế dân chủ phát triển tiện ích chung do giai cấp công nhân thiết lập và kiểm soát.
4. Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện ở Việt Nam
Bây giờ chúng ta sử dụng khái niệm về Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện để nghiên cứu và phân tích Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam.
Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Trong những năm chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, nền kinh tế “tập trung bao cấp”, tức kế hoach hoá tập trung về sản xuất và phân phối của cải, đã phù hợp với nền “kinh tế thời chiến” của đất nước. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ thống nhất đất nước, nền kinh tế tập trung bao cấp đã bộc lộ rõ là, nó chỉ phù hợp với thời chiến và không phù hợp với sự phát triển lâu dài của đất nước. Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới. Trong quá trình đổi mới đó, các đặc điểm của Xã hội chủ nghĩa hiện đại ở Việt Nam đã dần dần bộc lộ. Chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu và phân tích các đặc điểm đó.
Mục đích của Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam đã được xác định là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”. Các câu hỏi có thể đặt ra là: Người dân có bao nhiêu của cải thì được gọi là giàu? Tiềm lực của đất nước có đến mức độ nào là mạnh? Rõ ràng, mỗi người dân đều mong muốn mình ngày càng giàu và đất nước ngày càng mạnh và không có giới hạn nào đặt ra cả. Theo tinh thần về công bằng xã hội, dân chủ là tất cả mọi người đều bình đẳng trong việc quản lý xã hội mà mình là thành viên thông qua tổ chức đại diện. Xã hội phát triển hoàn thiện không ngừng, việc quản lý xã hội cũng phải hoàn thiện không ngừng để đáp ứng quá trình phát triển. Do đó, tổ chức đại diện cũng phải hoàn thiện không ngừng. Như vậy, dân chủ ngày càng phải hoàn thiện. Như ở trên đã phân tích, công bằng chỉ có thể ngày càng hoàn thiện trên cơ sở vận dụng các quy luật về công bằng xã hội trong việc phân phối của cải có giới hạn của xã hội tại mỗi giai đoạn phát triển cho các lĩnh vực phát triển khác nhau. Văn minh là hệ quả của sự giàu có của người dân, của tiềm lực đất nước, của trình độ dân chủ trong việc quản lý xã hội và của mức độ công bằng trong việc phân phối của cải trong xã hội. Từ những phân tích ở trên và xuất phát từ tính hoàn thiện của Chủ nghĩa Xã hội, chúng ta có thể phát biểu chính xác hơn về mục đích của Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là “Dân ngày càng giàu, nước ngày càng mạnh, xã hội ngày càng dân chủ, công bằng và văn minh”.
Nền kinh tế ở Việt nam đã được xác định là nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Theo các tính chất hoàn thiện, thực tiễn và công bằng của Chủ nghĩa Xã hội, kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa chính là nền kinh tế ngày càng phát triển hoàn thiện và hội nhập quốc tế sâu rộng theo nguyên tắc ưu tiên thực hiện các quy luật về công bằng xã hội, tức tiến tới xoá bỏ mọi bất công trong xã hội. Điều này cũng đã được khẳng định bằng đường lối phát triển triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thể chế nhà nước Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam đã được xác định là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Thể chế này hoàn toàn nhất quán với mục đích của Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được trình bày ở trên là “Dân ngày càng giàu, nước ngày càng mạnh, xã hội ngày càng dân chủ, công bằng và văn minh” và thể hiện bản chất của dân chủ là tất cả mọi người đều bình đẳng trong việc quản lý xã hội mà mình là thành viên thông qua tổ chức đại diện, như đã nói ở trên.
Nguyên tắc hoạt động của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam là “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ”. Nguyên tắc này khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức đại diện dân chủ trong thể chế “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Theo tính hoàn thiện của Chủ nghĩa Xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam phải hoàn thiện tổ chức, phương thức lãnh đạo, năng lực và phẩm chất của lãnh đạo và đảng viên để hoàn thành chức năng đại diện dân chủ cho nhân dân trong tiến trình Cách mạng Xá hội Chủ nghĩa. Đây là một đòi hỏi mang tính nguyên tắc đối với tổ chức đại diện dân chủ trong thể chế “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thường xuyên hoàn thiện tổ chức và tiến hành các cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống trong hàng ngũ lãnh đạo và đảng viên của mình.
Những phân tích ở trên về Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam đã chứng minh rằng, Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam là Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện, có mục đích làm cho dân ngày càng giàu, nước ngày càng mạnh, xã hội ngày càng dân chủ, công bằng và văn minh, có nền kinh tế thị trường phát triển hoàn thiện và hội nhập quốc tế sâu rộng theo nguyên tắc ưu tiên thực hiện các quy luật về công bằng xã hội, với thể chế nhà nước của dân do dân vì dân, với nguyên tắc hoạt động do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ, trong đó Đảng lãnh đạo thường xuyên hoàn thiện tổ chức, phương thức lãnh đạo, năng lực và phẩm chất của lãnh đạo và đảng viên để hoàn thành chức năng đại diện dân chủ cho nhân dân.
5. Kết luận
Hoàn thiện học là triết học thực chứng. Vì vậy, nó không sáng tạo ra bất cứ thứ gì ngoài việc khám phá ra bản chất và những quy luật phát triển hoàn thiện đã có sẵn trong xã hội loài người. Cũng vì vậy, việc vận dụng các quy luật phổ quát về sự phát triển hoàn thiện xã hội loài người được khám phá và chứng minh trong Hoàn thiện học để đưa ra khái niệm về Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện và phân tích Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam không sáng tạo ra bất cứ thứ gì ngoài việc khám phá ra các quy luật chung của Chủ nghĩa Xã hội, bản chất và những đặc sắc của Chủ nghĩa Xã hội ở Việt Nam.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
- Các Mác và Phridrích Ăngghen (2017): Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
- Vũ Xuân Minh (2021): Hoàn thiện học (Perfectology), Nxb. Thế Giới, Hà Nội.