CHỦ NGHĨA BẢO THỦ: QUAN NIỆM, ĐẶC TRƯNG VÀ NHẬN ĐỊNH

Tạp chí Nghiên cứu Triết học

Biên tập viên

TS. Vũ Thanh Vân 1

PGS. TS. Phạm Minh Sơn 2


1. Quan niệm về chủ nghĩa bảo thủ

Chủ nghĩa bảo thủ là hệ thống tư tưởng và chính trị có ảnh hưởng sâu rộng đến chính trị thế giới. Đây là quan điểm nhấn mạnh vào việc bảo tồn các giá trị truyền thống, tự do cá nhân, quyền sở hữu tư nhân và phản đối những thay đổi to lớn hoặc tức thời hay thay đổi triệt để trong xã hội. Thuật ngữ “chủ nghĩa bảo thủ” là tương đương của từ “conservatisme” trong tiếng Pháp và từ “conservatism” trong tiếng Anh. Nguồn gốc của từ conservatisme là từ Latinh “conservo”, có nghĩa là giữ gìn, trung thành với truyền thống và bảo vệ những nền tảng, thiết chế đã được xác lập lâu đời. Chủ nghĩa bảo thủ với hàm ý “thủ cựu”, “cố chấp” mang tính tiêu cực. Trong thời kỳ phát triển ban đầu, chủ nghĩa bảo thủ do Joseph de Maistre đề xướng mang tính phản động, phản tiến bộ nhằm duy trì quyền lực của chế độ phong kiến Pháp đã lỗi thời.

Nhà triết học và tư tưởng chính trị Anh Michael Joseph Oakeshott (1901-1990) trong bài viết Bàn về trạng thái bảo thủ định nghĩa trạng thái bảo thủ là “thích sự quen thuộc hơn điều chưa biết, thích cái đã được thử nghiệm hơn cái chưa được thử nghiệm, thích sự thật hơn huyễn hoặc, thích thực tế hơn cái có thể, thích giới hạn hơn là vô biên, thích gần hơn xa, thích đủ hơn quá dư thừa, thích thuận tiện hơn hoàn hảo, thích tiếng cười hiện tại hơn hạnh phúc không tưởng” (www.geocities.com/Heartland/4887/conservative.html). Theo nghĩa đó, quá khứ là nền tảng của hiện tại và định hướng tương lai.

quy trình ra quyết định của những người bảo thủ tuân theo 4 tiền đề: (1) Kinh nghiệm quá khứ là nền tảng để xây dựng bất kỳ chính sách nào; (2) Những giải pháp khả thi đã biết được ưu tiên hơn những cải tiến về lý thuyết; (3) Để đưa ra đánh giá, các giá trị truyền thống sẽ được sử dụng thay vì các lý thuyết trừu tượng và (4) Những ý kiến cụ thể là cơ sở tốt hơn những ý kiến chung chung (Peter Dorey, 2010: tr. 34). Bốn tiền đề này cho thấy cách tiếp cận thực dụng, cụ thể của chủ nghĩa bảo thủ trong hành động thực tiễn thay vì theo đuổi những phương pháp trừu tượng vì phương pháp trừu tượng tiềm ẩn rủi ro và bất ổn.

Roger Scruton (2001) trong cuốn sách Ý nghĩa của chủ nghĩa bảo thủ cho rằng, “Chủ nghĩa bảo thủ hình thành từ chính nhận thức rằng, con người thuộc về trật tự xã hội đã có từ trước, được duy trì và điều này vô cùng quan trọng đối với việc ra các quyết định. “Trật tự” ở đây có thể là trật tự của một câu lạc bộ, xã hội, giai cấp, cộng đồng, nhà thờ, binh đoàn hay quốc gia…” (Roger Scruton, 2001: tr. 10) Theo cách hiểu này, những người theo chủ nghĩa bảo thủ muốn giữ gìn “trật tự” như nền tảng của sự ổn định mà trật tự ấy cũng có thể được hiểu là “nguyên trạng” (status quo). Những người theo chủ nghĩa bảo thủ thậm chí hướng tới cái gọi là “nguyên trạng như trước” (status quo ante).

Chủ nghĩa bảo thủ qua diễn đạt của các chính trị gia bảo thủ như cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill là “thích quá khứ hơn hiện tại và thích hiện tại hơn tương lai” (www.econ omist.com/the-economist-explains/2018/08/ 13/the-meaning-of-conservatism). Chủ nghĩa bảo thủ vận hành dựa trên một số nguyên tắc: (1) phản đối tư tưởng “bánh vẽ”: không bị lôi kéo bởi những thứ xa vời, những kế hoạch trừu tượng, tập trung vào cái đã có hơn là cái có thể có; (2) đề cao tầm quan trọng của tầng lớp tinh hoa mà thực chất là giữ gìn, bảo vệ tầng lớp thống trị trong xã hội, duy trì trật tự xã hội có lợi cho tầng lớp cầm quyền và (3) nhấn mạnh lòng yêu nước theo nghĩa dân tộc là tập hợp các cá nhân có chung lịch sử, chung văn hóa và trung thành với tổ quốc.

James R. Kurth (2016) trong cuốn Chủ nghĩa bảo thủ Mỹ chia những người theo chủ nghĩa bảo thủ thành ba nhóm: (1) những người chủ yếu quan tâm đến các vấn đề kinh tế hoặc tài chính – còn gọi là những người bảo thủ ủng hộ doanh nghiệp hoặc ủng hộ kinh tế; (2) những người chủ yếu quan tâm đến các vấn đề xã hội hoặc tôn giáo – còn gọi là những người bảo thủ ủng hộ các giá trị truyền thống hoặc nhà thờ và (3) những người chủ yếu quan tâm đến các vấn đề an ninh quốc gia hoặc quốc phòng – còn gọi là những người bảo thủ ủng hộ quân đội hoặc người bảo thủ “yêu nước” (James R. Kurth, 2016: tr. 14). Cách phân loại này cho thấy mối quan tâm của những người theo chủ nghĩa bảo thủ ở các quốc gia khác nhau và các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Willie Thompson (2011) chia sự phát triển của chủ nghĩa bảo thủ từ năm 1914 đến 1991 thành 3 giai đoạn: (i) giai đoạn thảm họa từ 1914-1945 khi Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai diễn ra; (ii) giai đoạn hoàng kim từ 1945-1973 khi kinh tế thế giới phục hồi và phát triển sau chiến tranh và (iii) giai đoạn khủng hoảng từ 1973-1991 khi cuộc đối đầu giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản lên tới đỉnh điểm với sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991. Willie Thompson cho rằng, thuật ngữ “chủ nghĩa bảo thủ” được chính thức đưa ra trong những năm 1930 mặc dù chủ nghĩa ấy đã tồn tại trước đó hàng thập kỷ. Ông nhận định, “Ở mức độ nào đó, nó có thể được coi là chính trị hoài niệm” và chủ nghĩa bảo thủ “sinh ra từ tư tưởng của giai cấp xã hội và tầng lớp có thu nhập từ sở hữu đất và/hoặc các thiết chế truyền thống như nhà thờ hoặc quân đội. Đối với họ, bất kỳ sự thay đổi nguyên trạng nào cũng là điều đáng sợ” (Willie Thompson, 2011: tr. 7). Theo Willie Thompson, chủ nghĩa bảo thủ là phản ứng của tầng lớp cai trị bị chấn động bởi cách mạng Pháp nói riêng và sự phản kháng trước thay đổi nói chung.

2. Sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa bảo thủ

Chủ nghĩa bảo thủ xuất hiện cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX trong bối cảnh Đại cách mạng tư sản Pháp, sau đó tiếp tục phát triển ở Anh và Mỹ với các biến thể mới. Cách mạng tư sản Pháp 1789 do lực lượng dân chủ-tự do lãnh đạo đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, giải phóng các tư tưởng tiến bộ xã hội và đề cao sức mạnh của nhân dân. Những tư tưởng tiến bộ của cách mạng Pháp đã gây chấn động và làm lung lay nền tảng của chế độ phong kiến lâu đời ở châu Âu.

Trong bối cảnh đó, tư tưởng của chủ nghĩa bảo thủ được các nhà triết học Pháp như Joseph de Maistre (1753-1821) và Louis de Bonald (1754-1840) đề xướng như chiêu bài để bảo vệ lợi ích của tầng lớp quý tộc. Xuất thân quý tộc, Joseph de Maistre chủ trương duy trì trật tự, hệ thống thứ bậc của xã hội và nền quân chủ. Trong cuốn Nguồn gốc chủ quyền (Des origines de la souveraineté), Maistre ca ngợi thời đại phong kiến trung cổ như thời kỳ mà con người sống hài hòa trong những tôn ti, trật tự. Tư tưởng của Joseph de Maistre và Louis de Bonald bị coi là phản động, đi ngược lại xu thế tiến bộ của loài người. Chủ nghĩa bảo thủ ở Pháp được coi là chủ nghĩa bảo thủ truyền thống.

Tại Anh, chủ nghĩa bảo thủ truyền thống được cải biến với phương châm cải cách xã hội để duy trì các giá trị truyền thống. Cải cách xã hội được coi là phương tiện để bảo vệ, giữ gìn truyền thống và các thiết chế lâu đời. Đại diện của chủ nghĩa bảo thủ Anh là nhà triết học Edmund Burke (1729-1797). Trong tác phẩm Suy tư về cách mạng Pháp (Reflections on the Revolution in France), Burke (1790) cho rằng, cuộc cách mạng này đã phá vỡ những cơ cấu của một xã hội “tốt” và các thể chế truyền thống của nhà nước và xã hội. Burke chủ trương giữ gìn truyền thống và giá trị tôn giáo với tư cách là nền tảng đạo đức của nhà nước.

Với tác phẩm Suy tư về cách mạng Pháp, Edmund Burke được coi là cha đẻ của chủ nghĩa bảo thủ thực dụng và trở thành nhân vật được chú ý trong chính trường Anh lúc bấy giờ. Frank M. Turner (2003) trong bài viết Edmund Burke: Tư duy chủ thể chính trị cho rằng, “Burke được biết đến do những chỉ trích của mình về nền quân chủ Anh và các bộ trưởng thuộc Hoàng gia nhưng giờ đây ông trở thành tác giả yêu thích của họ” (Frank M. Turner(ed), 2003: tr. Xiii). Tính chất thực dụng của Burke thể hiện ở chỗ ông đã thay đổi quan điểm phê phán nền quân chủ và từ bỏ những đồng minh chính trị để theo đuổi, cổ súy cho một tư tưởng riêng bị những đồng minh coi là “phản động” nhưng đối với bản thân ông là cần thiết. Từ một người chỉ trích hoàng gia và chế độ quân chủ, với Suy tư về cách mạng Pháp, ông lại thành người bảo vệ cho chế độ phong kiến châu Âu.

Tại Mỹ, chủ nghĩa bảo thủ vẫn chủ trương duy trì các giá trị truyền thống nhưng có những tư tưởng “tự do hơn” về kinh tế. Được gọi là “chủ nghĩa tân bảo thủ”, chủ nghĩa này kế thừa, tiếp biến một số quan niệm của chủ nghĩa tân tự do và phát triển mạnh mẽ ở Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến những năm 1970. Chủ nghĩa tân bảo thủ ủng hộ thị trường tự do, giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào thị trường nhưng vẫn chủ trương duy trì các giá trị truyền thống như đề cao vai trò của tôn giáo, phản đối hôn nhân đồng tính, chống phá thai. Người bảo thủ được mô tả là người ngoan đạo, đề cao các giá trị truyền thống, gia đình và chống lại các xu hướng được coi là lệch chuẩn, phi truyền thống về hôn nhân và giới tính.

Đến những năm 1980, chủ nghĩa bảo thủ có một bước phát triển tiếp theo thành phong trào cánh hữu mới (The New Right). Phong trào Cánh hữu mới là một dạng tư tưởng cực đoan vì nó vừa chống lại sự can thiệp của nhà nước vừa phản đối mở rộng các giá trị xã hội của chủ nghĩa tự do. Những tư tưởng cánh hữu mới được vận dụng trong các chính sách của chính quyền Anh dưới sự lãnh đạo của cựu Thủ tướng Margaret Thatcher và chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan. Trong một bài phát biểu năm 1983, bà Margaret Thatcher tuyên bố “Khi người ta hỏi tôi có ý định khôi phục các giá trị thời đại Victoria, tôi nói thẳng rằng tôi đang làm như vậy. Và tôi là như vậy” (www.oxfordreference.com/display/10.1093/acref/9780191843730.001.0001/q-oro-ed5-00010 826). Các giá trị của thời đại Victoria trong thế kỷ XIX ở Anh được xác định là tiết kiệm, điều độ và tích cực làm việc.

Edmund Fawcett (2000) phân chia lịch sử của chủ nghĩa bảo thủ từ thế kỷ XIX thành 4 thời kỳ: đối đầu trực diện với chủ nghĩa tự do (1830-1880); thích ứng, thỏa hiệp và suy yếu nghiêm trọng (1880-1945); cầm quyền chính trị và hồi phục lý luận (1945-1980) và cuộc chiến giành thế thượng phong giữa chủ nghĩa bảo thủ cấp tiến và chủ nghĩa bảo thủ cực đoan (1980 đến nay). Sự phân chia này cho thấy lịch sử thăng trầm cũng như tình trạng tiến thoái lưỡng nan của chủ nghĩa bảo thủ. Một mặt tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa bảo thủ dựa trên sự trung thành với những truyền thống, giá trị, chuẩn mực đã được xác lập. Mặt khác, nó phải thích ứng, điều chỉnh để phù hợp với thời đại và quá trình này tạo ra sự phân hóa trong chính nội bộ của những người theo chủ nghĩa bảo thủ.

2. Đặc trưng của chủ nghĩa bảo thủ

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, chủ nghĩa bảo thủ nghiêng về thực tiễn hơn lý luận nên các hoạt động thực tiễn khó có thể được hệ thống hóa một cách đầy đủ. Mặc dù có những “phiên bản” khác nhau như chủ nghĩa bảo thủ truyền thống, chủ nghĩa tân bảo thủ, phong trào Cánh hữu mới… nhưng chủ nghĩa bảo thủ có một số đặc trưng cơ bản sau:

Đề cao truyền thống và văn hóa: Chủ nghĩa bảo thủ chủ trương giữ gìn, bảo vệ các truyền thống, giá trị, chuẩn mực, nguyên tắc đã được thử nghiệm, chứng minh trong lịch sử. Đó có thể là các truyền thống, giá trị, tiêu chuẩn của gia đình, xã hội, tôn giáo và nhà nước. Họ cho rằng, đây là nền tảng cho sự ổn định của xã hội bởi “cái gì tồn tại thì hợp lý, cái gì hợp lý thì tồn tại”. Truyền thống, giá trị, tiêu chuẩn chung cũng là cơ sở để xây dựng tập hợp người yêu nước, có chung lịch sử và có cùng chí hướng. Điều này giúp đảm bảo sự liên tục văn hóa và tạo ra một cảm giác thuộc về cộng đồng. Tầng lớp tinh hoa có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ truyền thống và giữ gìn sự ổn định.

Những người theo chủ nghĩa bảo thủ lập luận rằng, đời sống của con người là sự kết hợp của sinh tử, trưởng thành, lão hóa, bổn phận và hưởng thụ, may mắn và bất hạnh, tằn tiện và sung túc, và vô vàn những sự kiện không thể tránh khỏi khác. Con người có thể tồn tại và ứng phó với những sự kiện này là nhờ những phương thức truyền thống. “Những phương thức này đem lại những hình thức tận hưởng cuộc sống được thời gian kiểm chứng nếu cuộc sống là tốt đẹp, và ứng phó với bất hạnh nếu cuộc sống là đau khổ, xử lý khủng hoảng cá nhân hoặc công cộng nếu chúng xảy ra và tìm lời giải đáp nếu có những câu hỏi đặt ra về ý nghĩa và giá trị của những xô bồ mà con người không thể không tham gia. Những phương thức truyền thống này không làm cho cuộc sống của tất cả mọi người tốt đẹp nhưng nó làm rõ những cách thức có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp và nó tạo điều kiện cho nhiều người đạt được cuộc sống tốt đẹp” (John Kekes, 1998: tr. 6-7).

Đề cao tính tôn ti, trật tự: Hệ thống và trật tự xã hội theo chủ nghĩa bảo thủ mang tính tự nhiên, truyền thống, được duy trì từ đời này sang đời khác. Hệ thống và trật tự này được phản ánh không chỉ vào sự phân định tầng lớp thống trị và tầng lớp bị trị mà cả sự phân công vai trò xã hội. Khi các cá nhân tuân thủ sự sắp đặt này, xã hội sẽ ổn định, không còn xung đột và đấu tranh. Nhận thức và tính cam kết với hệ thống và trật tự xã hội này được duy trì qua giáo dục và giữ gìn các giá trị truyền thống của gia đình, nhà thờ và xã hội. Bất kỳ sự thách thức hay bất tuân thủ nào với các tôn ti, trật tự này cũng sẽ gây ra bất ổn xã hội mà chưa chắc đã mang lại trật tự xã hội tốt hơn.

Edmund Fawcett (2000) trong cuốn Chủ nghĩa bảo thủ – Cuộc chiến bảo vệ truyền thống nhận định, “Trật tự xã hội đối với họ phụ thuộc vào các thiết chế và hệ thống thứ bậc ổn định với các tầng lớp cụ thể và các bổn phận quen thuộc. Quyền lực trong bối cảnh đó được thực thi theo chiều từ trên xuống thông qua các kênh cố định, được công nhận” (Edmund Fawcett, 2000: tr. 53). Những người theo chủ nghĩa bảo thủ tin rằng, bảo vệ truyền thống, phong tục và các quyền theo tục lệ là phương cách hiệu quả nhất để ngăn chặn xu hướng tùy ý hành động của con người. Các truyền thống, trật tự cần được duy trì cho đến khi nào sự thay đổi được chứng minh bằng thực tế, minh chứng cụ thể là cần thiết.

Coi trọng thực tế và tính thực dụng: Chủ nghĩa bảo thủ đề cao tính thực dụng vì nó có cái nhìn bi quan, tiêu cực về bản chất của con người và năng lực duy lý của con người. Con người thích an toàn, trọng ổn định và ngại thay đổi trong khi lại khiếm khuyết về đạo đức và thèm khát quyền lực. Tình trạng vô chính phủ hay hỗn loạn, mất ổn định xảy ra là do con người bất tuân các giá trị, nguyên tắc, tôn ti, trật tự truyền thống để giành lấy quyền lực, thỏa mãn khát vọng quyền lực của mình. Do đó, để duy trì trật tự chung, nhà nước phải đủ mạnh để áp dụng, thậm chí áp đặt những biện pháp cai trị không khoan nhượng.

R. J. Lacey (2016) trong cuốn Edmund Burke và những truyền nhân Mỹ cho rằng, “Dựa trên quan sát và diễn giải lịch sử của mình, những người bảo thủ thực dụng tin vào bản chất xấu xa của con người và vì thế, đề cao các truyền thống đã được kiểm chứng và tôn sùng theo thời gian, được chứng minh là hiệu quả trong việc kiểm soát những bản năng đen tối nhất của con người. Đồng thời, họ đón nhận thay đổi từng bước, điều chỉnh cách làm nếu có bằng chứng cho thấy rằng sự điều chỉnh đó là cần thiết” (Robert J. Lacey, 2016: tr. 2). Edmund Burke được coi là cha đẻ của chủ nghĩa bảo thủ thực dụng với những tư tưởng mà những nhân vật theo chủ nghĩa bảo thủ Mỹ tiếp tục phát triển.

Bên cạnh ba đặc trưng cơ bản trên đây, chủ nghĩa bảo thủ còn có một số đặc trưng khác như: (1) Đề cao chính sách kinh tế và tự do cá nhân: Chủ nghĩa bảo thủ ủng hộ một nền kinh tế thị trường tự do, trong đó sự can thiệp của nhà nước được giới hạn. Điều này được cho là sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh, đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, tự do cá nhân là một giá trị cốt lõi, được coi là điều kiện tiên quyết cho sự sáng tạo và phát triển cá nhân. (2) Nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc và chủ quyền quốc gia: Chủ nghĩa bảo thủ thường gắn liền với một mức độ cao của chủ nghĩa yêu nước và nhấn mạnh vào tầm quan trọng của chủ quyền quốc gia. Điều này có thể thúc đẩy một chính sách đối ngoại mạnh mẽ và độc lập và (3) Chủ trương thuyết hữu cơ: Chủ nghĩa bảo thủ quan niệm vũ trụ, xã hội và con người là những thực thể sống, được sắp xếp một cách tự nhiên. Để duy trì được thể thống nhất và trạng thái sống ấy, các thực thể trong xã hội phải tuân thủ các nguyên tắc tổ chức chung, mang tính chất an bài. Chủ nghĩa bảo thủ quan niệm rằng, cái tổng thể quan trọng hơn cái cá thể/bộ phận; cái tổng thể quyết định cái cá thể/bộ phận; không thể giải thích cái cá thể/bộ phận nếu tách rời cái tổng thể. Do đó, sự ổn định, trật tự chung của xã hội là dành cho tất cả mọi người và nếu các cá nhân không tuân thủ tổ chức chung thì sự ổn định, trật tự chung sẽ bị phá vỡ.

3. Ảnh hưởng của chủ nghĩa bảo thủ

Chủ nghĩa bảo thủ có ảnh hưởng đáng kể đối với nền chính trị thế giới từ thế kỷ XIX đến thế kỷ XXI. Nó được vận dụng trở thành nền tảng lý luận của nhiều đảng bảo ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á và châu Phi. Chủ nghĩa bảo thủ có ảnh hưởng rõ rệt nhất ở hai nước là Anh và Mỹ.

Tại Anh, đảng Bảo thủ là một đảng lâu đời, có tiền thân là đảng Tory thành lập năm 1834. Đảng Bảo thủ là đảng cầm quyền tại Anh từ năm 2010 đến nay với 5 thủ tướng của đảng là David Cameron, Theresa May, Boris Johnson, Liz Truss và Rishi Sunak. Trong những năm 1980 và 1990, chủ nghĩa bảo thủ được cựu Thủ tướng Margaret Thatcher vận dụng trong các chính sách cầm quyền của chính phủ và được gọi là “chủ nghĩa Thatcher”. Trong khi vẫn chủ trương duy trì các giá trị truyền thống, đảng Bảo thủ Anh thực hiện các chính sách kinh tế tự do, ủng hộ thị trường tự do, thúc đẩy tư nhân hóa, giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào thị trường.

Để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận, đảng Bảo thủ có những điều chỉnh phù hợp về đường lối. Ví dụ, năm 2010, khi liên minh với Đảng Dân chủ tự do, Đảng Bảo thủ đã bày tỏ sự ủng hộ với quyền kết hôn bình đẳng cho LGBT+. Một số nhân vật trong Đảng Bảo thủ như Alan Duncan, cựu Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc tế cho rằng, đảng Bảo thủ cần điều chỉnh lập trường của mình về các vấn đề xã hội. Điều này đã gây ra xung đột trong nội bộ đảng này khi các nhân vật cứng rắn như Liam Fox, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Owen Paterson, Bộ trưởng Bộ Bắc Ireland cho rằng, phải tuyệt đối trung thành với các giá trị truyền thống.

Tại Mỹ, chủ nghĩa bảo thủ được dung nạp trong bối cảnh chính trị “ít truyền thống, nhiều tự do” hơn Anh. Đảng Cộng hòa là đảng mang màu sắc, xu hướng bảo thủ khi đề cao các giá trị truyền thống, nền tảng tôn giáo và hôn nhân tiêu chuẩn. Các tổng thống như Ronald Reagan, George Bush và Donald Trump đều theo đuổi đường lối bảo thủ ở các mức độ khác nhau. Cựu Tổng thống Ronald Reagan của đảng Cộng hòa là người đưa ra các chính sách dựa trên các giá trị kinh tế bảo thủ. Chính phủ của ông đã đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, giảm bớt sự điều tiết của chính phủ.

Trên phương diện chính sách xã hội, chính phủ Reagan có quan điểm bảo thủ, truyền thống đối với các vấn đề hôn nhân và gia đình. Trong nhiệm kỳ của ông, không có luật nào về quyền dân sự hay quyền của người đồng tính được ban hành. Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1980, ông công khai cho rằng, “Phê phán của tôi là phong trào đồng tính không chỉ đòi hỏi quyền dân sự; họ đòi hỏi sự công nhận và chấp nhận về một lối sống khác mà mà tôi không tin là xã hội có thể chấp nhận và tôi cũng không thể chấp nhận” (Shilts, Randy, 1993).

Như vậy, các đảng chính trị theo chủ nghĩa bảo thủ ở một mức độ nào đó đã có những đổi mới về nội dung, có cách tiếp cận cởi mở hơn đối với các chính sách kinh tế như ủng hộ thị trường tự do, chủ trương giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào thị trường trong khi vẫn duy trì các quan điểm bảo thủ, mang tính truyền thống đối với các vấn đề xã hội như hôn nhân và giới tính. Sự điều chỉnh lập trường này là cần thiết để duy trì sự ủng hộ của cử tri và dư luận xã hội trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày càng tiến bộ, cởi mở hơn. Nếu không có những sự điều chỉnh cần thiết đó, các đảng bảo thủ có thể đánh mất vị thế chính trị của mình.

4. Đánh giá chủ nghĩa bảo thủ

Ngay từ khi mới hình thành, chủ nghĩa bảo thủ bị coi là có tính phản động, phản tiến bộ, chống lại xu hướng phát triển của xã hội. Joseph de Maistre đưa ra tư tưởng bảo thủ trong bối cảnh cách mạng Pháp thách thức, làm rung chuyển sự cai trị của chế độ phong kiến trường kỳ đã nhấn chìm nước Pháp nói riêng và châu Âu nói chung trong đêm tối lạc hậu, trì trệ và trói buộc tự do của con người. Với việc đề cao tôn ti, trật tự và các giá trị truyền thống mang tính an bài, Joseph de Maistre muốn ru ngủ nhân dân, thuận theo vị thế và vai trò của tầng lớp thống trị đồng thời đánh vào tâm lý ngại thay đổi, thích ổn định của một bộ phận không nhỏ dân cư.

Đến Edmund Burke, chủ nghĩa bảo thủ được khoác lên một tấm áo mới với cách tiếp cận thay đổi, đổi mới để duy trì truyền thống. Theo quan niệm này, cải cách không phải là đích đến mà là phương tiện, chiêu bài để nhân dân tin vào khả năng thích ứng của chủ nghĩa bảo thủ. Cách tiếp cận này cho thấy sự thiếu thống nhất giữa nội dung và hình thức, giữa cái bản chất và các biểu hiện của chủ nghĩa bảo thủ. Sự thay đổi, điều chỉnh về cách tiếp cận này không phải là thực chất mà mang tính chất tình thế, ứng biến, thể hiện rất rõ tư tưởng thực dụng của những nhân vật bảo thủ, lấy phương tiện biện minh cho kết quả.

Chủ nghĩa bảo thủ truyền thống đã có chỗ đứng nhất định của mình trong thế kỷ XVIII và XIX nhưng từ thế kỷ XX, nó lại có một sự lột xác thành “Phong trào Cánh hữu mới”. Phong trào này có sự tiếp biến các tư tưởng của chủ nghĩa tân tự do, chủ trương giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào thị trường, khuyến khích kinh tế tư nhân và thị trường tự do trong khi vẫn kiên trì bảo vệ đến cùng các giá trị truyền thống, đặc biệt là về hôn nhân và gia đình. Cách tiếp cận này mang lại cho chủ nghĩa bảo thủ một vỏ bọc vừa tiến bộ vừa truyền thống và không thể phủ nhận rằng, nó đã phát huy được tác dụng, nhất là trong sự vận dụng của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hay Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

Thế nhưng, cốt lõi của chủ nghĩa bảo thủ vẫn là duy trì sự cầm quyền của tầng lớp thống trị dù sự cầm quyền ấy là “tối thiểu” thông qua việc đề cao truyền thống, tôn ti, trật tự trong một hệ thống mà họ gọi là mang “tính hữu cơ”. Hạt nhân hợp lý của chủ nghĩa bảo thủ nằm ở những giá trị chân thật, tiến bộ mà nó bảo vệ và giữ gìn. Bất kỳ xã hội nào cũng cần được xây dựng trên những nền tảng vững chắc, được củng cố theo thời gian. Quá khứ là nền tảng của tương lai và nếu mất đi nền tảng văn hóa truyền thống thì các xã hội cũng mất luôn bản sắc của mình.

Do vậy, những hạt nhân hợp lý của chủ nghĩa bảo thủ bao gồm thái độ tôn trọng truyền thống và lịch sử, khuyến khích tự do cá nhân, và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân. Những yếu tố này có thể góp phần vào sự phát triển ổn định và bền vững của xã hội.

Bên cạnh đó, những yếu tố bất hợp lý của chủ nghĩa bảo thủ là sự chống đối thay đổi, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và không chấp nhận đa dạng xã hội. Những quan điểm này có thể hạn chế sự phát triển và đoàn kết xã hội.

5. Vận dụng chủ nghĩa bảo thủ trong xây dựng chính sách, đường lối ở Việt Nam

chủ nghĩa bảo thủ có sự phân hóa thành nhiều trường phái khác nhau theo thời gian và không gian, phù hợp với các bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa khác nhau. Đây là quá trình “tự lột xác” để chủ nghĩa bảo thủ bắt nhịp với thời cuộc, không bị đào thải bởi thực tiễn chính trị – xã hội sinh động. những giá trị truyền thống của chủ nghĩa bảo thủ có thể không thay đổi nhưng nội hàm của nó được thay đổi cho hợp thời. Vì vậy, việc vận dụng chủ nghĩa bảo thủ trong xây dựng chính sách, đường lối ở Việt Nam cần tính đến những hạt nhân tích cực, hợp lý của nó trong bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đặc thù của Việt Nam. Việc vận dụng cần được thực hiện với tư duy khoa học, biện chứng, tránh áp dụng máy móc cũng như phủ nhận sạch trơn.

Thứ nhất, chủ nghĩa bảo thủ với hàm ý giữ gìn những giá trị, chuẩn mực truyền thống mang ý nghĩa tích cực. ở Anh và Mỹ, chủ nghĩa bảo thủ phát triển theo quan niệm của Edmund Burke nhằm duy trì các giá trị truyền thống. Chủ nghĩa bảo thủ hợp lý khi cho rằng, con người tìm kiếm sự an toàn, quen thuộc và ổn định và cần một nhà nước mạnh, sử dụng pháp luật nghiêm minh để duy trì trật tự, sự ổn định. Đây là điểm có thể vận dụng trong việc xây dựng chính sách, đường lối phát triển xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Thứ hai, trong các bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội phức tạp, diễn biến khó lường, cách tiếp cận thận trọng, thực dụng của chủ nghĩa bảo thủ có thể được cân nhắc và áp dụng. chủ nghĩa bảo thủ coi trọng hành động và kết quả thực tế, không chạy theo những kế hoạch viển vông, phi thực tế. Nhà triết học và tư tưởng chính trị Anh Michael Joseph Oakeshott nhấn mạnh tầm quan trọng của những điều quen thuộc, đã được thử nghiệm, khả thi, thực tế trong việc định hướng hành động của những người bảo thủ. Chủ nghĩa bảo thủ coi trọng thực tế, cho rằng hành động của con người cần được đặt trong các bối cảnh cụ thể với các mục tiêu cụ thể.

Thứ ba, việc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam có thể tham khảo quan niệm gìn giữ các giá trị, chuẩn mực truyền thống của chủ nghĩa bảo thủ. Chủ nghĩa bảo thủ hợp lý khi cho rằng, các giá trị truyền thống là nền tảng cho sự ổn định của xã hội và là cơ sở để xây dựng văn hóa dựa trên các giá trị và tiếng nói chung. Vấn đề là cần xác định được giá trị, chuẩn mực nào là cốt lõi, có tính chất vượt thời gian, xuyên suốt lịch sử phát triển của dân tộc để giữ gìn đồng thời xác định những giá trị, chuẩn mực không còn phù hợp để điều chỉnh, thay thế. Việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam vừa cần kiên trì các giá trị truyền thống lâu bền vừa cần tiếp thu, xây dựng những giá trị mới mang tính thời đại. Các giá trị truyền thống tốt đẹp cần được duy trì từ đời này qua đời khác để làm vốn sống chung, lịch sử chung của dân tộc. Do vậy, Việt Nam có thể áp dụng chủ nghĩa bảo thủ trong việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống mà không cản trở sự phát triển. Điều này bao gồm việc duy trì ngôn ngữ, nghệ thuật, lễ hội và phong tục. Việc này không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn góp phần vào sự phát triển du lịch và giáo dục.

Thứ tư, chủ nghĩa bảo thủ tôn trọng giá trị gia đình và cộng đồng. Điều này phù hợp với xã hội Việt Nam, nơi gia đình và cộng đồng có vai trò quan trọng. Chủ nghĩa bảo thủ nhấn mạnh vào việc duy trì và tôn trọng những giá trị này, từ đó góp phần vào sự ổn định và hòa thuận xã hội.

Thứ năm, chủ nghĩa bảo thủ thúc đẩy kinh tế thị trường tự do nhưng có sự điều tiết của Nhà nước. Trong khi ủng hộ tự do kinh tế và quyền sở hữu tư nhân, Việt Nam cũng có thể áp dụng các chính sách điều tiết nhằm đảm bảo công bằng xã hội và phát triển bền vững. Điều này bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng.

Có thể khẳng định, việc tiếp nhận và áp dụng linh hoạt các hạt nhân hợp lý của chủ nghĩa bảo thủ có thể giúp Việt Nam trong việc xây dựng đường lối và chính sách một cách cân đối, đồng thời bảo tồn giá trị truyền thống. Sự kết hợp giữa bảo thủ và đổi mới sẽ là chìa khóa cho sự phát triển toàn diện của đất nước.

CHÚ THÍCH

(*) Bài viết là kết quả nghiên cứu của đề tài “Những lý thuyết chính trị hiện đại trên thế giới và phương pháp tiếp cận của Việt Nam” KX.04.07/21-25.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  • http://www.geocities.com/Heartland/4887/conservative.html
  • Peter Dorey (2010): British Conservatism: The Politics and Philosophy of Inequality, I.B. Tauris.
  • Roger Scruton (2001): The Meaning of Conservatism, Palgrave.
  • https://www.economist.com/the-economist-explains/2018/08/13/the-meaning-of-conservatism
  • James R. Kurth (2016): A History of Inherent Contradictions: The Origins and End of American Conservatism, New York University Press.
  • Willie Thompson (2011): Ideologies in the Age of Extremes – Liberalism, Conservatism, Communism, Fascism 1914-91, PlutoPress.
  • Frank M. Turner(ed) (2003): Reflections on the Revolution in France – Edmund Burke, Yale University Press.
  • https://www.oxfordreference.com/display/10.1093/acref/9780191843730.001.0001/q-oro-ed5-00010826
  • John Kekes (1998): A Case for Conservatism, Cornell University Press.
  • Edmund Fawcett (2000): Conservatism – The Fight for a Tradition, Princeton University Press.
  • Robert J. Lacey (2016): Edmund Burke and His American Heirs, Palgrave McMillan.
  • Shilts, Randy (1993): Conduct Unbecoming: Gays and Lesbians in the US Military
  1. Học viện Báo chí Tuyên truyền ↩︎
  2. Học viện Báo chí Tuyên truyền ↩︎

Bài liên quan

Bài đăng mới