CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO CỦA MALAYSIA VÀ KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI VIỆT NAM

ThS. Nguyễn Bá Minh & PGS,TS Đỗ Lan Hiền

Học viện Lục quân, Bộ Quốc phòng & Viện dân tộc và tôn giáo, Học viện CTQG Hồ Chí Minh.

1. Bối cảnh chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo tác động đến chính sách tôn giáo của Malaysia

Malaysia giành độc lập từ Anh vào năm 1957. Năm 1963, liên bang Malaysia được thành lập. Với vị trí là giao điểm của các tuyến đường thương mại biển giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nên Malaysia sớm tiếp xúc với các nền văn hóa lớn từ Ấn Độ và Trung Quốc. Các nền văn minh này đã góp phần tạo nên một Malaysia đa dạng về dân tộc, văn hóa, tôn giáo với các tộc người chủ yếu là người Mã Lai (chiếm 50% dân số, theo Islam, ngôn ngữ chính là tiếng Mã Lai, và có ảnh hưởng sâu rộng trong chính trị, văn hóa và tôn giáo của Malaysia); người Trung Quốc (chiếm 23% dân số, là nhóm dân tộc lớn thứ hai tại Malaysia, chủ yếu sống ở các thành phố lớn và tập trung vào các ngành kinh doanh, thương mại. Họ chủ yếu theo Phật giáo, Đạo giáo, số ít theo Công giáo, Islam), người Ấn Độ (chiếm 7% dân số, chủ yếu là hậu duệ của những người Ấn Độ nhập cư trong thời kỳ thuộc địa. Họ chủ yếu theo đạo Hindu và nói tiếng Tamil); các nhóm dân tộc bản địa (Malaysia có nhiều nhóm dân tộc bản địa như người Iban, Kadazan-Dusun và Orang Asli, đặc biệt ở các bang như Sabah và Sarawak trên đảo Borneo. Những dân tộc này có nền văn hóa và ngôn ngữ riêng biệt).

Chính trị Malaysia có những điểm đặc biệt do sự đa dạng dân tộc, tôn giáo và sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Malaysia có hệ thống đa đảng, trong suốt nhiều thập kỷ, chính trị quốc gia đã bị chi phối bởi một số đảng phái lớn. Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chính trị Malaysia là sự phân chia dân tộc giữa người Mã Lai, người Hoa, người Ấn Độ và các dân tộc bản địa. Chính sách Affirmative Action(1) của chính phủ, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho người Mã Lai và các dân tộc bản địa trong lĩnh vực giáo dục, việc làm và quyền sở hữu đất đai đã tạo ra sự bất bình đẳng và mâu thuẫn trong xã hội. Tuy nhiên, chính sách này cũng là yếu tố góp phần mang lại sự ổn định chính trị ở mức độ nhất định, bằng cách giảm thiểu căng thẳng sắc tộc.

Islam là tôn giáo chính thức của Malaysia và có ảnh hưởng sâu rộng trong chính trị. Chính sách liên quan đến tôn giáo, đặc biệt là các vấn đề như quyền tự do tôn giáo, giáo dục tôn giáo, và hệ thống pháp luật có sự khác biệt giữa các tiểu bang. Các đảng phái chính trị thường sử dụng yếu tố tôn giáo để thu hút sự ủng hộ của các cử tri Mã Lai, tạo ra sự căng thẳng trong xã hội khi liên quan đến vấn đề tôn giáo.

Tựu chung, Malaysia là một quốc gia đa dạng về văn hóa, dân tộc. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau đã tạo nên một xã hội độc đáo, với sự tôn trọng lẫn nhau và hòa hợp giữa các nhóm dân tộc. Tuy nhiên, từ những năm 1980, Malaysia bước vào “cao trào” của Islam hoá đời sống xã hội, ​​nhà nước Malaysia đã cố gắng can thiệp vào những gì họ coi là các giá trị và nguyên tắc Islam trong mọi khía cạnh của xã hội. Làn sóng Islam hóa sâu rộng đã đạt được sức hút nhanh chóng, điều này có thể quan sát từ thực tế, cộng đồng Islam Mã Lai, đặc biệt là giới lãnh đạo chính trị ngày càng trở nên quyết đoán trong việc ủng hộ một bản sắc Islam toàn diện – một bản sắc vượt lên trên lĩnh vực tôn giáo, bao trùm lĩnh vực thế tục. Việc thúc đẩy một bản sắc Islam toàn diện, các giá trị Islam được tích hợp vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ cấp độ thể chế (bao gồm cấu trúc pháp lý, giáo dục và tài chính quốc gia) đến cấp độ cá nhân (các lựa chọn cá nhân về trang phục, các giá trị đạo đức, và thậm chí cả ngôn ngữ). Với bối cảnh đa dạng thành phần xã hội, đa dạng văn hóa và tôn giáo khác nhau ở Malaysia, không có gì ngạc nhiên khi sự trỗi dậy mạnh mẽ của bản sắc Islam sẽ tạo nên những xung đột và chính trị bắt đầu quan tâm đến chủ đề “ổn định và hài hòa xã hội” ở Malaysia.

Đối với các quốc gia có các niềm tin và thực hành tôn giáo khác nhau, điển hình như Malaysia, trong hầu hết các trường hợp xung đột, thường là các cộng đồng tôn giáo chiếm số đông áp đặt quan điểm và cách nhìn nhận của mình để thống trị, khuất phục và phủ nhận những nhóm tôn giáo thiểu số, dẫn đến gạt nhóm thiểu số ra bên lề của sự bảo hộ luật pháp và công chúng, theo phương châm “thanh tẩy tôn giáo”.

2. Chính sách, pháp luật về tôn giáo của Malaysia hiện hành

Một là, quyền tự do tôn giáo

Quyền tự do tôn giáo được quy định tại Điều 11 trong Hiến pháp Liên bang (năm 2006) [2] của Malaysia, cụ thể:

(1) Mọi người đều có quyền tuyên xưng và thực hành tôn giáo của mình và tuân theo khoản 4 của Điều này trong việc truyền bá tôn giáo; 

(2) Không ai bị buộc phải nộp bất kỳ khoản thuế nào mà số tiền thu được đó sẽ được phân bổ toàn bộ hoặc một phần cho các mục đích tôn giáo không phải là tôn giáo của mình;

(3) Mọi nhóm tôn giáo đều có quyền: (a) Quản lý các vấn đề tôn giáo của mình; (b) Thiết lập và duy trì các tổ chức phục vụ mục đích tôn giáo, từ thiện; (c) Chiếm hữu, sở hữu, giữ và định đoạt tài sản theo luật định;

(4) Luật của từng bang và liên quan đến các vùng lãnh thổ của Liên bang bao gồm Kuala Lumpur, Lubuan, luật Liên bang có thể kiểm soát hoặc giới hạn việc tuyên truyền bất cứ giáo lý tôn giáo, tín ngưỡng nào của những người theo Islam;

(5) Điều này không cho phép bất cứ hành vi nào trái với luật pháp nói chung liên quan đến trật tự công, y tế công hay đạo đức xã hội.

Như vậy, quyền tự do tuyên xưng hoặc thực hành tôn giáo đã được quy định rất cụ thể trong Hiến pháp Liên bang và không có sự áp đặt, hạn chế hoặc trở ngại nào trong việc thực hành tôn giáo ở Malaysia.

Tuy nhiên, Hiến pháp Malaysia đã khẳng định tính chính thống của Islam giáo trong các khoản của Điều 3 như sau:

(1) Islam là tôn giáo của Liên bang; các tôn giáo khác có thể được thực hành trong hòa bình và hòa hợp trong bất kì phần lãnh thổ nào của Liên bang;

(2) Ở các bang có Tiểu vương thì Tiểu vương là lãnh tụ Islam trong bang theo quy định của Hiến pháp và mọi quyền và đặc quyền đặc lợi được Hiến pháp công nhận, lãnh tụ Islam ở bang đó là bất khả xâm phạm,…

(3) Hiến pháp của các bang Malacca, Penang, Sabah và Sarawak phải có điều khoản riêng cho phép Quốc vương trở thành lãnh tụ Islam tại bang đó;

Hai là, hạn chế quyền tự do tôn giáo

Quyền tự do tôn giáo không phải là quyền tuyệt đối, quyền đó bị giới hạn và được ghi trong Hiến Pháp. Điều 9 (khoản 2) ghi: Không vi phạm trật tự công cộng, y tế công cộng, hoặc hình phạt đối với người phạm tội… Điều 10, Khoản 2: Nghị viện có thể áp đặt bằng luật về hạn chế các quyền khi xét thấy cần thiết hoặc thích hợp trong lợi ích an ninh của Liên bang hoặc bất kỳ bộ phận nào đó, hoặc trong quan hệ hữu nghị với các nước khác, hoặc trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội.

Ba là, quyền chuyển đổi tôn giáo

Những người Islam ở Malaysia muốn chuyển đổi theo một tôn giáo khác trước tiên phải được sự chấp thuận của tòa án Sharia để tuyên bố họ là “những người bội đạo”. Các tòa án Sharia hiếm khi chấp nhận những yêu cầu chuyển đổi tôn giáo, đặc biệt đối với những người sinh ra đã theo Islam và thuộc bộ tộc Mã Lai. Việc chuyển đổi đức tin là một việc khó được luật pháp chấp nhận, trừ các trường hợp miễn cưỡng cho phép chuyển đổi thì những người chuyển đạo phải chấp nhận hình phạt cho việc bội đạo tùy theo quy định khác nhau của từng bang. Ở các bang Perak, Melaka, Sabah và Pahang, bội đạo là một tội hình sự có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù. Bang Pahang, tòa án cũng có thể phạt đánh sáu roi đối với hành vi bội đạo. Hình phạt tối đa cho hành vi bội đạo ở các bang Kelantan và Terengganu có thể là tử hình, nhưng trên thực tế, tòa án chưa bao giờ áp dụng hình phạt này, nên tính chính đáng của nó coi như chưa được kiểm chứng. Thực tế, hầu hết những người cải đạo sẽ âm thầm, lặng lẽ thực hiện một cách riêng tư, không cần sự chấp thuận của pháp luật. Trên toàn quốc, các tòa án dân sự thường trao quyền cho các tòa án Sharia trong các vụ án liên quan đến việc cải đạo từ Islam sang các tôn giáo khác. Ngược lại, ở một số bang, tòa án Sharia cho phép con cái được quyền chuyển sang Islam mà không cần sự đồng ý của cha/mẹ. Riêng với những người không theo Islam thì luật pháp không hạn chế quyền thay đổi đức tin và tôn giáo của họ. Một người không theo Islam muốn kết hôn với một người theo Islam phải chuyển sang Islam thì tòa án sharia mới chính thức công nhận cuộc hôn nhân của họ.

Trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi, theo luật liên bang) thường không được chuyển đổi tôn giáo nếu không có được sự chấp thuận của cha mẹ. Luật pháp của một số bang cho phép chuyển sang Islam mà không cần sự cho phép của cha mẹ sau 15 tuổi.

Bốn là, quy định về các hành vi báng bổ, xúc phạm đức tin tôn giáo

Luật pháp Malaysia cũng quy định về việc chống nổi loạn và xúc phạm đức tin tôn giáo (dù chỉ là lời nói) là một tội lỗi có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự. Các vụ án liên quan đến việc báng bổ, xúc phạm tôn giáo được thi hành thường xuyên. Bộ luật hình sự của Malaysia có 23 chương, 511 điều, tại chương 15, các tội liên quan đến tôn giáo bao gồm “làm tổn thương hoặc làm ô uế nơi thờ tự”, “gây rối hội chúng tôn giáo”, “xâm phạm nơi chôn cất” hoặc “nói những lời có chủ ý nhằm làm tổn thương các hoạt động tôn giáo của bất kỳ người nào”. Việc kết án những tội danh này theo luật nổi loạn trong bộ luật hình sự có thể dẫn đến án tù lên từ hai năm đến hai mươi năm nếu gây tổn hại về thể chất hoặc thiệt hại tài sản. Bộ luật hình sự cũng cấm phát ngôn “kích động ác ý, thù địch hoặc hận thù vì lý do tôn giáo” và những người phạm tội phải đối mặt với án tù từ hai đến năm năm. 

Năm là, giảng dạy tôn giáo

Cục phát triển Islam JAKIM(2)  ở Malaysia  và chính quyền một số tiểu bang có quyền quyết định về nội dung các bài giảng vào Thứ sáu hàng tuần cho các giáo đoàn Islam cũng như giám sát và phê duyệt việc bổ nhiệm các lãnh tụ Islam tại các nhà thờ Islam. JAKIM và các quan chức nhà nước phải chính thức công nhận tất cả các giáo viên Islam thì họ mới có quyền thuyết giảng hoặc thuyết trình về Islam trước công chúng.

Việc giảng dạy Islam là bắt buộc đối với trẻ em theo Islam ở các trường công lập; sinh viên không theo Islam được yêu cầu tham gia các khóa học về luân lý và đạo đức tôn giáo. Các trường tư thục có thể cung cấp các chương trình giảng dạy tôn giáo (ngoài Islam) như một lựa chọn cho những người không theo Islam.

Các nhà truyền giáo nước ngoài và sinh viên quốc tế đăng ký các khóa học tôn giáo tại Malaysia phải nộp đơn xin nhập cảnh với Bộ Di trú. Các loại thị thực này được cấp cho người nộp đơn hàng năm và cơ quan quốc gia đại diện cho các tôn giáo tương ứng phải xác nhận trình độ của người nộp đơn.

Sáu là, đăng ký hoạt động tôn giáo

Luật pháp của Malaysia không yêu cầu các nhóm tôn giáo không phải là Islam phải đăng ký hoạt động, nhưng muốn được trở thành một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận được phép hoạt động ở Malaysia thì phải phải đăng ký với Cơ quan đăng ký xã hội (Registration organization social/ ROS) của chính phủ bằng cách gửi giấy tờ với các nội dung: người đại diện tổ chức; mục đích và quy tắc hoạt động của tổ chức; nộp phí. Các tổ chức này phải gửi báo cáo tài chính và báo cáo hoạt động hàng năm cho ROS để được gia hạn đăng ký hoạt động. ROS có thể kiểm tra các tổ chức đã đăng ký và điều tra những tổ chức bị nghi ngờ được sử dụng cho các mục đích “gây phương hại đến hòa bình, phúc lợi, trật tự công cộng hoặc đạo đức”, nếu vi phạm pháp luật, ROS sẽ hủy giấy đăng ký.

Trong trường hợp chính quyền từ chối đăng ký cho một nhóm tôn giáo, nhóm đó có thể theo đuổi việc đăng ký với tư cách là một công ty tư nhân. Một số nhóm tôn giáo ở Malaysia (Nhân chứng Giê-hô-va, Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giê-su Christ) đã áp dụng việc đăng ký như một công ty tư nhân hay một tổ chức từ thiện và được nhanh chóng cung cấp cơ sở pháp lý để tiến hành kinh doanh, được mở tài khoản ngân hàng và sở hữu tài sản nhưng lại không bị hạn chế đối với các hoạt động tôn giáo của nhóm. Tuy nhiên, việc đăng ký với tư cách là một công ty thì tổ chức tôn giáo sẽ không được miễn thuế hoặc không được chính phủ tài trợ hay bảo hộ về hoạt động tôn giáo. 

Bảy là, về truyền đạo

Luật pháp nghiêm cấm những người không theo Islam truyền giáo cho người Islam, với các hình phạt khác nhau tùy theo từng bang, bao gồm cả việc bỏ tù và đánh roi. Luật pháp cho phép người Islam truyền giáo mà không bị hạn chế. Còn với các tổ chức tôn giáo khác chưa đăng ký hoặc không đăng ký thì hoạt động truyền giáo thực hiện theo cơ chế như một tổ chức từ thiện phi chính phủ, một tổ chức kinh tế tư nhân.

Tám là, về đất đai và xây dựng cơ sở thờ tự

Chính quyền các bang có thẩm quyền độc lập trong việc giao đất và xây dựng cơ sở thờ tự. Tất cả các cơ sở thờ cúng của Islam (bao gồm cả nhà thờ và phòng cầu nguyện) đều thuộc thẩm quyền quản lý của JAKIM và các cơ quan Islam cấp bang tương ứng; các quan chức tại các cơ quan này có thẩm quyền cấp phép xây dựng nhà thờ Islam hoặc phòng cầu nguyện.

Chín là, quy định về tiếp nhận các khoản tài trợ từ cá nhân, tổ chức tôn giáo

Luật thuế của Malaysia miễn trừ thuế cho các nhóm tôn giáo đã đăng ký đối với các khoản quyên góp, tiếp nhận tài trợ, và khấu trừ thuế cho các nhà tài trợ cá nhân. Các nhà tài trợ cho các tổ chức từ thiện được chính phủ phê duyệt (bao gồm một số nhóm tôn giáo không theo Islam) có thể được khấu trừ thuế đối với khoản đóng góp thay vì được giảm thuế.

3. Một số nhận định và kinh nghiệm đối với Việt Nam

3.1. Một số nhận định được rút ra từ chính sách, pháp luật về tôn giáo của Malaysia  

Thứ nhất, chủ trương Islam hóa đời sống xã hội và chính sách thiên lệch đối với Islam hệ phái Sunni dẫn đến sự kỳ thị và cản trở sự phát triển của các nhóm tôn giáo khác

Mặc dù Hiến pháp của Malaysia quy định về quyền tự do lựa chọn đức tin và thực hành tôn giáo, tuy nhiên trên thực tế, chính phủ tiếp tục duy trì sự thiên vị đối với Islam (hệ phái Sunni), tại các trường tiểu học và trung học công lập, các biểu tượng Islam trong trường học dầy đặc, giáo viên hoặc lãnh đạo nhà trường thường bắt đầu buổi học bằng việc đọc một bài kinh cầu nguyện của Islam, những học sinh không phải là Islam sẽ cảm thấy họ bị áp đặt đức tin và “bội thực” biểu tượng Islam. Trong đó, các nhóm Islam không phải dòng Sunni bị hạn chế đối với việc tụ tập và thực hành tôn giáo. Ngân sách chính phủ không phân bổ kinh phí hoặc trợ giúp cho các nhóm tôn giáo không phải Islam dòng Sunni trong việc xây dựng nhà thờ và các hoạt động liên quan. Các nhóm không phải Islam dù đã được cấp đăng ký hoạt động như một hiệp hội tôn giáo hoặc một hiệp hội tư nhân nhưng thường gặp những khó khăn trong việc xin phép chính quyền địa phương để xây dựng những nơi thờ tự, dẫn đến nhiều nhóm sử dụng các tòa nhà được quy hoạch để ở hoặc sử dụng cho mục đích thương mại để hoạt động tôn giáo. 

Thứ hai, khẳng định bản sắc Islam và chính trị hóa Islam dẫn đến nguy cơ xung đột tôn giáo chính trị

Chính sách, pháp luật của Malaysia có xu hướng khẳng định bản sắc Islam và chính trị hóa Islam: chính phủ triển khai nhiều chương trình và chỉ thị chính sách liên quan đến Islam như thành lập các tổ chức ngân hàng Islam; cải cách hệ thống luật pháp quốc gia để phù hợp với luật Islam; đưa kiến ​​thức Islam vào chương trình giảng dạy bắt buộc của các cơ sở giáo dục công lập; gia tăng thành lập các tổ chức xã hội dân sự Islam có tiếng nói và có nhiều hoạt động đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá giáo lý Islam; củng cố chủ nghĩa phục hưng sự thống trị của Islam trong một bối cảnh xã hội đa tôn giáo. Mặc dù, những người ủng hộ quá trình Islam hóa này vẫn cho rằng các chương trình Islam đang được giới thiệu là nhằm mục đích tuyên truyền một thái độ “ôn hòa” của Islam trong bối cảnh một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo, nhưng thực tế, chủ trương Islam hóa đã được thực hiện một cách công khai với sự ủng hộ của chính quyền. Nói chung, sự đề cao Islam gắn với vấn đề sắc tộc vẫn còn ăn sâu trong tâm lý chính trị của người Malay – Islam có nguy cơ gây nên những căng thẳng đáng lo ngại giữa chính quyền – tôn giáo. Các vụ việc gần đây nhất cho thấy, tháng 3/2024, một chuỗi cửa hàng tiện lợi (KK Mart) đã vô tình bán một sery tất có in chữ “Allah”, khiến cộng đồng Islam phẫn nộ vì coi đây là hành động báng bổ tôn giáo. Các cuộc tẩy chay lan rộng trên mạng xã hội, đặc biệt do các đảng phái chính trị Islam như PAS (Đảng Islam Malaysia) kêu gọi. Ba cửa hàng bán tất bị tấn công bằng cocktail Molotov. Giám đốc công ty bị buộc tội(3), các tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế lên tiếng cảnh báo về sự khai thác cảm xúc tôn giáo vì mục tiêu chính trị. Vụ việc mang tính thương mại đã trở thành công cụ chính trị cho các phe phái Islam cực đoan để thúc đẩy ảnh hưởng, đồng thời khoét sâu chia rẽ sắc tộc và tôn giáo. Hai cảnh sát bị giết trong một vụ tấn công đồn cảnh sát, nghi do đối tượng có liên hệ với tư tưởng Islam cực đoan. Chính phủ tăng cường an ninh và theo dõi các nhóm cực đoan. Thủ tướng Anwar Ibrahim cảnh báo về nguy cơ cực đoan hóa tôn giáo lấn át sự đoàn kết dân tộc. Vụ việc là lời cảnh báo về sự chính trị hóa và cực đoan hóa tôn giáo, nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia. Tháng 12/2024, một người đàn ông ở bang Terengganu, bị đánh 6 roi công khai trong khuôn viên nhà thờ Islam do phạm luật Islam (tội “Khalwat” gần gũi với người khác giới không phải vợ/chồng)(4). Hình phát này gây tranh cãi trong nước và quốc tế về nhân quyền và luật Islam. Các tổ chức nhân quyền và nhóm thế tục phản đối, trong khi đảng PAS bảo vệ hành động này. Căng thẳng giữa luật Islam cấp bang hiến pháp liên bang (thế tục) cho thấy xung đột pháp lý và tư tưởng sâu sắc giữa các bang do đảng Islam nắm quyền và chính quyền trung ương. Tháng 2/2025, một nam ca sĩ của ban nhạc Anh “The 1975” lên tiếng phản đối luật cấm quan hệ đồng giới và hôn bạn diễn nam ngay trên sân khấu tại Kuala Lumpur. Chính phủ Malaysia đã hủy toàn bộ lễ hội âm nhạc. Ban nhạc bị kiện tiền phạt yêu cầu lên tới 2,4 triệu USD(5). Chính phủ và các nhóm Islam chỉ trích hành động xúc phạm văn hóa địa phương. Vụ việc làm nổi bật sự đối đầu giữa các giá trị tự do phương Tây và quy định tôn giáo bảo thủ, trong đó chính trị đóng vai trò định hình cách tiếp cận cực đoan hay dung hòa..

Thứ ba, quản lý hoạt động tôn giáo theo hướng can thiệp và kiểm soát

Các cơ quan chức năng thực thi pháp luật Islam cấp nhà nước có thẩm quyền thường thâm nhập vào các cơ sở thờ tự (tư nhân và công cộng) để kiểm soát việc thực thi luật sharia đối với người Islam như: ăn mặc, uống rượu hoặc gần gũi, thân mật với một thành viên không phải là thành viên gia đình. Chính quyền giám sát chặt chẽ tất cả các hoạt động Islam, phân phát các bài giảng cho các nhà thờ Islam phải tuân thủ thực hiện. Sử dụng các nhà thờ Islam để truyền tải thông điệp chính trị,…

Malaysia kiểm soát tất cả các nhà truyền giáo nước ngoài (kể cả người Islam và không theo Islam) khi đến truyền đạo hoặc tổ chức các buổi tọa đàm tôn giáo đều phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ về nhân thân (lý lịch bắt buộc) vì “lý do an ninh quốc gia” để đảm bảo họ không truyền các giáo lý “lệch lạc”.

Thứ tư, mô hình nhà nước của Malaysia không phân định rõ là nhà nước Islam hay nhà nước thế tục

Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc. Mô hình Nhà nước của Malaysia là nhà nước Islam hay một nhà nước thế tục là những câu hỏi chưa được giải đáp bới các chính trị gia và giới khoa học Malaysia. Mặc dù, Malaysia tuyên bố là một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo, nhưng thực tế, việc tiếp tục nhấn mạnh vào quyền thống trị của người Malay – Islam đã lan tỏa khắp xã hội, thể hiện ở các chính sách kinh tế, giáo dục và xã hội ưu tiên cho người Malay – Islam hơn các tộc người khác. Điều này có thể được minh chứng ngay trong ngôn ngữ truyền thống Malaysia, từ Bumiputera được dùng để chỉ người bản địa, cư dân gốc. Thuật ngữ này để phân biệt với các nhóm không phải Bumiputera chủ yếu người Malai gốc Hoa hay gốc Ấn. Thuật ngữ Ketuanan Melayu có nghĩa là quyền tối thượng của người Bumiputera. Ketuanan Melayu không chỉ là một cụm từ ngôn ngữ mà còn là một khái niệm chính trị – xã hội. Ketuanan Melayu tuy không được đề cập rõ ràng trong các văn bản pháp quy, nhưng lại được biểu thị vị trí đặc biệt trong Hiến pháp, tại Điều 153 quy định “bảo vệ” vị trí đặc biệt của người Bumiputera. Và một người Mã Lai thực thụ là người tuyên bố tuân theo Islam. 

Ngay từ những năm 1980, Malaysia có thể xem là một nhà nước Islam, đặc biệt khi chính phủ nhấn mạnh các chính sách Islam hóa do nhà nước lãnh đạo, dựa trên thực tế, người Malay – Islam là nhóm dân tộc đa số chiếm tỉ lệ trong giới lãnh đạo. Vào những năm 1980, ​​các chính sách do nhà nước điều hành và tài trợ đều cho thấy xu hướng muốn củng cố hơn nữa sự thống trị của Islam. Những thay đổi sau này, mô hình nhà nước Malaysia – Islam không được nhắc nhiều trong các diễn ngôn chính trị và trong các văn bản chính thức của nhà nước, ngay lập tức, chính phủ đã nhận những cáo buộc thiếu tính đặc thù Islam, một cáo buộc được coi là sự tín nhiệm thấp đối với chính phủ cầm quyền. Các đảng phái chính trị vẫn được thiết lập, tổ chức theo dòng tộc và tôn giáo.

3.2. Kinh nghiệm đối với Việt Nam

Thứ nhất, không nhà nước hóa tôn giáo hay thiên vị một tôn giáo

Sai lầm nghiêm trọng của chính sách tôn giáo là “thiên vị đa số, kỳ thị thiểu số”, hậu quả của nó, chính quyền sẽ phải đối phó với sự “nổi loạn” của nhóm tôn giáo thiểu số, gây mất lòng tin của cộng đồng tôn giáo và người dân đối với chính quyền, tính pháp quyền, tính ổn định về pháp lý, tính chính đáng của một nhà nước dân chủ bị đe dọa.

Chủ trương chính thống hóa một tôn giáo nào đó một cách có định hướng và có chủ đích của chính quyền đã làm tổn thương đến cảm xúc tôn giáo của các nhóm tôn giáo khác. Nguy cơ làm suy yếu sự hòa hợp, đoàn kết tôn giáo. Nhà nước hóa tôn giáo sẽ có thể là nguy cơ gây xung đột tôn giáo và làm biến mất sự đa dạng văn hóa, đa dạng tôn giáo.

Thứ hai, sự khác biệt lớn về mặt kinh tế, xã hội giữa các cộng đồng tôn giáo là nguy cơ tạo ra các cuộc xung đột

Sự đa dạng tôn giáo đi liền với sự khác biệt về mặt kinh tế đã tạo nên các cuộc xung đột. Xung đột ban đầu liên quan đến các vấn đề tôn giáo, leo thang đến các phong trào ly khai, đỉnh điểm có thể là khủng bố. Các cuộc xung đột dưới danh nghĩa bảo vệ quyền bình đẳng tôn giáo, tự do tôn giáo nhưng thực chất liên quan nhiều đến quyền chính trị, quyền kinh tế hơn là quyền tôn giáo. Tôn giáo là nguyên nhân bên ngoài “che đậy” đi các nguyên nhân cơ bản bên trong là do bất bình đẳng trong quyền tiếp cận các điều kiện, cơ hội về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội của người dân (có tôn giáo).  

Mối lo ngại về “điểm nóng xã hội” liên quan đến tôn giáo của Malaysia và Việt Nam có điểm chung là đa diện, đa tầng: từ chính trị trong nước đến chính trị quốc tế, từ kinh tế (đói nghèo, khoảng cách, cơ hội việc làm, thăng tiến…) đến lịch sử tộc người, khác biệt văn hóa, đức tin, vấn đề dân chủ và quyền con người. 

Thứ ba, tôn giáo là việc tư nhân, nhà nước không can thiệp vào công việc nội bộ của các tôn giáo

Malaysia đang bị “lúng túng” giữa việc lựa chọn trở thành một nhà nước thần quyền hay pháp quyền. Luật pháp và Hiến pháp của Malaysia tán thành đa nguyên tôn giáo và đa đảng chính trị, nhưng lại áp đặt Luật sharia (luật Islam giáo) cho toàn dân và cả những người không theo Islam giáo, hình sự hóa các vụ việc vi phạm đạo luật của Islam giáo như ngoại tình, uống rượu, tình dục trước hôn nhân…Như vậy, mô hình “nhà nước pháp quyền” của Malaysia quản lý xã hội dựa trên cảm hứng tôn giáo, lấy niềm tin Islam để tạo ra các nguyên tắc công bằng, dân chủ, nhân văn và thống nhất đất nước; lấy các giá trị của Islam giáo để phân định tốt – xấu, hợp pháp hay bất hợp pháp; hệ tư tưởng chính thống, vừa có xu hướng thế tục hóa đòi hỏi phân tách nhà nước và tôn giáo. Sự “mắc kẹt” này khiến chính phủ Malaysia bị mất lòng tin trong người dân về một nhà nước thế tục trung lập và thượng tôn pháp quyền, người dân lo lắng, trong tương lai, Islam giáo có thể sẽ có mặt trong việc thiết lập một trật tự quyền lực chính trị – xã hội mới ở Malaysia và khi đó mối bất ổn an ninh tôn giáo là hiện thực gần.

Thứ ba, không tạo ra bất bình đẳng tôn giáo

Bất bình đẳng tôn giáo ở Malaysia là một trong những sai lầm và thất bại chính sách. Việc chính phủ thừa nhận một tôn giáo nào đó là tôn giáo chính thức (dù rằng đa số người dân tin theo) đều có thể bị xem là Vi Hiến và vi phạm cam kết bình đẳng tôn giáo.

Chính quyền đôi khi cứng rắn trong ứng xử với các tôn giáo (đặc biệt là tôn giáo nhóm nhỏ), phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo khiến người dân mất đi cơ hội học tập, cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến và thụ hưởng phúc lợi xã hội nếu không phải là “công dân phi tôn giáo” đã làm tổn thương tình cảm tôn giáo, tạo nên sự bất bình đẳng về quyền công dân và các quyền con người khác.

4. Kết luận

Chính sách tôn giáo của Malaysia là một hệ thống phức tạp được xây dựng trên nền tảng đa tôn giáo và đa văn hóa, với sự kết hợp giữa pháp luật dân sự và các quy định tôn giáo riêng biệt cho các cộng đồng khác nhau trong xã hội. Chính sách tôn giáo của Malaysia vừa mang tính “bao dung có điều kiện”, vừa có xu hướng ưu tiên Islam như một phần bản sắc quốc gia. Điều này giúp duy trì dân tộc tính (Malai – Islam) nhưng cũng gây tranh cãi về quyền bình đẳng tôn giáo, và tạo nên những xung đột trong thực tiễn pháp lý và xã hội, đó là những tình huống mà các quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo cần tham chiếu kinh nghiệm.

Chú thích:

(1) Chính sách Affirmative Action có tên là “Polisi Ekonomi Baru” (New Economic Policy – NEP), được chính phủ Malaysia áp dụng từ năm 1971 nhằm giải quyết sự bất bình đẳng sắc tộc và kinh tế giữa các nhóm dân tộc trong xã hội, đặc biệt là giữa người Mã Lai (Malay) và người Hoa (Chinese), cũng như người Ấn Độ.

(2) Cục phát triển Islam Jakim của Malaysia là một cơ quan thuộc Chính phủ Malaysia, có chức năng cấp phép chứng nhận Halal cho sản phẩm Islam khi xuất khẩu hoặc nhập khẩu vào Malaysia.

(3) Nguồn: Nhật báo (The Star – Malaysia, tháng 3/2024). The Star là một trong những tờ nhật báo tiếng Anh lớn nhất và lâu đời nhất ở Malaysia. Được thành lập năm 1971. Có trụ sở chính tại Petaling Jaya, bang Selangor.

(4) Nguồn: Nhật báo (The Star – Malaysia, tháng 5/2024)

(5) Nguồn: Nhật báo (The Star – Malaysia, tháng 2/2025)

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Bộ Tư pháp, Cơ sở dữ liệu, tài liệu, khoa học pháp lý. Nguồn: https://tlpl.moj.gov.vn.
  2. The Commission of Law Revision (2006): Hiến pháp Liên bang Malaysia, năm 2006.  
  3. Đỗ Quang Hưng (2014): Chính sách tôn giáo và nhà nước pháp quyền, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội.
  4. Đỗ Quang Hưng (2023): Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở một số nước trên thế giới, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
  5. Đỗ Quang Hưng (2023): Tôn giáo và chính trị, Nxb. Công An Nhân dân, Hà Nội.
  6. Nguyễn Phú Lợi (2021): Lịch sử tôn giáo thế giới và Việt Nam, Nxb. Công An Nhân dân, Hà Nội.
  7. Tự do tôn giáo và hài hòa xã hội ở Đông Nam Á hướng tới đa nguyên giao ước (2023), Nxb. Hồng Đức. Dịch giả: Đỗ Lan Hiền, Vũ Thị Mai Hiên, Trần Phương Chi, Bùi Minh Hà
  8. Samuel Huntington (1993): Sự va chạm của các nền văn minh, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2016. Dịch giả: Nguyễn Phương Sửu, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Phương Nam, Lưu Ánh Tuyết

Bài liên quan

Bài đăng mới