TS. Nguyễn Duy Cường 1
1. Cái bi và cái bi trong nghệ thuật
Theo quan điểm của Mỹ học mácxít, cái bi là một phạm trù cơ bản của mỹ học, phản ánh giá trị thẩm mỹ của con người đại diện cho cái đẹp, cái tốt, cái cao cả trong cuộc đấu tranh cho những mục đích, lý tưởng cao đẹp bị thất bại tạm thời trước những lực lượng đối lập, tạo nên sự đồng cảm thẩm mỹ, có ý nghĩa bất tử đối với chủ thể thẩm mỹ.
Giá trị thẩm mỹ của cái bi có ý nghĩa đặc biệt tích cực: “thanh lọc tâm hồn con người”. Nó thanh lọc để hình thành những con người có đủ khả năng vượt qua mọi trở ngại trong bản thân mình và hành động chống lại cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, sẵn sàng đón nhận mọi mất mát hi sinh vì sự tiến bộ của loài người. Cái bi chân chính khi thể hiện những con người cao cả, anh hùng đau khổ hoặc hi sinh vì những lý tưởng giải phóng con người bao giờ cũng chỉ ra logic giải quyết những mâu thuẫn xã hội và sự toàn thắng của chính nghĩa. Tất cả các yếu tố trên đã tác động trở lại thế giới bên trong của bản thân chủ thể, hướng chủ thể tới sự tự ý thức, tự phát triển theo chuẩn mực của lý tưởng xã hội – thẩm mỹ tiên tiến nhất.
Cái bi trong cuộc sống kết tinh và thăng hoa trong nghệ thuật. Nghệ thuật là hình thái cao nhất của sự phản ánh mối quan hệ thẩm mỹ giữa con người với hiện thực, vì thế, cái bi cũng được biểu hiện trong nghệ thuật với tính chất tập trung điển hình nhất. Cái bi có mặt trong hầu hết các thể loại nghệ thuật, đặc biệt là trong văn chương, trong nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, âm nhạc. Trong nghệ thuật, đằng sau những bi kịch mà nó phản ánh bao giờ cũng hiện ra bức tranh xã hội rộng lớn. Nhìn toàn cục, cái bi trong những sáng tạo nghệ thuật phản ánh sâu sắc các vấn đề đặt ra trong đời sống. Vẻ đẹp của cái bi trong nghệ thuật là những vẻ đẹp nhân văn mà con người đã rút ra từ kinh nghiệm cay đắng của cuộc sống. Ở cái bi trong nghệ thuật, tất cả những gì nhất thời, mong manh, vụn vặt đều bị gạt bỏ, chỉ còn đọng lại những khát vọng mãnh liệt nhất, chân thực nhất nhưng cũng trí tuệ nhất. Cái bi bao trùm một phạm vi rộng lớn những hiện tượng của cuộc sống, nhận thức của con người. Nội dung diễn tả của nó thể hiện cảm hứng sáng tạo của tất cả các loại hình nghệ thuật.
Có thể nói hình thức quan trọng nhất là dùng các tác phẩm nghệ thuật phản ánh cái bi để tập trung giáo dục thẩm mỹ. Giáo dục thẩm mỹ bằng các hình tượng bi kịch có những hiệu ứng thẩm mỹ vô cùng to lớn trên nhiều lĩnh vực trong và ngoài thẩm mỹ. Thông qua cái bi trong nghệ thuật, giáo dục thẩm mỹ đạt được những kết quả nhanh nhất và cũng hiệu quả nhất. Cái bi cũng như các hiện tượng thẩm mỹ khác như cái đẹp, cái cao cả, cái hài được phản ánh trong nghệ thuật đều có vai trò to lớnđối với chủ thể và đối tượng của giáo dục thẩm mỹ.
Cái bi đã được phản ánh rất sớm và sâu rộng trong các tác phẩm văn học nghệ thuật. Vì vậy, nó chiếm một vị trí quan trọng trong giáo dục thẩm mỹ cho chủ thể. Sự tác động rộng khắp, nhanh nhạy và sâu sắc của cái bi trong văn học nghệ thuật tới chủ thể thẩm mỹ được quy định bởi các đặc trưng như:
Thứ nhất, cái bi trong văn học nghệ thuật có khả năng phản ánh hiện thực cuộc sống rất sâu sắc và bộc lộ toàn bộ sức mạnh tư tưởng, tình cảm thông qua các chất liệu đặc thù của loại hình.
Thứ hai, hình tượng bi kịch trong văn học nghệ thuật mang tính tạo hình, gợi cảm, phản ánh toàn bộ cuộc sống với tất cả sự đa dạng và sinh động của nó. Hình tượng bi kịch không chỉ thể hiện diện mạo cá biệt, tính cách của nó mà còn thể hiện tất cả trạng thái cảm xúc, suy tưởng và khát vọng của con người trong mọi tình huống hiện thực, cụ thể, đa dạng, tinh tế của cuộc sống. Tính cụ thể và sinh động của hình tượng bi kịch giúp đánh thức được cảm xúc bên trong của đời sống tinh thần của con người, đa dạng hóa con đường thâm nhập vào đời sống cá nhân và cộng đồng.
Thứ ba, cái bi trong văn học nghệ thuật không chỉ bộc lộ các quan điểm thẩm mỹ – nghệ thuật của nghệ sĩ mà còn đánh thức khả năng “đồng sáng tạo” của chủ thể tiếp nhận thông qua trí tưởng tượng và phát huy kinh nghiệm của công chúng trong việc tiếp nhận, đánh giá các giá trị của cái bi. Cộng hưởng giữa công chúng và nghệ sĩ thông qua cái bi trong văn học nghệ thuật là sự cộng hưởng mang tính tự nguyện, phụ thuộc vào nhu cầu, thị hiếu của cả chủ thể và khách thể tiếp nhận. Vì vậy, cái bi trong văn học nghệ thuật có khả năng tạo ra những xung lực bên trong mạnh mẽ đối với chủ thể tiếp nhận.
Hình tượng bi kịch trong văn học nghệ thuật là hình thức bao quát chung về cuộc sống muôn màu, muôn vẻ, sinh động và đa dạng. Thông qua hình tượng bi kịch, người ta thấy quá trình vận động của hiện thực, của lịch sử. Cái chung đó được cô đúc trong nhân vật, dưới dạng những cái đơn nhất, cái chung thông qua cái riêng cụ thể để khái quát một tư tưởng thẩm mỹ nhất định. Do đó, hình tượng bi kịch là sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng.
Quá trình phản ánh cái bi vào văn học nghệ thuật là quá trình nhận thức của nghệ sĩ đối với hiện thực. Những nghệ sĩ chân chính bao giờ cũng khẳng định những lý tưởng cao đẹp, chính nghĩa của thời đại. Những nghệ sĩ chân chính dùng hình tượng bi kịch như một vũ khí đấu tranh cho cái tốt, cái đẹp, lên án cái xấu xa, cái thấp hèn, đề xuất một lối sống, một triết lý sống có ảnh hưởng lâu dài trong toàn bộ lịch sử xã hội.
Cái bi trong nghệ thuật nói chung và cái bi trong văn học nghệ thuật nói riêng đã tồn tại, sẽ tồn tại trong cuộc chiến đấu vĩ đại vì hạnh phúc con người. Nó có sức mạnh phê phán và cải tạo hiện thực nhờ thông qua tác động tích cực của cảm xúc bi kịch. Bi kịch đưa ra một quan niệm mới về cuộc sống, nó đi đầu trong cuộc đấu tranh của nhân loại và gánh trên mình những khó khăn nặng nề nhất. Cái bi chân chính trong văn học nghệ thuật miêu tả những hành vi kiên cường của con người trong tình huống mang tính bi kịch. Nó có ý nghĩa giáo dục lớn lao đối với tình cảm thẩm mỹ của con người.
Bánh xe lịch sử quay theo dòng thời gian vô tận để lại sau lưng nó những thay đổi xã hội sâu rộng với những xung đột căng thẳng. Nền văn học nghệ thuật tiến bộ của loài người với những tác phẩm bi kịch bất hủ của Étsin, Sôphốc, Sếchpia, Sinle, Gớt đã phản ánh những thăng trầm, sự mất mát, những khát vọng và ý chí quật cường của nhân dân trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa cái đẹp và cái xấu, giữa cái cao cả và cái thấp hèn. Những tác phẩm bi kịch ấy đã khẳng định một chân lý ngời sáng: cái đẹp nhất định thắng cái xấu; cái ác nhất định thất bại trước cái thiện và những sự mất mát, hi sinh ấy sẽ trở thành những hình ảnh bất tử, lôi cuốn con người bảo vệ cái đẹp, chống lại cái xấu, phấn đấu cho cái thiện chống lại mọi cái ác, đi tới mục đích tốt đẹp.
Giáo dục thẩm mỹ bằng cái bi trong văn học nghệ thuật là hình thức hấp dẫn, do đó, nó đi vào lòng người một cách tự nhiên, tự nguyện, vì vậy mà có hiệu quả rộng lớn và lâu dài. Nếu văn học nghệ thuật là công cụ sắc bén thì giáo dục thẩm mỹ bằng cái bi trong văn học nghệ thuật giúp con người sử dụng công cụ đó để làm phong phú thế giới tinh thần của mình và hoàn thiện mình một cách hiệu quả nhất.
2. Phương thức tác động đặc thù của cái bi trong văn học nghệ thuật với việc giáo dục thẩm mỹ
2.1. Tác động bằng sự thanh lọc tâm hồn
Cái bi trong văn học nghệ thuật như trên đã phân tích, chứa đựng những giá trị thanh lọc (Katharsis) tâm hồn con người. Cho nên, giáo dục bằng cái bi làm cho tâm hồn người ta trong sáng. Khi thưởng thức cái bi trong văn học nghệ thuật, sự lo sợ ở đây không giống với sự lo sợ bình thường trong cuộc sống, đó là sự lo sợ mang tính đặc thù nghệ thuật – sự lo sợ được tạo nên có chủ đích thẩm mỹ của nhà sáng tạo. Trong tác phẩmNghệ thuật thi ca, Aristốt đã đưa ra quan điểm: “sự hãi hùng là một nỗi đau hay sự rung động nào đó do người ta ý thức được sự độc ác kinh khủng. Nó là nỗi sợ hãi tàn phá hoặc gây đau đớn”. Nỗi sợ hãi được gây ra bởi sự hiểu ra những hoàn cảnh nhất định của cuộc sống, bởi sự nhận thức ra mối nguy nan đe dọa trực tiếp con người. Ông đã nêu quan niệm “sự thương cảm là một nỗi đau đớn nào đó có hình dạng của sự tàn phá ghê gớm và đau thương trời biển xảy ra đối với người vô tội và có khả năng đẩy con người vào chốn nguy hiểm cho bản thân hoặc người nào đó. Rõ ràng là người có khả năng thương cảm là người thấy được rằng, hoặc là chính mình hoặc là ai đó trong những người thân thích của mình có thể lâm vào một tai họa nào đó. Vì thế, những người cảm thấy mình đã chết, cảm thấy rằng bây giờ mình không còn gì nữa, rằng đến đây mình đã tận cùng, đã chịu đựng đến mức không còn gì để chịu đựng nữa, những người cảm thấy mình đứng trên hạnh phúc, đứng ngoài hạnh phúc… thì không có khả năng thương cảm. Họ không thương cảm đã đành và ngược lại họ còn tức giận” (Anhikst, 2000: tr. 71). Theo ông, sự thương cảm nảy sinh từ sự chứng kiến nỗi đau khổ xảy ra với những con người vô tội và có khả năng đẩy con người vào những nguy hiểm đối với bản thân họ. Người có khả năng thương cảm là người có thể thấy được rằng, hoặc là mình, hoặc là những người mình đồng cảm, gần gũi, ruột thịt… có thể lâm vào một tai họa đang hoặc sắp xảy ra. Aristốt xác định về người đáng thương cảm rằng, chúng ta thương cảm khi nào sự lo sợ đến gần chúng ta, thương cảm những kẻ cùng cảnh ngộ với ta: theo lứa tuổi, theo tính cách, theo cách nhìn, cách cư xử… loài giống. Theo tác giả Phạm Thị Chiên thì “khái niệm lo sợ và thương cảm đối với Aristốt không chỉ có ý nghĩa xúc cảm mà còn gắn liền với bản chất xã hội của con người và những mối quan hệ đa dạng của nó với những người xung quanh” (Phạm Thị Chiên, 2013: tr. 131).
Lessing cũng phát triển thêm quan điểm của Aristốt khi cho rằng, tác phẩm chỉ đạt hiệu quả gây lo sợ và thương cảm khi nó miêu tả người anh hùng, mặc dù người đó sống ở thời đại xa xưa, như là con người đồng cảnh ngộ với chúng ta. Chính vì thế mà xuất hiện sự lo sợ rằng cái số phận của chúng ta rồi cũng chẳng khác gì thân phận của người đó, rằng chúng ta mới giống người đó làm sao, và chính nỗi lo sợ đó làm nảy sinh trong ta niềm thương cảm.
Bi kịch chữa lành những cảm xúc bằng những cảm xúc tương tự nhưng không hoàn toàn trùng hợp nhau. Trong bi kịch đó là sự thanh lọc những nỗi lo sợ và thương cảm. Sự thanh lọc ở bi kịch vượt ra ngoài khuôn khổ sinh lý để đạt đến sự thanh lọc nghệ thuật. Những tình cảm lo sợ và thương cảm trong cuộc đời chứa đựng tính chất u ám, nhưng quá trình phát triển của hành động bi kịch đã làm cho những xúc động đó được an ủi, vỗ về xoa dịu, và các trạng thái nặng nề u ám kia sẽ qua đi. Như vậy, bi kịch ngoài tác động khơi gợi sự lo sợ và thương cảm, hay nói đúng hơn là sau tác động khơi gợi sự lo sợ và thương cảm còn cần phải thực hiện một tác động hồi phục và xoa dịu đối với trạng thái tình cảm của khán giả. Butcher đã nhận định: “chức năng thanh lọc của bi kịch không đơn thuần là sự phục hồi trí não của con người sau cơn lo sợ và thương cảm mà còn là thanh lọc sự lo sợ và thương cảm kia qua phương tiện nghệ thuật” (Anhikst, 2000: tr. 79).
Chúng ta có thể thấy, tác động của cái bi trong văn học nghệ thuật chính là thông qua sự xót thương, sợ hãi và cuối cùng là đạt tới sự thanh lọc đối với con người. Khi giới thuyết về hiệu ứng tâm lý của bi kịch, Aristốt cho rằng: nó gây sợ hãi và xót thương. Nhưng cái đó chưa đủ và không phải là cái chính. Hành động bi kịch phải dẫn đến sự thanh lọc những cảm xúc ấy. Sự thanh lọc này đạt được bằng và nhờ sự giác ngộ cái lẽ sâu kín của những khổ đau bất hạnh đã đến với các nhân vật kịch. Thanh lọc theo quan niệm của Aristốt: đó là một tác động mang tính xúc cảm của cái bi đối với người thưởng thức. Trong sự giải thích của mình về sự thanh lọc, Aristốt đã quan niệm: nhờ sự lo sợ và thương cảm, bi kịch làm nảy sinh ra những tác động thanh lọc tâm hồn, tinh thần con người.
Học thuyết về sự thanh lọc của cái bi trong văn học nghệ thuật đã được Aristốt xây dựng và được các nhà nghiên cứu mỹ học cũng như nghệ thuật học tiếp cận và phát triển ở nhiều phương diện khác nhau như y học, tôn giáo, đạo đức, hình thức, lý trí…
Với tư cách một hình thức tác động đặc thù của giáo dục thẩm mỹ, cái bi trong văn học nghệ thuật tác động thanh lọc một cách tổng hợp tới tất cả các khía cạnh đạo đức, tôn giáo, lý trí, y học… Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng phân biệt được rạch ròi những khía cạnh, sắc thái này. Theo quan điểm này thì, bi kịch chữa lành những cảm xúc bằng những cảm xúc tương tự nhưng không hoàn toàn trùng hợp nhau. Sự thanh lọc trong bi kịch không đồng nhất với sự thanh lọc trong âm nhạc. Trong bi kịch đó là sự thanh lọc những nỗi lo sợ và thương cảm. Sự thanh lọc ở bi kịch vượt ra ngoài khuôn khổ sinh lí mà đạt đến sự thanh lọc nghệ thuật. Những tình cảm lo sợ và thương cảm trong cuộc đời chứa đựng tính chất u ám, nhưng quá trình phát triển của hành động bi kịch đã làm cho những xúc động đó được an ủi, vỗ về, xoa dịu và các trạng thái nặng nề u ám kia sẽ qua đi. Theo mức độ phát triển của hành động bi kịch, những trạng thái hạ đẳng sẽ chuyển lên cao hơn. Những yếu tố khó chịu len vào những tình cảm lo sợ và thương cảm diễn ra trong quá trình phát triển của hành động kịch, đó cũng là quá trình thanh lọc tâm hồn con người. Như vậy, ngoài tác động khơi gợi sự lo sợ và thương cảm, hay nói đúng hơn là sau tác động khơi gợi sự lo sợ và thương cảm, bi kịch trong văn học nghệ thuật đồng thời thực hiện một tác động hồi phục và xoa dịu đối với trạng thái tình cảm của khán giả. Chức năng thanh lọc của nghệ thuật bi kịch không đơn thuần là sự phục hồi trí não của con người sau cơn lo sợ và thương cảm mà còn là thanh lọc sự lo sợ và thương cảm kia qua phương tiện nghệ thuật. Quan điểm này được xem là quan điểm mỹ học về sự thanh lọc” (Tất Thắng, 2002: tr. 62).
2.2. Tác động bằng khoái cảm thẩm mỹ của bi kịch
Với bản chất và đặc điểm của cái bi trong văn học nghệ thuật, việc giáo dục thẩm mỹ bằng cái bi đó có tác động tâm lý tới việc gợi mở các khoái cảm bi kịch đối với người được giáo dục. Ở đây, yếu tố tâm lý có ý nghĩa hết sức quan trọng tới quá trình tạo ra khoái cảm bi kịch. Sự phản ánh cái bi trong văn học nghệ thuật mở ra cho người thưởng thức bằng hàng loạt các trạng thái tâm lý, từ đó tác động đến tình cảm. Aristốt đã phát biểu: Chúng ta yêu cầu ở bi kịch không phải đủ các loại khoái cảm mà là cái khoái cảmchỉ có ở bi kịch. Chúng ta không thể phủ nhận, bi kịch đem lại khoái cảm đặc biệt, cái khoái cảm mà kinh nghiệm khác không thể sản sinh, bởi bất cứ kinh nghiệm nào cũng có tính đặc thù của nó. Có khi khoái cảm bi kịch được giải thích là sức mạnh của nghệ thuật, là cảm giác nỗ lực, cảm giác căng thẳng, và có khi lại là một cái khiến cho tâm hồn, tinh thần có chỗ kí thác. Văn học nghệ thuật phản ánh cái bi có thể bao hàm tất cả những nguồn khoái cảm đó, nhưng mặt khác, những căn nguyên của khoái cảm này cũng không chỉ dành riêng cho nó. Chúng ta có thể thể nghiệm cảm giác cố gắng, nỗ lực trong học tập, nghiên cứu… cũng có thể kí thác tâm hồn thông qua việc chơi các môn nghệ thuật và cũng có thể hưởng thụ nghệ thuật khi nghe một bản nhạc, xem một bộ phim… Nhưng khi thưởng thức tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh cái bi phải có sự khác biệt với các hoạt động đó về mặt tình cảm thẩm mỹ.
Lý luận mỹ học mácxít đã chứng minh, cái bi trong văn học nghệ thuật hoàn toàn không chỉ là sự kinh hoàng, đau khổ. Sự sợ hãi, kinh hoàng chỉ khiến ta cảm thấy thống khổ, cuối cùng sẽ đưa ta đến cảm giác chán chường và u uất. Bi kịch trong nghệ thuật thì trái lại, sẽ khiến ta phấn chấn, hi vọng và làm cho ta cảm thấy được cổ vũ. Trong nghệ thuật hiện đại, chúng ta thấy đã từng xuất hiện nhiều tác phẩm bi kịch lạc quan trong nền nghệ thuật Xô viết. Trong bi kịch lạc quan, một chiến sĩ cách mạng ngã xuống, thì chính sự hy sinh đó đã thôi thúc trăm ngàn chiến sĩ cách mạng lớp sau đứng lên.
Nghệ thuật nói chung và nghệ thuật phản ánh cái bi nói riêng luôn mang lại khoái cảm đặc biệt. Khoái cảm do nghệ thuật mang lại khác với khoái cảm do các hoạt động thường ngày như ăn uống mang lại bởi nó đã tạo ra trong con người một sức mạnh kỳ diệu. Khát vọng tự do, công bằng, tình yêu lứa đôi, gia đình, đất nước của con người được thỏa mãn do hình tượng chứa đầy sức sống của cái đẹp mang lại. Sự hy sinh của những nhân vật anh hùng trong nghệ thuật bi kịch không chỉ phản ánh cuộc chiến đấu hào hùng, mãnh liệt trong những giai đoạn lịch sử của đời sống mà từ cái đẹp trên mức bình thường này đã cuốn hút hàng vạn người vươn dậy bảo vệ và làm cho cuộc sống đẹp hơn.
Thông thường, khi tiếp xúc với các tác phẩm nghệ thuật bi kịch, người thưởng thức luôn có sự hòa trộn những tình cảm đau đớn và khoái cảm, tất nhiên đây là khoái cảm bi kịch. Cái nỗi đau đớn và sự khoái cảm đó không thể chia ra mà chúng phải đi liền với nhau. Sự khoái cảm mà bi kịch đem lại có tính chất đối lập với sự khoái cảm thể xác, hay là sự khoái cảm nhục dục. Sự khoái cảm bi kịch chính là sự khoái cảm tự do, trong đó có sự tham gia của các lực lượng tinh thần, trí tuệ và cả sự tưởng tượng. Sự thỏa mãn về mặt thể xác chỉ có thể xâm chiếm con người ta, khi mà con người cảm thấy một tình cảm thích thú bởi hành động hợp lý của các chức năng bình thường của cơ thể. Còn với khoái cảm bi kịch, nó chỉ được hình thành khi có sự kết hợp giữa tính hợp lý và cảm giác thích thú. Sinle – tác giả của những vở bi kịch nổi tiếng như Âm mưu và tình yêu, Những tên cướp… đã gọi đây chính là nghệ thuật rung động, nghệ thuật của tình cảm, của trái tim.
Một trong những điều bí ẩn lớn lao của cái bi trong văn học nghệ thuật chính là sự chuyển biến nỗi đau sang niềm phấn khích. Chính David Hium trong tác phẩm Bàn về bi kịch đã phát hiện điều này. Văn học nghệ thuật phản ánh cái bi trong cuộc sống tạo nên những xúc động to lớn cho nhân loại suốt mấy ngàn năm lịch sử. Các tác phẩm Prômêtê bị xiềng của Étsin, Êđip làm vua của Xôphốc và Ăngtigon của Ơripít; Hămlét, Ôtenlo, Rômêô và Jiuliét của Sếchpia, Andromaque của Raxin, Phaoxtơ của Gớt, và cả một nền nghệ thuật bi kịch Nga với đủ các loại hình loại thể đã mang lại cho nhân loại những tình cảm cao quý, nỗi xúc động và giá trị văn hóa không gì có thể sánh được.
Các nhân vật bi kịch cổ đại, trung đại và cận, hiện đại đã hấp dẫn nhân loại bằng những chủ đề, các khát vọng và lý tưởng cuồng nhiệt của họ. Prômêtê, Ăngtigôn, Mêđê, Ôtenlô, Hămlét đã đau khổ vì tình yêu con người, đã mang đầy khát vọng bảo vệ đạo đức cao cả, đã tố cáo các thế lực đồng tiền, chấp nhận hy sinh, tôn trọng danh dự và kiên quyết chiến đấu chống lại sự phân biệt chủng tộc.
Một điều thú vị là, cảm xúc thẩm mỹ do cái bi đem lại trên cái nền đau thương của kịch tính lại chính là cảm xúc phấn chấn, hân hoan khi cái đẹp được tôn vinh, cái ác bị lột mặt nạ. Vậy điều gì đã làm nên sự đặc thù trong việc hình thành những cảm xúc thẩm mỹ cho chủ thể? Khi thưởng thức bi kịch, người ta nhỏ lệ, người ta biểu lộ sự đồng tình hay lòng trắc ẩn, người ta biểu lộ trạng thái tươi trẻ, tâm hồn thư thái. Nhiều tình huống bi kịch thường đem lại cho ta những ý nghĩ ngọt ngào tươi mát vì nó đánh thức lương tâm, kêu gọi lòng khoan dung và gợi mở tấm lòng vị tha cao cả.
Vấn đề niềm vui và sự sợ hãi, căm giận và khoái lạc trong bi kịch đã được rất nhiều nhà mỹ học nổi tiếng ở Châu Âu thế kỷ XVII – XVIII nghiên cứu. Rútxô – nhà tư tưởng Khai sáng Pháp cho rằng bi kịch là sự biểu lộ niềm hân hoan khoái lạc trước tai họa. Sau này E. Faguet khai triển tư tưởng của Rútxô và cho rằng, con người là một mãnh thú, tìm khoái lạc trước đau khổ của kẻ khác. Ông chứng minh điều đó ở những cuộc thi đấu giữa người và thú trong thời La mã; những cuộc đấu bò rừng ở Tây Ban Nha, những vụ hành hình tàn khốc đối với kẻ khác tôn giáo thời Trung cổ; người ta thích đọc báo có những tin tức về các vụ đâm chém nhau… (Tsécnưsépxki N. A., 1962: tr. 376 – 379).
Nhà lý luận người Anh thế kỷ XVIII E. Burker đưa ra lý thuyết thuyết tính thiện ngược lại với thuyết tính ác. Theo ông, cảm giác vui trong bi kịch là do lòng trắc ẩn, hay là sự đồng tình với nỗi đau của con người: “Chính những sự rủi ro bất hạnh ấy cũng khiến ta cảm thấy khoan khoái” (Tsécnưsépxki N. A., 1962: tr. 380). Nghĩa là, chúng ta đồng cảm và thương xót với Prômêtê, với Ăngtigôn, với Hămlét, nên chúng ta sẽ thấy vui vẻ khi thấy các nhân vật đại diện cho cái ác, cái xấu trong tác phẩm chết một cách bi thảm.
Hai nhà tư tưởng Dubos và Thomas lại giải thích vấn đề này bằng nguyên nhân tâm lý. Theo họ, bản tính con người vốn hiếu động, thích những cảm giác mạnh. Sự kích thích càng mạnh thì cảm xúc vui càng đậm. Bi kịch là liều thuốc công hiệu giúp con người vui. Dubos và Thomas quan niệm: “Bi kịch lấy chết chóc làm đề tài, vì cứ xét theo tổ tông của chúng ta xưa, sự chết chóc là một tai họa to lớn nhất, là một sự kiện khủng khiếp nhất, cho nên nó là một thứ từ thạch mạnh nhất gây kích động cho óc tưởng tượng” (Tsécnưsépxki N. A., 1962: tr. 352). Nhưng thế thì tại sao tai họa thực ngoài đời không làm cho con người thích. Những tai họa tưởng tượng trong nghệ thuật lại làm người ta thích. Fontenelle cho rằng, khoái lạc và đau khổ tuy khác nhau, nhưng nguyên nhân chỉ là một. Giống như sự gãi cào ngoài da, gãi cào mạnh thì đau, nhẹ thì thích thú. Bi kịch là đem những sự đau khổ thực vào trong nghệ thuật. Tuy đó là thực tại, nhưng lại không phải là thực tại.
Cái bi không chỉ đơn giản khiến ta vui vẻ như cái hài, nó còn có thể khiến ta cảm động một cách sâu sắc, cổ vũ và làm ta phấn chấn. Cái hài chủ yếu tác động lý trí còn cái bi thì rung động sâu xa trong nội tâm ta, kích phát những nỗi niềm. Bi kịch kích gợi nỗi lòng, hoặc như chính Aristốt đã sớm chỉ ra – đó là sự khích gợi niềm thương xót và sợ hãi. Sự thương xót được cấu thành từ hai nhân tố: sự đồng tình hoặc yêu quý đối với khách thể cùng nỗi tiếc thương nảy sinh trước cảnh thống khổ. Trong bi kịch, thương xót chủ yếu được khơi gợi lên từ cảm giác số mệnh. Chúng ta cảm thấy tiếc nuối cho việc tại sao sự tình lại đến nông nỗi như thế, trong khi xuất phát từ sự đồng tình đối với con người, ta hy vọng sâu xa rằng nó phải thành ra một cảnh tượng khác. Những cảnh tượng đó thường nhuốm lên cho bi kịch một sắc điệu u uất và bi quan, nhưng đó là sự u uất phản kháng cái ác, cho nên, chính cái sắc thái u uất đó khiến cho nó đến gần một vẻ đẹp thanh tú mang chút bi ai cảm, làm hình thành cái đẹp đặc thù.
2.3. Tác động bằng hình tượng bi kịch
Nói đến nghệ thuật là nói đến hình tượng nghệ thuật. Ý tưởng, tư tưởng, tình cảm trong tác phẩm vào văn học nghệ thuật bộc lộ ra thông qua hệ thống hình tượng nghệ thuật. Chính vì vậy, cái bi trong văn học nghệ thuật tác động đến sự hình thành các yếu tố thẩm mỹ của người được giáo dục thông qua giáo dục thẩm mỹ bằng hệ thống hình tượng. Cũng giống như các tác phẩm nghệ thuật phản ánh các hiện tượng thẩm mỹ khác, các tác phẩm văn học nghệ thuật khi phản ánh cái bi cũng có một sức mạnh to lớn khi phản ánh thế giới hiện thực bằng hình tượng. Chính công cụ này đã giúp cho tác phẩm phản ánh đời sống một cách sinh động và giống với những gì đang tồn tại trong đời sống con người, trong cuộc sống xã hội.
Hình tượng trong tác phẩm bi kịch luôn mang trong nó khả năng biểu cảm và thể hiện cuộc sống như nó đang tồn tại. Các gam màu, các âm thanh của cuộc sống, các mâu thuẫn, các xung đột của thời đại, các số phận con người, những tình cảm xúc động của con người… không có hình thức nào có thể biểu hiện tốt hơn hình tượng bi kịch. Nó phản ánh thế giới hiện thực thông qua lăng kính của quan hệ chủ quan – khách quan, nó chứa đựng trong mình cái chung và cái riêng, cái chủ quan và cái khách quan, cái thực và cái ước lệ. Theo cách ví von của tác giả Nguyên Văn Huyên, hình tượng bi kịch với tư cách là thành quả sáng tạo có định hướng của các nghệ sĩ bao giờ cũng trở thành một “tín hiệu thẩm mỹ”. Tín hiệu đó tập trung và cô đặc cao độ tình cảm, cảm xúc, lý trí, kinh nghiệm của con người. Nó được soi sáng và phản chiếu bởi muôn vàn màu sắc của cuộc sống, nó mang ước mơ, ý chí và lý tưởng của loài người tiến bộ, nó giúp con người hiểu chính mình, nâng cao niềm tin của họ và phát triển ở họ khát vọng về chân lý, biết tìm ra cái tốt ở họ, khơi dậy trong tâm hồn họ sự xấu hổ, nỗi tức giận, lòng quả cảm, làm tất cả để con người trở thành mạnh mẽ một cách cao thượng và có thể làm cho cuộc sống của mình tràn đầy tinh thần cái đẹp thiêng liêng.
Cái bi trong nghệ thuật muốn đạt tới tác dụng giáo dục mạnh mẽ một cách nhẹ nhàng thì phải trải qua quá trình điển hình hóa hay nói cách khác cái bi trong đời sống và cái bi trong nghệ thuật có sự tương tác với nhau cả về mặt đối tượng phản ánh lẫn hiệu quả của phản ánh. Cái bi trong nghệ thuật là quá trình điển hình của nghệ sĩ gắn với các quy mô thẩm mỹ của cái bi trong đời sống. Cái bi trong nghệ thuật đó là khoảng cách hóa cuộc sống một cách nghệ thuật. Đó cũng là bản chất, chức năng của nghệ thuật phản ánh cái bi.
Sự tái hiện đặc thù thế giới hiện thực trong các tác phẩm bi kịch với tính cách là cơ chế tổng hợp cảm xúc của tình cảm thẩm mỹ được thể hiện thông qua nguồn năng lượng xã hội đã được tích lũy trong các hình tượng. Khi tác động đến thế giới tình cảm của con người nó có một sức mạnh to lớn đến mức nhiều khi con người không kiểm soát được hành vi của mình.
Đặc trưng tính cách của hình tượng bi kịch là sự mãnh liệt, khát vọng to lớn và say mê cuồng nhiệt. Các mâu thuẫn, xung đột trong bi kịch bao giờ cũng là cuộc đấu tranh to lớn giữa hai lực lượng tập trung. Trong mọi cuộc đấu tranh, cái bi luôn phản ánh những tính cách, những nhân vật luôn luôn vươn lên chống lại số mệnh mặc dù họ biết không thay đổi được. Cái bi trong nghệ thuật là vậy. Nó không chỉ thể hiện sự bất lực của con người, không chỉ mang đến sự tuyệt vọng không chút hy vọng cho con người, ngược lại nhằm nhấn mạnh những biểu hiện và hành động dũng cảm của con người khi đứng trước những lực lượng bất khả kháng. Con người nhất định phải thông qua hành vi của chính mình đấu tranh cho dù kết quả cuộc đấu tranh luôn thất bại.
Con người được phản ánh trong văn học nghệ thuật nói chung, trong bi kịch nói riêng luôn mạnh mẽ, không vì sự yếu đuối của bản thân mà ngồi chờ chết, ngược lại, kẻ nhỏ bé đó luôn luôn chứa đựng khát vọng vươn lên đấu tranh chống lại kẻ lớn mạnh, thậm chí càng nhỏ bé càng đấu tranh, chính bản thân hành vi đấu tranh quyết liệt này đã xây dựng nên bản chất hạt nhân nhất của bi kịch.
3. Kết luận
Cái bi trong văn học nghệ thuật của nhân loại suốt mấy ngàn năm nay đều có sự liên minh giữa cái đẹp và cái tốt để chống lại cái xấu và cái ác. Những vấn đề lớn lao nhất cũng như những vấn đề tâm tư sâu thẳm nhất của nhân loại trong suốt mấy ngàn năm qua đều nằm trong bí mật của bản chất thẩm mỹ của cái bi trong thế giới văn học nghệ thuật tuyệt vời và huyền ảo.
Giáo dục thẩm mỹ có vị trí rất quan trọng trong việc xây dựng những con người phát triển toàn diện và hài hòa. Nó có thể phát huy được toàn bộ những khả năng của con người, định hướng cho con người hành động theo quy luật của cái đẹp. Giáo dục thẩm mỹ chính là quá trình hình thành năng lực thẩm mỹ cho con người, từ đó có thể nhân danh cái đẹp để thưởng thức, đánh giá và sáng tạo. Với tư cách là một hình thái khác của cái đẹp; cái bi, đặc biệt là cái bi trong văn học nghệ thuật đã trở thành một nội dung quan trọng của giáo dục thẩm mỹ./.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
- 1. Anhikst (2000): Lý luận kịch từ Arixtốt đến Lessin, Tất Thắng dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội.
- 2. Phạm Thị Chiên (2013): Bi kịch trong văn học Việt Nam hiện đại, Luận án tiến sĩ văn học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
- 3. Tất Thắng (2002): Về thi pháp kịch, Nxb. Sân khấu, Hà Nội.
- 4. Tsécnưsépxki N. A. (1962): Quan hệ thẩm mỹ của nghệ thuật đối với hiện thực, Nxb. Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội.
- Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ↩︎