BÁO CHÍ VỚI VIỆC KẾ THỪA VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Tạp chí Nghiên cứu Triết học

Biên tập viên

PGS. TS. Nguyễn Thu Nghĩa 1


1. Đặt vấn đề

Hội nhập quốc tế sâu rộng đã tạo ra những biến đổi sâu sắc không chỉ trong phạm vi một nước, một khu vực, mà trên quy mô toàn cầu. Hội nhập quốc tế chính là quá trình làm gia tăng mạnh mẽ các mối liên hệ gắn kết, tác động, phụ thuộc lẫn nhau, mở rộng quy mô và cường độ hoạt động của các khu vực, các quốc gia. Những biến đổi mới, những vấn đề mới nảy sinh trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội đòi hỏi sự nỗ lực của các chủ thể trong việc kế thừa và phát huy giá trị đạo đức. Bởi lẽ, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của mình, nhất là các giá trị đạo đức sẽ giúp mỗi quốc gia, dân tộc phát triển hài hòa, không bị tác động bởi những giá trị mang tính tiêu cực.

Để kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc nói chung và giá trị đạo đức truyền thống nói riêng báo chí có một vai trò vô cùng quan trọng. Với tư cách chủ thể nòng cốt trong kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, các cơ quan truyền thông, báo chí, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của các báo, đài từ trung ương đến địa phươngđã kịp thời định hướng thông tin, phản bác các thông tin xấu độc liên quan đến đạo đức, ngăn chặn việc phát tán vào trong nước nhiều tài liệu, phim ảnh, sách báo có nội dung xuyên tạc, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục cũng như các hạn chế các trang thông tin khai thác các mặt trái, tiêu cực để kích động nhân dân, tác động xấu đến đạo đức, lối sống của nhân dân. Các cơ quan báo chí tăng cường đăng tải những thông tin tích cực, có sức thuyết phục đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch điển hình, xây dựng các chuyên mục hay, thu hút sự quan tâm theo dõi của nhiều độc giả để lan tỏa các thông tin tích cực, góp phần định hướng nhận thức, tư tưởng của cộng đồng mạng, trong đó có chú trọng định hướng các giá trị tốt đẹp của dân tộc và nhân loại.

2. Thành tựu của báo chí trong kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc

Báo chí, cụ thể là các cơ quan truyền thông, báo chí, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của các báo, đài từ trung ương đến địa phươngđã có nhiều đổi mới, góp phần quan trọng vào việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong điều kiện hội nhập quốc tế. Công tác truyền thông đã thành công trong việc nêu cao các giá trị đạo đức như tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, khoan dung, tinh thần đoàn kết,… Thành tựu của các cơ quan truyền thông, báo chí, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của các báo, đài từ trung ương đến địa phương, các hội văn học nghệ thuật, các viện bảo tàng,.. trong việc kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống được thể hiện ở hình thức, nội dung cũng như chất lượng và số lượng sản phẩm tuyên truyền.

Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường vụ Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy các tỉnh thành trong cả nước đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, có hệ thống các nội dung giá trị đạo đức truyền thống chủ yếu bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, phù hợp đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Các ngày lễ, dịp kỷ niệm cũng như sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh và các địa phương đều được quan tâm, tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người có thể ghi nhớ lại, hun đúc thêm về truyền thống yêu nước, tinh thần tự cường, để thế hệ trẻ có thể thêm tự hào về truyền thống của cha ông, về những khó khăn, gian nan, vất vả mà các thế hệ trước đã trải qua, để có thêm quyết tâm và nghị lực xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng đàng hoàng hơn, đẹp đẽ hơn, giàu mạnh hơn.

Các cơ quan truyền thông, báo chí các tỉnh, thành trong cả nước xây dựng tin, bài phong phú, đa dạng, tăng thời lượng và chất lượng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về đạo đức, lối sống, xây dựng môi trường văn hoá, khu phố văn hoá, gia đình văn hoá,… Các tạp chí và báo lớn đều có chuyên mục về xây dựng Đảng, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh,.. Đài Phát thanh và Truyền hình cả nước đã đưa rất nhiều tin, bài về các hoạt động, phong trào, các mô hình, tập thể, cá nhân, gương người tốt, việc tốt, điển hình trong lao động, học tập, chiến đấu.

Các tạp chí, bản tin nội bộ, trang thông tin điện tử của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong cả nước thường xuyên đăng tải tin, bài, truyện ngắn, thơ, hình ảnh… về những tấm gương người tốt, việc tốt là góp phần tuyên truyền, cổ động về chủ đề kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, xây dựng nền tảng đạo đức, văn hoá, tinh thần cho xã hội. Có thể kể đến một số chuyên mục như: “Người tốt – Việc tốt” của trang điện tử báo Nhân dân; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trang Thông tin điện tử của huyện Châu Thành, Sóc Trăng; “Gương người tốt, việc tốt” trang Thông tin điện tử của tỉnh Quảng Bình; “Sổ tay người tốt, việc tốt” trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của thành phố Cần Thơ; “Mỗi ngày một tin tốt – Mỗi ngày một câu chuyện đẹp”, “Mô hình – Gương điển hình” tại trang Thông tin điện tử của Tỉnh Đoàn và fanpage Cổng Thông tin điện tử Tỉnh Đoàn Phú Yên;…

Việc kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức luôn được tiếp tục quan tâm, đổi mới với nhiều cách thức sáng tạo. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo mang lại hiệu quả. Nhiều địa phương sử dụng các hình thức, phương tiện truyền thông mới bên cạnh các phương tiện truyền thông truyền thống như báo, đài, truyền hình, chuyên mục trên báo chí, đó là việc ra đời các trang, chuyên mục trên Facebook, Zalo,.. tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, .. nhiều nơi đã chủ động, sáng tạo trong tham mưu thiết lập và ra mắt ứng dụng để cài đặt và quét mã QR sử sụng tiện lợi trên điện thoại, Ipad,.. có nhiều trang đăng tải các sách, vở, bài viết liên quan đến việc kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống.

Do đổi mới về hình thức tuyên tuyền, kết hợp cả các hình thức tuyên truyền truyền thống và hiện đại mà số lượng các sản phẩm tuyên truyền trong những năm qua về kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống đã tăng lên đáng kể. Các giải thưởng sáng tác, quảng bá, giao lưu, triển lãm các tác phẩm văn học – nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, về các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước như Chiến thắng Điện Biên Phủ, Giải phóng Thủ đô, Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ biển đảo quê hương,.. được đông đảo các văn nghệ sĩ chuyên và không chuyên nhiệt tình tham gia.

Năm 2012, Khi tình hình biển Đông có những biến động phức tạp, đã có rất nhiều nhà thơ, nhà văn tham gia cuộc thi viết thơ – nhạc với chủ đề “Đây biển Việt Nam” do báo điện tử Vietnamnet phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông Quê hương tổ chức. Chỉ trong vòng bốn tháng, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1000 tác phẩm Thơ và hơn 400 tác phẩm Nhạc gửi tới tham dự chương trình. Ban tổ chức đã trao 23 giải thưởng các loại. Cuộc thi không chỉ tạo hiệu ứng xã hội rộng rãi với rất đông tác giả tham dự, còn thu hút nhiều tên tuổi lớn trong làng thơ, làng nhạc Việt tham gia, như các nhà thơ Lê Thị Mây, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Ngọc Phú, Ngô Minh, Phan Hoàng, Hoàng Trần Cương, Trịnh Công Lộc, Nguyễn Thánh Ngã, Đỗ Trọng Khơi…; các nhạc sĩ: Đinh Trung Cẩn, Lê Mây, Vũ Thiết, Trần Tựa, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Tôn Nghiêm,… Cuộc thi đã nhận được nhiều tác phẩm thơ, nhạc có chất lượng nghệ thuật cao, nội dung phong phú đa dạng, nhiều cách tiếp cận với chủ đề biển đảo, khắc họa sâu sắc và tinh tế tình yêu, niềm tự hào về con người, về thiên nhiên vùng biển đảo Việt Nam, lòng yêu nước cùng khát vọng hòa bình, hữu nghị của dân tộc Việt Nam cùng quyết tâm bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương.

Rất nhiều bài hát trong cuộc thi này đã thắp sáng ngọn lửa yêu quê hương đất nước; khích lệ và cổ vũ tinh thần và ý chí bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Với chất lượng nghệ thuật cao, nội dung phong phú, đa dạng, khi viết về chủ đề biển đảo, rất nhiều tác phẩm thơ, nhạc đã khắc họa sâu sắc niềm tự hào về con người, về thiên nhiên vùng biển đảo Việt Nam. Rất nhiều tác phẩm âm nhạc đã thể hiện được lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, hữu nghị của dân tộc Việt Nam.

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, quảng bá, tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần vào việc kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, trong những năm qua chúng ta đã triển khai“Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều tỉnh thành trong cả nước tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng tham gia sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật góp phần đẩy mạnh tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng đạo đức, nhân cách, tâm hồn và tình cảm con người Việt Nam; đề cao các giá trị chân – thiện – mỹ; đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Các phương tiện thông tin đại chúng như báo, Đài Phát thanh – Truyền hình, các bản tin, Cổng Thông tin điện tử; các website của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị – xã hội… đã dành thời lượng thích hợp đăng tải nội dung thông tin hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm; mở chuyên trang, chuyên mục đăng tải các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Các Hội Văn học – Nghệ thuật, Hội Nhà báo từ trung ương đến địa phương thường xuyên tuyên truyền, động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu, hoạt động văn hóa nhiệt tình hưởng ứng, tham gia vào các hoạt động này.

Gần đây nhất nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ rất nhiều hoạt động được tổ chức đặc biệt là tuần phim về Điện Biên. Ngoài 4 phim tài liệu do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất: Hùng ca Điện Biên Phủ, Cột mốc vàng Điện Biên Phủ, Nhìn lại Điện Biên, Điện Biên Phủ trận quyết chiến lịch sử, còn có 4 bộ phim truyện điện ảnh đã để lại tiếng vang rất lớn về sự kiện nay là Hoa ban đỏ do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất năm 1994; Ký ức Điện Biên sản xuất năm 2004 và Sống cùng lịch sử năm 2014 của Hãng phim truyện Việt Nam.

Các bộ phim này không chỉ được trình chiếu tại rạp chiếu phim Điện ảnh Quân đội từ ngày 3 đến 6/5/2024 mà còn được đăng tải trên các trang mạng xã hội đã giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cả nước thêm một lần nữa hiểu về giá trị lịch sử, ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ thời điểm đó và hiện thời. Điều này góp phần phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng, khát vọng hòa bình, độc lập và phát triển đất nước, cùng như động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục cố gắng để đạt thêm nhiều thành tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay vì như GS.TS Đinh Xuân Dũng nhận định: Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng và đỉnh cao của văn hoá giữ nước (Đinh Xuân Dũng, 2024).

3. Hạn chế của báo chí trong kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc

Các cơ quan truyền thông, báo chí và đội ngũ phóng viên, cộng tác viên đóng vai trò quan trọng trong việc kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam. Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế xuất phát từ việc thiếu chuyên môn sâu và đào tạo bài bản.Một số phóng viên và cộng tác viên có thể thiếu kiến thức đủ rộng và sâu sắc về giá trị đạo đức truyền thống, dẫn đến việc truyền tải thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ. Các cơ quan truyền thông thường bị áp lực phải tạo ra các nội dung thu hút người xem, dẫn đến việc ưu tiên các tin tức giật gân hoặc câu khách thay vì các nội dung về giá trị đạo đức truyền thống. Một số phóng viên và cộng tác viên có thể bị cuốn vào việc chạy theo tin tức giật gân hoặc không tuân thủ các quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp, làm giảm uy tín của các cơ quan truyền thông và ảnh hưởng đến việc truyền tải giá trị đạo đức truyền thống.Đôi khi thiếu sự đa dạng trong nội dung truyền tải. Nhiều cơ quan truyền thông có thể tập trung quá nhiều vào một số khía cạnh nhất định của một số giá trị đạo đức truyền thống nào đó mà bỏ qua những giá trị đạo đức khác, làm cho thông tin không được toàn diện và phong phú. Điều này cũng có thể đến từ sự kiểm soát và định hướng thông tin.Sự kiểm soát chặt chẽ các thông tin từ phía các cơ quan quản lý có thể làm giảm tính sáng tạo và sự đa dạng trong nội dung, khiến cho việc truyền tải giá trị đạo đức truyền thống bị hạn chế.

Một hạn chế đối với các cơ quan truyền thông, báo chí, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của các báo, đài từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là ở địa phương, có thể đến từ việc thiếu nguồn lực để tiếp cận và sử dụng các công nghệ và phương tiện truyền thông mới, những khó khăn về tài chính và thiếu nhân lực chất lượng cao để sản xuất các nội dung chất lượng về giá trị đạo đức truyền thống làm giảm khả năng lan tỏa thông tin về giá trị đạo đức truyền thống. Vì khó có thể cạnh tranh được với các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại ở những lĩnh vực khác. Sự thiếu phối hợp và liên kết giữa các cơ quan truyền thông từ trung ương đến địa phương có thể dẫn đến sự phân tán thông tin và giảm hiệu quả trong việc truyền tải về các giá trị đạo đức truyền thống.

Một hạn chế không đến từ các cơ quan truyền thông, báo chí, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của các báo, đài từ trung ương đến địa phương nhưng lại rất có ảnh hưởng đến việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, đó là sự thay đổi nhanh chóng của thị hiếu công chúng. Thị hiếu và sự quan tâm của công chúng thay đổi nhanh chóng, làm cho việc duy trì sự quan tâm đối với các giá trị đạo đức truyền thống trở nên khó khăn. Sự thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại và sự du nhập của các giá trị văn hóa mới có thể làm cho các giá trị đạo đức truyền thống bị lu mờ hoặc bị coi nhẹ.

4. Một số giải pháp nâng cao vai trò của báo chí trong kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc

Trong thời gian tới, để có thể nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí trong việc kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc ở Việt Nam, theo chúng tôi cần phải có một số giải pháp như: Tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức cho người làm báo trong việc phát huy các giá trị đạo đức truyền thống như tổ chức các khóa học chuyên sâu về đạo đức nghề nghiệp, tập trung vào các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, mời các chuyên gia văn hóa, sử học và đạo đức để giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm. Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm với các chủ đề liên quan đến giá trị đạo đức truyền thống và vai trò của báo chí trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị này. Khuyến khích sự tham gia của các nhà báo, nhà nghiên cứu, và đại diện cộng đồng. Tổ chức các chuyến thăm quan, trải nghiệm thực tế tại các di tích lịch sử, văn hóa để các nhà báo hiểu rõ hơn về các giá trị truyền thống. Khuyến khích nhà báo tham gia vào các dự án cộng đồng, hoạt động xã hội để trải nghiệm và ghi nhận các giá trị đạo đức truyền thống trong cuộc sống hàng ngày. Cung cấp các khóa học về kỹ năng viết bài, phỏng vấn, và sử dụng ngôn ngữ tôn trọng giá trị truyền thống. Hướng dẫn nhà báo cách khai thác các câu chuyện, sự kiện liên quan đến giá trị đạo đức một cách trung thực và có trách nhiệm. Thực hiện các cuộc khảo sát, đánh giá định kỳ để đo lường hiệu quả của các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức. Dựa trên phản hồi và kết quả đánh giá, liên tục cải tiến các chương trình đào tạo để đáp ứng tốt hơn nhu cầu và thực tiễn của nghề báo.

Sự du nhập của các giá trị văn hóa ngoại lai có thể làm mờ nhạt hoặc thay thế các giá trị truyền thống. Đặc biệt, giới trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại nhập thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Do đó, các cơ quan truyền thông, báo chí, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của các báo, đài từ trung ương đến địa phương cần tăng cường giáo dục và truyền thông về giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời khuyến khích sự tự hào về văn hóa dân tộc. Cần tạo ra các chương trình văn hóa hấp dẫn để cạnh tranh với các giá trị ngoại lai. Quán triệt một cách sâu sắc hoạt động báo chí không chỉ vì mục tiêu kinh doanh, kinh tế mà còn vì lợi ích xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng văn minh, đạo đức.

Các cơ quan truyền thông, báo chí, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của các báo, đài từ trung ương đến địa phương cần tăng cường sử dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để quảng bá và giáo dục về giá trị đạo đức truyền thống. Tận dụng các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa thông tin và tạo sự tương tác với độc giả. Sử dụng công nghệ để sản xuất nội dung đa phương tiện, thu hút sự quan tâm của mọi người. Tạo ra các nội dung số hấp dẫn và phù hợp với giới trẻ để giữ gìn và phát huy các giá trị này.

Chủ nghĩa cá nhân và sự giảm sút của các mối quan hệ xã hội truyền thống có thể làm suy yếu các giá trị đạo đức tập thể và gia đình, nên cần tăng cường các hoạt động cộng đồng, gia đình và các chương trình giáo dục về vai trò của tập thể và gia đình trong việc duy trì các giá trị đạo đức truyền thống.

Tăng cường nội dung truyền thông về giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Phát triển các chuyên mục, chương trình và bài viết tập trung vào việc tôn vinh và quảng bá các giá trị đạo đức truyền thống. Tăng cường hợp tác với các chuyên gia văn hóa, sử học để đảm bảo nội dung chính xác và phong phú. Tạo ra các diễn đàn, sự kiện giao lưu để người dân có thể chia sẻ và thảo luận về các giá trị đạo đức. Những giải pháp này sẽ giúp nhà báo không chỉ nắm vững các giá trị đạo đức truyền thống mà còn biết cách áp dụng chúng một cách hiệu quả trong công việc, góp phần xây dựng một nền báo chí có đạo đức, trách nhiệm và gắn kết với các giá trị đạo đức truyền thống.

Sử dụng truyền thông để nâng cao nhận thức công chúng về kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống. Trong lịch sử  điện ảnh có một phim làm rất tốt công việc này đó là “Trời sắp mưa”. Đây là một phim hoạt hình ngắn chỉ với thời lượng 20 phút nhưng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử hợp tác điện ảnh giữa Việt Nam và Liên Xô. Phim được thực hiện bởi đạo diễn Vladimir Polkovnikov, Mikhail Volpin và Lê Minh Hiền cùng viết kịch bản. Phim lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian Việt Nam quen thuộc “Cóc kiện trời”. Nội dung phim kể về cuộc hành trình của các loài vật dưới sự lãnh đạo của Cóc để chống lại nạn hạn hán và yêu cầu trời mưa. Sự dũng cảm và quyết tâm của Cóc đã làm cho các loài vật khác phải nể phục và cùng nhau hợp tác để đạt được mục tiêu chung. Đây là một câu chuyện truyền tải thông điệp về sự đoàn kết, lòng kiên nhẫn và tinh thần không khuất phục trước khó khăn​, bộ phim mang lại một câu chuyện phong phú về tinh thần đoàn kết và lòng dũng cảm thông qua hình ảnh các loài vật đối mặt với thiên tai và thách thức​. Điểm đặc biệt của bộ phim là cách kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật hoạt hình Liên Xô với yếu tố văn hóa dân gian Việt Nam. Các nhân vật trong phim được thiết kế với những đặc điểm và hành vi gần gũi với câu chuyện gốc, cùng với việc sử dụng âm nhạc và họa tiết đặc trưng Việt Nam, đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo và đầy sức hấp dẫn​. Trong phim, nhiều làn điệu dân ca như: Yêu nhau cởi áo cho nhau, Se chỉ luồn kim, Trống cơm… cũng như những vẻ đẹp từ tranh Việt cổ được thể hiện rất tinh tế. Do vậy, “Trời sắp mưa” không chỉ nhận được sự yêu thích từ khán giả Việt Nam mà còn được đánh giá cao tại Nga, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành hoạt hình Việt Nam trong những năm đầu ra mắt. Bộ phim không chỉ mang tính giải trí mà còn có giá trị giáo dục cao, giúp khán giả hiểu thêm về ý nghĩa của các giá trị đạo đức truyền thống như sự đoàn kết và lòng dũng cảm​. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải có nhiều tác phẩm xuất sắc, thể hiện sự sáng tạo và tinh thần hợp tác quốc tế, đồng thời giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như “Trời sắp mưa”. Và báo chí có nhiệm vụ lan tỏa các giá trị tốt đẹp này.

5. Kết luận

Việc kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội, từ việc giáo dục, tuyên truyền đến việc thực thi các chính sách bảo tồn văn hóa. Đồng thời, cần có sự đổi mới và sáng tạo trong phương pháp giáo dục và truyền thông, nhằm thu hút sự quan tâm của giới trẻ và khơi dậy lòng tự hào về các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc. Báo chí với vai trò cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại, không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy giá trị đạo đức truyền thống mà còn giúp định hình một tương lai phát triển bền vững và hòa nhập toàn cầu./.

CHÚ THÍCH

(*) Bài viết là sản phẩm của đề tài cấp Bộ (2023-2024): “Kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay”.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  • 1.   Đinh Xuân Dũng (2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ – Biểu tượng và đỉnh cao của văn hóa giữ nước Việt Nam. https://nhandan.vn/chien-thang-dien-bien-phu-bieu-tuong-va-dinh-cao-cua-van-hoa-giu-nuoc-viet-nam-post807536.html.
  1. Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ↩︎

Bài liên quan

Bài đăng mới