BÀN VỀ MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA TRIẾT HỌC GIÁO DỤC JOHN DEWEY

PGS. TS. Đinh Ngọc Thạch & TS. Nguyễn Thị Luyện

Trường Đại học KHXH & NV, ĐHQG-HCM & Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

1. Đặt vấn đề

Cùng với Charles Peirce – người sáng lập ra chủ nghĩa thực dụng, William James – vị “giáo chủ” của chủ nghĩa thực dụng, người làm cho chủ nghĩa thực dụng trở nên phổ biến, Dewey đã tiếp thu, hệ thống hóa và phát triển chủ nghĩa thực dụng thêm một bước mới theo đúng ý nghĩa là một trào lưu tư tưởng nổi bật so với các trào lưu tư tưởng của thế kỷ XX. Dewey là người vận dụng thành công những nguyên lý của chủ nghĩa thực dụng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là chính trị và giáo dục.

Đã có khá nhiều công trình trong và ngoài nước tìm hiểu triết học của Dewey, trong đó có triết học giáo dục. Trong bài viết này, chúng tôi rút ra một số đặc điểm của triết học giáo dục Dewey, qua đó làm rõ thêm bước chuyển có tính đột phá, “cách mạng” trong lịch sử tư tưởng giáo dục, cũng như dấu ấn của bước chuyển đó trong thời đại hiện nay.

2. Nội dung

John Dewey sáng lập trường thực nghiệm (do chính ông là hiệu trưởng) mang tên Chicago Laboratory School of Education (Trường thực nghiệm giáo dục Chicago – còn được gọi tắt là “Trường học Dewey”) vào năm 1896. Trường học này thay phương pháp giáo dục truyền thống nặng về lý thuyết và “nhồi” kiến thức bằng phương pháp khơi dậy niềm hứng thú cho người học thông qua thực hành, theo nguyên tắc “học, tức là làm”, và đề cao tính tự chủ, rèn luyện kỹ năng. Hoạt động của Trường thực nghiệm giáo dục Chicago đã cung cấp chất liệu để Dewey viết nên những tác phẩm đầu tiên của mình về giáo dục. Mặc dù Trường thực nghiệm giáo dục Chicago tồn tại chỉ trong khoảng 5 năm, song đã để lại dấu ấn sâu sắc trong nền giáo dục nước Mỹ và thế giới, góp phần tạo nên thay đổi lớn của giáo dục, mở ra khả năng cho nhiều cải cách giáo dục tại Mỹ và các quốc gia khác. Chủ nghĩa thực dụng của Dewey trở nên phổ biến, vượt ra khỏi khuôn khổ của một trào lưu triết học.

Những tư tưởng cơ bản trong triết học giáo dục làm nên tên tuổi của Dewey. Ông đã giới thiệu tư tưởng triết học giáo dục của mình tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1928, Dewey đến Liên Xô, tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo, trong đó có K.N. Krupskaya. Cụm từ “kết hợp nhiệt tình cách mạng của người Nga với óc thực dụng Mỹ” được nhắc đến trong thời kỳ này.

 Dewey để lại nhiều công trình về giáo dục, hoặc liên quan đến giáo dục, trong đó nổi bật có Tín ngưỡng sư phạm (My Pedagogic Creed, 1897), Trường học và xã hội (The School and Society, 1899), Trẻ em và chương trình học (Children and Curriculum, 1902), Cách ta nghĩ (How We Think, 1910), Dân chủ và giáo dục (Democracy and Education, 1916), Tái thiết triết học (Reconstruction in Philosophy, 1919); Nhân tính và ứng xử (Human Nature and Conduct, 1922), Kinh nghiệm và tự nhiên (1925), Kinh nghiệm và giáo dục (Experience and Education, 1938), Tự do và văn hóa (Freedom and Culture, 1939), Nhận thức và cái đã biết (Knowing and the Known, 1949)… Trong những tác phẩm này, Dewey đều chủ trương xây dựng một nền giáo dục dân chủ – nhân văn, gắn lý luận với thực tiễn. Cũng như các đại biểu trước đó, Dewey đề cao vai trò của phương pháp khoa học, biến tri thức thành tri thức có định hướng thực tiễn và được vận dụng vào cuộc sống. Có thể rút ra từ sự nghiệp đồ sộ của triết học giáo dục Dewey một số đặc điểm cơ bản.

2.1.Triết học giáo dục của Dewey là sự phản ánh những biến đổi kinh tế, chính trị – xã hội và văn hóa của nước Mỹ nửa cuối thế kỷ XIX – giữa thế kỷ XX

Chủ nghĩa thực dụng, xét từ nguồn gốc sâu xa của nó, là triết học của hành động, hướng đến hiệu quả. Từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa thực dụng phát triển thành trường phái triết học chiếm địa vị chủ đạo ở Mỹ, trở thành triết học bán chính thức của văn hóa và lối sống Mỹ, đồng thời ảnh hưởng đến nhiều nước, từ châu Âu sang châu Á.  Triết học giáo dục Dewey là sự phản ánh bức tranh đa sắc màu của nước Mỹ ở thời kỳ phát triển rực rỡ của nó. Từ ước muốn về một nền giáo dục mang phong cách Mỹ, Dewey đã thực hiện tái thiết triết học, trong đó có triết học giáo dục trên nền chung của những cải cách kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của nước Mỹ non trẻ, một nước Mỹ đa văn hóa và sắc tộc.

Lịch sử nước Mỹ thời Dewey (cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX) bên cạnh những xung đột, những mâu thuẫn xã hội không thể khắc phục, nước Mỹ đã trở thành hình mẫu trên nhiều lĩnh vực, trở thành cường quốc đứng đầu trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Nền giáo dục đề cao sáng tạo, tự do cá nhân đã hình thành trên những nền tảng vững chắc. “Tính tự chủ của cá nhân chiếm một vị trí hàng đầu trong hệ thống các giá trị của người Mỹ; họ muốn cho các quyết định riêng tư của mình được mở ra thành một phạm vi càng rộng càng tốt để chống lại một cách mạnh mẽ mọi sự can thiệp của Nhà nước” [2, tr. 256].

Cùng với đó, bức tranh tư tưởng của nước Mỹ thời kỳ này khá đa dạng. Tại đây, các trào lưu triết học hiện diện khá đầy đủ, ảnh hưởng đến đời sống xã hội của Mỹ trên nhiều bình diện khác nhau. Trong số các trào lưu triết học ấy nổi bật chủ nghĩa Freud (Freudianism), chủ nghĩa nhân vị (Personalism), chủ nghĩa thực tại mới (Neorealism), chủ nghĩa thực tại phê phán, hay duy thực phê phán (Critial Realism), chủ nghĩa thực chứng mới (Neopositivism) hay chủ nghĩa thực chứng logic (Logical Positiviesm) – phần cốt lõi của chủ nghĩa thực chứng mới, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa duy nhiên, chủ nghĩa hiện sinh… Mỗi triết thuyết đều để lại dấu ấn trong đời sống tinh thần, tư tưởng tại Mỹ. Khá nhiều nội dung của các triết thuyết này đã gặp gỡ tư tưởng thực dụng chủ nghĩa, nhất là những vấn đề văn hóa, giáo dục, hiện diện trong triết học giáo dục Dewey.

Văn hóa mà nước Mỹ kế thừa là nền văn hóa đa sắc tộc, trong đó yếu tố thực dụng được du nhập từ nước Anh, vốn hình thành truyền thống này ngay từ thời trung cổ, với triết lý khoa học của Roger Bacon, chủ nghĩa duy danh William Occam, phát triển mạnh vào thế kỷ XVII – XIX thông qua những tên tuổi lớn là William Shakespeare và Francis Bacon, Jeremy Bentham… Chất thực dụng phù hợp với một đất nước non trẻ và đa sắc tộc như nước Mỹ. Dewey kế thừa chất thực dụng ấy và vận dụng vào triết học giáo dục của mình một cách sáng tạo, hiệu quả.

Nước Mỹ thời Dewey nhanh chóng khẳng định vị trí bá chủ trong số các đế quốc “trẻ”, và từng bước nắm giữ đầu mối các quan hệ quốc tế. Được xem là biểu tượng của “thế giới tự do”, nước Mỹ mở rộng cánh cửa đón chào dòng người từ mọi nơi trên thế giới đổ về đây. “Không lịch sử của quốc gia nào lại gắn  bó mật thiết với chuyện di dân như lịch sử nước Mỹ. Chỉ riêng trong 15 năm đầu thế kỷ XX hơn 13 triệu người đã đến Mỹ” [4, tr. 237]. Nhưng thế kỷ XX cũng là thế kỷ bi kịch nhất từ trước cho đến lúc đó, với hai cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu, khủng hoảng kinh tế, sự đối đầu giữa hai hệ thống, chiến tranh lạnh, chủ nghĩa khủng bố, mâu thuẫn sắc tộc, chạy đua vũ trang và hàng loạt những chuyển biến tiêu cực về môi trường sống. Trong điều kiện như thế, bức tranh sinh hoạt tư tưởng nước Mỹ một mặt phải cải biến để tiếp cận nhiều luồng thông tin, nhiều quan điểm khác nhau và dung hợp nó, mặt khác, nước Mỹ cần xuất khẩu ra thế giới “đặc sản tư tưởng” của mình. Dewey, và trước đó James, đã đảm nhiệm vai trò này. Nước Mỹ thế kỷ XX đã được phản ánh trong chủ nghĩa thực dụng Dewey với tính hai mặt của nó: một mặt, tính chất biện hộ trong luận điểm tuyệt đối hóa lối sống Mỹ, nền dân chủ Mỹ, xem Mỹ là khuôn mẫu của “thế giới tự do”; mặt khác, ước muốn đưa những tư tưởng cải cách trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là văn hóa, giáo dục ra thế giới, ước muốn kết nối các dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập, cho dù vào thời Dewey vấn đề này bị cản trở ít nhiều bởi chiến tranh và xung đột ý thức hệ.

2.2. Triết học giáo dục của Dewey thống nhất với thuyết công cụ và chủ nghĩa kinh nghiệm tự nhiên của ông

Là đại biểu lớn thứ ba của chủ nghĩa thực dụng, Dewey đã xác lập triết học giáo dục trên nền tảng thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa thực dụng. Đây là điều cơ bản tạo nên “hiệu ứng thực dụng”, “hành dụng” của triết học giáo dục Dewey, và đến nay vẫn còn hiện diện ở những nét cơ bản tại nền giáo dục Mỹ và thế giới.

Chủ nghĩa công cụ, triết lý “học, tức là làm việc”, và mô hình giáo dục thực nghiệm, nghĩa là xác lập một triết lý giáo dục hữu dụng, gắn với nhu cầu thực tiễn, nâng cao hơn nữa ý nghĩa của nguyên tắc “học đi đôi với hành”, lý thuyết gắn liền với thực tiễn – đó là chìa khóa mở vào toàn bộ nền giáo dục mới, phá vỡ pháo đài kiên cố của nền giáo dục mang tính “hàn lâm”, tính giáo huấn và sự công thức hóa theo khuôn mẫu của chủ nghĩa cổ điển. Chủ nghĩa công cụ của Dewey ảnh hưởng đến cả xu hướng “giải cấu trúc”, “phi trung tâm”, “phân mảnh” trong mô tả con người ở chủ nghĩa hậu hiện đại. 

Ở Dewey, vận dụng nội dung và phương pháp của chủ nghĩa thực dụng vào giáo dục cần bắt đầu từ quan điểm chủ đạo của Peirce – người sáng lập chủ nghĩa thực dụng, đó là học thuyết về hoài nghi và niềm tin, “làm thế nào để tư tưởng của chúng ta trở nên sáng rõ” (How to Make Our Ideas Clear), học thuyết về ý nghĩa. Cách đặt vấn đề của Peirce đã mở ra khả năng cho sự hình thành chủ nghĩa kinh nghiệm triệt để và học thuyết về chân lý của James, được Dewey phát triển thông qua chủ nghĩa kinh nghiệm tự nhiên và chủ nghĩa công cụ, vận dụng vào giáo dục và chính trị. Nhưng quan niệm về chân lý của James khiến cho ý nghĩa định hướng xã hội của giáo dục bị giới hạn ở quan điểm lợi ích một cách chật hẹp. Tuy phát triển chủ nghĩa kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, cũng như “trung lập hóa” kinh nghiệm, nhưng Dewey chủ trương hình thành lý tưởng giáo dục trên những định hướng chính trị – xã hội một cách nhất quán. Đó là thiên chức của một nhà giáo dục trong khuôn khổ thế giới quan và nhân sinh quan của chủ nghĩa thực dụng. Chủ nghĩa công cụ vận dụng vào giáo dục nghĩa là đặt giáo dục trong quá trình thẩm định bằng hiệu quả thực tiễn, bằng cách làm cho nó gắn với đời sống chính trị – xã hội và phát huy ảnh hưởng của nó đối với xã hội từ nhà trường, từ mối quan hệ thực sự hiệu quả nhà trường – xã hội. Lý luận về thuyết công cụ được Dewey vận dụng vào triết học giáo dục ở các luận điểm: Nghệ thuật giáo dục (The Art of Education), Học và hành (Learning and Doing), Rèn trí nghĩ (The Training of Thinking), Cá tính và sự tự do (Individuality and Preedom) và Tính liên tục của quá trình giáo dục (The Continuity of the Educational Process).

Thuyết công cụ không tách rời chủ nghĩa kinh nghiệm tự nhiên. Vấn đề này được Dewey trình bày khá chi tiết trong cuốn Kinh nghiệm và tự nhiên và một số tác phẩm khác. Theo Dewey, con người có cơ chế thích nghi với tự nhiên nhằm duy trì sự tồn tại của mình. Mối liên hệ và tác động lẫn nhau giữa con người với môi trường, chủ động và bị động, là kinh nghiệm. Trong triết học truyền thống, kinh nghiệm lấy tri giác cảm tính làm nội dung của mình. James mở rộng môi trường kinh nghiệm, hình thành quan niệm về kinh nghiệm “thuần tuý”, gắn với tâm lý học, hội tụ vào mình các yếu tố ý chí, tình cảm, bản năng. Dewey tiếp tục làm rõ khái niệm này, đặc biệt nhấn mạnh sự tác động lẫn nhau giữa chủ thể và đối tượng. Ông cũng nhắc lại cách tiếp cận của James về hai tầng ý nghĩa của khái niệm kinh nghiệm. Ông viết trong Kinh nghiệm và tự nhiên: “Theo James, kinh nghiệm là một từ có ý nghĩa kép. Tương tự các từ cùng tính chất về cuộc sống và lịch sử, nó không chỉ đề cập việc con người làm gì, gặp điều gì, theo đuổi cái gì, yêu cái gì, tin tưởng và giữ vững điều gì, mà còn nắm bắt việc con người hoạt động như thế nào, ước muốn và thụ hưởng như thế nào, cách thức xem xét và tưởng tượng ra sao, tức là quá trình trải nghiệm… Kinh nghiệm, hay trải nghiệm chỉ là cánh đồng đang được khai hoang (planted field)… Sở dĩ nó có “ý nghĩa kép” vì … nó không thừa nhận sự phân biệt nào giữa hành động và chất liệu, chủ quan và khách quan, nhưng cho rằng, một toàn thể không được phân tích sẽ bao hàm chúng” [7, tr.8]. Kinh nghiệm và tự nhiên tạo nên tính liên tục thông suốt quá trình tương tác giữa con người với môi trường. Điều này được minh chứng bằng những trải nghiệm của con người trong hoạt động khoa học và cuộc sống đời thường. Chẳng hạn, sự vật, một khi được ta tiếp xúc, đã không còn là “vật tự nó”, mà đã trở thành vật đối tượng hoá, ý nghĩa của nó đã gắn với chủ thể cảm nhận và sử dụng [5, tr. 269-274].

Chủ nghĩa kinh nghiệm tự nhiên thực chất là sự phát triển chủ nghĩa kinh nghiệm, xuất phát từ truyền thống chủ nghĩa kinh nghiệm (duy nghiệm) của Anh thế kỷ XVII, nhưng được đào sâu ở sự vận dụng nó trong điều kiện chủ nghĩa thực dụng Dewey. Tuy nhiên, điểm khác biệt trong cách tiếp cận về kinh nghiệm ở Locke và Dewey là ở chỗ, Locke đặt kinh nghiệm như điều kiện của sự trưởng thành con người, còn Dewey nói về tính tích cực và sự kích thích khả năng kinh nghiệm ngay từ môi trường giáo dục ở cấp thấp nhất. Sự kết hợp thuyết công cụ và chủ nghĩa kinh nghiệm tự nhiên làm nên sự thành công trong triết học giáo dục của Dewey, khi nó đặt ra hàng loạt vấn đề gắn với nhu cầu và khả năng của người học, đề cao tính thích ứng, sự chủ động và tính “tự kiến tạo” trong quá trình tương tác với đối tượng và lựa chọn giải pháp thông minh cho các dự án “có tính hữu dụng”, như Dewey lưu ý.

2.3. Triết học giáo dục của Dewey tạo nên hình mẫu của nền giáo dục mới

Hình mẫu của nền giáo dục mới được Dewey trình bày khá kỹ lưỡng và có tính hệ thống, bắt đầu từ cách tiếp cận về triết học giáo dục, sau đó làm rõ mục đích, nội dung, phương pháp giáo dục. Thế nào là triết học giáo dục? Dewey trả lời câu hỏi này trong nhiều công trình, song đều thể hiện cách tiếp cận thực tế về giáo dục. Triết học giáo dục, theo Dewey, “là một nỗ lực nhằm tìm ra giáo dục là gì và giáo dục diễn ra theo cách nào” [11, tr. 55]. Ông lập luận: “… trước khi chúng ta có thể phát biểu một triết học giáo dục, chúng ta buộc phải hiểu được bản tính Con người được cấu tạo thế nào trong cụ thể, chúng ta buộc phải hiểu được sự hoạt động của những ảnh hưởng xã hội có thực; chúng ta buộc phải hiểu được những hoạt động trong đó những nguyên liệu cơ bản được biến đổi thành điều gì đó mang ý nghĩa giá trị lớn hơn” [11, tr.1, 55-56].

Triết học giáo dục của Dewey là sự phát triển tiếp tục thông điệp cơ bản của chủ nghĩa thực dụng, mở đầu bởi Peirce, từ đó tạo nên điểm khác biệt giữa nền giáo dục không ngừng đổi mới, khác với các nguyên lý giáo dục cũ. Dewey phê phán giáo dục truyền thống, là nền giáo dục theo khuôn mẫu định sẵn, không tính đến tính đa dạng về nhu cầu và sở thích, thiên hướng và năng lực cá nhân, chỉ xác lập chương trình chung dành cho mọi người. “Giáo dục cũ áp đặt những kiến ​​thức, phương pháp, và các quy tắc ứng xử của người trưởng thành lên lớp trẻ, ngoại trừ trên cơ sở triết lý hoặc – hoặc cực đoan, nó không tuân theo, thực tế rằng kiến ​​thức và kỹ năng của những người trưởng thành không có giá trị chỉ thị đối với những kinh nghiệm của người chưa trưởng thành” [10, tr. 658]. Triết học giáo dục mới, theo Dewey, phải xuất phát từ quan niệm rằng, “kế hoạch không có sẵn trong chương trình học cố định, mà “đòi hỏi nhiều hơn sự lên kế hoạch trước của người thầy” [11, tr. 63].

Trong triết học giáo dục của Dewey, vấn đề phương phap được đặc biệt đề cao. Cách tiếp cận này cũng là thứ hình mẫu của giáo dục hiện đại. Một triết lý giáo dục tốt, một mục đích giáo dục lý tưởng mà không có phương pháp hiệu quả để đạt được mục đích thì cũng vô nghĩa. Phương pháp ở Dewey là sự vận dụng thành công chủ nghĩa kinh nghiệm tự nhiên và thuyết công cụ vào giáo dục, nhằm tạo nên nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội trên nhiều khía cạnh, với tính thích ứng và sự nhạy bén, “dám liều” và đột phá. Trong Dân chủ và giáo dục, Kinh nghiệm và tự nhiên, Cách ta nghĩ, loạt bài Triết học giáo dụcVề giáo dục Dewey phê phán lối dạy học “y như sách” hay tách biệt giữa kiến thức sách vở với môi trường xung quanh. “Có một chiều hướng chỉ kết nối chất liệu ở lớp học với chất liệu trong những bài học ở lớp trước đó, thay vì kết nối chất liệu đó với điều gì học sinh thu nạp từ những kinh nghiệm ngoài lớp học” [6, tr. 328]. Một quốc gia đa sắc tộc, có quá trình gắn kết cộng đồng mang tính chất đặc thù như nước Mỹ, với sự khai phá, tạo dựng qua các lớp thời gian đầy biến động, cần được giới thiệu một cách phổ biến, chứa đựng thông điệp tích cực từ các phương diện địa lý, lịch sử, văn hóa. Dewey đã hoàn thành nhiệm vụ này bằng cách đem đến cho triết học giáo dục những thông điệp mang đậm lối sống, văn hóa Mỹ, và giới thiệu ra khắp thế giới. Nhờ có Dewey, thế giới biết đến con người và văn hóa Mỹ một cách đầy đủ, toàn diện, phong cách tư duy “hành dụng” kết hợp với sự hình thành lý tưởng chính trị rõ ràng, không phải thông qua những sáo ngữ, mà bằng phương pháp giáo dục kích thích ở người học khả năng tự kiến tạo và thích ứng, nhạy bén nắm bắt cái mới, vượt qua giáo dục cũ.

Đề cao tinh thần khai phóng, tự do trong tư tưởng giáo dục ở Hy Lạp cổ đại, Dewey phê phán “nền giáo dục được tiến hành một cách mù quáng, dưới sự kiểm soát của phong tục và truyền thống mà chưa được kiểm tra hoặc để đáp ứng với áp lực xã hội ngay lập tức” [9, tr. 166]. Từ quan điểm “hành dụng”, Dewey, cũng như James, nhấn mạnh sự cần thiết biến kiến thức sách vở thành hiệu quả thực tiễn, thay vì trưng bày để nhìn ngắm và trích dẫn qua lại: “Giáo dục là phương tiện nổi bật mà qua đó sự kết hợp của kiến thức và các giá trị thực sự có ý nghĩa trong hành vi thực tế được mang lại” [9, tr. 165].

Tại trường giáo dục thực nghiệm Chicago, Dewey xây dựng hình mẫu giáo dục theo tinh thần tương tác – tự kiến tạo – cải cách mà ngày nay không còn xa lạ nữa. Nhưng nếu nhìn vào lịch sử phát triển tư tưởng giáo dục, thì từ biểu tượng “tabula rasa” của Locke – sự thu nhận tri thức theo dòng chảy cuộc sống, tuy có ý nghĩa “tích lũy kinh nghiệm”, nhưng ít nhiều thụ động – đến quá trình tự kiến tạo của cá nhân trên cơ sở tham gia vào công việc học tập – ứng dụng – thực hành theo mô hình “trường học Dewey”, nền giáo dục đã tiến một bước đáng kể. Lịch sử nước Mỹ non trẻ và đa sắc tộc đòi hỏi xác lập một nền giáo dục không dành cho tầng lớp tinh hoa, không thiên về lý luận cao siêu, mà hướng dẫn con người cách thức dấn thân vào cuộc sống, thậm chí vào thương trường khắc nghiệt, không có chỗ cho sự chần chừ và chủ nghĩa bình quân. Sự hình thành triết học giáo dục diễn ra một cách tự nhiên, cùng với những vấn đề của chủ nghĩa thực dụng, do đó giáo dục “hành dụng” chính là giáo dục tạo nên cơ hội cho những người nào biết nắm lấy cái cốt lỏi của một triết lý “nhận thức – hành động – lợi ích”.

Những diểm nổi bật nào tạo nên sự khác biệt giữa nền giáo dục Mỹ và giáo dục châu Âu? Một nền giáo dục hiệu quả cần được xác định như thế nào để nước Mỹ không chỉ cất cánh, mà còn làm hình mẫu cho giáo dục thế giới? “Trường học Dewey” trở thành một trong những hình mẫu của giáo dục nhằm trả lời cho những câu hỏi đó. Sáng tạo và kỷ luật, sự vững vàng chuyên môn và kỹ năng mềm, chuẩn mực và linh hoạt – những nguyên tắc đó được Dewey thể hiện trong hầu hết các công trình bàn về giáo dục. Trong Cách ta nghĩ, Dewey đã hướng sự quan tâm của mình đến những người làm thầy, làm công tác sư phạm. Bằng cách dẫn dắt câu chuyện tự nhiên và sử dụng nhiều chất liệu sống động từ những trải nghiệm thực tế và quá trình nghiên cứu, thông qua các tựa đề như “rèn trí nghĩ”, cách “suy luận logic”, “tâm lý và lý luận”, “hành vi suy nghĩ hoàn chỉnh”, “suy luận kinh nghiệm và suy luận khoa học”, “hoạt động và việc rèn trí nghĩ”, “ngôn ngữ và việc rèn trí nghĩ”, “quan sát và thông tin trong việc rèn trí nghĩ” …

Dewey đã xác lập phong cách tư duy mới trong giáo dục, đáp ứng nhịp độ phát triển nhanh chóng của xã hội. Ông nhấn mạnh sự cần thiết thay độc thoại bằng đối thoại, thay “cung cấp tri thức có sẵn”, “theo mẫu” bằng phương pháp kích thích tự kiến tạo. Nhìn vào thực trạng dạy và học, Dewey viết: “Những người làm thầy có thói quen độc thoại liên hồi kỳ trận … Học sinh thường chỉ được bộc bạch ý kiến trong khi trả lời câu hỏi bằng những đoản ngữ hoặc những câu đơn giản, rời rạc. Việc giảng giải và giải thích thuộc về người thầy và họ thường mặc nhận bất cứ hàm ý nào chứa trong câu trả lời của học trò, rồi sau đó bàn rộng ra điều mà người thầy ấy cho rằng học trò chắc hẳn muốn nói tới. Những thói quen diễn ngôn rời rạc và vụn mảnh được đề cao như thế rõ ràng gây ra một ảnh hưởng trí tuệ không nhất quán” [6, tr. 306].

Nói rằng Dewey tạo nên hình mẫu cho giáo dục hiện đại có thể mang tính chủ quan, vì thực ra hiện nay không có một hệ hình hay hình mẫu nào là tuyệt đối và dành cho tất cả. Song cách đặt vấn đề của ông về sự cần thiết mở ra hướng đi mới cho giáo dục, vượt qua rào cản của truyền thống, của thói quen và hệ tư tưởng “thuần nhất” chính là một “hình mẫu” cho tư duy phản biện và sáng tạo không ngừng.

2.4. Tính toàn diện và tính định hướng chính trị trong triết học giáo dục của Dewey

Quan điểm triết học giáo dục của J. Dewey mang tính toàn diện, ở đó sự liên kết giáo dục với các ngành khoa học khác và với thực tiễn xã hội được phân tích sâu sắc và có hệ thống. Câu hỏi đặt ra trong tái thiết triết học là gì? Đâu là mục đích của nó? Trước mắt nền triết học có nhiều nhiệm vụ cấn được giải quyết. Triết học có thể thực hiện vai trò của mình nếu nó hướng đến việc tìm lời đáp cho câu hỏi tại sao hiện nay con người trở nên xa lạ với nhau. Không có một khía cạnh nào của cuộc sống – giáo dục, kinh tế, chính trị, tôn giáo – được sinh ra mà không tính đến những điều kiện tác động, môi trường mà con người gia nhập vào và tự kiến tạo để thích ứng với những biến đối đa chiều ấy. Theo Dewey, triết học hiện đại không thể chọn sự nghiệp nào tốt hơn là tham gia vào hoạt động “trợ sinh” như Socrates từng đặt ra cách đây hai mươi lăm thế kỷ. “Tự do”, “thực hành”, “sáng tạo”, “chuẩn mực”, “lý tưởng” và “sàng lọc” – những từ ngữ thường gặp trong triết học giáo dục của Socrates, Plato, Aristotle đã xuyên qua hàng ngàn năm trung cổ, dần dần trở thành nguyên tắc tổ chức giáo dục, đào tạo con người trong điều kiện lịch sử mới. Nhưng giáo dục là lĩnh vực tích hợp nhiều nguồn tri thức xã hội, nên nó có sứ mạng đáp ứng các nhu cầu phát triển và mở đường cho tiến bộ xã hội. Trong triết học giáo dục của mình, so với các nhà giáo dục lớn khác, tính liên kết giữa giáo dục và các lĩnh vực khác của nhận thức và hoạt động thực tiễn được Dewey phân tích một cách có hệ thống và sâu rộng. Ông làm rõ mối quan hệ giữa giáo dục và đạo đức học, mỹ học, khoa học, xã hội học, tâm lý học, nhân học và văn hóa học, lịch sử và tôn giáo. Trong từng mối quan hệ Dewey đều nhấn mạnh sự tác động qua lại giữa các lĩnh vực đó và với giáo dục, cũng như hệ quả xã hội của nó. Chẳng hạn, về quan hệ giữa giáo dục và văn hóa, Dewey viết: “Để biến đổi một xã hội được xây dựng trên một nền sản xuất cho đến lúc này còn chưa nhân đạo để nó trở thành một xã hội biết sử dụng tri thức và sức mạnh của nền công nghiệp vì lợi ích của một nền văn hóa mang tính dân chủ, đò hỏi lòng can đảm xuất phát từ một trí tưởng tượng đầy sáng tạo. Tôi thuộc số những người cho rằng sự sát hạch và biện minh duy nhất của mọi hình thái chính trị – kinh tế của xã hội là sự đóng góp của hình thái đó cho nghệ thuật và khoa học – cho cái có thể được phép gọi thẳng là văn hóa” [11, tr. 390].

Giáo dục con người hướng đến mục tiêu xã hội không thể không gắn kết hữu cơ với chính trị. Giáo dục có định hướng chính trị, vì xét đến cùng, nó góp phần vào sự ổn định và phát triển xã hội, là sự đảm bảo tương lai của đất nước. Một nền giáo dục toàn diện, theo quan điểm của Dewey, cần phái đóng hai vai trò: trang bị kiến thức và hoàn thiện nhân cách con người, trong đó không thể thiếu ý thức chính trị, ý thức của một công dân.  Dewey viết: “Nền tảng của dân chủ là niềm tin vào khả năng của bản chất con người; Niềm tin vào trí thông minh của con người và vào sức mạnh của kinh nghiệm tổng hợp và hợp tác. Không phải niềm tin rằng những điều này là hoàn chỉnh mà là, nếu được thể hiện, chúng sẽ phát triển và có thể tạo ra dần dần kiến thức và trí tuệ cần thiết để hướng dẫn hành động tập thể” [7, tr. 59]. Thông điệp chính trị của triết học giáo dục Dewey là: muốn xây dựng, phát triển, hoàn thiện nền dân chủ, cần bắt đầu ngay từ trường học. Dân chủ học đường là một phần của quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội. Hệ giá trị của xã hội dân chủ cần được nhận thức và vận dụng ngay từ nhà trường, từ môi trường giáo dục phổ thông lẫn giáo dục tinh hoa, và phải gắn với khả năng lựa chọn và những hoạt động cụ thể của mỗi cá nhân [7, tr. 111].

Tư tưởng về dân chủ không phải là những câu khẩu hiệu sáo mòn về chính quyền, mà “trên hết, nó là một phương thức của đời sống liên kết, của kinh nghiệm chung được truyền đạt”, nhằm thể hiện “nền dân chủ sáng tạo”, với quá trình “mở rộng phạm vi các mối quan tâm được chia sẻ, và sự giải phóng các năng khiếu cá nhân đa dạng” [8, tr. 113-114]. Mặt khác, một xã hội dân chủ cũng đòi hỏi xác lập các chuẩn mực định hướng giá trị cho cá nhân, nhất là đạo đức, khi một quan niệm đạo đức đòi hỏi sự lựa chọn cách thức tồn tại sao cho có ý nghĩa về mặt xã hội. Như vậy, để xác lập quan điểm xã hội phổ biến cần trả lời hàng loạt câu hỏi: “thế nào là bản tính con người?”, “đâu là ý nghĩa cuộc sống đích thực?”, “những lý tưởng nào con người cần hướng đến?”, và nhiều câu hỏi tương tự mà chỉ trong môi trường dân chủ – nhân văn mới tìm ra lời đáp, dù chưa hẳn đạt đến sự hoàn mỹ tuyệt đối. Trong chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, các nhà triết học và các nhà tư tưởng tập trung vào khái niệm “bản tính con người” như phương thức đa diện nhằm giải thích các hiện tượng xã hội. Bản tính con người thích ứng như thế nào với những biến đổi xã hội? Những người tán thành và bảo vệ chế độ hiện hành thiên về việc nhấn mạnh tính chất “bền vững” của bản tính tự nhiên ở con người, và chỉ trích mạnh mẽ những ai cho rằng, trật tự hiện tồn dường như không đáp ứng được những nhu cầu tự nhiên của con người, làm lệch lạc bản tính tự nhiên “phú bẩm” ấy. Chủ nghĩa công cụ, do Dewey xác lập theo tinh thần của chủ nghĩa thực dụng, đã nỗ lực phục hồi trên nguyên tắc “bản tính tự nhiên” của cá nhân, và gắn kết số phận loài người với sự phát triển nhân cách. Dewey không nêu ra định nghĩa về bản tính tự nhiên của con người, nhưng trong các công trình triết – tâm lý học của mình, ông đào sâu bản tính tự nhiên khởi thủy của con người như những đặc trưng tâm lý và sinh học tương đối bền vững. Điều cần thiết là những đặc trưng ấy cần được đào luyện và dẫn dắt như thế nào để có thể thích ứng với cuộc sống và làm cho cuộc sống có ý nghĩa tích cực. Giáo dục là môi trường thích hợp để phát huy tốt nhất những khả năng gắn với “bản tính tự nhiên” của con người.

3. Thay lời kết

Không một trào lưu triết học nào của thế giới hiện đại tại Mỹ có được một số luận điểm gần với chủ nghĩa duy vật biện chứng như chủ nghĩa thực dụng [1, tr. 116]. Nhận định này có thể lại bị xem là chủ quan, nhưng với những gì đã xem xét, có thể nhận thấy đóng góp có ý nghĩa của triết học giáo dục Dewey vào sự phát triển triết học giáo dục thế giới.

Trong triết học giáo dục của Dewey tính nhân văn – khai sáng kết hợp hài hòa với lý tưởng chính trị – đạo đức, nhờ đó giáo dục thực hiện được cả hai chức năng – giáo hóa và định hướng hoạt động vì mục đích dân chủ. Những vấn đề được Dewey nêu ra trong triết học giáo dục đều hướng đến mục đích cao nhất là phụng sự con người và phát triển xã hội, khai mở trí tuệ, tạo nên môi trường tốt nhất để mỗi cá nhân phát huy tất cả năng lực của mình. Nhờ những công trình tiêu biểu về giáo dục mà Dewey được UNESCO vào năm 1988 vinh danh là một trong bốn tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục thế kỷ XX, nhất là phương pháp giáo dục (ba người còn lại: Michael Kerschensteiner, Maria Montessori, Anton Semenovych Makarenko).

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. А. С. Богомолов (1974). Буржуазная философия США XX века. Изд. “Мысль”, Москва, стр. 116 (A. S. Bogomolov (1974). Triết học tư sản Mỹ thế kỷ XX. Nxb “Tư tưởng”, Moskva).

2. Annie Lennkh, Marie France (1995), Thực trạng nước Mỹ, Tập thể dịch giả, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.  

3. Bertrand Russell (1954), The History of Western Philosophy, Stratford Press, INC, New York.

4. Cơ quan Thông tin Mỹ (2010), Lược sử nước Mỹ, Người dịch: Huỳnh Kim Oanh và Phạm Viêm Phương, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

5. Đinh Ngọc Thạch – Doãn Chính – Trần Quang Thái đồng chủ biên (2019), Giáo trình Triết học phương Tây hiện đại, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.

6.  John Dewey (2013), Cách ta nghĩ, Người dịch: Vũ Đức Anh (từ nguyên tác How We Think), Nxb. Tri thức, Hà Nội

7. John Dewey (1958). Experience and nature. New York.

8. John Dewey (2014), Dân chủ và giáo dục – một dẫn nhập về triết lý giáo dục, (Người dịch:  Phạm Anh Tuấn, tái bản lần 2, Nxb. Tri thức, Hà Nội.

9. John Dewey (1968), Philosophy of Education, Littlefield, Adams &; Co, Ames, Iowa.

10. Joseph Ratner (1939), Intelligence in The Modern World John Dewey’s Philosophy, The Mordern Library, New York.

11. Reginald D. Archambault (2012), John Dewey về giáo dục, Người dịch:  Phạm Anh Tuấn, Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

12. W. James (1957), Essays in Pragmatism, New York: Hafner Publishing company  

13. W. James (1909), A Pluralistic Universe, New York, London, Bombay, and Calcutta: Longmans, Green & Co.

Bài liên quan

Bài đăng mới