ẢNH HƯỞNG CỦA KHÔNG GIAN VĂN HÓA XỨ NGHỆ ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH PHÓ BẢNG NGUYỄN SINH SẮC

TS. Đinh Quang Thành

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

1. Không gian văn hóa xứ nghệ

    Nhân cách Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được hình thành và phát triển từ sự tác động – ảnh hưởng đa chiều của các điều kiện kinh tế, lịch sử, môi trường văn hóa, xã hội và con người của những nơi ông từng sống, học tập, làm việc, được biểu hiện qua tư tưởng và hành động. Trong các không gian văn hóa ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nghệ Tĩnh có vị trí đặc biệt quan trọng. Nơi đây hội tụ, kết tinh nhiều tinh hoa văn hóa dân tộc, đồng thời cũng là vùng văn hóa mang sắc thái và dấu ấn đặc trưng của văn hóa văn hóa dân gian Việt Nam. Quê hương Nghệ Tĩnh là nơi ông cùng gia đình sinh sống trong một khoảng thời gian dài, sinh ra, lớn lên, hình thành nhân cách trước khi trở thành chí sĩ vì nước, vì dân.

    Nghệ Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và hiếu học. Không gian văn hóa xứ Nghệ là sự tổng hòa các giá trị vật chất và tinh thần, truyền thống, thị hiếu và phong cách sống; được tạo nên từ quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội; khẳng định bản sắc riêng của vùng đất và con người Nghệ Tĩnh. Do đặc điểm địa lý cùng nguồn gốc tụ cư nên văn hóa ở đây vừa phong phú, đa dạng, vừa đậm đà bản sắc. Trong dân gian đã lưu truyền câu ca:

    Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

    Non xanh nước biếc như tranh họa đồ

    Nghệ Tĩnh đẹp về thiên nhiên, giàu về truyền thống, người dân cần cù, thủy chung nghĩa tình, dám hy sinh vì nghĩa lớn. Như nhà sử học Phan Huy Chú đã viết: Nghệ An có núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng. Đó là nét đẹp văn hóa của một vùng “địa linh, nhân kiệt”, đồng thời cũng là một vùng đất cổ nằm trong trung tâm phát triển văn hóa của cả nước (như văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đại Việt). Văn hóa Xứ Nghệ gắn liền với sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, được đúc kết bằng trí tuệ và cả bằng xương máu của các thế hệ, qua hàng ngàn năm lịch sử.

    Không gian văn hóa xứ Nghệ phát triển trong các mối quan hệ với những vùng khác nhau của đất nước và khu vực Đông Nam châu Á, đồng thời vận động và phát triển tại chỗ, với những đặc thù riêng biệt của mình. Đó là xu thế phát triển và đổi mới, tự vận động và tiếp xúc, giao thoa văn hóa, làm giàu thêm vốn văn hóa đậm đà bản sắc xứ Nghệ. Nhân dân Nghệ Tĩnh được kế thừa một di sản văn hóa rực rỡ và phong phú với gần 2000 di tích lịch sử – văn hóa, những dấu tích, di tích tiềm tàng trong lòng đất và danh thắng lễ hội… còn lưu giữ được, đã chứng minh sức sống cộng đồng và bề dày văn hóa truyền thống xứ Nghệ trong dòng chảy thời gian của lịch sử và văn hóa dân tộc.

    Hệ thống di chỉ, di tích danh thắng ở Nghệ Tĩnh phong phú và đa dạng, trải dài qua nhiều niên đại, đang tiếp tục được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy. Đó là hang Thẩm ồm ở Quỳ Châu, cách đây trên hai vạn năm, thời đại đồ đá cũ đã có người Việt cổ sinh sống; văn hóa Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) thời đại đồ đá mới cách đây 5.000 năm; văn hóa làng Vạc (Nghĩa Đàn) thuộc thời đại đồ đồng cách đây 2.000 năm… Hệ thống di tích danh thắng Nghệ Tĩnh được sinh ra và nuôi dưỡng bằng tín ngưỡng, đạo lý và phong tục truyền thống của dân tộc nên có sức sống, sức lan tỏa lâu bền, mãnh liệt. Mặc dù có những biến cố thăng trầm, song nhìn chung, từ các triều đại phong kiến đến nay, nhân dân vẫn nhận thức được rằng: di tích danh thắng là một trong những chứng cứ thể hiện cội nguồn, truyền thống và bản sắc văn hóa xứ Nghệ (minh chứng qua các sắc phong).

    Nghệ Tĩnh có nhiều di tích danh thắng tiêu biểu gắn liền với lễ hội như đền Cuông (Diễn Châu), đền Cờn (Quỳnh Lưu), đền Quả Sơn (Đô Lương), đền Bạch Mã (Thanh Chương), đền Vua Mai (Nam Đàn), đền Nguyễn Xí (Nghi Lộc), đền Vạn Lộc (Cửa Lò), đền Chiêu Trưng (Thạch Hà), Đền Củi ở Hồng Lĩnh … Ngoài ra có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hang Bua (Quỳ Châu), thác Xao Va (Quế Phong), thác Bản Kẽm và rừng nguyên sinh Pù Mát (Con Cuông), Vũ Quang …

    Nghệ Tĩnh cũng là mảnh đất sản sinh và nuôi dưỡng nhiều anh hùng hào kiệt, các vị lương thần và danh nhân văn hóa nổi tiếng. Đó là Mai Thúc Loan, Lý Nhật Quang, Lê Khôi, Nguyễn Xí, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Chí sĩ Ngô Thì Nhậm, Nhà văn hóa Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, những nhà cải cách nổi tiếng Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Bội Châu…

    Nói đến Xứ Nghệ là nói đến truyền thống hiếu học. Dưới các triều đại phong kiến, vùng đất Nghệ Tĩnh có nhiều người đỗ đạt cao. Kể từ Trạng nguyên Bạch Liêu đến khoa thi cuối cùng năm 1919, Nghệ Tĩnh có hơn gần 400 người đỗ đại khoa, hàng nghìn người đỗ cử nhân, tiến sỹ… Trong đó làng Quỳnh Đôi, (Quỳnh Lưu), Đông Thái (Đức Thọ), Tiên Điền (Nghi Xuân) … mỗi làng có hàng trăm người đỗ tiến sỹ, thạc sỹ. Đây cũng chính là quê hương của các danh nhân văn hóa Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và những tác phẩm văn hóa bất hủ như Truyện Kiều, “Thọ Mai gia lễ”“Quốc sử diễn ca”

    Nghệ Tĩnh cũng là nơi sản sinh ra nhiều thể loại ca dao – hò – vè – ví – giặm ở miền xuôi, hát nhuôn – xuối – lăm – khắp của dân tộc Thái, hát lù tẩu – cự xia của dân tộc Mông, hát tơm – re ré của dân tộc Khơ Mú, hát đu đu điềng điềng – tập tình tập tang của dân tộc Thổ; có nhiều thể loại nhạc cụ dân tộc như khèn bè, pí nhuôn, pí xuối, pí tơm, cồng chiêng, trống, kèn đồng, kèn lá, nhị, bầu, sáo; có nhiều vũ điệu như múa xòe, nhảy sạp, khắc luống và có các trò chơi dân gian khác như đẩy sào, ném còn, kéo co… Ngữ âm, tiếng nói và phong tục tập quán người Nghệ Tĩnh cũng rất phong phú, đa dạng, mỗi địa phương dân tộc đều có sự khác nhau về ngữ âm, giọng nói. Có thể khẳng định, nguồn văn hóa dân gian vô tận này không chỉ góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa xứ Nghệ mà còn là cái nôi, là bầu sữa ngọt nuôi dưỡng hình thành những tâm hồn, cốt cách, khí chất của con người xứ Nghệ “lý tưởng trong tâm hồn, kiên trung trong bản chất, khắc khổ trong sinh hoạt”.

    2. Một số yếu tố của không gian văn hóa xứ Nghệ ảnh hướng đến sự hình thành nhân cách Phó bẳng Nguyễn Sinh Sắc

    Sinh ra, lớn lên và đắm chìm trong không gian văn hóa Nghệ Tĩnh, Nguyễn Sinh Sắc sớm tiếp nhận, hấp thụ các giá trị tốt đẹp của văn hóa quê hương để hình thành nên nhân cách của một chí sĩ hết lòng vì nước, vì dân. Điều đó thế hiện sâu sắc thông qua cuộc đời thăng trầm của ông.

    Thứ nhất, tinh thần hiếu học, ý chí vượt khó vươn lên để chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức

    Xứ Nghệ từ lâu nổi tiếng với truyền thống hiếu học, coi trọng tri thức và tinh thần khoa bảng. Sinh ra tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nguyễn Sinh Sắc thừa hưởng tinh thần hiếu học của quê hương, không ngừng phấn đấu dù xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Cha mẹ mất sớm, phải sống với người anh cùng cha khác mẹ, sau đó về làm con nuôi của cụ tú Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù, ông được cụ Hoàng Xuân Đường thương yêu cho ăn học và gả con gái là bà Hoàng Thị Loan cho. Vượt lên số phận, ông quyết tâm theo đuổi khoa cử để đạt được mong ước của mình. Năm Giáp Ngọ (1894), ông Nguyễn Sinh Sắc (32 tuổi) thi đỗ cử nhân tại khoa thi hương ở Nghệ An.

    Họ hàng nội ngoại bàn việc ăn mừng nhưng ông lấy cớ còn chịu tang cụ Hoàng Xuân Đường để từ chối. Làng biếu ông một thửa ruộng “học điền”, ông đem bán lấy tiền góp vào việc tu sửa nhà [1]… Năm 1895, ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế dự kỳ thi Hội nhưng không đỗ. Không hề nản chí và để chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi sau, ông xin vào học trường Quốc Tử Giám rồi trở về quê bàn với gia đình, đưa vợ con(1) vào để tiện việc học hành. Đến kinh đô Huế, gia đình ông Nguyễn Sinh Sắc ở tại ngôi nhà số 112 đường Mai Thúc Loan hiện nay.

    Gần cuối năm 1900, ông Nguyễn Sinh Sắc đi làm giám thị kỳ thi Hương tại Thanh Hóa, đưa Nguyễn Sinh Khiêm đi cùng. Tháng 2-1901, bà Hoàng Thị Loan, vợ ông Nguyễn Sinh Sắc lâm bệnh nặng và qua đời tại Huế (theo âm lịch là ngày 22 tháng 12 năm Canh Tý). Bà đã được những người láng giềng và bạn bè thân thiết của gia đình lo việc mai táng, vì lúc này ông Nguyễn Sinh Sắc sau khi coi thi ở Thanh Hóa đã trở về Kim Liên và đang ở quê nhà.

    Năm Tân Sửu niên hiệu Thành Thái 13 (1901), khi 39 tuổi ông Nguyễn Sinh Sắc, lúc này đã đổi thành Nguyễn Sinh Huy thi Hội và đỗ Phó bảng. Thông thường, sau khi thi cử đỗ đạt thì ông sẽ được bổ nhiệm làm quan. Nhưng Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc quan niệm là học để làm người, thỏa mãn cái ý chí thích khám phá tri thức chứ không phải làm quan; nhất là trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp thống trị, làm quan dễ đắc tội với đồng bào. Sau khi đỗ đạt, ông đã hai lần từ chối lời triệu ra làm quan của triều đình Huế. Ông sống thanh đạm bằng nghề dạy học, nghiên cứu tân thư, kết bạn tâm giao với các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Phan Chu Trinh… và đặc biệt chú tâm dạy dỗ con cái.

    Thứ hai, tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc

    Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành nên một bảng giá trị tinh thần truyền thống quý báu, trong đó chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu xuyên suốt lịch sử dân tộc. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam phải đương đầu với sự nghiệt ngã của thiên nhiên, gồng mình trước những thế lực ngoại xâm hùng mạnh để giành và giữ nền độc lập. Những thử thách khắc nghiệt đó đã “sản sinh ra một dân tộc có ý thức sâu sắc về bản sắc dân tộc mình và sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, chống ngoại xâm”. Xứ Nghệ là địa danh tiêu biểu cho truyền thống đó, đây là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, nơi nhiều phong trào đấu tranh chống lại ách đô hộ ngoại bang bùng nổ mạnh mẽ. Các giá trị như lòng tự hào dân tộc, tinh thần đấu tranh vì chính nghĩa đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng của Nguyễn Sinh Sắc. Ông không chỉ là một nhà nho trí thức mà còn là người thấm nhuần tinh thần cách mạng, luôn trăn trở về số phận đất nước và nhân dân.

    Trong những năm dạy học ở quê nhà, Nguyễn Sinh Sắc có điều kiện đi sâu vào cuộc sống của nhân dân, giao du tiếp xúc với nhiều sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Vuơng Thúc Qúy, Đặng Thái Thân… Những nơi ông đến là những nơi có phong trào đấu tranh chống Pháp sôi nổi và anh dũng. Sau nhiều lần từ chối tháng 6-1906, Nguyễn Sinh Sắc vào Huế nhận chức Thừa biện bộ Lễ tại kinh đô Huế là trung tâm của thực dân phong kiến. Có điều kiện va chạm trực tiếp quan trường thực dân phong kiến. Lúc này ông mới thật hiểu nhân tình thế thái, hiểu sự thối nát của quan trường, hiểu cả những khó khăn, phức tạp và sự bế tắc của sự nghiệp cứu nước. Cụ nói với bà con: Người ta làm quan là để vinh thân phì gia nhưng tôi làm quan là để che thân. Bằng thực tế cuộc sống trong đám quan trường và của bản thân mình đang phải chịu đựng, ông chua xót nói với các giám sinh rằng: “Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hữu nô lệ” (Quan trường là nô lệ trong đám người nô lệ, lại càng nô lệ hơn). Cụ thường dạy các con: “Chớ lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình” và đã đã từng gửi thư khuyên họ hàng:

    Nhân sinh nhược đại mộng

    Thế sự như phù vân

    Uy thế bất túc thị

    Xảo hiểm đồ tự hại

    Giới chi! Giới chi!

    Nghĩa là:

    Đời người như giấc mộng lớn

    Việc đời tựa như đám mây trôi

    Uy thế không đủ để dựa

    Xảo hiểm là tự hại mình

    Hãy lấy đó làm điều răn!

    Tháng 7-1909, Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào Bình Khê (Bình Định) nhậm chức Tri huyện Bình Khê và vùng phụ cận. Khi làm chức Tri huyện, cụ Nguyễn Sinh Sắc thường giao du với các nhà nho yêu nước ở địa phương hơn là phục vụ quan chức Pháp và Nam triều. Ông tạo điều kiện cho những nông dân thiếu tiền thuế và những người tham gia phong trào trốn thuế… đang bị giam cầm, trốn thoát. Ông rất ghét bọn cường hào ức hiếp nông dân và thường đứng về phía họ chống lại chúng. Nhân vụ một tên cường hào dùng thủ đoạn cướp đất của dân yếu thế hơn, bị ông bắt giam rồi chết sau khi thả ra được hơn một tháng. Ông bị triều đình giáng chức và triệu hồi về kinh. Ông không trở lại kinh thành mà đi xuôi vào phía Nam. Cụ vừa kiếm sống bằng nghề dạy học, bốc thuốc chữa bệnh vừa liên hệ, gặp gỡ các chí sĩ yêu nước (trong đó có Phan Chu Trinh) nhằm chắp nối, tìm cách cho con trai ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

    Thứ ba, triết lý sống giản dị, gần gũi với nhân dân

    Người dân xứ Nghệ nổi tiếng với lối sống mộc mạc, giản dị, nhưng giàu lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Những phẩm chất này đã in đậm trong tính cách của Nguyễn Sinh Sắc, thể hiện qua lối sống thanh bạch và tình yêu thương người nghèo. Sau khi đỗ đạt, ông vẫn giữ thái độ sống giản dị, không màng danh lợi, luôn đứng về phía nhân dân.

    Theo quy định, bắt đầu từ khoa thi Hội Tân Sửu (1901), những người đậu Phó bảng cũng được hưởng 2 đặc ân như Chính bảng là được vua ban cờ, biểncho hưởng lễ vinh quy bái tổ. Trong lễ xướng danh, Nguyễn Sinh Sắc đã được vua Thành Thái tặng biển “Ân tứ ninh gia” (Ơn ban cho gia đình tốt) và được cấp phương tiện đưa về tỉnh lỵ An Tĩnh (Vinh). Tổng đốc An Tĩnh khi đó là Đào Tấn đã cử lý trưởng các làng thuộc xã Kim Liên huy động nhân dân đem võng, lọng, cờ, trống lên tỉnh rước ông Phó bảng tân khoa về làng để vinh quy bái tổ. Nghi thức này là một vinh dự lớn lao đối với các nhà Nho thành đạt. Tuy nhiên, Nguyễn Sinh Sắc chỉ dự phần lễ đón tiếp chung do quan Tổng đốc tổ chức, rồi không chờ dân làng đến rước, ông một mình đi bộ về nhà. Ông đi đến cầu Hữu Biệt (Cầu Mượu), cách chừng nhà khoảng 4km thì gặp đoàn người của làng xã mang võng, lọng, cờ hoa đến rước ông về. Gặp ông giữa đường, nhân dân mừng rỡ tung hoa, tung cờ, nổi trống, giăng võng mời ông Phó bảng lên để cho dân làng được rước lễ vinh quy. Trước tình cảm của nhân dân, ông từ tốn thưa rằng: “Tôi đậu chẳng có ích chi cho bà con làng xóm mà bà con phải đón rước?” Dân làng thưa quan Phó bảng: “Từ xưa đến nay, làng Sen ta mới có quan đậu đại khoa(2) làm vẻ vang cho làng nước, xin được rước lễ vinh quy cho thoả lòng mong ước bấy lâu nay” [2, tr.40]. Ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc một mực từ chối, cuối cùng dân làng đành phải xếp võng, xếp lọng, lặng trống cùng ông đi bộ trở về làng.

    Không chỉ là người có tài, có chí, Nguyễn Sinh Sắc còn là biểu tượng của lối sống giản dị, khiêm nhường với đạo đức thanh cao, trong sáng. Lần đậu cử nhân, ông không tổ chức ăn mừng. Đến khi đậu Phó bảng, ông cũng lấy lý do từ chối khéo.

    Theo quy định, nếu địa phương có người thi đỗ đại khoa, xã sẽ trích ra 2% quan tiền quỹ để tặng cho tân khoa làm cỗ ăn khao. Ban đầu, ông nhất quyết từ chối, nhưng vì lệ làng buộc ông phải nhận. Tuy nhiên, ông lấy lý do là đang chịu tang vợ nên không tổ chức ăn mừng, vì thế, ông chỉ xin nhận 10 quan tiền để mua trầu, nước mời dân làng, số còn lại ông bàn với hội đồng kỳ mục(3) đem chia cho những người nghèo đói trong làng làm kế sinh nhai. Ông còn chủ động đến tận nhà những gia đình khó khăn đó để hướng dẫn họ cách làm ăn như đan thúng, mủng, rổ rá… rồi đem bán lấy tiền sinh sống.

    Thứ tư, ý chí kiên cường, vượt khó từ môi trường khắc nghiệt

    Khí hậu xứ Nghệ khắc nghiệt với nắng gắt, gió Lào, mùa đông lạnh giá, cùng điều kiện kinh tế khó khăn đã rèn luyện ý chí vượt khó của Nguyễn Sinh Sắc. Môi trường tự nhiên đó cộng với những bất hạnh khi phải sống thiếu thốn tình thương cha mẹ của trẻ mồ côi từ nhỏ đã trui rèn cho Nguyễn Sinh Sắc ý chí quyết tâm và khả năng không chỉ biết vượt qua nghịch cảnh để tự khẳng định bản thân mà còn truyền lại nghị lực này cho các con, nhất là với Nguyễn Tất Thành.

    Không chỉ vượt lên hoàn cảnh để thi cử đỗ đạt, thanh danh mà ông còn có khả năng vượt qua nghịch cảnh, từ bỏ hư danh giả điên, giả say đánh lừa thực dân, đế quốc để hoạt động, liên hệ, chắp nối với những người yêu nước, “là một nhà cách mạng theo kiểu riêng, chống Pháp không công khai mà lặng lẽ…”.

    Năm là, tinh thần đổi mới. Nghệ Tĩnh là vùng đất có truyền thống canh tân, đổi mới, người dân xứ Nghệ luôn sẵn sàng tiếp thu, tiếp biến các tư tưởng và giá trị văn hóa mới đề làm phong phú không gian văn hóa bản địa. Là một người gắn bó sâu sắc với truyền thống nho học, nhưng Nguyễn Sinh Sắc cũng sớm nhận thức được sự cần thiết của đổi mới. Phó bảng là người đã sớm nhận ra rằng các giá trị Nho giáo truyền thống như “trung quân ái quốc” đã trở nên lỗi thời, và triều đình phong kiến không còn là điểm tựa cho cuộc đấu tranh giành độc lập. Những phong trào yêu nước và canh tân như Duy Tân, Đông Du do các nhà chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh khởi xướng đã thúc đẩy ông tìm kiếm một con đường mới, phù hợp với bối cảnh hiện đại hơn. Bên cạnh đó, tư tưởng dân chủ và cách mạng từ phương Tây cũng lan rộng, mang đến luồng gió mới về quyền tự do và sự bình đẳng, mở ra những khái niệm mới về độc lập dân tộc mà Phó bảng sớm tiếp thu. Những thay đổi lớn lao này đã hình thành trong tư tưởng của cụ Sắc một nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải vượt qua các ràng buộc truyền thống, đồng thời tìm kiếm những con đường cách mạng mới để giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ.

    Phó bảng cũng là người thức thời không bảo thủ, ông ủng hộ chủ trương cải cách và tán thành quan điểm của ông nghè Nguyễn Quý Song: “Muốn đánh Pháp phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp phải biết tiếng Pháp”, ông cho con vào trường Pháp – Việt học tiếng Tây trong khi tư tưởng “bài Tây” vẫn là tư tưởng thống trị trong tư duy của các nho sĩ lúc bấy giờ. 

    Tóm lại, không gian văn hóa xứ Nghệ đã cung cấp cho Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc một nền tảng nhân văn sâu sắc, hun đúc nên một con người yêu nước, thương dân và sống với lý tưởng cao cả. Từ gia đình đến xã hội, từ truyền thống khoa bảng đến tinh thần dân tộc, tất cả đã hòa quyện và trở thành nguồn sức mạnh giúp ông trở thành một tấm gương đạo đức trong sáng, để lại ảnh hưởng to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc./.

    Chú thích:

    (1) Nguyễn Sinh Cung lúc đó mới 5 tuổi cùng với anh theo cha mẹ đi bộ vào Huế (trẻ con thường được ngồi trong quang gánh).

    (2) Xã Chung Cự kể từ vua Lê Trung Hoà (1635), tính cả thi Hương và thi Hội (gồm 96 khoa), xã Chung Cự có 193 người thi đậu cử nhân và tú tài. Trong số đó, chỉ có ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng, tức là đậu Hội – Đại khoa.

    (3) Hội đồng kì mục là cơ quan quản lí truyền thống của làng xã người Việt. Trong làng xã Việt nam cổ truyền, Hội đồng kỳ mục nắm toàn bộ quyền quyết định và điều hành mọi hoạt động của làng xã như phân bổ thuế, sưu dịch, lính tráng, bầu cử tổng lý, sử dụng quỹ làng, bàn việc sửa chữa, xây dựng đình chùa, trường học, tổ chức đình đám, khao vọng…

    TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

    1. Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (1980): Những mẩu chuyện về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
    2. Trần Minh Siêu (2015), Quê hương và gia thế Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ.

    Bài liên quan

    Bài đăng mới