1. Nhận thức về an ninh con người
Trên thế giới, ý tưởng về an ninh con người đã xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ 20 trong các nghiên cứu lý thuyết về “an ninh cá nhân” của nhà tâm lý học người Canada, W.E. Blatz, và năm 1994, khái niệm về an ninh con người lần đầu tiên được Liên Hợp Quốc định nghĩa trong báo cáo phát triển con người “An ninh con người có thể được coi là bao gồm hai khía cạnh. Thứ nhất, nó có nghĩa là sự an toàn của mọi người khỏi những mối đe dọa mãn tính như nghèo đói, bệnh tật và áp bức. Thứ hai, nó có nghĩa là sự bảo vệ khỏi những sự gián đoạn đột ngột và có hại đối với cuộc sống hàng ngày bất kể trong gia đình, nơi làm việc hay cuộc sống” [8]. Về nội dung, an ninh con người được xem xét ở 07 lĩnh vực chính: An ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Với phương pháp tiếp cận này, an ninh con người liên quan đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống con người, do đó nó đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khối các nước phát triển, nhiều diễn đàn quốc tế, thậm chí đã tạo ra một xu hướng lý thuyết coi an ninh con người là trung tâm của sự phát triển.
Ở nước ta, dựa trên bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin, nhất là tư tưởng về con người và giải phòng con người, với quan đểm “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” [3, tr .628]. Ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, vấn đề an ninh con người bước đầu cũng đã được khái quát trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội như đánh đế quốc để giành độc lập cho dân tộc, thực hiện ngày cày có ruộng và nam nữ bình quyền… với mục tiêu cao nhất là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân lao động. Đặc biệt là trong bản tuyên ngôn độc lập của nước ta, Hồ Chí Minh đã tuyên bố với thế giới rằng “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do” [4, tr.1], không những thế Hồ Chí Minh còn khẳng định một quyết tâm sắt đá rằng “toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” [5, tr. 587]. Đây có thể nói là tư tưởng cơ bản nhất, cốt lõi nhất về ANCN ở Việt Nam.
Từ đó, những vấn đề về quyền con người, an ninh con người đã được quán triệt trong các đường lối, chủ chương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta qua các giai đoạn, nhất là thời kì đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiêu biểu nhất, rõ nhất là tại Đại hội XIII của Đảng, thuật ngữ an ninh con người đã được Đảng ta đề cập trong nhiều nội dung và được xem là điểm mới, nổi bật của nhiệm kì. Điều này, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta đối với con người, an ninh con người trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, An ninh con người là “trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại; bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, năm 2013, đảm bảo mọi người được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỉ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh” [6, tr. 2]. Đó là sự tiếp nối xuyên suốt bản chất tốt đẹp, nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa trong việc chăm lo cho con người cũng như cơ chế đảm bảo và điều kiện thực hiện những nội dung đó.
2. Hoạt động đảm bảo an ninh con người ở Việt Nam trong thời gian qua
Khi nói đến an ninh con người là nói đến trạng thái an toàn, ổn định trong cuộc sống của người dân, điều đó có thể hiểu là, người dân dù sống ở đâu, nơi nào, miền ngược hay miền xuôi, đồng bằng hay miền núi, dù là già – trẻ, gái – trai, dân tộc hay tôn giáo đều được lao động, sản xuất, đều được ăn, ở, đi lại, học hành một cách bình thường, ổn định và không bị đe dọa bởi những nguy cơ xâm hại bởi những biến cố, sự kiện bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, chiến tranh… có thể dẫn đến đói nghèo, bệnh tật; ngoài ra còn là các tai, tệ nạn xã hội và những hành vi vi phạm pháp luật có thể xâm nhập và đe dọa đến cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân. Đó cũng chính là những quyền cơ bản của con người, của công dân cần phải được bảo vệ và bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật, bằng cơ chế và chính sách nhằm bảo đảm cho xã hội luôn được kiểm soát và có trật tự kỉ cương, đảm bảo cho con người không bị đe dọa bởi bất cứ lí do gì.
Với cách tiếp cận đó, đồng thời với quan niệm của thế giới về an ninh con người, có thể hình dung, vấn đề ANCN ở nước ta chủ yếu xoay quanh 2 khía cạnh: 1/ Nói đến ANCN là nói đến quyền con người được đảm bảo và thực hiện trong các chính sách xã hội, phúc lợi xã hội và an sinh xã hội; 2/ Nói đến ANCN là nói đến quyền con người, quyền công dân được quy định và đảm bảo trong các chiến lược, chủ trương, chính sách về đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội hay an ninh con người chính là bộ phận quan trọng của an ninh quốc gia.
Chính vì thế mà không phải ngẫu nhiên trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, vấn đề ANCN luôn đặt mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với việc đảm bảo ANQG và thực hiện chính sách xã hội, an sinh xã hội. Trong định hướng phát triển đất nước đến năm 2030. Đảng ta đã xác định “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự kỉ cương…” [2, tr.117]. và Đảng ta cũng xác định nhiệm vụ trong thời gian tới là “… thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam” [2, tr.202]. Như vậy, có thể thấy, trước mắt hay lâu dài, cả trong định hướng và nhiệm vụ, Đảng ta đều quan tâm đến an ninh con người trong sự phát triển tổng thể của đất nước, coi nhân tố con người, an ninh con người là trung tâm của mọi hoạt động, bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định xã hội và xây dựng đất nước phát triển bền vững, trường thịnh. Đó cũng là sự tiếp nối, phát triển quan điểm nhất quán của Đảng ta trong việc chăm lo cho con người, thực hiện chính sách về con người, an ninh con người từ khi thành lập cho đến nay.
Thực tế cho thấy, trong quá trình lãnh đạo đất nước, nhất là sau 35 năm đổi mới, mặc dù chúng ta phải đối phó với muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng Đảng ta đã lãnh đạo đất nước ta “đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật” và làm cho đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [2, tr.25]. Trong những thành tựu và dấu ấn đó, có dấu ấn về phát triển con người, an ninh con người, tiêu biểu trong số đó, là chúng ta đã hoàn thành sớm, trước thời hạn các mục tiêu thiên niên kỉ về giảm nghèo, y tế, giáo dục, đặc biệt là tỉ lệ đói nghèo chúng ta đã kéo xuống dưới 3% theo chuẩn nghèo đa chiều và được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng của thế giới(từ 58% năm 1993 xuống còn 9,88% và 2,75% năm 2020) [2, tr.117]; trong lĩnh vực y tế chúng ta đã có trên 90% dân số được thực hiện bảo hiểm y tế, đều đó đã góp phần cải thiện đáng kể tuổi thọ bình quân của nước ta trong 30 năm qua (1989-2019), từ 68,5 tuổi tăng lên 73,2 tuổi, không những thế, dự kiến đến năm 2030, tuổi thọ của chúng ta sẽ đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe, tối thiểu là 68 năm, một chỉ số mà trước đây cha ông ta chưa từng nghỉ đến. Và trên hết, chỉ số quan trọng nhất, đáng tin cậy nhất chính là Chỉ số về phát triển con người trong hơn 30 năm qua, cũng liên tục tăng (từ 0,439 năm 1990 lên 0,706 năm 2020 và 0,726 năm 2022), qua đó đã góp phần đưa nước ta ra khỏi nhóm nước có chỉ số thấp và bước vào tốp các nước có chỉ số cao về HDI [7].
Có được những thành tựu đó là do chúng ta giữ vững được an ninh chính trị, đảm bảo được an ninh cộng đồng và tạo được sự đồng thuận xã hội. Đó là những con số biết nói, những con số đó, những chỉ số đó không thể có được nếu người dân không được quan tâm và chăm sóc một cách hiệu quả. Trong những năm trở lại đây, nhất là từ cuối năm 2019, khi đại dịch Covid 19 bùng phát và trở thành hiểm họa của nhân loại, đe dọa cuộc sống của nhân dân ta, đất nước ta, suy đến cùng đó cũng chính là mối đe dọa đến con người và an ninh con người. Trước tình hình đó, hơn lúc nào hết, với tư tưởng an dân và truyền thống đoàn kết của dân tộc, cả hệ thống chính trị nước ta từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, đến Quốc hội và Chính phủ đã cùng vào cuộc và thống nhất xác định chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, coi sức khỏe và tính mạng con người là trên hết, trước hết và không để ai bị bỏ lại phía sau. Có thể nói, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tinh thần “khẩn trương, thần tốc” trong chiến tranh đã được sốc lại trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, tinh thần đó không chỉ xuất hiện với tần suất cao trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta mà cò xuất hiện trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tiêu biểu đó là gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn, năm 2020 với kinh phí lên đến 62 ngàn tỉ đồng [1] và nhiều gói hỗ trợ khác với trên hàng trăm ngàn tỉ đồng, đặc biệt là cuộc họp khẩn cấp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào chiều muộn ngày 06/8/2021, một cuộc họp chưa có tiền lệ trong lịch sử để xem xét và giải quyết đề xuất của Chính phủ về việc chi trả kinh phí trong việc tiêm ngừa, khám, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 (miễn phí cho nhân dân)…cùng với đó, hàng loạt các hoạt động có liên quan cũng đã được kích hoạt trên tinh thần khẩn trương, thần tốc, như: thành lập các khu cách ly, bệnh viện dã chiến và nhất là những cuộc hành quân, chi viện khẩn cấp của hàng ngàn đội ngũ y bác sĩ, của Công an, quân đội từ khắp mọi miền đất nước để về với tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả điều đó, một lần nữa chứng minh cho sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội đối với con người và an ninh con người, không những trong đại dịch mà là cho cả quá trình phát triển của đất nước. Sự quan tâm đó góp phần giúp Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước đã vượt qua đại dịchCovid-19 để trở lại cuộc sống bình thường.
Tất nhiên, chúng ta cũng phải thống nhất với nhau rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được chúng ta cũng không tránh khỏi những khó khăn hạn chế trong thực hiện các chiến lược, chính sách về an ninh con người như việc giảm nghèo chưa bền vững, chất lượng chăm sóc y tế ở vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa vẫn còn không ít bất cập; thiên tại dịch bệnh vẫn còn đe dọa cuộc sống bình yên của một bộ phận Nhân dân…. Nhưng chúng ta có thể tin tưởng và khẳng định rằng, với quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị và truyền thống của dân tộc ta, vấn đề an ninh con người sẽ tiếp tục đạt được những bước phát triển mới, thành tựu mới trong thời gian tới như đã đề ra trong một số định hướng, mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta đã xác định.
3. Định hướng, giải pháp bảo đảm An ninh con người trong thời gian tới
An ninh con người đã trở thành vấn đề thời sự, cấp bách không còn chỉ là những cuộc bàn luận hay sự quan tâm của một vài quốc gia. Những vấn đề liên quan đến an ninh con người đã và đang gây ra những hậu quả hết sức nặng nề cho nhân loại như thiên tại, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid- 19… Do đó, để góp phần bảo đảm an ninh con người trong thời gian tới, chúng ta cần chủ động thực hiện tốt những định hướng, giải pháp sau:
Một là, Đảng, Nhà nước ta cần có một chiến lược tổng thể về an ninh con người với các mục tiêu thật sự cụ thể trên từng lĩnh vực, theo các giai đoạn phát triển của đất nước. Có như vậy, hệ thống các chủ trương chính sách, các thiết chế thực hiện mới đảm bảo sự đồng bộ, nhất quán và khả thi. Đồng thời, tư duy về đối tượng quản lí nhà nước về an ninh trật tự cũng phải có sự đổi mới cho phù hợp với thực tiễn, ngoài đối tượng truyền thống như trước đây, thì hiện nay, lực lượng CAND cần quan tâm và đưa vào diện quản lý đối với các cá nhân có hành vi và tổ chức các hoạt động liên quan đến an ninh con người như các loại hình dịch vụ chăm sóc y tế, môi trường, năng lượng, tài nguyên, mạng xã hội…
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đấu tranh kịp thời với các hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và bọn tội phạm lợi dụng vấn đề quyền con người để xuyên tạc những hoạt động, nghĩa cử cao đẹp của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và toàn xã hội trong bảo đảm an ninh con người, nhất là trong những tình huống nguy cấp, mà bản thân quần chúng không thể xoay trở để vượt qua trong thời gian ngắn như chủ trương “thiết lập vùng xanh”, “vùng an toàn” trong đại dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021, “di dân tránh lũ” trong bão Yagi, sạt lỡ đất tại các tỉnh phía Bắc, tháng 9/ 2024. Tăng cường kiểm soát mạng xã hội, xử lí nghiêm những đối tượng đăng tải những nội dung, hình ảnh không đúng sự thật, có tính cắt ghép, xuyên tạc để hạ uy tín của các cá nhân, tổ chức hoạt động vì quyền con người, quyền công dân.
Ba là, các cơ quan, đơn vị, nhất là các trường đại học, cao đẳng đẩy mạnh các hoạt động thực hành chính trị xã hội trong quá trình đào tạo, huấn luyện để tăng cường rèn luyện và bồi đắp các kỉ năng mềm cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên, tăng cường tham gia các hoạt động vì cộng đồng như: tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh con người, an sinh xã hội, về bình đẳng, công bằng xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, phòng chống tai, tệ nạn xã hội, thực hiện các hoạt động thiện nguyện như: thăm hỏi, tặng quà, xây nhà tình nghĩa, đại đoàn kết cho các gia đình có công cách mạnh, khó khăn về kinh tế. Đó không chỉ là sự quán triệt nguyên tắc lí luận gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội mà còn là môi trường để cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên trải nghiệm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng đồng hành” với nhân dân trong lao động, sản xuất, góp phần cùng chính quyền chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phấn đấu cùng Nhà nước thực hiện tốt phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Có như thế, mọi người mới thấy rõ hơn giá trị của cuộc sống, thấy được những khó khăn, vất vả, những thiếu thốn mà người dân phải đối mặt, hiểu rõ hơn giá trị của sự sẻ chia, giá trị của một miếng khi đói, một gói khi no, của tình làng nghĩa xóm…và trên hết, đó là tình nghĩa “đồng bào”, một khái niệm hết sức thiên liêng chỉ có ở đất nước và con người Việt Nam. Đó không những là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, nhân dân ta từ bao đời nay mà còn là mục đích, là phương châm hành động của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng mới.
Bốn là, lực lượng Công an nhân dân với vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật an toàn xã hội, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình, trước hết cần tập trung tham mưu những chủ trương, giải pháp ứng phó với các vấn đề an ninh con người, đáng chú ý đang diển biến hết sức phức tạp ở nước ta như: thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… và xử lý nghiêm những hành vi, những hoạt động tiềm ẩn ảnh hưởng, đe dọa đến an ninh con người như nạn chặt phá rừng, khai thác cát trái phép, lợi dụng mạng xã hội để gây nhiễu thông tin, xuyên tạc, lừa đảo… Cùng với đó, phải đẩy mạnh việc nghiên cứu hoàn thiện lí luận về an ninh con người và bảo đảm an ninh con người một cách có hệ thống từ đặc điểm, nội dung, biện pháp, quan điểm chỉ đạo đến mối quan hệ phối hợp giữa các chủ thể và cả hợp tác quốc tế để giải quyết vấn đề này.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
- Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2020): Nghị quyết số 42/NQ- CP, ngày 9/4/2020 của Chính phủ.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- C.Mác và Ph.Ăngghen (1995): Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t. 4, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, t. 6, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Tô Lâm (2021): Đề cương chuyên đề “Những nhận thức mới, tư duy mới về an ninh quốc gia” trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
- Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 14/3/2024.
- United Nation Development Program (1994), “New Dimensions of Human Security” in Human Development, p23.