Vấn đề bản chất con người nhìn từ bản chất của Trần Đức Thảo

Yolo24h.vn

Trang thông tin điện tử tổng hợp

Tóm tắt: Việc đưa ra quan niệm mang tính khoa học về bản chất con người là một trong những đóng góp quan trọng của triết học Mác đối với lịch sử triết học nhân loại. Bằng sự hiểu biết sâu sắc về triết học Mác, Trần Đức Thảo đã sử dụng phương pháp luận biện chứng duy vật để luận giải và chứng minh những giá trị khoa học trong quan niệm của Mác về bản chất con người. Vì vậy, trên cơ sở khảo cứu hai tác phẩm “Sự hình thành con người” và “Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người”” của Trần Đức Thảo, chúng tôi muốn khẳng định và nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của ông trong nghiên cứu, bảo vệ và phát triển triết học Mác, đặc biệt là việc lý giải một cách sâu sắc nội dung khoa học của Luận cương thứ VI về Feuerbach của C. Mác, một Luận cương mà I.T. Phrôlốp đánh giá, thoạt nhìn thì rất đơn giản và hiển nhiên, nhưng đồng thời lại rất sâu sắc và cơ bản.

TS.Phan Thành Nhâm

Từ khóa: Con người, bản chất con người, Trần Đức Thảo, luận cương về con người

Nhận bài: 09/07/2024; đưa vào biên tập: 10/07/2024; phản biện: 18/07/2024; duyệt đăng 26/07/2024.

1. Đặt vấn đề

Quan điểm về bản chất con người của Mác là một trong những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển của lịch sử triết học nhân loại. Điểm xuất phát trong nghiên cứu con người của C. Mác chính là những con người cá thể, nhưng có một sự khác biệt so với L. Feuerbach là ở chỗ, C. Mác đã không dừng lại ở điểm xuất phát ấy, mà đã vượt qua nó để đi đến khái niệm chung biện chứng-cụ thể về con người. Bằng một tinh thần trung kiên với chủ nghĩa Mác cùng với một tư duy triết học sắc xảo, Trần Đức Thảo đã sử dụng phương pháp luận biện chứng duy vật để luận giải và làm sáng tỏ những giá trị khoa học trong quan niệm của C. Mác về bản chất con người. Vì vậy, trên cơ sở khảo cứu các công trình nghiên cứu của Trần Đức Thảo, đặc biệt là công trình Sự hình thành con người, Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người”, bài viết khẳng định những đóng góp quan trọng của ông vào việc nghiên cứu, bảo vệ và phát triển triết học Mác, nhất là những đóng góp luận giải thêm một cách khoa học Luận cương thứ VI về Feuerbach của C. Mác.

2. Vài nét về triết gia Trần Đức Thảo

Cho đến nay, Trần Đức Thảo là người Việt Nam duy nhất được thế giới công nhận là một nhà triết học. Ông sinh ngày 26 tháng 9 năm 1917 trong một gia đình viên chức nhỏ tại xã Song Tháp, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Năm 1935, sau khi đỗ tú tài loại xuất sắc, Trần Đức Thảo theo học trường Luật tại Hà Nội. Năm 1936 ông sang Pháp học để chuẩn bị thi vào Trường Sư phạm phố d’Ulm. Đây là một trong những ngôi trường nổi tiếng của Pháp. Năm 1939 Trần Đức Thảo nhập học và đến năm 1942 tốt nghiệp thủ khoa trường này, sau đó tiếp tục học và lấy bằng thạc sĩ triết học (1942 – 1943), rồi tiếp tục nghiên cứu tại Trường Sư phạm phố d’Ulm để thực hiện luận án tiến sĩ với đề tài “Phương pháp hiện tượng học của Husserl”. Khi chiến tranh thế giới II tràn vào nước Pháp và cách mạng Tháng Tám thành công ở Việt Nam, Trần Đức Thảo đã tích cực tham gia vào những hoạt động yêu nước ở Pháp và hướng lòng về Việt Nam. Với tư cách là người Việt Nam, Trần Đức Thảo không tách cá nhân mình ra khỏi vận mệnh dân tộc, vì vậy, giữa những ngổn ngang của hiện tượng luận lúc bấy giờ, ông đã chọn con đường chuyển từ nó sang chủ nghĩa duy vật lịch sử; từ đó, đã diễn ra cuộc tranh luận nổi tiếng giữa nhà triết học Việt Nam với nhà văn, triết gia hiện sinh Pháp J. P. Satre. Cuối năm 1951, Trần Đức Thảo trở về Việt Nam tham gia kháng chiến. Ở chiến khu Việt Bắc, ông trở thành khách mời của Bộ Giáo dục, đi điều tra nhiều cơ sở trường học và chuẩn bị xây dựng nền giáo dục mới. Trần Đức Thảo đã từng là Ủy viên của Ban Văn sử địa, Phó giám đốc trường Đại học sư phạm Văn khoa, Chủ nhiệm Khoa sử, giáo sư lịch sử triết học của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1958, sau những diễn biến “Nhân văn Giai phẩm” phức tạp, Trần Đức Thảo chuyển sang chuyên nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin, tham gia dịch các tác phẩm của C. Mác, Ph. Ăngghen cho Nhà xuất bản Sự thật và đã công bố nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực triết học. Trần Đức Thảo mất ngày 24 tháng 4 năm 1993 tại Paris.

3. Trần Đức Thảo luận giải một cách khoa học Luận cương thứ VI về Feuerbach của C. Mác và bác bỏ những quan điểm sai trái của phái “lý luận không có con người”

 Với việc đưa ra một khái niệm chung về con người trên cơ sở nhận thức được bản chất chung của nhân loại, C. Mác đã vượt qua các nhà triết học trước đó, kể cả triết học nhân bản của L. Feuerbach. Vì lẽ đó, trong tác phẩm “Dưới lăng kính triết học”, Viện sỹ V.E. Đavidôvích nhận xét như sau: “Người ta coi luận cương ấy là một trong những điểm sâu sắc và chói sáng nhất của tư tưởng C. Mác, là phát kiến tầm cỡ rộng nhất, là công thức tìm tòi vĩ đại. Khi đánh giá về nó, I.T. Phrôlốp nói rằng, khó mà tìm thấy, trong lịch sử nhận thức khoa học, một chân lý thoạt nhìn thì rất đơn giản và hiển nhiên, đồng thời lại rất sâu sắc và cơ bản, mà khoa học khám phá ra được nó chỉ nhờ kết quả của sự phát triển nhiều thế kỷ, của những tìm tòi khó khăn, nhờ cuộc đấu tranh tư tưởng khốc liệt” (Đavidôvích, 2002: tr. 341) Tuy nhiên, có một điều dễ hiểu là, công thức ấy được xét đến trong sự thể hiện ban đầu của nó, do C. Mác đưa ra như một công thức. Do vậy, nó cần phải được triển khai, xem xét, phân tích và lý giải sâu sắc hơn về nội dung. Và ở đây, có một nhà tư tưởng đã làm được điều đó – đấy chính là Trần Đức Thảo.

Việc làm sáng tỏ vấn đề bản chất con người thực chất cũng chính là việc làm sáng tỏ một công thức đã được C. Mác xác lập trong Luận cương thứ VI về Feuerbach: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội” (Mác – Ăngghen, 1995: tr. 11). Để làm sáng tỏ luận điểm này thì việc làm sáng tỏ một số thuật ngữ theo kiểu văn bản học và ngữ nghĩa học là thực sự cần thiết. Thực hiện điều đó, Trần Đức Thảo đã chỉ rõ: “Khi luận đề thứ 6 về Feuerbach tuyên bố rằng “bản chất của con người không phải là một sự trừu tượng gắn liền với cá nhân riêng biệt”, sự phủ định “không phải là” phải hiểu theo nghĩa biện chứng như là sự đòi hỏi phải vượt qua điểm xuất phát trừu tượng. Một sự vượt qua như thế có nghĩa là xem xét bản chất của con người một cách cụ thể trong nội dung lịch sử phổ biến của nó. “Bản chất ấy trong thực tế của nó là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”, – nói một cách khác là tổng thể có hệ thống các mối liên hệ và tương quan xã hội kết nối các cá nhân riêng biệt thành một hệ thống chung, bởi vì “cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ dẫn đến cái chung”” (Trần Đức Thảo, 2004: tr. 123-124). Điều này cũng đã được Ph. Ănghen khẳng định trong Thư gửi Mác ngày 19 tháng 11 năm 1844: “Chúng ta xuất phát từ cái “tôi”, từ cá nhân mang tính kinh nghiệm, có thể xác, nhưng không phải dẫm chân ở điểm này như Stiếcnơ, mà phải từ cá nhân đó vươn tới “con người” (Mác – Ăngghen, 2004: tr. 22).

Tiếp tục dòng tư duy như vậy, Trần Đức Thảo đã làm sáng tỏ nội dung luận đề về bản chất con người của C. Mác. Ông viết: “Luận cương thứ VI về Feuerbach đã đưa ra nội dung hữu thực của khái niệm về con người, bằng cách hiển nhiên coi tính hiện thực của nó như “toàn bộ các quan hệ xã hội”. Nhưng như vậy, có vẻ như không còn khả năng nhận thức được con người chung chung vì các quan hệ xã hội luôn luôn thay đổi một cách bất định” (Trần Đức Thảo, 2004: tr. 92). Tuy nhiên, bằng việc dựa trên một công thức hay tuyệt mà V.I. Lênin đã rút ra: “không phải chỉ là cái phổ biến trừu tượng, mà là cái phổ biến bao hàm cả sự phong phú của cái đặc thù, cái cá thể, cái cá biệt” (tất cả sự phong phú của cái đặc thù và cái cá biệt!)” (Lênin, 1981: tr. 109), Trần Đức Thảo đã lập luận rằng, “toàn bộ các quan hệ xã hội quy định bản chất của con người giống một điều cụ thể phổ biến: vận động của con người lịch sử trong thế giới hiện thực, trong những chừng mực nhất định tính lịch sử của nó không giảm tới những giới hạn của một giai đoạn cụ thể của lịch sử, nhưng nó hoàn thiện tính thống nhất biện chứng của toàn bộ các quan hệ xã hội, như một chỉnh thể của sự phát triển bất định, chúng được tạo ra trong lịch sử nhân loại” (Trần Đức Thảo, 2004: tr. 92-93).

Tuy nhiên, do những hạn chế về nhận thức hoặc vì những mục đích chính trị phi khoa học nào đó, mà chủ nghĩa sinh học và chủ nghĩa “lý luận không có con người” đã không thấy được cái cơ bản chung của con người, không thấy được sự khác nhau căn bản giữa con người với tư cách con người so với con vật. Họ cho rằng chỉ có giai cấp và con người giai cấp, chứ không có con người với tư cách là con người theo nghĩa chung của loài người, tức là ngoài tính cách sinh vật ra, thì không thể xác định một tính chất xã hội cơ bản chung của cả loài người. Hay nói cách khác, tức là theo họ, thì con người xét về bản chất là “con người sinh vật”, chứ không phải là con người xã hội như C. Mác đã vạch rõ trong Luận cương thứ VI về Feuerbach: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất của con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”. Theo lập luận của phái “lý luận không có con người”, thì bản chất của con người phải là cái gì đó không thay đổi trong lịch sử loài người. Mà những quan hệ xã hội mang tính lịch sử, nên nó sẽ khác nhau qua mỗi thời kỳ, mỗi nhóm và mỗi cá nhân. Do vậy, chỉ có các quy luật sinh học ổn định mới là bản chất của con người, còn các quan hệ xã hội luôn thay đổi trong lịch sử nhân loại không thể là bản chất, mà chỉ là hiện tượng.

Bác bỏ những quan điểm phi khoa học ấy, Trần Đức Thảo đã chỉ ra rằng, bản chất con người, mà C. Mác đã xác nhận là “tổng hòa những quan hệ xã hội” thì luôn thay đổi, phát triển trong lịch sử. Nhưng nó vẫn giữ một nền tảng chung, để nó có thể là bản chất chứ không phải là hiện tượng. Cái nền tảng chung ấy là một hệ thống có 3 cơ cấu: 1. Sức lao động giản đơn, trong đó, những quy luật sinh vật học của cơ thể được sáp nhập vào một biện chứng căn bản mới, đặc thù của con người, là sự biện chứng của lao động sản xuất nguyên thủy; 2. Tiếng nói hay còn gọi là ngôn ngữ khẩu thiệt, trong đó, những quy luật sinh vật học của bộ óc và của những khí quan biểu thị được sáp nhập vào trong một biện chứng căn bản mới, là sự biện chứng của những ý nghĩa, phản ánh sự biện chứng của lao động hợp tác và quan hệ xã hội cộng sản nguyên thủy; 3. Ý thức hay tâm thần là cái tiếng nói bên trong, tức là cái sản phẩm sinh ra từ lao động hợp tác và quan hệ xã cộng sản nguyên thủy thông qua tiếng nói bên ngoài (Trần Đức Thảo, 2004: tr. 98-99).

Như vậy, khi nhận thức vấn đề bản chất con người, Trần Đức Thảo đã đặt nó trong tổng thể có hệ thống các quan điểm triết học của C. Mác, đã xác định được cái nền tảng chung bắt đầu từ khi con người mới hình thành với 3 yếu tố cơ bản: sức lao động giản đơn, tiếng nói và ý thức. Trong đó lao động giản đơn, tức là thứ lao động ban đầu và cũng là lao động hợp tác đã quy định bản chất của những quan hệ xã hội cộng sản nguyên thủy, cái bản chất này lại quy định cái bản chất ban đầu của con người. Do đó, những quy luật sinh vật học là tất yếu, nhưng phải thông qua các quan hệ xã hội. Nói theo một cách khác, cụ thể hơn, thì các quan hệ xã hội là cái bản chất, còn các quy luật sinh vật học là nền tảng của cái bản chất xã hội của con người. Luận giải đó của Trần Đức Thảo hoàn toàn phù hợp với những nhận định của C. Mác và Ph. Ăngghen rằng: “Bản thân con người bắt đầu tự phân biệt với súc vật ngay khi con người bắt đầu sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình – đó là một bước tiến do tổ chức cơ thể của con người quy định” (Mác và Ăngghen, 1995: 29). Và “hoạt động sinh sống có ý thức phân biệt trực tiếp con người với hoạt động sinh sống của con vật. Chính chỉ vì thế mà con người là một sinh vật có tính loài” (Mác – Ăngghen, 2000: tr. 136-137).

4. Bản chất của con người phải được nhìn nhận như một chỉnh thể thống nhất với nhiều cấp độ khác nhau

Con người nói chung hay bản chất của con người được Trần Đức Thảo nhìn nhận như là con người phát triển trong lịch sử loài người qua tất cả các thời đại, kể từ thời đại con người khởi nguyên thoát thai khỏi thế giới động vật cho đến những thời đại có giai cấp. Nhưng kể từ khi xuất hiện giai cấp, con người đã trở nên ích kỷ và hẹp hòi, khi mọi cái đều chỉ được nhìn nhận trên lập trường giai cấp. Vượt ra ngoài những quan điểm tầm thường mang định kiến giai cấp, Trần Đức Thảo cho rằng, việc xem xét con người trên quan điểm giai cấp là hoàn toàn đúng và cần thiết. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối hóa quan điểm giai cấp thì tức là đã phủ nhận con người theo nghĩa chung của loài người, phủ nhận con người nói chung mang bản chất xã hội.

Thực chất thì mối quan hệ giữa con người giai cấp và con người theo nghĩa chung của loài người phải được nhìn nhận như là mối quan hệ của cùng một con người ở các cấp độ khác nhau của bản chất: Bản chất giai cấp và bản chất xã hội mang tính nhân loại. Dựa trên cơ sở những luận điểm mang tính khoa học của V.I. Lênin về bản chất và hiện tượng trong Bút ký triết học, Trần Đức Thảo đã nhận thấy, bản chất của con người cũng giống như bản chất của các sự vật hiện tượng nói chung, cũng bao gồm nhiều cấp độ khác nhau, mà nhận thức hay tư tưởng của con người đi sâu một cách vô hạn, từ hiện tượng đến bản chất, từ bản chất ít sâu sắc đến bản chất sâu sắc hơn, từ bản chất hàng một đến cái bản chất hàng hai và cứ như thế mãi. Khái quát điều này, Trần Đức Thảo viết: “Trong vấn đề đạo lý thì trước hết chúng ta nhận xét các hiện tượng trên bề mặt của hoạt động con người, rồi đào sâu, phát hiện cái bản chất giai cấp, là bản chất hàng một. Nhưng nếu đào sâu hơn, thì thấy ở dưới cái bản chất giai cấp, là bản chất hàng một, lại có cái bản chất con người theo nghĩa chung của loài người tức là con người nói chung, là bản chất hàng hai. Sâu hơn nữa thì có cái bản chất sinh vật học, rồi đến cái bản chất lý hóa v.v…” (Trần Đức Thảo, 2000: tr. 42).

Con người trong xã hội có giai cấp vừa là bản thân nó, tức là con người giai cấp, đồng thời là cái khác với nó, tức là con người nói chung. Do vậy, việc nghiên cứu bản chất của con người dưới các cấp độ khác nhau cho phép chúng ta nhận thức sâu sắc hơn quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội. Trần Đức Thảo đã khẳng định rằng, cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động khác chống lại giai cấp tư sản thống trị không chỉ xuất phát một cách đơn giản và thuần túy từ những quan hệ giai cấp. Mà nó còn dựa trên và bắt nguồn từ những giá trị nhân văn mang tính người sâu sắc, từ những đòi hỏi về sự công bằng, bình đẳng giữa người với người, vào ý thức chính nghĩa và những giá trị chân chính của con người theo nghĩa chung của loài người, đó là những giá trị: chân, thiện, mỹ. Và như thế cũng chứng tỏ rằng, đấu tranh cách mạng không chỉ xuất phát từ những quyền lợi giai cấp của công nhân và nhân dân lao động, tức là cái bản chất hàng một của con người cách mạng. Động cơ của cách mạng còn có các giá trị xuất phát từ tính loài, có khởi thủy từ xã hội cộng sản nguyên thủy và phát triển trong lịch sử đấu tranh giai cấp, tức là những giá trị nhân bản đứng trong bản chất hàng hai của con người. Chính vì vậy, Trần Đức Thảo đã kết luận rằng, “quan điểm con người nói chung, tức là con người nhân cách, là cái cơ sở thứ hai, rất cần thiết để giải quyết đúng đắn vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội” (Trần Đức Thảo, 2000: tr. 56). Việc thừa nhận và hiểu sâu sắc con người theo nghĩa là con người nói chung là một điều kiện quan trọng và cần thiết để giải quyết các vấn đề thuộc về cái bản chất hàng một, mà trong xã hội có giai cấp là con người giai cấp. Đồng thời cũng là nền tảng để hiểu đúng về vấn đề dân tộc – giai cấp – nhân loại, vấn đề dân chủ hóa và vấn đề quyền con người nói chung.

 Như vậy, những nội dung được trình bày trên đây cho chúng ta thấy đóng góp to lớn của Trần Đức Thảo là ở chỗ, ông đã làm sáng tỏ giá trị khoa học trong luận điểm của C. Mác về bản chất con người. Chính điều đó đã trở thành một luận cứ quan trọng để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác của phái “lý luận không có con người”. Hơn thế, bằng việc nhìn nhận bản chất con người với nhiều cấp độ khác nhau đã cho thấy những giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc được ẩn sâu trong Luận cương thứ VI về Feuerbach của C. Mác. Và sẽ là một sai lầm thực sự, nếu ai đó cho rằng, với Luận cương ấy, C. Mác chỉ biết đến mặt xã hội mà quên mất mặt tự nhiên ở con người. Mà ngược lại, con người với tư cách cá thể luôn tồn tại ở các cấp độ bản chất khác nhau, do vậy, không có ai là hoàn toàn văn minh hay dã thú. Cũng vì lẽ đó, tất cả các học thuyết tin vào sự hoàn hảo tuyệt đối của một giai cấp hay sự thượng đẳng của một dân tộc đều là những học thuyết ảo tưởng, thậm chí là thảm họa đối với lịch sử nhân loại, chống lại những giá trị nhân bản, nhân văn vốn có của con người.

5. Kết luận

1. Trần Đức Thảo đã có những đóng góp quan trọng đối với việc làm sáng tỏ Luận cương thứ VI về Feuerbach của C. Mác về vấn đề bản chất con người cả về mặt hình thức và nội dung của nó. Ông đã nhận thấy, một phương pháp được nhiều nhà triết học mácxít đánh giá là phương pháp duy nhất đúng – phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể, đã được C. Mác không chỉ sử dụng trong nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, mà còn được C. Mác xem như là con đường tất yếu để nhận thức về con người, tức là phải xuất phát từ việc nhận thức con người cá nhân, con người kinh nghiệm bằng xương thịt để đi đến nhận thức con người theo nghĩa chung loài người. Đây cũng chính là điểm khác biệt cơ bản giữa học thuyết về con người của C. Mác với triết học nhân bản của Feuerbach.

2. Dựa trên những luận cứ khoa học sắc sảo, Trần Đức Thảo đã phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái của phái “lý luận không có con người” và khẳng định chủ nghĩa Mác không hề xa rời và càng không bỏ quên con người. Và sẽ là sai lầm và hẹp hòi khi cho rằng, trong xã hội có giai cấp thì chỉ có con người giai cấp chứ không có con người nói chung – con người nhân loại. Bởi tổng hòa các quan hệ xã hội, bao gồm những quan hệ xã hội hiện tại trong sự phản chiếu những quan hệ xã hội quá khứ được lắng đọng trong mỗi cá nhân đã quyết định bản chất con người, do vậy mà có thể nhận biết được con người như một cá thể, thậm chí như một chủ thể phát triển một cách cụ thể trong toàn bộ lịch sử loài người.

3. Bản chất con người đã được Trần Đức Thảo nhìn nhận và nghiên cứu ở nhiều cấp độ khác nhau. Vì vậy, vấn đề con người và vấn đề giai cấp, vấn đề dân tộc, vấn đề nhân loại, vấn đề công nhận quyền con người và bảo đảm quyền dân chủ,… cần phải được xem xét như một chỉnh thể thống nhất không tách rời nhau. Chính điều này đã gợi mở những hướng đi đúng đắn cho việc giải quyết những vấn đề xã hội trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Cụ thể, để xây dựng một nền dân chủ và thực hiện dân chủ hóa phải xóa bỏ cơ chế hành chính mệnh lệnh, bao cấp và quan liêu, phải chính thức công nhận quyền con người nói chung, thì mới thực sự bảo đảm quyền dân chủ của mọi người./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. 1. V.E. Đaviđôvích (2002): Dưới lăng kính triết học, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  2. 2. C. Mác và Ph. Ăngghen (1995): Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  3. 3. C. Mác và Ph. Ăngghen (2000): Toàn tập, tập 42, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  4. 4. C. Mác và Ph. Ăngghen (2004): Toàn tập, tập 27, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  5. 5. V.I. Lênin (1981): Toàn tập, tập 29, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva.
  6. 6. Trần Đức Thảo (2000): Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người”, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.
  7. 7. Trần Đức Thảo (2004): Sự hình thành con người, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

Bài liên quan

Bài đăng mới