1. Đặt vấn đề
Để làm rõ quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải bắt đầu từ cội nguồn của khái niệm “đại đoàn kết”, đây là khái niệm được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng đầu tiên. Đồng thời Hồ Chủ tịch chỉ gắn đại đoàn kết với “toàn dân”, còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn “Đại đoàn kết” với “toàn dân tộc”. Vì vậy phải tìm ra sự tương đồng trong cách dùng cụm từ “đại đoàn kết toàn dân tộc” với cách dùng cụm từ “đại đoàn kết toàn dân”. Trên cơ sở thống nhất về mặt khái niệm đi tìm hiểu quan điểm của Tổng Bí thư về vị trí vai trò truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong lịch sử dân tộc Việt nam. Từ quan điểm cơ bản đó tìm hiểu và làm rõ những quan điểm và giải pháp Tổng Bí thư nêu lên nhằm phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
2. Khái niệm Đại đoàn kết
2.1. Khái niệm về Đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê (chủ biên), cũng như một số cuốn Từ điển khác định nghĩa khái niệm đoàn kết là “kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung” còn đại đoàn kết là “đoàn kết rộng rãi”.
Thực ra dưới góc độ Ngôn ngữ học, việc chỉ ra “Đại đoàn kết là đoàn kết rộng rãi” thì đây chỉ là cách giải thích một cụm từ theo nghĩa Hán – Việt mà chưa phải là một định nghĩa đầy đủ. Trong “Bài nói chuyện tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên – Việt toàn quốc” ngày 10 tháng 1 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một định nghĩa rõ ràng, đầy đủ như sau: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác” (Hồ Chí Minh, 2002 (tập 7): tr. 438). Tư tưởng về đại đoàn kết được Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ thể hóa trong các cụm từ như: “đoàn kết toàn dân”, “đoàn kết nhân dân”, “đại đoàn kết toàn dân”… Mặc dù có sự diễn đạt khác nhau, nhưng nội hàm của các khái niệm đã nêu trên đây về cơ bản là thống nhất, nhất là khi Người khẳng định lực lượng của khối đại đoàn kết là toàn thể nhân dân Việt Nam. Theo tiến sĩ Phạm Hồng Chương: “Thống kê đối tượng của Đại đoàn kết được Hồ Chí Minh sử dụng (trong Hồ Chí Minh Toàn tập) chỉ thấy cụm từ đại đoàn kết gắn với một đối tượng là toàn dân… Ngoài ra không gắn với đối tượng nào khác” (HVCTQGHCM – Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, 2004: tr. 70). Trong quan niệm của Hồ Chủ tịch, dân là “tất cả những ai thừa nhận mình là con dân nước Việt”, là “con Rồng cháu Tiên”, “gốc tích Việt Nam”, “người chung một nước” và thừa nhận “Hồng Bàng là tổ nước ta”. Với khái niệm dân mà Người đề cập cũng chính là dân tộc Việt Nam.
2.2. Khái niệm đại đoàn kết theo cách diễn đạt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, trong các bài viết, bài nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến sử dụng cụm từ “đại đoàn kết”, nhưng phần lớn gắn với đuôi “toàn dân tộc” hoặc “dân tộc”, đó là “Đại đoàn kết toàn dân tộc” hay “Đại đoàn kết dân tộc” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 74-76). Có 2 lần sử dụng cụm từ Đại đoàn kết toàn dân” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr 104-109) ở trang 104, 109. Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là cách cụ thể hóa Đại đoàn kết toàn dân, đây là hai khái niệm đồng nhất, nghĩa là hoàn toàn trùng nhau cả về nội hàm và ngoại diên. Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần giải thích cụm từ đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân. “Toàn dân” cũng có ngĩa là “toàn dân tộc”, “dân” và “dân tộc” là một. Dân tộc hiểu theo nghĩa rộng là quốc gia dân tộc, như khái niệm dân tộc trong câu nói của Hồ Chủ tịch: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Còn khi nói, đoàn kết các dân tộc ở nước ta là nói theo nghĩa hẹp, các dân tộc đó là chỉ các tộc người; chẳng hạn, nước ta có 54 dân tộc nghĩa là 54 tộc người.
3. Vị trí, vai trò của truyền thống đại đoàn kết trong lịch sử dân tộc Việt Nam
3.1. Truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của công cuộc dựng nước và giữ nước trong lịch sử dân tộc Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” (Hồ Chí Minh, 2002, (tập 3): tr. 217). Bài học kinh nghiệm quý báu này, được Hồ Chủ tịch chỉ ra, “Đại đoàn kết toàn dân” chính là nguồn động lực chủ yếu để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chấn hưng đất nước. Cũng vì thế, tư tưởng “Đại đoàn kết toàn dân” là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng như Người đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!” (Hồ Chí Minh, 2002 (tập 13): tr. 243).
Kế thừa và phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng phát triển đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “đoàn kết là một truyền thống và bài học cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết!”… Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn xác định “đoàn kết” là giá trị cốt lõi và “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 102). Bởi vì, truyền thống đại đoàn kết khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, phát huy hết tiềm năng vốn có, thực hiện thắng lợi khát vọng phát triển đất nước phồn vinh mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của mọi người dân Việt Nam.
3.2. Truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống lấy dân làm gốc và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, sức mạnh lớn nhất là ở nhân dân, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (Hồ Chí Minh, 2002 (tập 10): tr. 453), đúng như Nguyễn Trãi đã nói “chở (đẩy) thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Kiên trì và nhất quán quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân và khẳng định quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương: “Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đại đoàn kết toàn dân tộc, chính là khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng là ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Không có gì mạnh bằng sự đoàn kết của toàn thể nhân dân, thực tiễn lịch sử tồn tại và phát triển của cộng đồng dân tộc Việt Nam đã chứng minh sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là làn sóng nhấn chìm bao bọn cướp nước và lũ bán nước, khẳng định vị thế ngày càng to lớn và vững chắc của người dân Việt Nam trước bạn bè thế giới, cũng chính vì thế Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tự hào khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 7).
3.3. Truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc là nguyên tắc tổ chức, quy tụ, tập hợp lực lượng trong các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam
Đại đoàn kết toàn dân tộc tạo nên một khối thống nhất, toàn vẹn trong phạm vi toàn dân tộc, đó là thống nhất về mục tiêu, ý chí, tổ chức và hành động. Về tổ chức, đoàn kết là những mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa các thành tố của cộng đồng theo lực hướng tâm, nhất là các thành tố làm “nòng cốt” và linh hồn của dân tộc, ở nước ta hiện nay, đó là hệ thống chính trị.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (Tổng Bí thư là trưởng ban soạn thảo) khẳng định rõ hơn cơ chế, vai trò của từng thành tố bảo đảm sự bền vững của khối đại đoàn kết, đó là “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 65). Trong đó, Đảng và Nhà nước đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong cơ chế vận hành của hệ thống chính trị, việc duy trì, xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải luôn luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng là linh hồn và ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra “sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp của cả hệ thống chính trị ở nước ta; sự đoàn kết nhất trí cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 83). Đây là một phương thức, cách làm bài bản, hợp lý, khoa học, tạo ra cơ chế vận hành với tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, và “Dọc ngang thông suốt” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 83).
3.4. Truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống tương thân, tương ái, “đồng cam cộng khổ”, bao dung trong cộng đồng dân tộc Việt Nam
Đại đoàn kết toàn dân tộc là tinh thần tương thân, tương ái, trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội. Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đó, thể hiện trong các câu ca dao, đã được Tổng Bí thư nhiều lần nhắc đến trong các bài nói chuyện như:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Hay câu:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Cũng như những câu tục ngữ thể hiện sự yêu thương gắn bó, tương thân, tương ái: “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”; “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”; “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”… Nếu không có tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc thì không thể có những câu như vậy. Những câu ca dao, tục ngữ trên đây của ông cha, được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đó cũng là lời nhắc nhở về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ tinh thần đại đoàn kết mà nhân dân có sự giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau trong những cơn hoạn nạn như thiên tai lũ lụt, sạt lở, hỏa hoạn, nhất là trong những năm tháng chống dịch bệnh Covid – 19. Giúp đỡ nhau để an ủi, động viên, giảm thiểu những hậu quả xấu, những mất mát, những tổn thương, cùng nhau vượt qua khó khăn. Điều này đã được Tổng Bí thư đề cập trong bài: “Phát huy truyền thống đại đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, đó là: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan nhà nước ra lời kêu gọi, tuyên truyền, vận động, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong nhân dân, góp công, góp sức, góp tiền ủng hộ tuyến đầu phòng, chống dịch, bổ sung nguồn kinh phí của Chính phủ mua vắcxin phòng dịch, góp phần ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng và đẩy lùi đại dịch Covid-19” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 105).
3.5. Truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc là “lá chắn” vững chắc làm thất bại mọi âm mưu chống phá của kẻ thù
Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở, đại đoàn kết là một truyền thống và bài học cực kỳ quý báu của dân tộc; truyền thống đó, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”; “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết!”…
Trong quá trình vận động và phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, trải qua nhiều giai đoạn, ở mỗi giai đoạn đều đã chứng kiến nhiều thủ đoạn thâm độc của kẻ thù nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết để chúng dễ thôn tính, đồng hóa. Chẳng hạn, chính sách “chia để trị” của kẻ thù xâm lược, chúng khoét sâu những sự khác biệt về phong tục, tập quán, tôn giáo….tạo ra những mâu thuẫn giữa các vùng, miền, mâu thuẫn giữa các tộc người, các dòng họ và mâu thuẫn giữa những người có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau… Hiện nay, các thế lực thù địch cũng nhận thấy rõ sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nên chúng ra sức chống phá bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, nhiều chiêu bài khác nhau, hòng phá vỡ khối đoàn kết đó, để đạt được mục tiêu cuối cùng là thủ tiêu sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở “Phải đoàn kết và ngày càng đoàn kết hơn nữa” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr.65). Nếu cộng đồng đoàn kết sẽ tạo ra những hình thức, giải pháp và phương pháp làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù giữ vững sự tồn tại và phát triển của cộng đồng dân tộc theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa.
4. Quan điểm và những vấn đề đặt ra cần giải quyết nhằm phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện mới hiện nay
4.1. Những quan điểm cơ bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay
Kế thừa, phát triển và cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời, quán triệt quan điểm tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cương lĩnh, chủ trương, đường lối, được thông qua tại các kỳ Đại hội của Đảng gần đây; trong các bài viết, bài nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều thể hiện rõ nét những quan điểm cơ bản của Đảng về việc phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Sau đây là một số quan điểm cơ bản của Tổng Bí thư:
Một là, luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là chiến lược và nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam, trước sau như một luôn nhất quán xác định đại đoàn kết là giá trị cốt lõi trong kho tàng truyền thống quý báu của dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu mang đến thành công cho cách mạng Việt Nam. Trong các bài viết và nói chuyện của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đề cập đến truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc đều thể hiện rất rõ quan điểm như vậy. Nhất là, trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 52).
Thể hiện quan điểm trên đây, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đảng ta xác định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 48).
Hai là, phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc phải lấy liên minh công nhân – nông dân – trí thức và các tầng lớp nhân dân lao động khác làm nền tảng và do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đoàn kết rộng rãi mọi người dân Việt Nam yêu nước, không phân biệt giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp hay nam nữ, lứa tuổi… nhưng không phải là một tập hợp lỏng lẻo, tùy hứng ngẫu nhiên, tự phát mà là một khối đoàn kết chặt chẽ, có tổ chức trong mặt trận dân tộc thống nhất. Về lực lượng, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định chiến lược xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là lấy liên minh công nhân – nông dân – trí thức làm nền tảng. Khối liên minh đó phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó là một nguyên tắc bất di bất dịch và nó có ý nghĩa như là một quy luật để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, đảm bảo hoạt động đạt mục đích liên minh một cách có hiệu quả.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu, bởi vì chỉ có Đảng được vũ trang bởi chủ nghĩa Mác-Lênin mới đánh giá đúng đắn và đầy đủ vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân nói chung cũng như nhân dân Việt Nam nói riêng, đồng thời lợi ích của Đảng gắn liền với lợi ích của nhân dân, của dân tộc.
Thứ ba, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải đảm bảo lợi ích cao nhất của quốc gia – dân tộc, quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động; đồng thời quan tâm đến quyền lợi chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Nếu không giải quyết được vấn đề lợi ích một cách hài hòa thì sẽ không thể củng cố phát huy được khối đại đoàn kết.
Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, đã xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 53). Mục tiêu đó cũng chính là đích đến quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đồng nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với mục tiêu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho thấy sự hòa quyện giữa Ý Đảng – Lòng Dân; giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, xuất phát từ nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã bổ sung một số nội dung, phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Lợi ích quốc gia, dân tộc và hạnh phúc của nhân dân được Đảng, Nhà nước đặt lên trên hết, trước hết, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả.
Bốn là, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc phải xây dựng và phát huy các giá trị tích cực tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn,…” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 157).. Nói “hồn cốt” nghĩa là nói đến sức sống của dân tộc, đồng thời cũng là sợi dây liên kết giữa các thành viên cộng đồng, đó là sự đoàn kết. Đảng ta đã khẳng định: văn hóa, văn học, nghệ thuật là một mặt trận quan trọng, một sức mạnh đặc biệt của dân tộc trong công cuộc tự giải phóng mình. Chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa Việt Nam đã thực sự trở thành động lực tinh thần để huy động tất cả mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 160). Vì vậy, “Phát huy các giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa, văn nghệ dân tộc là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc…là nguồn lực to lớn cho sự nghiệp phát triển đất nước” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 315).
Thực tế, trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn học, nghệ thuật nói riêng và truyền thống văn hóa Việt Nam nói chung, đã hun đúc nên một truyền thống sâu sắc và độc đáo. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “nền văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 316).
4.2. Những vấn đề đặt ra cần giải quyết nhằm phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay
Một là, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh là nhân tố đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong việc quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa đang định hướng xây dựng. Bởi vì, Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam; Đảng ra đời, tồn tại và phát triển vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Đảng Cộng sản Việt Nam đã ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hóa…, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường, vì thế đã đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, thoái hóa… trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị. Đồng thời, “thực hiện tốt hơn nữa các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, nhằm làm cho tổ chức đảng và bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 36).
Hai là, củng cố hệ thống chính trị làm cơ sở nòng cốt trong việc phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc
Yêu cầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay là phải “tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đó là, phải tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Phát huy tính tích cực chính trị – xã hội, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia “xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; có cơ chế giải phóng mọi tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo, động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế và quản lý phát triển xã hội” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 62).
Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.
Ba là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa để củng cố và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc
Để xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì cần thiết phải thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân. Phải thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở; làm tốt, có hiệu quả phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 112).
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội cần phát huy, làm tốt vai trò làm nòng cốt để nhân dân làm chủ, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của cấp uỷ, chính quyền các địa phương, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của quần chúng nhân dân.
Hiện nay, Mặt trận và các tổ chức xã hội khác cần phải làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương cũng như các địa phương. Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đảng và tổ chức chính quyền các cấp luôn đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân.
Bốn là, thực hiện tốt chính sách xã hội, củng cố, tăng cường các mối quan hệ đoàn kết nhằm phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc
Các cơ quan nhà nước thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại; bảo đảm cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội, quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Nhất là, nâng cao chất lượng dân số; tận dụng hiệu quả cơ hội thuận lợi từ cơ cấu dân số vàng; chủ động thích ứng với xu thế già hóa dân số; tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất, hội nhập và hiệu quả.
Đồng thời với việc thực hiện tốt chính sách xã hội, cần phát huy tốt hơn nữa vai trò đoàn kết các giai tầng, nêu cao vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới đồng bào, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bên cạnh đó, cần “hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập với xã hội nước sở tại; nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự trọng, tự tôn dân tộc; động viên đồng bào hướng về đất nước, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr.111).
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực làm trong sạch bộ máy nhà nước củng cố lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, con đường đi của dân tộc
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định phải: “đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”, đồng thời gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với “xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (Nguyễn Phú Trọng, 2022: tr. 107).
Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn thừa nhận còn nhiều việc phải làm, nhất là việc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân… Các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta; chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng ta, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm.
Thứ sáu, phát huy thế trận lòng dân phải có giải pháp, cách làm thích hợp làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch bảo vệ vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân
Tăng cường tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khẳng định vấn đề có tính nguyên tắc: lấy dân làm gốc, phát huy quyền làm chủ của dân, nguồn lực nhân dân, thực hiện đoàn kết toàn dân; lấy liên minh công – nông – trí thức làm nền tảng và do Đảng Cộng sản lãnh đạo; bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia – dân tộc, quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động; tổ chức đại đoàn kết dân tộc là mặt trận dân tộc thống nhất; lấy tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục làm phương thức hoạt động chủ yếu. Đồng thời, nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước.
5. Kết luận
Tư tưởng về truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” là thể hiện tập trung quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây cũng là sự kế thừa, phát triển và cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam. Trong cách diễn đạt của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ những quan điểm của mình, đồng thời cũng là quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ vị trí, vai trò đó, Tổng Bí Thư làm rõ những quan điểm cơ bản về việc phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc và chỉ ra những việc cần phải làm để phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, những vấn đề đặt ra có tính cấp bách hiện nay./.
PGS. TS. Lê Thanh Thập