Lời hiệu triệu mang khát vọng và tầm nhìn chiến lược

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, để lại một di sản tư tưởng và lý luận to lớn và quý giá cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Di sản ấy bao gồm nhiều bài viết rất có giá trị đã được đăng trên các báo, tạp chí, nhiều bài phát biểu tại các đại hội, hội nghị, mít tinh, trên các diễn đàn quan trọng trong và ngoài nước, trong đó có một bài viết cách đây 4 năm mà nhiều người không quên. Đó là bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đăng trên Báo Nhân Dân ngày 31 tháng 8 năm 2020 trong bối cảnh toàn Đảng đang khẩn trương chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Bài báo ngay lập tức đã tạo nên sự chú ý lớn của toàn xã hội, làm xuất hiện hàng chục bài viết hưởng ứng của các nhà khoa học, nhà lý luận, nhà chính trị trên các tờ báo lớn của đất nước và hàng trăm ý kiến trên mạng xã hội của những công dân bình thường.

1. Lời hiệu triệu đầy tâm huyết và trách nhiệm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước trong thời đoạn mang tính bước ngoặt của sự nghiệp Đổi mới, phát triển đất nước

Hầu như tất cả mọi người đọc, nghe bài viết vào thời điểm đó dường như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới, đều hào hứng và đồng tình với lời khẳng định của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Bài viết điểm lại chặng đường 35 năm đổi mới, trong đó có 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII với nhiều kết quả nổi bật, đất nước đã có bước phát triển vượt bậc trên tất cả các mặt từ kinh tế, xã hội, văn hóa tới chính trị, an ninh, quốc phòng. Từ một đất nước nghèo nàn, đầy khó khăn trong thế bao vây, cấm vận đã trở thành một nước hội nhập, có quan hệ quốc tế rộng mở, có vị thế được thế giới đánh giá cao. Đời sống của nhân dân được cải thiện không ngừng, đã vượt qua ngưỡng kém phát triển, bước vào nhóm nước thu nhập trung bình. Điều quan trọng là cùng với tăng trưởng kinh tế, đã nỗ lực thực hiện khẩu hiệu “bảo đảm công bằng trong từng bước phát triển”, không để ai bị bỏ lại phía sau mà không được hưởng thụ thành quả phát triển (theo con số thống kê, tỉ lệ hộ nghèo từ 58% năm 1993, 9,88% năm 2016 giảm xuống còn dưới 3% vào năm 2020).

Bài viết đề cập tới đại dịch COVID-19 bùng phát bất ngờ và kéo dài, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến toàn thế giới, gây khó khăn nghiêm trọng và kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế của đất nước, nhưng Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát hiệu quả, giữ được mức tăng trưởng khả quan so với các nước, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của thế giới năm 2020. Điều này càng chứng tỏ sức mạnh nội lực của sự thống nhất, đoàn kết của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý và điều hành nhạy bén, quyết liệt của các cấp chính quyền, sự năng động sáng tạo của các thành phần kinh tế, xã hội. Khi Tổng Bí thư viết bài này, đại dịch mới ỏ giai đoạn đầu, một năm sau mới là đỉnh điểm đối với cả thế giới và Việt Nam, gây nên những khó khăn và thiệt hại không nhỏ về người và của cho đất nước ta. Nhưng sau khi nước ta vượt qua đại dịch, sớm phục hồi lại cho sản xuất, lưu thông, sinh hoạt xã hội, càng cho thấy những nhận định trước đó của Tổng bí thư là đúng đắn.

Tuy nhiên, bên cạnh tự hào, lạc quan, Tổng bí thư cũng chỉ ra một cách thẳng thắn, vào thời điểm kết thúc hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, đất nước ta vẫn còn nhiều yếu kém trên các mặt. Về kinh tế, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng tăng trưởng còn thấp, tính tự chủ, khả năng cạnh tranh quốc tế, khả năng chống chịu với rủi ro của nền kinh tế chưa cao. Kinh tế nhà nước, nhất là doanh nghiệp nhà nước hoạt động còn kém hiệu quả, đang gặp không ít khó khăn, ách tắc. Kinh tế tư nhân trong nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh hơn nhưng chưa thật chắc chắn. Mức độ đổi mới, sáng tạo trong các ngành công nghiệp, dịch vụ còn hạn chế. Nhìn chung, nguy cơ tụt hậu vẫn hiện hữu. Chúng ta còn có những vấn đề bức xúc khác như quản lý tài nguyên, môi trường còn kém; chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp; tình trạng quan liêu, phiền hà, tham nhũng, lãng phí còn nặng…  Những yếu kém đó do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, vừa thuộc về các cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước vừa thuộc về nhận thức và thói quen của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Các nước trên thế giới đều đang đối diện với những cơ hội và khó khăn, thách thức giống nhau như cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, hợp tác và cạnh tranh kinh tế quyết liệt trên phạm vi toàn cầu, biến đổi khí hậu và dịch bệnh bất ngờ, các diễn biến khó lường trong quan hệ quốc tế. Nhưng Việt Nam, có những khó khăn còn ỏ mức nghiêm trọng hơn, chẳng hạn Việt Nam được dự báo sẽ là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu. Không những vậy, chúng ta còn có những khó khăn mà không phải quốc gia nào cũng phải đối mặt, chẳng hạn hậu quả lâu dài của chất độc da cam, là âm mưu và hoạt động chống phá thường xuyên, liên tục của nhiều thế lực thù địch…

Trước thành tựu phát triển của đất nước, rất nhiều người đã hài lòng, hả hê, thậm chí lạc quan tếu, song ngược lại trước những khó khăn, thách thức, không ít người lo lắng, hoài nghi vào tương lai của đất nước. Khác với những suy nghĩ phiến diện, cực đoan đó, với tư cách là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư một mặt khẳng định những thành tựu to lớn, song chỉ ra đã đến lúc toàn đảng, toàn dân ta cần đồng sức, đồng lòng thể hiện và thực hiện khát vọng hùng cường phát triển đất nước. Nếu không có khát vọng, thì không thể đẩy tới công cuộc đổi mới để đưa đất nước vượt qua nguy cơ tụt hậu, tiến kịp thời đại, sánh ngang với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Tư tưởng và quyết tâm đó của Tổng bí thư được thể hiện cụ thể trong mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội Đảng lần thứ XIII (tháng 1 năm 2021) thông qua: đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đọc lại bài viết của Tổng bí thư cách đây 4 năm, lại càng thấy đó như là những lời hiệu triệu đầy tâm huyết của Tổng Bí thư, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, mỗi tổ chức, cán bộ và đảng viên phải thực sự nhận thức hết trách nhiệm to lớn đối với tương lai của đất nước, để thêm nỗ lực, phấn đấu trong chặng đường tiếp theo.

2. Những tư tưởng chỉ đạo mang tính nguyên tắc và chiến lược của Đảng

Bài viết tuy ngắn gọn nhưng khái quát hầu như tất cả những gì căn bản và tinh túy nhất của các văn kiện sẽ trình Đại hội lần thứ XIII thông qua. Đó là những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, những bài học kinh nghiệm đúc rút từ 35 năm đổi mới và xây dựng đất nước, là tư tưởng chiến lược phát triển, là quan điểm về động lực và nguồn lực, các nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của đổi mới, phát triển. Là những người làm nghiên cứu và giảng dạy lý luận, chúng tôi rất tâm đắc với một số điều như sau:

Thứ nhất, phải kiên định trong quá trình đổi mới. Đó là “ kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta đã được Đảng khẳng định tại Đại hội lần thứ VII, trong Cương lĩnh 1991 và Cương lĩnh sửa đổi, bổ sung năm 2011 và luôn được khẳng định lại tại các Đại hội Đảng tiếp theo. Đổi mới là tất yếu nhưng cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, giữa vận dụng và phát triển sáng tạo. Từ thực tiễn, Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định rất đúng: nếu chỉ “kiên định” một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định, mà “đổi mới” một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, “đổi màu”. Quả thật, đây là bài học rút ra từ cải cách, cải tổ ở một số nước khác trên thế giới và từ thành công của công cuộc đổi mới của đất nước ta trong những năm vừa qua. 

Thứ hai, trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý, Đảng và Nhà nước phải xử lý tốt các mối quan hệ biện chứng. Những mối quan hệ này đã được phát hiện, đề ra từ những nhiệm kỳ trước (từ Đại hội X, XI và XII) nay được bổ sung thêm, tạo thành 10 mối quan hệ cần được nhận thức và xử lý khéo léo. Đó là giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa;  giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.

Chỉ ra các mối quan hệ đối lập, song gắn bó thống nhất với nhau chính là thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin mà trước hết và quan trọng hơn hết là vận dụng phương pháp biện chứng duy vật vào nhận thức và hoạt động thực tiễn. Theo đó, trong việc đề ra chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật Đảng phải quán triệt được những mặt đối lập trên, không xem nhẹ mặt nào. Những khái quát này là thành quả tổng kết lý luận và thực tiễn của Đảng ta nhưng có dấu ấn quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư với tư cách là tổng tư lệnh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, là người đứng đầu Tiểu ban Văn kiện của nhiều Đại hội Đảng vừa qua.

Thứ ba, nhân tố quyết định thành công là Đảng. Về mặt lý luận, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, thành công của đổi mới và phát triển đất nước là do cả dân tộc làm nên. Nhưng làm thế nào phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, làm thế nào tạo nên khối đại đoàn kết thực sự và hướng sức mạnh đại đoàn kết vào đúng mục tiêu, nhiệm vụ của mỗi thời kỳ thì tùy thuộc vào năng lực và uy tín của lực lượng lãnh đạo và người lãnh đạo đất nước. Về mặt thực tiễn, toàn bộ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước trong những năm qua chứng minh cho vai trò lãnh đạo không thể thay thế của Đảng Cộng sản Việt Nam. Là đảng cầm quyền, đảng duy nhất lãnh đạo đất nước, lãnh đạo hệ thống chính trị, trong bối cảnh mới của đất nước, trách nhiệm của Đảng lại càng lớn. Nhân dân và đất nước tin tưởng, trông chờ vào Đảng.

Ý thức rõ điều đó, trong tất cả các nhiệm kỳ, đặc biệt nhiệm kỳ vừa qua, bằng ý chí và hành động thiết thực, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đẩy mạnh, có nhiều kết quả nổi bật, nhất là trong đấu tranh chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư. Những kết quả tích cực đó đã  tạo được niềm tin tưởng, phấn khởi và ủng hộ của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân với Đảng. Từ thực tiễn đó, dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII khẳng định rõ hơn yêu cầu đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Tổng Bí thư nhắc đến trong bài viết, là  “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân”.

Đúng như những dòng viết trên, sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư, tiếp tục được đẩy lên một bước mới, chưa từng có, giành được sự tin tưởng, hy vọng lớn lao của các tầng lớp nhân dân, của bạn bè quốc tế về Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng.

Sự nghiệp còn đang tiếp tục mà Tổng bí thư đã đi xa. Nhưng lời hiệu triệu tâm huyết, đầy trách nhiệm của Tổng Bí thư vẫn sẽ lay động, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân kế tục sự nghiệp của Tổng Bí thư, thực hiện khát vọng xây dựng và phát triển đất nước hùng cường./.

PGS. TS. Vũ Hoàng Công

BÀI LIÊN QUAN