Đại hội Triết học Thế giới lần thứ XXV

Kể từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 8 năm 2024, Đại hội Triết học Thế giới lần thứ XXV diễn ra tại Rome, Ý. Đến dự Đại hội, ngoài các đại diện của các hội và các thành viên của Liên đoàn quốc tế các hội triết học (FISP), còn có khoảng 4000 những người nghiên cứu và giảng dạy triết học, các sinh viên triết học thuộc các châu lục trên thế giới.

Ngoài phiên khai mạc, bế mạc, Đại hội có các phiên toàn thể, hội thảo chuyên đề và các tiểu ban chuyên môn. Phát biểu tại phiên khai mạc, GS. Luca Scatino Maria, Chủ tịch Liên đoàn quốc tế các hội triết học, khẳng định rằng, “quyết định tổ chức Đại hội Triết học Thế giới tại Rome được đưa ra trong những ngày đen tối của đại dịch Covid-19. Trong khi vận mệnh xã hội, kinh tế, chính trị, công nghệ và văn hóa chung của thế giới chúng ta đang bị đe dọa, thì Hội Triết học Ý, Đại học Sapienza và cộng đồng triết học Ý đã cùng nhau chung tay đem lại cho chúng ta – những nhà triết học từ khắp nơi trên thế giới – một hy vọng thực sự để duy trì truyền thống lâu đời. Nhìn thoáng qua chương trình toàn thể của Đại hội, chúng ta có thể nhận thấy một nỗ lực chung nhằm đưa những suy tư lý luận, mang tính triết học vào thực tế cuộc sống của thời đại. Các học giả hàng đầu trên thế giới với nhiều nền tảng tri thức khác nhau sẽ thảo luận về các vấn đề đạo đức, xã hội và tâm linh cấp bách. Họ sẽ góp phần xóa bỏ các giới hạn chặt chẽ, cứng nhắc và giải quyết các mối quan tâm cấp bách của công chúng như bất bình đẳng, đa dạng văn hóa và giới tính, tính bền vững trong sự phát triển trên quy mô toàn cầu”.

Thực ra, tại Bắc Kinh năm 2018, Đại hội Triết học thế giới lần thứ XXIV đã quyết định chọn Úc là nước tổ chức Đại hội triết học lần thứ XXV vào năm 2023. Tuy nhiên, do đại dịch covid 19 và một số lý do khách quan khác nữa, Úc xin từ chối không đăng cai tổ chức. Vì vậy, Ý là nước thay thế được chọn đăng cai tổ chức và phải lùi lại 1 năm so với kế hoạch.

Khi nói đến địa điểm và chủ đề của Đại hội, bà Suwanna Satha-Anand,Tổng thư ký Liên đoàn quốc tế các hội triết học cho rằng, từ thời Cổ đại, Rome đã kết nối với thế giới và nền văn minh xa xôi thông qua giao thương trên biển và trên bộ và trao đổi văn hóa. Trong phiên họp cuối cùng của Đại hội tại Bắc Kinh, chúng ta đã ý thức được một cách sâu sắc rằng, sự phát triển của triết học trong thế kỷ này không chấp nhận những chia rẽ triết học lâu đời giữa Đông và Tây, Cổ đại và Hiện đại, Châu Âu và Phần còn lại. Theo quan điểm này, Rome là địa điểm hoàn hảo cho Đại hội Thế giới lần thứ XXV, vì Rome luôn là ngã tư của thế giới và vào năm 2024, Rome một lần nữa, mời tất cả mọi người từ khắp các khu vực trên toàn cầu vào vòng tay của mình. Tôi tin rằng, Đại hội Triết học Thế giới lần thứ 25 này sẽ là một viên ngọc quý khác trong số những kho báu của FISP cũng như các cộng đồng triết học toàn cầu và hơn thế nữa. Chúng ta hy vọng sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về tình trạng của con người và phi con người trong thế kỷ bất ổn và dễ bị tổn thương này.

Chương trình Đại hội ngoài 15 phiên toàn thể và Hội thảo chuyên đề bao gồm 89 tiểu ban chuyên môn[1]. Do tổ chức ở Ý nên chi phí đi lại quá lớn, số lượng các học gia Việt Nam tham dự không nhiều. Ngoài GS.TS. Phạm Văn Đức, Ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn quốc tế các hội triết học nhiệm kỳ 2018 – 2024 và TS. Nguyễn Duy Cường, cán bộ giảng dạy của Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, còn có GS.TS. Hồ Sĩ Quý, PGS.TS. Nguyễn Văn Dân, TS. Hồ Mạnh Tùng, TS. Đỗ Trung Kiên gửi bài tham dự.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 39 thành viên từ 47 người được các hội giới thiệu. Điều đặc biệt là, tại phiên họp đầu tiên của Ban chấp hành vẫn chưa bầu được Chủ tịch mới. GS.Luca Scatino Maria vẫn là người tạm quyền điều hành cho đến khi bầu được Chủ tịch mới. Bên cạnh đó, trong phiên họp toàn thể của các hội, ngày 4 tháng 8 năm 2024, các hội của 3 nước trình bày đề án xin đăng cai tổ chức Đại hội Triết học thế giới lần thứ XXVI vào năm 2028. Nhiệm kỳ đại hội này chỉ kéo dài 4 năm do nhiệm lần thứ XXV kéo dài đến 6 năm. Đó là các nước Ethiopia, UAE và Nhật Bản. Mỗi nước trình bày đề án giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của mình trong thời gian 30 phút. Các đại biểu hỏi, chất vấn khoảng trên dưới 30 phút, sau đó bỏ phiếu. Kết quả Nhật Bản được quyền đằng cai tổ chức Đại hội Triết học thế giới lần thứ XXVI vào năm 2028 tại Tokyo.

Ngoài các hoạt động khoa học, những người tham dự Đại hội có dịp thăm quan các di tích lịch sử văn hóa tại thành phố Rome cổ kính và tráng lệ. Chương trình Đại hội đã diễn ra đúng kế hoạch và kết thúc tốt đẹp. Đại hội lần thứ XXVI sẽ trở lại với châu Á và với khoảng cách không quá xa về địa lý, hy vọng những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy triết học của Việt Nam sẽ tham dự đông đảo hơn.


[1] Xem: Hồ Sĩ Quý. Về Đại hội Triết học thế giới lần thứ XXV (Rome, Italy 1-8/8/2024) và Đại hội Triết học thế giới lần thứ XXIV (Bắc Kinh, Trung Quốc 13-20/8/2018). Tạp chí Nghiên cứu Triết học, số 1/ 2024, tr. 79 – 97.

BÀI LIÊN QUAN